hoabantrang
Well-Known Member
Lời đầu tiên em xin nói rõ đây không phải là nhật ký của em. Nhân vật Tôi trong nhật ký là một Liệt sỹ đã hy sinh ở điểm cao 384 trong kháng chiến chống Mĩ. Em không biết post vào đâu bởi nó cũng là chuyện thật tự kể mặc dù không phải của em. Em muốn đưa câu chuyện này đến với nhiều người hơn ra bên ngoài facebook, có thể hiểu biết hơn về những khó khăn gian khổ mà quân và dân ta gặp phải trong cuộc kháng chiến cứu nước. Các bác mod xem xét di chuyển giúp em đến đúng chỗ với nhé. Em xin cảm ơn !
Cuốn nhật ký được số hóa từ nhật ký của Liệt Sỹ Dương Văn Minh - là một trong số các chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh trên điểm cao 384 - bởi một nhóm bạn trẻ yêu thích chủ đề người lính và quân sự sinh hoạt trên facebook tại địa chỉ : http://www.facebook.com/WarComissar. Em xin đi vào nội dung chính.
Nguồn: https://www.facebook.com/WarComissar
Cuốn nhật ký được số hóa từ nhật ký của Liệt Sỹ Dương Văn Minh - là một trong số các chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh trên điểm cao 384 - bởi một nhóm bạn trẻ yêu thích chủ đề người lính và quân sự sinh hoạt trên facebook tại địa chỉ : http://www.facebook.com/WarComissar. Em xin đi vào nội dung chính.
Cuốn nhật kí được chuyển tới tay chúng tôi thông qua cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu. Trăn trở lớn nhất của ông Dương Văn Minh ( đã mất ) người ghi lại cuốn nhật kí này cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu là chưa tìm được hài cốt của các liệt sĩ Đại đội 62 anh dũng đã nằm lại trên đồi 384 về với quê hương, cũng như câu chuyện về những người anh hùng ấy chưa được gia đình các liệt sĩ còn lại biết tới. Vì vậy xin cộng đồng hãy cùng chung tay giúp sức, đưa cuốn nhật ký này tới gia đình những người anh hùng sau nếu có thể tìm được:
Liệt sỹ : Đồng Văn Soạn. Sinh năm : 1948. Quê: Phú Lương – Thái Nguyên. Nhập ngũ: 1967. Thiếu Úy. Đại Đội Trưởng. Đảng Viên. Hy sinh: 18-4-1972 tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: HOẠT. Quê: Kiến An - Hải Phòng. Chuẩn úy, Đại đội trưởng. Đảng viên. Hy sinh: 27-1-1973. Tại cầu Suối Vối. Xã Song An. An Khê. Gia Lai <đường 19>.
Liệt sỹ: Nông Văn Thu. Năm sinh: 1948. Quê: Bản Noọng. Xã ?. Huyện Phú Lương. Thái Nguyên. Nhập ngũ: 1967. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Đào Duy Hiển. Năm sinh: 1953. Quê: xóm Minh Phượng. Nham Sơn. Yên Dũng. Bắc Giang. Nhập ngũ 5-1971. Chiến sỹ. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Hà Văn Bình. Quê: Thị xã Hòa Bình. Dân tộc Mường. Hạ sỹ. Y tá đại đội. Hy sinh 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Nguyễn Văn Du. Quê: Quế Võ - Bắc Ninh. Nhập ngũ: 1970. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Kiều Minh Toán. Năm sinh: 1951. Quê : Ba Vì. Hà Tây. Nhập ngũ:1970. Hạ sỹ. Tiểu đội phó. Đảng viên. Hy sinh 18-4-1972. Tại cao điểm 384. Đơn vị : Đại đội 51. Tiểu đoàn 5. Trung đoàn 12. Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Liệt sỹ: Trần Văn Chính. Năm sinh: 1953. Quê: xóm Sến. Hồng Thái. Việt Yên. Bắc Giang. Nhập ngũ : 15-5-1971. Chiến sỹ liên lạc. Hy sinh : 13-4-1972. Tại cao điểm 384. Đơn vị: Đại đội 1 Công binh, tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, sư đoàn 3 Sao Vàng.
Bối cảnh lịch sử
Tại cuộc họp ngày 15 tháng 8 năm 1971, các thành viên chủ chốt trong Bộ chính trị đã quyết định mở một cuộc tấn công lớn vào năm 1972 trên 3 hướng chiến lược: Trị Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ. Trong đó, hướng Trị Thiên - Huế được chọn làm hướng tấn công chính. Hướng Đông Nam bộ là hướng tấn công quan trọng và Tây Nguyên là hướng tấn công thứ yếu. Đồng bằng Trung Trung Bộ và Đồng Bằng Nam Bộ là những hướng phối hợp.
Điện ngày 8 tháng 3 năm 1972 của Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam gửi Trung ương cục miền Nam có đoạn viết: "Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh... trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận.. và ngoại giao... tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh... bằng một giải pháp chính trị ... mà Mỹ có thể chấp nhận được".
Trên mặt trận phối hợp đồng bằng Nam Trung Bộ, Sư đoàn 3 Sao Vàng ( thiếu trung đoàn 12 ) tổ chức tấn công giải phóng 3 huyện ở Bắc Bình Định. Trung đoàn 12 của các chiến sĩ trong cuốn nhật ký sau có nhiệm vụ chốt giữ đường 19 huyết mạch nối từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên. Không cho địch tổ chức ứng cứu lẫn nhau giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tạo thế chia cắt, giảm thiểu sức mạnh hỏa lực chi viện, tiếp tế của địch.
Trên đường 19, đoạn từ Thượng Giang – Bình Định tới đèo An Khê – Gia Lai là vùng rừng núi hiểm trở, đường dốc quanh co, tầm nhìn hạn chế tới mức tối đa. Dễ phục kích, đánh chặn các đoàn cơ giới – tiếp tế chuyển quân nên ta và địch tranh giành kiểm soát khu vực hết sức ác liệt. Trung đoàn 12 tổ chức chốt giữ ở hai điểm cao 638, 384 và khu vực cống Hang Dơi nằm trên mặt đường 19. Ba điểm nói trên tạo thành một bức tường thép chắn ngang đường 19. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 trong cuốn Nhật ký này được giao chốt giữ cao điểm 384.
Các chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng ngày ấy có câu : "ăn xóm 4, ngủ xóm 5, máu xóm 6". Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 12, nổi tiếng vì đánh rất nhiều trận cực kì ác liệt với kẻ thù. Nổi tiếng nhất có lẽ là trận đánh vào Đập Đá, cửa ngõ khu vực thị xã Quy Nhơn tháng 1 năm 1968. Hơn năm trăm cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng trong vòng vây đông đảo của kẻ thù cho tới khi súng hỏng, đạn hết. Cuối cùng chỉ còn hơn mươi người trở về. Và truyền thống đó còn được tiếp tục phát huy bởi các thế hệ sau của tiểu đoàn ngay cả trong chiến tranh biên giới chống Trung Quốc bành trướng sau này.
Đối thủ của các chiến sĩ sư 3 ngày ấy chủ yếu là Sư đoàn Mãnh Hổ - lính Nam Triều Tiên, nổi tiếng với việc huấn luyện kĩ càng, thiện chiến. Tinh thông võ thuật, thủ đoạn chiến trường tinh vi, lại được Hải Lục Không quân Hoa Kỳ hỗ trợ bằng pháo, máy bay suốt ngày đêm. Và trong cuốn nhật ký này cũng vậy. Chỉ 12 chiến sĩ Đại đội 62 tiểu đoàn 6 đã anh dũng chống trả một tiểu đoàn Mãnh Hổ cùng mưa bom, pháo, rốc két của kẻ thù cho tới giọt máu cuối cùng trên cao điểm 384 anh hùng ấy...
Nguồn: https://www.facebook.com/WarComissar