torune
Film critic
Tưởng chừng như một tình huống chỉ xuất hiện trong những phim hành động hay khoa học viễn tưởng, mới đây, hàng loạt búp bê của dòng sản phẩm My Friend Cayla vừa bị chính phủ Đức cấm lưu hành đồng thời yêu cầu các bậc phụ huynh nhanh chóng tiêu hủy đồ chơi này bởi các búp bê có những hoạt động không khác gì gián điệp thời công nghệ cao.
Tuần qua, Cơ quan Mạng lưới Liên bang (Bundesnetzagentur) đơn vị phụ trách các vấn đề liên quan đến viễn thông của Đức đã đăng thông cáo cảnh báo người tiêu dùng sau khi các nhà nghiên cứu chứng minh được rằng hacker có thể dễ dàng kết nối với chip Bluetooth không được bảo mật của búp bê để lắng nghe toàn bộ cuộc trò chuyện đang diễn biến giữa trẻ em (lẫn gia đình) thông qua đồ chơi này.
Búp bê My Friend Cayla được sản xuất bởi Genesis Toys và phân phối bởi đơn vị Vivid Toy Group trên toàn lãnh thổ châu Âu. Trước đó, dòng sản phẩm đã nhận nhiều cáo buộc về các hành vi gián điệp nhưng nhà sản xuất vẫn một mực tuyên bố rằng không có nguy hiểm tiềm tàng, từ đó không có lý do gì để cảnh báo người dùng. Cùng lúc, họ hứa sẽ cập nhật phần mềm cho búp bê (đúng hơn là robot) nhưng tới giờ vẫn chưa thực hiện.
Búp bê My Friend Cayla sở hữu phần cứng khá phức tạp, cho phép nó phản hồi trước câu hỏi của người dùng bằng việc tự động kết nối với Internet. Ví dụ, khi được trẻ em hỏi rằng "Con của con bò được gọi là gì?". Búp bê chắc chắn trả lời rằng "Đó là con nghé". Đáng chú ý, câu hỏi của trẻ em được búp bê nghi âm rồi gửi lên một máy chủ từ xa để gửi về câu trả lời; và nguồn gốc của câu trả lời vẫn còn khá bí ẩn. Có thể là người? Cũng có thể là trí tuệ nhân tạo? Chưa hết, liệu kết nối giữa búp bê và máy chủ có an toàn? Hay như, máy chủ kia âm thầm thu thập dữ liệu từ hộ gia đình và dùng nó vào những mục đích mà chủ nhân không hề hay biết? Còn khá nhiều câu hỏi xoay quanh con búp bê này, biến nó thành ý tưởng thú vị cho một tập phim mới của series "Black Mirror".
Vera Jourova - Ủy Viên Công lý, Người tiêu dùng và Bình đẳng Giới của Liên minh châu Âu - phát biểu: "Tôi cảm thấy lo ngại về ảnh hưởng của những con búp bê được kết nối Internet với tính an toàn và sự riêng tư của trẻ em". Hiện, Ủy ban châu Âu đang tiến hành điều tra liệu những con búp bê này có vi phạm tiêu chuẩn bảo mật châu Âu hay không. Mặc dù vậy, như đã chia sẻ trên đây, một thí nghiệm cho thấy việc 'hack' vào búp bê để nói chuyện trực tiếp với trẻ em hay người chơi nào đó hoàn toàn khả thi. Trước lý do này, Vivid Toy Group biện minh rằng họ yêu cầu người dùng phải làm theo hướng dẫn và trách nhiệm quan sát con trẻ thuộc về các vị phụ huynh.
Còn trong lãnh thổ nước Đức, mọi hành động kinh doanh và sở hữu thiết bị theo dõi đều bất hợp pháp. Và, búp bê My Friend Cayla vừa bị liệt vào danh sách những thiết bị như vầy. Người vi phạm có thể lãnh án tù lên tới 2 năm. Theo lời Ông Hessel, đến từ website Netzpolitik.org, một thiết bị sở hữu chip Bluetooth có thể kết nối với con búp bê công nghệ cao trong bán kính 10m. Chưa hết, hacker có thể dùng một thiết bị khuyếch đại tín hiệu ngụy trang trong hình dáng còi báo cháy hay gạt tàn để mở rộng phạm vi kết nối.
Được biết, đây không phải lần đầu nhà sản xuất Genesis Toys bị khiếu nại. Trước đó, họ đã bị các đơn vị giám sát từ EU, France, Hà Lan, Bỉ, Ireland và Norway tuýt còi. Búp bê My Friend Cayla là một ví dụ cho những thiết bị thông minh kết nối với mạng lưới IoT, tương tự Amazon Echo hay Google Home. Điểm chung của những thiết bị này là chúng sở hữu nhiều cảm biến (camera, microphone, cảm biến nhiệt...). Theo ước tính của nhà nghiên cứu thị trường Gartner, trong năm 2016, đủ loại cảm biến đã được tích hợp trong hơn... 6 tỷ thiết bị.
Về phía các bậc phụ huynh hiện có con đang chơi thân với búp bê kiểu này, các chuyên gia khuyên rằng không nên tiêu hủy đồ chơi ngay trước mặt con trẻ mà hãy dẫn con ra tiệm, mua một món đồ chơi thay thế mà trẻ yêu thích để trẻ dần quên đi sự hiện diện của My Friend Cayla.
Theo BBC
Chỉnh sửa lần cuối: