Microsoft cảnh báo lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên SharePoint, ảnh hưởng đến 9.000 tổ chức toàn cầu. Cần chiến lược an ninh mạng toàn diện để bảo vệ doanh nghiệp.
Vào tháng 7 năm 2025, Microsoft đã phát hành một cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến lỗ hổng bảo mật trên nền tảng SharePoint, vốn đang bị tin tặc khai thác. Vụ việc đã tác động đến hơn 9,000 tổ chức trên toàn cầu đang vận hành SharePoint Server, trong đó kẻ tấn công lợi dụng quyền truy cập ở phía máy chủ để phá vỡ lớp xác thực và chiếm quyền điều khiển hệ thống.
SharePoint là công cụ nền tảng mà nhiều doanh nghiệp sử dụng để chia sẻ và cộng tác tài liệu. Khi bị tấn công, không chỉ các tệp dữ liệu nhạy cảm bị đe dọa mà toàn bộ hoạt động điều hành nội bộ có nguy cơ bị đình trệ.
Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của một chiến lược an ninh mạng mạnh mẽ. Chỉ có những mô hình phòng vệ đa tầng, được thiết kế toàn diện và linh hoạt, mới đủ sức bảo vệ hệ thống CNTT của doanh nghiệp trước các rủi ro ngày càng phức tạp.
Doanh nghiệp cần phòng vệ nhiều lớp để ứng phó rủi ro mạng
Từ lỗ hổng trên SharePoint, có thể thấy kẻ tấn công không nhắm trực diện vào hệ thống chính, mà khai thác từ những bên thứ ba ít được chú ý để xâm nhập gián tiếp. Điều này cho thấy các biện pháp bảo vệ truyền thống như tường lửa hay phần mềm diệt virus đơn lẻ là chưa đủ.
Chiến lược an toàn mạng hiệu quả cần bao gồm hàng loạt lớp bảo vệ như bảo mật đầu cuối, phân vùng hệ thống mạng, mã hóa dữ liệu, kiểm soát quyền truy cập, phát hiện hành vi bất thường và sao lưu định kỳ. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài cũng phải tuân thủ quy chuẩn bảo mật, được đánh giá và kiểm tra định kỳ để hạn chế lỗ hổng phát sinh từ đối tác.
Các giải pháp trọng yếu trong chiến lược an ninh toàn diện
Bảo vệ thiết bị đầu cuối: Việc trang bị công cụ phát hiện và phản ứng điểm cuối (EDR) kết hợp phần mềm chống mã độc giúp nhận diện sớm các nguy cơ. Tin tặc thường bắt đầu từ một thiết bị đơn lẻ để lan rộng toàn hệ thống nếu không bị phát hiện kịp thời.Bảo vệ mạng nội bộ: Doanh nghiệp cần phân đoạn mạng và sử dụng tường lửa để cô lập các vùng quan trọng, đồng thời tích hợp các công cụ phát hiện/xử lý xâm nhập (IDS/IPS) để giám sát lưu lượng, sớm ngăn chặn các hành vi bất thường.
Bảo vệ dữ liệu: Các dữ liệu cá nhân và thông tin nội bộ cần được mã hóa, kết hợp giải pháp chống rò rỉ dữ liệu (DLP) nhằm kiểm soát việc sao chép hoặc chia sẻ ra bên ngoài hệ thống.
Quản lý truy cập an toàn: Mô hình “zero-trust” và phân quyền tối thiểu theo vai trò là chìa khóa hạn chế truy cập không hợp lệ. Bên cạnh đó, cần triển khai xác thực đa yếu tố (MFA), đăng nhập một lần (SSO) và hệ thống IAM để kiểm soát định danh và phân quyền một cách tập trung.
Giám sát mối nguy an ninh: Triển khai hệ thống SIEM giúp thu thập và phân tích nhật ký bảo mật từ nhiều nguồn, hỗ trợ phát hiện sớm hành vi xâm nhập và giảm thiểu thời gian phản ứng với sự cố.
Luôn cập nhật hệ thống: Việc duy trì bản vá phần mềm và firmware kịp thời sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu lỗ hổng bị khai thác.
Sao lưu và khôi phục: Không chỉ sao lưu đều đặn, doanh nghiệp cần có cơ chế lưu trữ phiên bản dự phòng ở nhiều vị trí khác nhau để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bị ransomware mã hóa dữ liệu.

Khôi phục dữ liệu – lớp bảo vệ cuối trong hệ thống phòng thủ
Khi các lớp bảo vệ phía trước bị vượt qua, giải pháp sao lưu là tuyến phòng thủ cuối cùng giúp khôi phục hoạt động. Do đó, doanh nghiệp cần sao lưu toàn bộ dữ liệu vận hành, đồng thời tăng cường khả năng cách ly và kiểm tra tính khả dụng của bản sao lưu.Trong môi trường IT hiện đại với đa dạng workload, mọi nền tảng dữ liệu đều cần được bảo vệ nhất quán. Việc bỏ sót bất kỳ hệ thống nào sẽ tạo ra điểm yếu để ransomware xâm nhập và lan rộng.
Synology khuyến cáo doanh nghiệp triển khai các phương pháp sao lưu đặc thù như:
- Sao lưu bất biến: Dữ liệu được giữ nguyên, không thể chỉnh sửa hay xóa bỏ trong suốt thời gian lưu trữ, giúp ngăn chặn thao tác xâm nhập trực tiếp.
- Sao lưu ngoại tuyến: Bản sao dữ liệu được lưu tách biệt khỏi môi trường mạng chính, giúp tránh bị ảnh hưởng nếu hệ thống trực tuyến bị mã hóa.
Vì thế, doanh nghiệp nên tích hợp quy trình kiểm tra định kỳ và diễn tập khôi phục dữ liệu vào hệ thống vận hành. Việc sử dụng các công cụ có khả năng phục hồi tức thì sẽ giúp rút ngắn thời gian gián đoạn và hạn chế thiệt hại nếu xảy ra sự cố mạng.