Nhật ký cao điểm 384

hoabantrang

Well-Known Member
Lời đầu tiên em xin nói rõ đây không phải là nhật ký của em. Nhân vật Tôi trong nhật ký là một Liệt sỹ đã hy sinh ở điểm cao 384 trong kháng chiến chống Mĩ. Em không biết post vào đâu bởi nó cũng là chuyện thật tự kể mặc dù không phải của em. Em muốn đưa câu chuyện này đến với nhiều người hơn ra bên ngoài facebook, có thể hiểu biết hơn về những khó khăn gian khổ mà quân và dân ta gặp phải trong cuộc kháng chiến cứu nước. Các bác mod xem xét di chuyển giúp em đến đúng chỗ với nhé. Em xin cảm ơn !
Cuốn nhật ký được số hóa từ nhật ký của Liệt Sỹ Dương Văn Minh - là một trong số các chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh trên điểm cao 384 - bởi một nhóm bạn trẻ yêu thích chủ đề người lính và quân sự sinh hoạt trên facebook tại địa chỉ : http://www.facebook.com/WarComissar. Em xin đi vào nội dung chính.


Cuốn nhật kí được chuyển tới tay chúng tôi thông qua cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu. Trăn trở lớn nhất của ông Dương Văn Minh ( đã mất ) người ghi lại cuốn nhật kí này cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu là chưa tìm được hài cốt của các liệt sĩ Đại đội 62 anh dũng đã nằm lại trên đồi 384 về với quê hương, cũng như câu chuyện về những người anh hùng ấy chưa được gia đình các liệt sĩ còn lại biết tới. Vì vậy xin cộng đồng hãy cùng chung tay giúp sức, đưa cuốn nhật ký này tới gia đình những người anh hùng sau nếu có thể tìm được:
Liệt sỹ : Đồng Văn Soạn. Sinh năm : 1948. Quê: Phú Lương – Thái Nguyên. Nhập ngũ: 1967. Thiếu Úy. Đại Đội Trưởng. Đảng Viên. Hy sinh: 18-4-1972 tại cao điểm 384.

Liệt sỹ: HOẠT. Quê: Kiến An - Hải Phòng. Chuẩn úy, Đại đội trưởng. Đảng viên. Hy sinh: 27-1-1973. Tại cầu Suối Vối. Xã Song An. An Khê. Gia Lai <đường 19>.

Liệt sỹ: Nông Văn Thu. Năm sinh: 1948. Quê: Bản Noọng. Xã ?. Huyện Phú Lương. Thái Nguyên. Nhập ngũ: 1967. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Đào Duy Hiển. Năm sinh: 1953. Quê: xóm Minh Phượng. Nham Sơn. Yên Dũng. Bắc Giang. Nhập ngũ 5-1971. Chiến sỹ. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.

Liệt sỹ: Hà Văn Bình. Quê: Thị xã Hòa Bình. Dân tộc Mường. Hạ sỹ. Y tá đại đội. Hy sinh 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Nguyễn Văn Du. Quê: Quế Võ - Bắc Ninh. Nhập ngũ: 1970. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Hy sinh: 15-4-1972. Tại cao điểm 384.
Liệt sỹ: Kiều Minh Toán. Năm sinh: 1951. Quê : Ba Vì. Hà Tây. Nhập ngũ:1970. Hạ sỹ. Tiểu đội phó. Đảng viên. Hy sinh 18-4-1972. Tại cao điểm 384. Đơn vị : Đại đội 51. Tiểu đoàn 5. Trung đoàn 12. Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Liệt sỹ: Trần Văn Chính. Năm sinh: 1953. Quê: xóm Sến. Hồng Thái. Việt Yên. Bắc Giang. Nhập ngũ : 15-5-1971. Chiến sỹ liên lạc. Hy sinh : 13-4-1972. Tại cao điểm 384. Đơn vị: Đại đội 1 Công binh, tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, sư đoàn 3 Sao Vàng.

Bối cảnh lịch sử
Tại cuộc họp ngày 15 tháng 8 năm 1971, các thành viên chủ chốt trong Bộ chính trị đã quyết định mở một cuộc tấn công lớn vào năm 1972 trên 3 hướng chiến lược: Trị Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ. Trong đó, hướng Trị Thiên - Huế được chọn làm hướng tấn công chính. Hướng Đông Nam bộ là hướng tấn công quan trọng và Tây Nguyên là hướng tấn công thứ yếu. Đồng bằng Trung Trung Bộ và Đồng Bằng Nam Bộ là những hướng phối hợp.
Điện ngày 8 tháng 3 năm 1972 của Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam gửi Trung ương cục miền Nam có đoạn viết: "Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh... trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận.. và ngoại giao... tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh... bằng một giải pháp chính trị ... mà Mỹ có thể chấp nhận được".
Trên mặt trận phối hợp đồng bằng Nam Trung Bộ, Sư đoàn 3 Sao Vàng ( thiếu trung đoàn 12 ) tổ chức tấn công giải phóng 3 huyện ở Bắc Bình Định. Trung đoàn 12 của các chiến sĩ trong cuốn nhật ký sau có nhiệm vụ chốt giữ đường 19 huyết mạch nối từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên. Không cho địch tổ chức ứng cứu lẫn nhau giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tạo thế chia cắt, giảm thiểu sức mạnh hỏa lực chi viện, tiếp tế của địch.
Trên đường 19, đoạn từ Thượng Giang – Bình Định tới đèo An Khê – Gia Lai là vùng rừng núi hiểm trở, đường dốc quanh co, tầm nhìn hạn chế tới mức tối đa. Dễ phục kích, đánh chặn các đoàn cơ giới – tiếp tế chuyển quân nên ta và địch tranh giành kiểm soát khu vực hết sức ác liệt. Trung đoàn 12 tổ chức chốt giữ ở hai điểm cao 638, 384 và khu vực cống Hang Dơi nằm trên mặt đường 19. Ba điểm nói trên tạo thành một bức tường thép chắn ngang đường 19. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 trong cuốn Nhật ký này được giao chốt giữ cao điểm 384.
Các chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng ngày ấy có câu : "ăn xóm 4, ngủ xóm 5, máu xóm 6". Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 12, nổi tiếng vì đánh rất nhiều trận cực kì ác liệt với kẻ thù. Nổi tiếng nhất có lẽ là trận đánh vào Đập Đá, cửa ngõ khu vực thị xã Quy Nhơn tháng 1 năm 1968. Hơn năm trăm cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng trong vòng vây đông đảo của kẻ thù cho tới khi súng hỏng, đạn hết. Cuối cùng chỉ còn hơn mươi người trở về. Và truyền thống đó còn được tiếp tục phát huy bởi các thế hệ sau của tiểu đoàn ngay cả trong chiến tranh biên giới chống Trung Quốc bành trướng sau này.
Đối thủ của các chiến sĩ sư 3 ngày ấy chủ yếu là Sư đoàn Mãnh Hổ - lính Nam Triều Tiên, nổi tiếng với việc huấn luyện kĩ càng, thiện chiến. Tinh thông võ thuật, thủ đoạn chiến trường tinh vi, lại được Hải Lục Không quân Hoa Kỳ hỗ trợ bằng pháo, máy bay suốt ngày đêm. Và trong cuốn nhật ký này cũng vậy. Chỉ 12 chiến sĩ Đại đội 62 tiểu đoàn 6 đã anh dũng chống trả một tiểu đoàn Mãnh Hổ cùng mưa bom, pháo, rốc két của kẻ thù cho tới giọt máu cuối cùng trên cao điểm 384 anh hùng ấy...

Nguồn: https://www.facebook.com/WarComissar
 

hoabantrang

Well-Known Member
Giới thiệu
Ngày ấy tôi là chiến binh của đơn vị: C62.D6.E12.F3 Sao Vàng, Quân giải phóng Nam Tung Bộ
CHIẾN DỊCH XUÂN HÈ 1972
Bộ đội trung đoàn 12 mở chiến dịch triệt cắt giao thông đường 19 (Quy Nhơn - Plây Cu) nhằm mục đích:

1. Tạo điều kiện cho Tây Nguyên giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh.
2. Kìm chân sư đoàn "Mãnh Hổ" Nam Triều Tiên, không cho chúng ứng cứu chiến trường Bắc Bình Định. Tạo điều kiện cho các đơn vị khác của sư đoàn giải phóng Bắc Bình Định

Trong nhiệm vụ chung đó, Đại đội 62 trong đội hình Tiểu đoàn 6 nhận nhiệm vụ chốt giữ cao điểm quan trọng của mặt trận - Cao điểm 384.

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ gồm 1 trung đội, dưới dự chỉ huy trực tiếp của Đại đội trưởng Đồng Văn Soạn và Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu.

DANH SÁCH GỒM
Đồng Văn Soạn
Nguyễn Tiến Liễu
Đỗ Huy Phước
Vũ Ngọc Khương
Nông Văn Thu
Nguyễn Văn Du
Hà Văn Bình
Đào Duy Hiển
Kiều Minh Toán
Đoàn Văn Thực
Trần Văn Chính
và tôi: Dương Văn Minh.

Mười một anh em chúng tôi Đại đội 62 và Kiều Minh Toán, chiến binh bổ sung của Tiểu đoàn 5, tuổi từ 19 đến 24. Riêng anh Nguyễn Tiến Liễu, Trung đội trưởng, tổ trưởng Đảng, cao tuổi nhất: 38 tuổi, chúng tôi tôn anh là anh cả. Trung đội chốt đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, thề chiến đấu giữ chốt đến giọt máu cuối cùng. Qua 10 ngày đêm chiến đấu, 8 người anh dũng hy sinh, 3 người bị thương rời trận địa. Tôi là người còn lại cuối cùng, chứng kiến mọi sự việc xảy ra qua 10 ngày đêm sống và chiến đấu trên cao điểm. Tôi xin ghi lại toàn bộ sự việc qua những trang nhật ký này, để ca ngợi hành động chiến đấu dũng cảm hy sinh oanh liệt của đồng đội tôi và của tập thể chốt, của ngọn đồi 384 đã đi vào huyền thoại.

 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 9 tháng 4 năm 1972
Sau hai ngày trời lặn rừng lội suối, hôm nay tới đây - suối Đồng Tre. Lúc này lại quá nhàn rỗi, quay ra ngủ. Bởi cái thú bậc nhất của thằng lính trong chiến tranh là được ngủ yên tĩnh, không bị quấy rầy. Ngày hôm nay tôi đã được "tận hưởng" cái thú ấy. Bao nhiêu cái suy nghĩ, tính toán đã có "đội ngũ" cựu binh họ đảm đương. Mình là lính mới, biết gì mà "tham mưu". Vậy nên cứ ngủ phứa đi. Ngủ "trả thù" cho mấy đêm, mấy ngày vừa rồi ngủ ít vì phải tranh thủ hành quân.


Lý do nữa là đội anh Liễu, anh Thu đi xác định vị trí của 384. Đến là rầy rà. Những mỏm núi phía Bắc suối Đồng Tre. Đâu là 384? Khó tìm ghê! Anh Soạn đại đội trưởng biết nhưng lại đi sau, nên chúng tôi mới phải nhọc công thế này.
Quá trưa sang chiều các anh trở lại. Thu lầm bầm oán trách "thằng Soạn" đồng hương quan liêu làm khổ anh em. Anh Liễu bảo: "Cố gắng ngủ nốt buổi chiều còn lại. Kẻo mà lên chốt muốn ngủ cũng không được nữa".

Chạng vạng tối - Hành quân chiếm lĩnh

Tôi khoác balô nặng nơi vai. Súng treo nơi ngực. Tay phải cầm gậy, tay trái gạt cây rậm, bám sát người đằng trước. Biết rằng từ đây, đời sẽ diễn ra những điều ghê gớm. Khó khăn khốc liệt của cảnh lính trận sẽ là vô cùng. Song mình là thằng lính biết tôn trọng danh dự. Phải hạ quyết tâm mà xốc tới thôi. Không thể sống khác được đâu. Đường lên cao điểm cheo leo hiểm trở vô cùng. Dốc đó dựng đứng. Lối mòn luồn giữa những dây rợ chằng chịt. Bám sát nhau mà leo ngược con dốc dựng đứng, trong hoàn cảnh phải tuyệt đối giữ bí mật. Không dám thở to. Đoàn người gồm 8 anh em cứ lầm lũi bám sát nhau, bám rễ cây mà leo lên. Ai cũng mang trên lưng một trọng lượng khá nặng. Cánh lính mới chúng tôi cùng mang tới 45 kg. Riêng Nông Văn Thu mang tới 60 kg trên lưng mà vẫn dẫn đầu đội hình. Bản thân tôi thì... ôi chao mệt quá chừng.


Chưa bao giờ tôi phải cố gắng đến tột mức như thế này. Đành phải cố mà theo anh em thôi. Tới đỉnh núi. Nghỉ. Chắc là trận địa đây rồi. Ngoái nhìn lại chặng đường: Mừng vì cuộc hành quân mang nặng leo ngược dốc đã kết thúc. Sợ vì cuộc đời lính trận là muôn ngàn những thử thách, muốn hay không muốn cũng khó lòng mà chối từ. 384 "đón tiếp" ta thế này đây. Phải chăng là sự báo trước những khốc liệt của cảnh lính "chốt"? Điểm lại đủ 8 anh em: Liễu - Thu - Khương - Bình - Du - Hiển - Thực - Ninh. (Để biết rằng không có ai hèn nhát phải đào ngũ). "Họp"! Anh Liễu hạ thấp giọng, đầy quan trọng:

- Tuyệt đối giữ bí mật. Anh chỉ tay về phía mỏm núi phía Đông Nam trận địa. Các cậu đã nhìn thấy thằng Sô-Đô rồi chứ?

Kẻ thù chính sẽ không đội chung trời với chúng ta đấy. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là không còn kịp để rút kinh nghiệm nữa đâu. Cấm nói to, va động mạnh, phát ánh sáng. Phải đảm bảo tuyệt đối bí mật đến giờ D ngày N. Đã gần địch thì chẳng cần nói nhiều, ai cũng tự biết phải làm gì vì không thể đùa với thần chết được.

Lệnh: Đào công sự!

Tranh thủ màn đêm. Tranh thủ thời gian. Khẩn trương bí mật triển khai công sự sớm chừng nào tốt chừng đó. Biết rõ lợi thế của loại áo giáp này trong chiến tranh, chúng tôi đã dồn mọi khả năng sức khỏe, thức suốt đêm để đào dũi. Mỗi tổ 3 người. Phân công nhau: 1 cảnh giới, 2 đào. Không có "chế độ" ngủ trong đêm. Tổ của tôi gồm: Thu - Du - tôi. Chúng tôi đã thức trắng đêm đầu tiên trên chốt. May "áo giáp" như thế đấy.

Một đêm không ngủ đã qua. Buổi đầu tôi đã biết được đời lính chiến trong khói lửa là thế nào. Liệu rồi mình sẽ ra sao đây? Có đủ sức mà đạp bằng, mà chịu đựng, mà vượt qua xốc tới như đã thề trước khi ra trận không?

 

tusontay

Huyền Thoại
Lịch sử đã qua rồi, hãy để nó nằm yên, khơi gợi lên làm gì? :(

Hãy lo cho tương lai ở hai chỗ "nhạy cảm" kia kìa!
 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 10 tháng 4 năm 1972
Buổi sáng, ngụy trang thật khéo để che mắt thằng Sô-Đô trước mặt chỉ cách ngàn mét. Để che con mắt của thằng OV10 cứ vè vè săn tìm suốt ngày. Rồi mới có thể làm được. Tôi ngồi cảnh giới cho Thu và Du làm. Vậy mà càng đỡ vướng cho hai người. Bởi một thằng thằng gầy loẻo ngoẻo như tôi theo sao kịp 2 ông "hộ pháp". Dù tôi có cố gắng bao nhiêu thì "tiến độ" vẫn bị chậm. Tôi cuốc thì không đủ đất cho anh xúc. Tôi xúc thì không theo kịp anh cuốc. Đất cứ đùn thành đống tướng. Vậy nên tôi càng phải cố trong mọi "lĩnh vực", sợ nhất là họ chê mình là hèn kém. Thế mới biết sức khỏe cần cho thằng lính là thế nào. Xin được giới thiệu "tiểu sử" của 2 vị cựu binh.


Nông Văn Thu. Quê: Bản Noọng, xã X huyện Phú Lương - Bắc Thái. Dân tộc Tày. 24 tuổi. Nhập ngũ: 1967. Cao: cỡ 1m70, nặng: 75 kg. Trắng, đẹp trai, hiền lành, thật thà, bản tính lầm lỳ, ít nói, làm luôn chân tay. Gặp ai khó khăn sẵn sàng giúp đỡ. Sức khỏe của anh vào loại hiếm có. Tôi chưa từng thấy ai khỏe như anh. Đúng quả là một con gấu của núi rừng Việt Bắc. Có một chuyện về anh thế này:

Một lần Thu và Du đi công tác, trên đường rẽ vào làng Mật (một buôn nhỏ của người Ba-na) gặp một phụ nữ trở dạ đẻ giữa đường. Không chần chừ, Thu ra lệnh cho Du: Hạ balô xuống giúp người ta. Thế là lập tức, Thu làm "bác sỹ" khoa sản. Còn Du, dù muốn hay không muốn, cũng phải làm "hộ lý" bất đắc dĩ, ngoan ngoãn phục tùng sự sai bảo của Thu, không dám nhìn việc Thu làm. Để rồi sau đó, câu chuyện trên được Du "chuyển thể" thành câu truyện tiếu lâm; nhắm mắt, ôm bụng, vỗ đùi, vừa cười sằng sặc vừa kể. Cánh lính trẻ chúng tôi hưởng ứng câu truyện rất nhiệt tình, và những trận cười như pháo lại nổ ra, cho dù Du kể đi kể lại tới lần thứ bao nhiêu, vẫn làm cho chúng tôi phải bò ra mà cười. Trước việc làm phúc đức của Thu rất đáng được ca ngợi và nêu gương, để cho câu truyện thêm rôm rả, chúng tôi xoáy vào chọc Du. Du chẳng hề tự ái chút nào, còn thêm thắt những chi tiết hài hước để chọc Thu (vì chúng tôi không ai dám chọc "con gấu" ấy). Mỗi lần như vậy, Thu chỉ lầm lì chăm chú vào việc đang làm, dường như không có trận cười, và không chú ý đến trận cười đang "hại mình". Quá lắm, một lần Thu hỏi Du: "Mày cười thế có sướng cái miệng không Du?". Vậy là chúng tôi lại bò ra cười.

Là tiểu đội trưởng, dày dạn kinh nghiệm qua nhiều trận đánh, anh trực tiếp "huấn luyện" tôi mọi động tác trong chiến đấu và vận động cá nhân. Thấy gì, nghĩ gì anh bảo tôi vậy, rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình làm "khoa mục" hướng dẫn tôi. Tôi là "học trò" vốn đã có sự khâm phục anh sẵn nên cứ im như thóc mà nghe. Thu "kết luận" bài giảng bằng ngôn ngữ người Tày của anh như thế này: "Đánh nhau, phải biết chết, đừng biết sống vớ". Nghĩa là anh bảo tôi: Đã là lính chiến thì không được sợ chết. Có chấp nhận cái chết thì mới đủ bình tĩnh, dũng cảm để chiến đấu và chiến thắng. Nông Văn Thu là thế đấy. Một người lính có tài, có đức. Nên học tập nhiều ở anh lắm chứ.

Nguyễn Văn Du. Quê: Quế Võ, Hà Bắc. Nhập ngũ: 1970. Cao: 1m65. Nặng: cỡ 60 kg. Da ngăm đen, đẹp trai. Trung sỹ - Tiểu đội trưởng. Đã qua chiến đấu nhiều trận nên dày dạn kinh nghiệm. Dũng cảm - gan dạ. Có tài ném lựu đạn "chụp", nghĩa là quả lựu đạn của anh tung ra, cách mặt đất 1 mét đã nổ tung trên không như quả pháo chụp vậy, cách này của anh gây sát thương rất cao cho địch. Chúng tôi không dễ gì mà học tập được ở anh kinh nghiệm ấy. Tai nghễnh ngãng vì bị sức ép bom. Anh Liễu đặt cho cái tên: nhà thơ điếc, mặc dù chưa hề thấy anh đả động gì đến thơ phú bao giờ. Ôi Nguyễn Du: chả là anh ta trùng tên với Đại thi hào nổi tiếng mà - "Nhà thơ điếc": Thật thà, chất phác nhưng nóng tính như hổ. Xạ thủ trung liên. Vào chiến trường trước chúng tôi một khóa huấn luyện nên được lính Hà Bắc tôn làm anh. Sức khỏe của anh ở đại đội này chỉ đứng sau Thu mà thôi. Được ở gần 2 "ông hộ pháp" cũng là dịp may cho tôi, trước hết là việc đào hầm.

Thu và Du là đôi tri kỷ. Thân nhau tới mức, dù ở đâu, có Thu phải có Du, hoặc ngược lại. Thu người dân tộc, đặc điểm lầm lì ít nói, làm suốt ngày, hết việc cá nhân đến việc chung, hoặc giúp đỡ người khác, ít khi thấy anh ngồi không tán gẫu. Còn Du thì ngược lại, theo Thu đẽo đẽo và kiếm chuyện chọc tức bạn, để rồi cười ngặt nghẽo. Nghĩa là ở đâu có Thu là ở đấy có tiếng cười của Du. Song, trước sự chọc tức ấy của bạn, "con gấu" lại tỏ ra hiền lành, nhường nhịn không hề tỏ ra phản ứng nổi giận gì. Nên trông cặp "uyên ương" ấy mới dễ mến làm sao. Anh Liễu bảo: "Thằng Thu nó chỉ chịu mỗi thằng Du ở đại đội này thôi". Tôi ngồi cảnh giới. Sau một đêm thức trắng làm việc, giờ đây được ngồi yên; trước công sự được ngụy trang kín, trên đỉnh núi gió mát, khí hậu trong lành, ngủ thiếp đi lúc nào không hay, cho tới khi Du "báo thức" bằng cái véo tai rõ đau. Tôi xin lỗi anh và xin tiếp tục được làm, kẻo ngồi đây thì phải "mắc màn" thôi.

Buổi chiều. Địch bắn phá vào khu vực chiến trường, dọc hai bên đường 19. Vài quả pháo rơi vào đồi 384. Lộ rồi hay sao? Mỗi người đưa ra câu hỏi, rồi tự nhận định:

- Lại mấy thằng tân binh đi lại lộn xộn làm lộ!

Ôi! Lính mới. Họ gán cho lính mới tội gì chẳng phải chịu. Vậy mới phải cố trong mọi "lĩnh vực" để họ hết xem thường lính mới. Chắc là Chính - Hiển - Thực cũng nghĩ như tôi thôi.

Xẩm tối, anh Soạn đại đội trưởng và Chính - chiến sỹ liên lạc - lên chốt. Quân số tăng lên 10. Tôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu, cảnh giới cho toàn chốt. Bây giờ mới có dịp quan sát mặt trận: Con đường 19 chạy từ Đông sang Tây. Dọc hai bên trục đường, các chốt điểm của địch nằm cách nhau đều đặn: Trái Tim, Mâm Xôi, Hòn Ngang, Hòn Kiềng, v.v. như trên sa bàn tác chiến đã hướng dẫn. Và nơi đây, đối diện 384 về phía Đông Nam, thằng Sô-Đô với 1 tiểu đoàn Nam Triều Tiên, đối thủ chính của chúng tôi. Liệu chúng đã biết gì về sự có mặt của đội quân này chưa, mà mấy khẩu đại liên không mấy lúc ngừng bắn, pháo của địch vẫn khoan nhặt nổ? Những quả đạn vu vơ không địa chỉ vẫn nổ lung tung vào trong rừng, và bọn trực thăng chiến đấu thả pháo sáng, bắn đạn 20 ly vu vơ. Anh Liễu bảo: "Nó hoạt động bình thường về đêm đấy mà. Đã có gì dám chắc là nó phát hiện ra quân ta. Cứ làm việc bình thường, giữ bí mật cho tốt, chưa lộ đâu mà lo".

Đêm họp. Anh Soạn phổ biến tình hình. Xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Cuối buổi họp, anh Liễu "bật mí": Đêm nay chính thức là đêm N - 10/4; giờ D là không giờ ngày 11/4/72. Tin tuyệt mật, chỉ có lính chốt mới được biết thôi.

 

hoabantrang

Well-Known Member
Re: Ðề: Nhật ký cao điểm 384

Ngày 11 tháng 4 năm 1972
Lại qua một đêm thức trắng làm cật lực nữa. Sáng nay chúng tôi đã "thiết kế" tạm xong hệ thống phòng ngự: hầm tránh pháo, công sự chiến đấu của các tổ, các hướng tất cả liên kết với nhau bởi đường giao thông hào hình vành khăn khép kín trên đỉnh núi. Diện mạo của 384 đây. Thế trận của Đại đội 62 đây. Chúng tôi đã tạo cho 384 thế đứng của chàng hiệp sỹ đứng thế thủ, sẵn sàng tiếp nhận cuộc chiến đầy tự tin, quyết đánh và quyết thắng.

Địch phản ứng mạnh (Chắc đêm qua ăn đòn ở Cây Rui). Chẳng hiểu "bọn" Đặc công đêm qua làm ăn thế nào, "nhai" Cây Rui có "gọn" không? Các trận địa pháo của địch như điên như dại, bắn đi tứ tung vào trong rừng. Những quả pháo không có địa chỉ, gầm hú bay loạn trên trời rồi rơi nổ bừa bãi. Nào đã biết "Vi-xi" ( VC – Việt Cộng – Cách quân Mỹ gọi quân giải phóng ) ở đâu mà bắn.

Tiếng súng mở màn chiến dịch đã nổ từ giờ D đêm qua ít nhất thì lũ Nam Triều Tiên đã được ăn đòn từ đó. Đường 19 chính thức đã bị cắt. Huyết mạch giao thông quan trọng của địch, nối Tây Nguyên với đồng bằng và ngược lại, đã bị quân ta bóp chẹt. Con thú khổng lồ đã bị chàng hiệp sỹ bóp hầu. Ta càng bóp mạnh, xiết mạnh, nó giãy càng khỏe. Nó càng giãy khỏe ta càng phải xiết mạnh hơn nữa. Cả 2 phía đã đưa lẽ sống "Không đội trời chung" đến độ cao nhất. Chúng tôi đã quán triệt quyết tâm chiến đấu lâu dài gian khổ, nên càng sẵn sàng đón nhận khốc liệt,hy sinh sẽ đến với mình. Trong cuộc chiến đấu dài ngày đầy gian khổ ác liệt này.

Máy bay địch xuất hiện ngày càng nhiều, náo động không gian suốt ngày suốt đêm. Đủ loại,đủ tên: Phản lực ném bom, phản lực siêu âm,trực thăng chiến đấu ..vv.. Tưởng như quân chủng Không quân và Hải quân Mỹ đang giới thiệu các chủng loại máy bay trước mấy anh em lính chốt chúng tôi. Nghiêng ngó săn tìm, nhào lộn đe dọa suốt 24h/ngày. Bầu trời không lúc nào vắng "tụi" này. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ của chúng tôi là chúng bu lại "đón tiếp" bằng nhiều cỡ đạn và nhiều kiểu bom. Phối hợp với lực lượng Pháo binh Mỹ với nhiều trận địa pháo,các cỡ pháo. Cộng với sư đoàn Bộ binh Nam Triều Tiên. Cả Hải-Lục-Không quân Mỹ càng phối hợp tham chiến. Lực lượng tham chiến của địch thì hùng mạnh như vậy còn về phía chúng tôi, ra quân trong khi lực lượng thế này : 10 anh em đầu trần chân đất, súng bộ binh, không hề có sự viện trợ của bất kỳ lực lượng nào. Cũng bày sẵn thế trận, chấp nhận "một" khốc liệt của cuộc chiến. Thà hy sinh tất cả phải thực hiện được nhiệm vụ: Chặn bước quân giặc, giữ cao điểm. Quyết chiến đấu giữ chốt đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi đã và đang làm điều cha anh đi trước vẫn làm trong chiến tranh nhân dân: Dùng ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh đã làm nên chiến thắng đi vào lịch sử. Chúng tôi đã bày thế trận 384, và thế trận này đang thách quân thù nhảy vào, để xem lá gan ai lớn trong cuộc đọ sức này.

Gần trưa. Pháo bắn vào 384.

Ngồi trong hầm tránh pháo. Ngón tay trỏ bịt chặt nòng súng kẻo cát rơi làm súng hóc, mắt vẫn phải mở to theo dõi ra ngoài. Nếu thấy giấy bay loạn xạ tức là chúng bắn pháo giấy cho Bộ binh tấn công. Phải lập tức đứng dậy mà đánh trả. Hoặc pháo chuyển làn phải trở lại vị trí chiến đấu. Hoàn toàn không được chúi đầu tránh pháo. Ta và địch phải lừa nhau từng đòn để tiêu diệt nhau. Không đội trời chung, một mất một còn mà.

Trực tiếp giơ đầu hứng chịu ác liệt của trận oanh tạc. Trong tiếng pháo gầm rú xé màng nhĩ. Mảnh đạn bay kêu vo vo như muỗi đêm hè. Những tiếng nổ long óc. Tia chớp nhằng nhịt như những tia sét trong đêm dông. Lửa. Khói. Trời đang nắng to. Giữa ban trưa mà sập tối như hũ nút, bởi khói của nhiều quả đạn pháo nổ, với mật độ dày đặc đã tạo ra màn đêm, che phủ kín ngọn đồi, che lấp cả ánh mặt trời. Sự sống và cái chết đã xích lại gần nhau như ngàn cân treo sợi tóc. Mong cho điều rủi ro đừng đến với mình. Mong cho trận oanh tạc qua nhanh. Trước sức phá và đe dọa của thần chết, cảm tính sợ sệt lên tiếng mạnh mẽ, tôi lo sợ thực sự. Dù cố gắng trấn tĩnh đến bao nhiêu cũng không đè bẹp được cảm giác sợ chết lúc này.

Là lính bộ binh trực tiếp đối mặt với quân thù. Tôi đã tự biết rằng phải có lòng gan dạ dũng cảm trong ác liệt chiến trận thì mới làm nên chuyện. Vẫn biết gan dạ dũng cảm là thứ vũ khí lợi hại trước tiên, là đức tính tốt, là điều cần thiết phải có của một chiến binh ở chiến trường. Song, trước ranh giới của sống, chết, để làm nên điều đó thật là khó. Tạo ra được tâm trạng bình tĩnh, không run sợ trước sự hăm dọa của vũ khí giết người tối tân hiện đại, của quân đội Mỹ. Lúc này khó vô cùng, ít nhất thì cũng đã trải qua đôi lần. Với tôi, lại là lần đầu tiên gặp phải, nên trấn tĩnh được tâm trạng lúc này quả là không thể làm nổi!

Mãi rồi trận oanh tạc đi qua, pháo chuyển làn sang nơi khác, khói loãng dần rồi tan. Trời sáng dần, rồi trở lại ánh sáng của một buổi trưa hè. Nhưng mùi thuốc đạn khét lèn lẹt thì đọng ở tất cả mọi nơi, đầy sặc trận địa chốt, đầy cả trên thân thể, đầu tóc, quần áo của từng người. Hai lỗ mũi và cổ họng cũng đầy thuốc pháo, nên ngửi vào đâu, ở chỗ nào cũng thấy mùi khét và vị đắng thuốc đạn. Dứt loạt pháo, Bình y tá ghé vào hầm, kiểm tra một lượt xem có ai ảnh hưởng gì không.

Du cười khà khà:

- Chưa cần thuốc của ông. Có điều ông xin thì tôi cho ông thuốc đây.

Ba bốn cái đầu chụm vào vấn thuốc lá hút. Bình nhìn tôi, nháy mắt riễu cợt:

- Thế nào, "Phát biểu" cho "qua" nghe thử.

Tôi thành thật:

- Tương đối đấy anh ạ !

Anh cười lớn, phô hàm răng vàng khè vì ám khói thuốc lá. Nói với giọng từng trải:

- Các cậu là lính mới, nên còn "lạ miệng" với cái "món" này lắm. Yên trí đi. Từ xưa tới giờ. Khi cậu còn chưa là lính giải phóng nó đã bắn rồi. Vậy nên cứ mặc mẹ nó là hơn cả. Việc nó, nó bắn. Việc mình, mình làm. Lo gì!

Thu hỏi:

- Tại sao nó bắn mày không làm mà rúc vào hầm làm gì ?

- Thì "giải lao" một lúc đã sao. Rồi anh ta lại phá lên cười như không hề có chiến tranh xảy ra ở đây.

Du hỏi Bình:

- Này, Mày có nhớ lính ta vẫn "Khấn" thế nào không ?

- Khấn gì ?

- "Thần chú" chứ còn gì nữa. Mỗi lúc vấp ác liệt, cứ "Khấn" lên, có vẻ an tâm phần nào đấy. Mày nhớ không??

Bình "à" một tiếng, rồi vỗ đùi, e hèm lấy giọng, sửa lại tư thế ngồi, rồi "Khấn":

- Thế này, "Khấn" rằng: Việc nó, nó bắn. Bắn nhiều chưa chắc đã trúng, trúng nhiều chưa chắc đã bị, bị nhiều chưa chắc đã bị nặng. Bị nặng chưa chắc đã chết. Yên trí, đâu khắc có đó mà !

Bỗng anh Liễu xuất hiện nơi cửa hầm. Nghiêm giọng quát:

- Khẩn trương sơ tán ngay. Đây là đâu mà các cậu "họp chợ" hả. Ai về hầm nấy ngay.

Tôi tiếc, vì cuộc vui tới đây đã phải tàn. Song, mệnh lệnh của anh Liễu phải chấp hành thôi. Chiến tranh mà.
Sau trận pháo Mỹ oanh tạc. Tôi tưởng sẽ được nhảy ra ngoài hầm trú ẩn mà hít thở không khí trong lành từ làn gió biển thổi vào, nơi đỉnh núi cao này. Nhưng rồi bọn trực thăng lại dẫn xác tới bắn phá. Hai chiếc HUEY thay nhau bắn rốc-két, đạn 20 ly, thả lựu đạn xuống trận địa. Sức công phá không bằng bom, pháo nhưng dai hơn và chính xác hơn. Hầm hào, công sự hư hại nhiều là do thằng khốn kiếp này. Ngồi trong hầm tránh đạn. Phó mặc tính mạng cho sự may rủi. Mới có dịp mà nghiền ngẫm câu "Thần chú" của Bình "Khấn" ban nãy : " Bắn nhiều chưa chắc đã bị, bị nhiều chưa chắc đã chết. Yên trí, đâu khắc có đó ". Nghĩ rằng, cái sự "đâu" khắc có "đó" là sự bày đặt sẵn của số Trời. Sống khắc sống, chết sẽ chết, cái sự sắp đặt ấy khuyên bảo: Hãy yên tâm, lo sợ mà làm gì. Khi Trời đã có "đáp số" sẵn rồi. Ngoài điều đó ra, đương nhiên mình là thằng lính đang hiện diện ở chiến hào. Vậy thì hãy phát huy hết cái trách nhiệm và sứ mạng của lịch sử giao phó. Vậy thôi !

Buổi chiều. Thằng 0V10 nghiêng cánh bắn pháo hiệu. Cụm khói nó bắn cứ nở to mãi ra. Nghe tiếng phản lực gầm rít và mặt đất rung chuyển. Một tia chớp. Và một quầng lửa trùm lên. Trời sập xuống hoàn toàn. Từ đó tôi không hay biết gì nữa.
Tôi bị bom vùi - May mà anh em kịp thời cứu chữa. Nếu không - vĩnh viễn không ai được biết câu chuyện về cao điểm 384 nữa. Anh em cho biết: 2 chiếc F4-H thay nhau trút bom xuống trận địa khá lâu. Hầm hố, giao thông hào hư hại nhiều. Vậy ra ngày hôm nay, quân địch đã dùng các ngón đòn mạnh để hù dọa, nắn gân chúng tôi. Bom pháo, hạng nặng, hạng nhẹ thay nhau đánh ròng rã suốt ngày. Chúng tưởng rằng, với vũ khí giết người hiện đại ấy, sẽ đẩy lùi được chúng tôi chăng ? Bình y tá kiểm tra tình trạng bị bom vùi của tôi, và cho biết : Không sao cả,sẽ chóng phục hồi thôi. Tôi được "ưu tiên" nằm nghỉ.
Đêm - lại thức trắng, với núi công việc. Bởi sự tồn đọng sau 1 ngày oanh tạc bằng Không quân và Pháo binh của địch : Sửa lại công sự bị sập, xuống chân núi cõng đạn , nước . Một bộ phân khác , do anh Liễu – Thu , Bình đảm nhiệm đi tập hậu vào bọn Nam Hàn đang nhe nanh giơ vuốt , gây bao tội ác với đồng đội, và chính bản thân chúng tôi. Lúc này đang là thời cơ thanh toán sổ nợ với chúng. Chúng tôi phải dồn mọi sức lực, cố gắng để sữa lại hầm hố bị hư hại. Để chờ đón quân thù tới, tiêu diệt – sẵn sàng tiếp nhận những khốc liệt mới. Tiếp nhận những Trận đánh chênh lệch về lực lượng. Sức chiến đấu – vũ khí v.v . Cho dù kẻ địch luôn ở thế hơn hẳn. Anh Liễu bảo :
- Đây là dịp để xem. Ai là vàng? Ai là thau?
Sẽ thể hiện cụ thể qua những ngày này .
Liệu tôi sẽ là cái gì đây?

 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 12 tháng 4 năm 1972
Hồi “ gà gáy ”. Triệu tập họp chốt.
Anh Soạn Phổ biến tình hình nhiệm vụ. Thông báo tin chiến thắng của các “xê”( C – Đại đội ) bạn. Nêu gương chiến đấu dũng cảm của các tập thể cá nhân lập công Xuất Sắc trên chiến trường . Anh thông Báo : Lệnh Tiểu đoàn .
- Từ ngày Nay trở đi : 12-4 . Nếu bom máy bay Mỹ còn bắn phá Trận địa . Chiến sỹ 384 được phép dùng súng bộ binh bắn trả . Không thể để cho Nó tự do bắn lên đầu mình mãi được .
Lệnh ấy làm cho chúng tôi Phấn chấn hẳn lên .
Không phải đợi lâu, bọn Trực thăng dẫn xác tới cho rằng đây là thời cơ lập công. Tôi gác súng lên bờ hào. Nhắm chiếc đi đầu xiết cò. Nổ liền 3-4 điểm xạ. Bỗng anh Liễu đạp tôi vào trong hầm thì liền đó là tia chớp. Đất đá tung lên rào rào. Anh quát vào tai tôi: ai cho phép cậu tuỳ tiện thế hả. Chưa có lệnh đã nổ súng bừa bãi. Tầm bậy quá đấy!
Tôi biết sai nhận lỗi. Hứa rút kinh nghiệm nhưng rồi những loạt AK trừng trị bọn Trực Thăng đã kéo tôi trở lại với trận đánh . Không còn dịp để nghiền ngẫm sai sót của mình nữa. Sau 1 hồi quần nhau. Bọn trực thăng không cháy cái nào. Bên ta không ai việc gì. Hoà : 0-0. Bon trực thăng cút. Trận đánh kết thúc. Nhưng dù sao cũng cảnh cáo cho chúng biết: chớ có coi thường lính chốt mà bắn bậy bắn càn mãi đâu.
Hồi lâu, anh Liễu nói với tôi:
- Cậu là lính mới, chưa hiểu gì thì thải học phải hỏi. Nổ súng bắn chiếc đằng trước, chiếc đằng sau dễ dàng phát hiện đường đạn từ dưới đất bắn lên, chỉ tích tắc nữa cậu “lĩnh” cả quả Rốc Két rồi.
Vậy là anh đã cứu tôi thoát chết. Cám ơn anh vô cùng!
Tôi đang cảnh giới. Trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bỗng “huỵch”, theo bản năng, tôi né người tránh cú vồ của đối phương. Nhưng một người đã đối diện tôi, trần truồng như nhộng, nói qua hơi thở:
- Thông cảm, tớ : Lợi liên lạc tiểu đoàn. MO-Ranh nó rà ác quá, phải lột hết quần áo mới lên đây được ông Soạn đâu?
Tôi chỉ cho lợi chỗ anh Soạn. Tự trách mình không tinh. Nếu không phải là Lợi. Là địch thì sẽ ra sao đậy?
Lát sau, họp tổ Đảng, tôi và Du cảnh giới cho phiên họp.
Du, vì quá cẩn thận, đã chất bao cát thành bức thành dây kiểu Lô-Cốt. Trên nóc có dầm khoẻ, cứng. Chất bao cát làm mái che chỉ để 1 lỗ “ Châu mai” vừa tầm bắn cho Khẩu trung liên.
Tưởng vậy là kiên cố - Không ngờ !
Chiếc Trực Thăng HV.IA chờ đầy bọn lính Nam Triều Tiên bí mật luồn qua các Vách Núi, bất ngờ xuât hiện trước mắt 2 chúng tôi, hạ dần độ cao, một vài tên lính xuất hiện nơi cửa, chuẩn bị nhảy xuống. Nó thấp dần, rồi thấp hơn cả công sự. Tôi hoảng lên, lỡ thời cơ rồi. Tôi xách AK nhảy ra ngoài công sự, chân trái duỗi theo sườn dốc, chân phải quỳ, người hơi ngả về sau giữ thăng bằng, nhả đạn xối xả vào khoang cửa máy bay. Một- Hai – Ba- bốn thằng lính ăn đạn trong tư thế thập thò nơi cửa liền ngã nhào xuống đất. Tôi tiếp tục nhả đạn mãnh liệt vào khoang cửa, vào đầu máy của nó. Nhưng nó vội vàng nâng độ cao. Thu vác BAO tới thì nó đã bay cao rồi. Sự việc chỉ xảy ra tầm 1-2 phút đồng hồ.
Thu vò đầu bứt tai kêu tiếc. Du đấm bình bịch vào ngực mình:
- “ Không ai ngu hơn tôi, khóa chết khẩu trung liên trong hầm , biết nó hạ mà không kịp. Ai ngờ đâu nó lại đổ quân bằng trực thăng! Không bắn được phát nào mới tức chứ, tức chết đi được!“
Anh Liễu vẫn ôn tồn:
- Không hạ được nó ngay nhưng thằng Minh đã gỡ một pha “ hú hồn “ ! Hỏi rằng từng ấy thằng lính nhảy ra , dàn hàng ngang trong cùng lúc chiếm được công sự thì liệu chúng ta sẽ ra sao đây? Có trở tay kịp không?
Nhưng nào ai biết tôi buồn như thế nào. Người buồn nhất , tiếc nhất hôm nay là tôi. Chỉ cần tôi bình tĩnh chút nữa có phải đã thiêu rụi cả chiếc máy bay lẫn bọn lính rồi không. ( Sau này được biết chiếc máy bay đã bị trọng thương trên đường về sân bay Gò Quánh ).
Lát sau, anh Soạn tới đưa cho tôi mảnh giấy:
- Cậu và Hiển mang toàn bộ súng đạn, ba lô tư trang sang chi viện cho khẩu đội 12 ly 7. Cầm giấy này tới gặp khẩu đội trưởng sẽ rõ!
Không còn gì để hỏi thêm, không còn lí do gì để ở lại. Tôi chỉ còn mỗi việc chia tay hai người đồng đội cùng tổ chiến đấu ba người : Thu và Du. Các anh đã cùng tôi đồng cam cộng khổ mấy ngày qua. Tôi khẩn trương xốc ba lô, xách AK xuống núi. Vượt nhanh qua đồi gianh, dưới tầm quan sát của địch từ trên máy bay, từ đồn Sô – đô nhìn sang. Điều khó nhất là không rõ khẩu đội 12 ly 7 ở mỏm núi nào trong những dãy núi san sát như bát úp này. Hai thằng sục tìm suốt buổi chiều, lội suối trèo non đi giữa rừng đại ngàn, giữa những mìn vướng nổ lẫn trong lá rậm, gai góc, trong tầm pháo bắn của địch. Lo ngay ngáy khi bất thình lình một loạt pháo bắn gần hoặc rất có thể trực thăng “ rọ heo “ đến bắn hay thả lựu đạn. Hoặc chạm trán với bọn thám báo Nam Triều Tiên và bao nhiêu bất trắc rất dễ xảy ra trong vùng địch – ta “ cài răng lược “ này khiến cho tôi cảm thấy căng thẳng tột độ. Vậy nên tôi luôn luôn đề phòng tình huống xấu, không cho phép mình lơ là, xả hơi bất cứ lúc nào.
Hết buổi chiều vẫn không tìm thấy trận địa 12 ly 7. Trời đã tối, không thể làm gì tiếp được nữa, tôi và Hiển lôi đường sữa, ca cao ra ăn và rúc vào hốc đá ngủ. Tránh được nhiều mối đe dọa của chiến tranh và điều sung sướng nhất là được “ hưởng “ một giấc ngủ tuyệt vời sau ba đêm thức trắng trên chốt.

 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 13 tháng 4 năm 1972
Tìm tiếp buổi sáng, sục sạo trong rừng dưới sự đe dọa của chiến tranh nơi chiến trường. Tới trưa gặp bếp anh nuôi của khẩu đội 12 ly 7. Ông anh nuôi đưa cho tôi mảnh giấy nội dung :
- “ Gửi đồng chí Bính nuôi quân, trường hợp có người đơn vị khác bổ sung, hãy trả lời họ là trận địa đã di chuyển ( điều này không cần giải thích ) không cần người đơn vị khác nữa, vì khi cần họ không sử dụng được pháo. Kí tên : Cảnh ./.”
Vậy là chúng tôi đương nhiên “ thất nghiệp “. Oán trách mấy ông cấp trên, không thống nhất kĩ đã vội vàng quyết định làm khổ lính. Bao cố gắng để tới đây thành công toi hết.
Trở lại bếp anh nuôi, chỗ anh Bóng để ngủ, chờ tối lên chốt. Nghe tiếng súng trên chốt biết rằng chiến sự đang ác liệt. Đồng đội tôi đang cần tôi về tiếp sức cho họ, vị trí chiến đấu của tôi phải ở đó. Tôi là lính 384 kia mà?

Ngày 14 tháng 4 năm 1972
Nửa đêm về sáng, tôi trở lại 384. Cùng lên trận địa với tôi có hai người lính thông tin lên lập đài K63 tại chân chốt để liên lạc thẳng với mạng thông tin Trung đoàn và một người nữa cùng trong quân chủng : “ Kiều Minh Toán – chiến binh của đại đội 5 ! “. Xóm 5 lên bổ sung lực lượng cho 384, cùng đi với anh còn một người nữa, song người này đã hèn nhát đào ngũ dọc đường rồi. Kiều Minh Toán – hạ sĩ, tiểu đội phó , Đảng viên - 21 tuổi. Quê : Ba Vì – Hà Tây. Dáng gầy nhỏ, da ngăm đen nhưng đôi mắt sang, thông minh nhanh nhẹn. Sự có mặt của anh vào lúc này, ở nơi này đã đánh giá được chất lính trong con người của anh : “ dùng “ được. Nhìn con người và dáng dấp của Toán, tôi đã có sự cảm phục anh và tôi đã sớm nghĩ rằng: “ anh có thể làm nên chuyện ở cao điểm này “.
Trở lại trận địa, tôi mang trên lưng 60 kg đạn, níu rễ cây, leo ngược vách đá mà lên. Nặng và mệt tưởng không thể lên nổi cũng phải cố. Thêm được từng nào đạn cho trận địa là tốt chừng đó, thằng giặc sẽ phải đền mạng nhiều thêm trong từng trận đánh. Dọc đường lên, gặp cáng thương binh đi xuống. Trần Văn Chính – chiến sĩ liên lạc, đồng hương của tôi bị thương rất nặng, mê man bất tỉnh đang trên đường về bệnh viện. Vậy là trong lúc tôi đi vắng, súng đã nổ trên trận địa 384 và máu đồng đội đã đổ rồi. Chính ơi, cố gắng điều trị mau lành nghe mày, tao sẽ trở lại 384 chiến đấu trả thù cho mày đây! ( Sau này được biết Chính đã mất tại bệnh viện ).
Tôi gặp anh Soạn, báo cáo lại toàn bộ sự việc. Anh Soạn nói :
- Biết trở lại trận địa chiến đấu chứng tỏ đồng chí rất dũng cảm, không hề thoái thác lẩn trốn trước nhiệm vụ, trước khó khăn ác liệt. Rất xứng đáng là lính 62 ! Hãy cố gắng diệt thật nhiều quân Nam Triều Tiên tại 384 này!
Song có làm nên trò gì hay không còn do tôi. Những ngày tới, tôi phải cố gắng thật nhiều để theo kịp các “ vị “ cựu binh rồi mới nói hay được. Tôi ngụy trang công sự, ngồi cảnh giới đưa mắt nhìn trận địa mà giật mình sửng sốt. Tưởng như đây là nơi nào khác, còn đâu là ngọn đồi 384 nữa : rừng lúp xúp, lau lách rậm rạp đã biến mất, trước mắt tôi là nhan nhản hố bom, hố pháo ngoác cái miệng rộng hoác lôi những tảng đất thó lớn bằng cái bồ lên miệng hố. Cả một khoảng đồi, mảnh rừng biến thành bãi chiến trường đầy chết chóc. Tầm nhìn không còn màu xanh của rừng che khuất. Bom, pháo đã tạo nên khoảng sáng rộng lớn. Mọi người bảo: “ Càng tốt , nó tới từ xa mình đã biết rồi “.
Có tiếng đề-pa đầu nóng và tiếng rít rợn người. Pháo! Sau một ngày rưỡi đi vắng, nay trở về vẫn “ món ăn “ ấy. Kẻ thù đang từng ngày từng giờ lồng lộn điên cuồng trút bão lửa lên đầu chúng tôi. Sự khốc liệt của chiến tranh đang gầm hú, đe dọa lính chiến trường mọi lúc mọi nơi. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo này, sống chết chỉ là gang tấc. Chúng tôi đành phó mặc tính mạng cho sự may rủi. Chết thì phải chịu! Còn sống còn là lính chiến! Và những trận đòn này phải nhớ lấy để tính sổ nợ với chúng. Pháo chuyển làn, chưa kịp kiểm tra hậu quả của trận pháo oanh tạc thì bọn trực thăng lại dẫn xác tới. Hai chiếc HU-1A phóng pháo dài nhẵng, lính ta quen gọi “ cá nẹp “ thay nhau lồng lộn oanh tạc trận địa: bắn rốc két, đạn 20 ly. Cứ liệng vòng tròn trên trời nhằm trận địa mà bắn. Dai dẳng, dữ dội, ngồi trong hầm tránh đạn để nó tự do bắn lên đầu mình mà không làm gì được bởi lực lượng, sức chiến đấu , vũ khí giữa ta và địch quá chênh lệch. Mà kẻ địch thì ở thế hơn hẳn, do vậy dễ phát cáu, phát bực trong cái cảnh ẩn nấp mãi. Thật “ phi anh hùng“! Du bảo tôi:
- Kệ mẹ nó, bắn chán nó khắc phải cút. Dù sao nó cũng chẳng làm gì được mình đâu ! Hãy dành sức, dành đạn mà “ tiếp “ thằng Nam Triều Tiên kia kìa!
Rồi bọn trực thăng cũng cút. Bỗng im ắng lạ thường, sự im lặng tới sửng sốt. Tưởng như không hề có chiến tranh xảy ra bao giờ ở nơi đây. Tôi có linh cảm như có điều gì sắp xảy ra. Đúng như vậy! Khẩu đại liên của địch, giá ở mỏm “ yên ngựa “ ( ngọn đồi giữa 384 và đồn Sô – đô ) nổ dữ dội từng tràng kéo dài, nhằm trận địa chúng tôi mà bắn. Như đe dọa, như khiêu khích, như uy hiếp. Tên lính xạ thủ có lẽ cứ nhắm mắt mà bắn, đúng sai cóc cần quan tâm . Nó định giở trò gì đây? Anh Liễu tới bên tôi:
- Thằng đại liên nó bắn là hỗ trợ cho bọn lính bộ binh chuẩn bị tấn công. Thằng này không đáng ngại, chuẩn bị kiểm tra súng, tháo nắp an toàn lựu đạn. Đợi lệnh tôi mới được nổ súng! Hết sức bình tĩnh, đã bắn là diệt mục tiêu! Rõ chưa?
Sự đe dọa của tiếng nổ đại liên, ý thức địch tình. Thời gian chờ đợi nổ súng đã làm cho đầu óc tôi căng như sợi dây đàn. Chập chờn trong đầu tôi câu hỏi:
- Rồi sẽ ra sao đây ?


 

hoabantrang

Well-Known Member
Chúng nó xuất hiện.

Lần đầu tiên trong đời lính trận, tôi nhìn rõ kẻ thù của mình: những tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên, chó săn trung thành của quan thầy Mỹ. Lấc láo, kiêu căng, đằng đằng sát khí. Dáng vẻ của những “võ sỹ người hùng” trừ thân xác trên răng, dưới “cát tút” là của Nam Triều Tiên, Hàn Quốc. Còn lại 100% là của Mỹ. Đồng đô-la Mỹ đã đồng hóa đội quân viễn chinh này từ ý thức bên trong cho tới bộ quân phục Na-Tô chúng khoác trên người. Chúng nó đấy. Kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi đấy!

Lố nhố xuất hiện trên bãi bom, và vô số những tên khác, nấp trong rậm rạp của lá rừng phía xa, với đủ tư thế: đứng, ngồi, khom thấp, khom cao trước họng súng của chúng tôi.
Tôi được nghe phổ biến:

Với trận địa phục kích. Khi còn giữ được bí mật trận địa. nó vào kiểu này: thằng cần diệt trước là thằng lính thông tin đeo máy. Kẻ liên lạc giữa cấp trên ở xa và bọn đang giáp mặt chiến đấu với mình. Thứ nữa là những tên chỉ huy đầu sỏ của bọn giặc. Nếu giết được những tên đó thì bọn lính sẽ lâm vào thế : “Quân vô tướng, hổ vô đầu” lập tức sẽ mất sức chiến đấu ngay thứ nữa. Tên lính nào gần ta, phát hiện ra ta, cũng “ưu tiên” diệt trước.

Chúng vẫn phát triển thận trọng. Khẩu đại liên nâng tầm. Nổ toang toác trên đầu. Tất cả mọi cặp mắt của chúng đều hướng về phía đỉnh đồi, nơi trận địa chúng tôi. Tôi rê nòng súng theo 1 tên lính đang đi về phía mình, sốt ruột chờ lệnh.
- Bắn!

Tiếng anh Soạn hô, đồng thời với loạt đầu tiên của anh. Tôi chưa kịp định thần thì khẩu súng đã siết 1 loạt dài. vì quá hồi hộp. Tên giặc trước khe ngắm đổ nhào. Tôi còn bổi thêm 1 loạt nữa vào cái xác cho “chắc ăn”. Toàn trận địa rền vang tiếng súng, lửa, khói, những tiếng nổ loạn xạ của các loại, các cỡ súng. Tiếng người gào thét. Ầm ầm, náo động. Những âm thanh đặc biệt của chiến trận, mà chỉ có những thằng lính trận mới được “hưởng” và hiểu mà thôi. Bọn giặc chưa kịp định thần thì 1 loạt mưa đạn đã nã rất chính xác vào đội hình bọn chúng. Đứa trúng đạn: ngã – đứa không trúng đạn càng ngã lăn để tránh đạn. Lợi dụng gốc cây, mô đất, bắn trả. Trận địa loạn xạ tiếng nổ của cả 2 phía. Tình hình đã trở nên căng thẳng, cả ta và địch đều bắn nhau quyết liệt. Rồi khẩu đại liên cùng nhả đạn. Bắn điên cuồng vào công sự tiền tiêu. Khiến chúng tôi phải chúi đầu tránh đạn, không thể đứng mà quan sát bắn tiếp được. Anh Liễu bảo tôi:

- Nó bắn rất mạnh. Ở đây không phát dương được. Cậu vòng ra sau, bò lên hòn đá đỉnh đồi, dễ quan sát hơn.
Lợi dụng hòn đá, tôi quan sát: chỉ thấy những hố bom, pháo chồng chéo lên nhau, rải rác những cái xác nằm lại. Đạn đại liên bắn càng mạnh. Tiếng anh Liễu:

- Chú ý bên sườn phải. Kẻo nó tạt sườn.
Tiếng đại liên thưa dần rồi tắt hẳn. Trước lúc tấn công: Bắn. Rát: cũng bắn. Hỏa lực lớn, hỏa lực nhỏ chi viện tối đa cho bộ binh. Nói rằng quân đội Mỹ được trang bị tận răng, tận tóc quả đồn không ngoa. Anh Liễu đến từng tổ nhắc nhở:
- Sẵn sàng chiến đấu cao độ. Nó lại sục lên ngay bây giờ đấy.

Tôi thành thật nói với anh:
- Trận đầu em đánh tồi hả anh.
- Sao lại trận đầu. Trận đầu của cậu hôm nọ, cậu đã trị tội thằng trực thăng đấy thôi. Chính cậu đã nổ phát súng đầu tiên cho toàn chốt kia mà.
- Trận này em diệt được có vài thằng.
- Thì lát nữa nó khác lên cho cậu diệt, lo gì.
Du nói đùa:
- Một sư đoàn Mãnh Hổ. Đã đủ cho mày bắn chưa, nếu chưa đủ “xin” thêm.
Thu lôi cái xác lính đặt nằm vắt ngang vị trí bắn. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Anh Thu, làm gì vậy ?
Thu kê súng bắn thử: “Tốt rồi, tốt rồi”.

Tôi hiểu. Dù sao thằng giặc nó cũng có tình đồng đội của nó. Trời anh Thu, sao anh lại “sáng tác” cách đánh kỳ cục vậy? Cánh lính cũ họ làm như vậy là bình thường. Riêng tôi thì không dám làm.
Khẩu đại liên lại nhả đạn điên cuồng. Dọn đường cho bọn lính bộ tấn công. Trận đánh nữa bắt đầu.

Anh Liễu bảo tôi:
- Cậu vòng cánh trái theo giao thông hào. Thay thằng Phước bị thương. (Phước: Trung đội phó và 2 chiến sỹ, mới bổ sung tăng cường cho chốt hồi sáng, cả 2 bị thương ngay, rút về phía sau).

Lợi dụng tiếng nổ của khẩu đại liên, bọn lính bộ định đánh úp bằng mật tập. Dứt tiếng đại liên, bọn đằng sau, kiềm chế bọn đằng trước, tấn công theo kiểu “cuốn chiếu”. Lũ người đằng đằng sát khí. Tay bắn miệng gào, ầm ầm lao lên. Hô bằng tiếng Triều tiên:
- Ka-Tra.

Anh Soạn bảo:
- Toán tìm cách diệt khẩu đại liên trợ chiến, đi theo sau bọn lính kia kìa!
Rồi anh bảo chúng tôi:
- Bình tĩnh chờ chúng vào gần nữa.

Tiếng trung liên của Du gầm lên đĩnh đạc, Tiếng B41 của Toán. Một tốp địch bị quét ngã nhào. Bọn còn lại khựng lại. Khẩu đại liên theo sát bộ binh đã bị Toán diệt. Khẩu xa, phía mỏm yên ngựa bắn dữ dội. Chúng tôi phải chúi đâù tránh đạn.

Bỗng đại liên tắt đột ngột. Bọn lính tạo thế bất ngờ, ầm ầm xông lên. Hô “Ka-Tra” náo động. Chúng tôi nhất loạt nổ súng, chúng nó lại bị ăn đạn, liền nhảy bừa những hố bom để tránh đạn.

- Lựu đạn!
Đống lựu đạn đã tháo nắp sẵn, tôi giang tay, thả sức mà “táng” xuống những lồng hố bom hình phễu. Những chiếc mũ mềm, mảnh vải bay tung lên, cuồn cuộn theo khói lựu đạn, nhìn mà hả ghê. Trận mưa lựu đạn đã làm cho bọn Nam Triều Tiên chết rất nhiều. Hiệu suất chiến đấu rất cao.

Kết thúc một trận đánh.
Trận địa vừa tan khói súng thì đạn pháo của địch lại nã vào. Vẫn “giai điệu” cũ mèm ấy, vũ khí hiện đại lại dốc sức tiêu diệt chúng tôi, sau những pha “trừng phạt” của lính bộ.

Lửa, khói, những tia chớp nhằng nhịt như sấm sét trong cơn giông. Tất cả mọi khốc liệt thằng giặc trút lên đầu chúng tôi như là trút cơn giận dữ vì đã nếm thất bại trong trận đánh vừa rồi.

Còn nữa. Bọn trực thăng lại dẫn xác tới bắn phá - Dường như chúng vẫn nghi ngờ độ phá hoại, độ chính xác trong đợt oanh tặng vừa rồi của trận địa pháo, nên đã điều thêm bọn trực thăng này chăng.

Đã hiểu ra cách làm của chúng: ỷ thế vào vũ khí hiện đại, dùng lối đánh oanh tặc bằng hoả lực là cơ bản. Đưa bọn Nam Triều Tiên ồ ạt tấn công chỉ là ngón đòn cuối cùng. Sau khi tưởng rừng chúng tôi đã mất hết sức chiến đấu, sau các trận oanh tạc bằng không quân và pháo binh của chúng.

Cây cỏ bị huỷ diệt hoàn toàn. Không gian trên mảnh đồi cũng bị băm nát, 1 con côn trùng không còn. Kẻ thù đã lồng lên điên cuồng tàn phá không thương tiếc bầu trời, mặt đất, mảnh rừng, cây cỏ trên đồi. Tất cả chỉ còn trở lại cái khung cảnh hết sự sống: Cảnh của mặt trăng!

Khung cảnh 384 đầy sặc mùi tủ khí. Đầy những chết chóc, hoang tàn, khốc liệt của chiến trận.
Nhưng anh em chúng tôi, những người lính chốt vẫn tồn tại. Sự khốc liệt của chiến trận càng làm cho chúng tôi thêm dày dặn, cứng cáp, củng cố thêm sức giáng trả, vẫn vững vàng, bình tĩnh trong biển lửa của kẻ địch đang trút lên đầu mình, đâu khác có đó, việc nó: nó bắn – việc mình: mình làm câu “thần chú” đã “dạy” như vậy rồi.

Buổi chiều, sau khi cho rằng chúng tôi đã kiệt sức sau các đợt oanh tạc, trong biển lửa của chúng. Bọn bộ binh Nam Triều Tiên lại ầm ầm xông lên, trong “khúc nhạc” của đạn đại liên bắn kiềm chế nhưng rồi với chiến thuật, lừa cho bọn giặc vào tầm bắn, bắn quét thật mạnh buộc chúng phải xuống lòng hố bom tránh đạn. Lúc đó mới nhất loạt ném lựu đạn, những lòng hố bom hình phiễu đã trở thành mồ chôn bọn Nam Triều Tiên. Chiến thuật “mưa” lựu đạn đã tạo nên hiệu suất chiến đấu rất cao.

Chỉ cần bấy nhiêu con người đã tạo cho 384 trở thành bức tường thép rồi.
Anh Liễu bàn với anh Soạn:
Những xác chết đã vần lên bệ bắn, nói anh em hất “trả” chúng nó. Làm vậy tôi thấy tổn đức quá. Dù sau nó cũng chỉ là xác chết. Vả lại thối chịu sao nổi. Du cầm quả lựu đạn VS, dứ dứ về phía sô đô:

Ai mà còn có đức nào, mà tha cho bọn chó kia. Được với lũ chúng nó, chỉ có một mất một còn mà thôi. Bóng tối đã sập xuống. Trận địa tạm im tiếng súng, chỉ còn lại mùi thuốc đạn khét lèn lẹt, mùi xác chết thối, nồng nặc khó chịu. Toàn mặt trận, bọn địch hoạt động càng ráo riết hơn. Trên trời lũ máy bay trinh sát vẫn săn tìm, máy bay C130 gầm gừ bắn đạn 20 ly, thả đèn dù. Trên các mỏm núi có địch: Đại liên của chúng vẫn “sủa” liên hồn không dứt. Và đạn pháo cứ thay nhau gầm hú trên trời và nổ cầm canh đây đó. Tích cực hơn cả là bọn bắn đèn dù, bầu trời sáng rực suốt đêm, không lúc nào chúng ngớt bắn. Rõ ràng là chúng đã rất sợ bóng đêm. Bóng đêm là biểu tượng thần chết của chúng. Trong bóng đêm chiến trường, sẽ dễ xảy ra chuyện. Đồn này bị diệt, sân bay kia bốc cháy, cứ điểm nọ bị san bằng…

Song với chúng tôi, bóng đêm lại là “đồng minh”, trở thành bạn tốt cho tính chốt về đêm, địch không dám mò lên, địch ít bắn pháo. Nên chúng tôi có điều kiện để làm các công việc tồn tại, sau 1 ngày quần nhau với giặc.

Phải thức trắng để làm việc vì núi công việc. Cộng sự sập nát nhiều phải sửa, kịp thời chỉ trích pháo. Trước mặt và chiến đấu ngày mai, xuống chân núi cõng đạn, nước. Tất cả là cho ngày mai, ngày mai có đảm bảo chiến đấu tốt hay không là do nỗ lực của đêm này. Mệt và thèm ngủ vô cùng, đời chưa bao giờ lại mệt và thèm ngủ như lúc này. Song phải cố gắng thôi không thể lơ là được vì thằng giặc nó đang mong mình lơ là, mất sức chiến đấu để nó diệt mình kia mà.


 

aromat

Active Member
Ðề: Nhật ký cao điểm 384

Cám ơn bạn vì bài viết này. Những năm tháng, những con người không thể nào quên.
 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 15 tháng 4 năm 1972
Sau một đêm thức trắng và lao động cật lực, tôi đã mệt vô cùng. Vậy là đời lính, tôi đã “nếm” đủ gian truân – gian lao – khổ hạnh - ác liệt. Cái chết đe doạ, cảnh sống, chiến đấu nơi chiến trường đang như thách, như hành hạ một thằng lính mới đầy tuổi quân như tôi.

Mệt – thèm ngủ – khát nước. Nhưng lại không thèm ăn. Anh nuôi đưa cơm lên, ngửi cơm, thức ăn đều khét nùi thuốc đạn. Và cơm ăn, cũng chỉ thấy ăn vị đắng của thuốc đạn. Vì lửa khỏi chiến trận đã “nhuộm toàn bộ thân thể tôi”. Bom đạn chiến đấu chưa giết được tôi nhưng đã nhiễu lên toàn bộ môi trường tôi đang sống.

Nhìn chung tôi uể oải nhai cơm. Anh Bóng nuôi quân chỉ lắc đầu. Anh Liễu bảo “Hãy cố mà ăn đi các em”. Ta phải xác định, ăn cũng là việc rất khó nên phải cố, như đã cố làm bao việc khác, phải ăn no mới có đủ sức mà trụ bám. Nếu không ăn được thì đứng nóigì đến quyết tâm giữ chốt nữa”.

Biết vậy, nhưng không thể cố được. Lúc này, việc ăn cực kỳ khó, chúng tôi phải nhăn nhó mà “nhét” cơm vào bụng. Cơm như bị cực hình trong bữa ăn. Anh Liễu, anh Soạn động viên mấy chúng tôi cũng chỉ ăn một cách chiếu lệ. Rồi kiếm cớ chuồn. Nhưng nước uống thì thêm uống nhiều, nên càng dễ mệt.

Trong trạng thái sức khoẻ mỏi mệt, nhưng khi nghĩ tới nhiệm vụ chốt giữ và vị trí của 1 thằng lính chiến đang có mặt giữa chiến trường, đã từng sinh tử nhiều phen với thằng địch, đã từng đùa bỡn với thần chết. Là thống lĩnh chỉ được phép tiến không thể lùi, chỉ được phép chiến thắng không được đầu hàng – chiến bại. Nghĩ tới điều đó, tôi thấy mình cần phải tỉnh táo – phải tỉnh táo – phải sống khắc phục khó khăn để chiến đấu. Phải chiến đấu để bảo vệ danh dự là thằng lính chiến. Không thể khác được.

Tôi ngồi cảnh giới giữa tan hoang xơ xác của trận địa. Nguỵ trang lên người bằng cách: đái vào đất bột, xoa lên đầu, lên người cho hợp màu đất trận địa. Điều khó nhất lúc này là chống buồn ngủ. Càng ngồi yên, không hoạt động càng dễ ngủ. Tưởng vẫn còn tỉnh mà đã ngủ từ khi nào mới nguy hiểm chứ.

Mọi khi, chúng tôi thường chống buồn ngủ bằng cách: thả kiến bọ nẹt vào người cho nó đốt, cái đau sẽ khiến ta giật bắn người lên, tỉnh hẳn ra. Nhưng bây giờ, cách ấy cũng vô hiệu, chỉ đau ngứa nhất thời mà không giảm được thèm ngủ. Vả lại bom đạn Mỹ đã huỷ diệt sự sống của con côn trùng. Kiếm làm sao được con kiến ở đây nữa. Thứ dễ kiếm ở đây chỉ có mảnh đạn và cát tút mà thôi.

Kình ! Kình ! Kình!
Pháo địch đề ra đầu nòng nghe rất xa. Nhưng tiếng rất xé vải đã đến.
Mặt đất rung chuyển, khói táp vào mũi, vào miệng đến ngạt thở, cuồn cuộn trong hầm. Trời đất bỗng tối sập nhu hù nút.

- Nó bắn pháo bầy vào mình rồi, rút hết vào hầm đi (vì rằng mọi ngày, khi địch bắn pháo, ném bom hoặc bắn rốc két vào hầm tránh vẫn phải dè chừng thằng Nam Triều Tiên. Biết đâu không chừng nó lấp ló, đôi khi ta rút vào hầm là bí mật chiến trận địa.

Trong sự khốc liệt đến khủng khiếp của trận oanh tạc bằng pháo bầy. Mà anh em chúng tôi quen gọi là “Dàn nhạc Tân Tây Lan”. Toàn bộ là màu đen của màn đêm nhằng nhịt những tia chớp, tạo ra những luồng gió táp khỏi tiếp tục vào trong hầm, sau mỗi phát đạn nổ. Trời rung đất chuyển. Chúng tôi chỉ còn biết, bịt chặt 2 lỗ tai mà chịu đựng sống chết phụ thuộc vào chiều dày của nóc hầm, phụ thuộc vào rủi nữa mà thôi. Từ hôm qua đã nghe phổ biến:

Địch tăng cường nhiều pháo hạng nặng vào 2 trận địa pháo: Bình Tân và vườn mít. Ngoài ra nó còn tăng cường thêm trận địa pháo bầy từ hạm đội ngoài biển. Trận địa pháo bầy có từ 35 – 40 khẩu. Mỗi khẩu bắn 3 phát trong 1 phút. Mỗi trận oanh tặc chúng bắn từ 25 – 30 phút. Tính sơ cũng biết mức công phá ra sao rồi.

Rồi trận oanh tạc bằng pháo bầy cũng phải kết thúc, đất đá trên đồi sau bao lần xới, nhào tưởng đã nhuyễn thành bột, khốc liệt đến tột cùng. Sang trận địa của chúng tôi nằm ở vị trí đỉnh đồi. Dù đã nhiều lần bị oanh tạc trong khốc liệt. Cơ bản sập hỏng một số hầm, nhưng vẫn khắc phục được. Số hầm còn lại vẫn bảo vệ an toàn cho tập thể chốt, trong cách trận oanh tạc. Có lần anh Bình y tá nói với tôi:

- Ngọn đồi 384 vừa cao vừa nhọn, bọn địch bắn vào trận địa của ta thật khó, vì trận địa nằm ở đỉnh đồi. Địch ngắm vào đỉnh thì khi bắn quả đạn sẽ dễ dàng vọt qua đỉnh, thi thoảng lắm mới có quả đạn “rót” vào được mà thôi. Muốn cho ngọn đồi có đạn nổ thì chỉ còn cách, bọn chúng ngắm vào lưng chừng đồi mà thôi. Mà điều đó thì chúng lại không muốn. Cũng như ta ngắm vào ngọn cây cọt mà bắn đi. Trăm phát giỏi lắm trúng 3 – 4 phát là cùng. Nguyên nhân chính làm làm cho đạn địch khó giết nổi anh em mình là thế đó. Qua trận pháo bầy, tưởng được “xả hơi” nhưng bọn trực thăng lại tới bắn phá.

Du bảo “Trực thăng bắn thì ngủ được rồi, nóc hầm của mình dày, đảm bảo thách thằng trực thăng cũng chẳng làm gì được mà lo.
Dù lo hay không lo thì độ dày của nóc hầm cũng chỉ đến mức ấy là cùng. Cũng nên ngủ thì hơn vì đây là thời cơ tốt nhất cho giấc ngủ, không có ai ngăn cản kia mà. Tắt tiếng trực thăng, tôi chạy sang hầm của Bình – Hiển xin thuốc lá hút, thấy trong hầm có cả “Khương – 3 người đang ăn lương khô “tạp phẩm” bằng: ca cao + sữa bột + Trứng bột + Đường + Bột ngô rang trộn đều. Mỗi người cuộn một mảnh giấy nhỏ làm “Cùi dìa” xúc ăn ngon lành, thấy vậy vừa ngộ, vừa vui, tôi cũng ngồi ăn luôn, chợt anh Liễu xuất hiện nơi cửa nghiêm nét mặt anh quát:

Ai cho các anh cụm lại ở đây. Làm thằng lính trong chiến tranh sao ngu vậy. Khẩn trương giải tán ai về hầm nấy, không nhưng gì cả. Khương đứng dậy ra trước tôi cũng lũi lũi chuồn vì anh Liễu đã mắng thì không còn là bình thường nữa.

Địch lại tiếp tục oanh tạc. Nghe tiếng đạn bay, đạn nổ có gì khang khác, là lạ, - đục - nặng - trần.
Nhưng rồi tôi cũng không thể ngủ tiếp được nữa, vì mức độ bắn của địch đã tăng lên, dồn dập hơn, mạnh mẽ hơn, đạn nổ cấp tập vào trận địa, khói xộc vào, cuồn cuộn trong hầm ngột ngạt, khó chịu. Anh Liễu lầm bầm:
- Chỉ cần thiếu bom nguyên tử là chúng nó chưa bắn nữa mà thôi.

Oanh tạc suốt buổi sáng, bằng nhiều khẩu đạn, chán rồi chúng cũng phải đi ra. Khói tan dần, không khí sáng sủa của buổi trưa trên trận chốt, tôi cầm súng trở lại vị trí. Bộ cảnh đồi 384 lại một lần nữa đổi thay. Đất thì được moi từ dưới lòng hố bom, khi mới còn nguyên màu vàng, nay đã chuyển sang màu đen, màu đen của thuốc đạn, của khói do hàng ngàn quả pháo nổ mà nhuộm nên. Đó đây lửa vẫn còn cháy trên những bãi cỏ gianh còn sót lại sau trận oanh tạc. Một không gian đầy chết chóc và hừng hực nóng. Cộng với cái nắng nóng đầu hè, cộng với mùi thuốc lẫn mùi xác chết thối khiến càng nóng thêm. Trên đỉnh núi cao mà lúc này cũng không hề có một cơn gió. Cái không khí yên ả trên chốt cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Bọn giặc lại tấn công.

Chốt đã kiệt sức cả đi về những trận oanh tạc bằng pháo. Chúng đưa đội quân công tử bột Nam Triều Tiên. Những tên lính to, khá giỏi võ ầm ầm xông lên, hò hét áp đảo tưởng rằng nuốt chửng chúng tôi trong chốc lát.

Vẫn là đại liên bắn kiềm chế cho bộ binh bọn lính cứ lũi lũi hành tiến theo đội hình “rích rắc”. Đạn đại liên nổ toang toác trên đầu. Tới tầm “chắc ăn” đại liên tắt đột ngột, bọn lính ầm ầm xông lên, tưởng có thể giàn hàng ngang nhảy xuống giao thông hào của chúng tôi trong tức khắc.

Song, cũng chính là lúc chúng tôi nhất loạt nổ súng, bị đánh bất ngờ chúng không thể nằm tại trên mặt đất mà bắn trả được. Trong cơn hoảng loạn, chúng bắt buộc phải lăn xuống hố bom tránh đạn và chiến thuật “mưa lựu đạn” của chúng tôi lại được thực hiện triệt để.

Quả bom Mỹ – Chỉ nguy hiểm đe doạ chúng tôi từ lúc chưa nổ tới lúc nổ. Nổ xong rồi nó lại trở thành cái bẫy của chúng tôi tạo ra một loại mồ chôn rất hữu hiệu cho lũ quân xâm lược. Triền núi thoai thoải trước trận địa, nội bọn Nam Triều Tiên phía Sô-Đô tiến sang, dù muốn hay không muốn cũng phải “tập kết” tại đây để đối phó với trận địa chốt. Song vì nôn nóng muốn diệt chúng tôi ngay nên Mỹ đã dốc vào đây cả màn là bom tiêu diệt đến cả sự sống của con côn trùng. Nên nơi ấy trở thành cái túi đựng bom, đựng đạn của bọn Mỹ. Giờ đây chúng tôi lại biến nó thành cái bẫy diệt lũ Nam Triều Tiên. Tương kế tựu kế là thế đấy.

Anh Liễu bảo:
Cũng thoả mãn cho thằng Thu suốt mấy hôm nay nó vẫn nguyền rủa thằng Mỹ rập pháo, làm hỏng hết bãi mìn nó “bố” trước trận địa. Nay thì nó đã “đền” cho cái bãi bom này rồi tha hồ mà diệt bằng lựu đạn nhé.
Kình ! Kình ! Kình!

Lại pháo, thằng lính bộ bị ăn đòn thì thằng pháo lại tiếp tục. Rõ ràng là thằng lính tỏ ra kém cỏi. Không còn khả năng chiến đấu “dứt điểm”. Chúng nó chỉ ỷ vào hỏa lực mà thôi.
Pháo từ Bình Tân bắn rất mạnh, cấp tập liên hồi vào trận địa. Đồi 384 lại một lần chìm trong biển lửa. Ngồi trong hầm tránh pháo, song mắt vẫn phải quan sát bên ngoài. Đề phòng pháo giấy, phải lao ra công sự đánh trả ngay. Tôi thấy anh Liễu chạy theo giao thông hào, tạt vào hầm của tổ tôi, gạt mồ hôi, nói:

- Nó bắn pháo khoan. Bọn này rất quỷ quyêt. Bắn pháo khoan vào trận sẽ phá sập hết hầm hào. Pháo khoan có tác dụng phá hủy hầm sâu. Quả đạn rúc sâu mới nổ, rất nguy hiểm cho hầm tránh pháo kiểu chúng tôi đang sử dụng hiện nay.
Sang chiều. Lũ Nam Triều Tiên lại tấn công. Bị đánh bật ra khỏi trận rồi chúng lại tổ chức 1 bọn khác, thay thế bọn trước đó. Có lẽ chúng chia thành nhiều tốp như vậy để tiếp sức cho nhau. Chúng tôi chỉ còn cách phát huy sức mạnh của vũ khí, giáng trả những đợt tấn công của chúng rất mãnh liệt. Kết quả của mỗi đợt chiến đấu: Số lượng xác giặc cứ tăng mãi lên. Tất cả các đợt tấn công của chúng đều bị bẻ gãy. 384 vẫn là của chúng tôi.

 

hoabantrang

Well-Known Member
Một ngày căng thẳng đã đi qua. Song ban đêm trên chốt cũng chẳng thoải mái gì. Về đêm có phần việc của ban đêm. Vì giải quyết tồn tại sau 1 ngày chiến đấu. Với những thân thể khỏe mạnh, khi nhìn khối lượng công việc như vậy đã là nỗi kinh hoàng rồi. Sống, với chúng tôi đã bao đêm mất ngủ. Tới bữa không ăn được, đội bom, pháo, bao nhiêu trận đánh đã trải qua. Vẫn cứ phải chấp nhận bao nhiêu công việc phải giải quyết trong đêm nay. Ngày mai có sống chiến đấu được hay không là do nỗ lực của đêm nay. Phải cố gắng khắc phục thôi. Không còn cách gì khác được nữa. Dù mệt - thèm ngủ đến bao nhiêu cũng phải cố gượng dậy, mà làm lại hầm trú ẩn, sửa chữa lại công sự để ngày mai tránh pháo và chiến đấu.
Tổn thất đã đến với chúng tôi: Nông Văn Thu. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Chàng trai người Tày bản Noọng – Phú Lương –Bắc Thái. Con gấu của rừng Việt Bắc – Hiền lành – Thật thà. Lúc bình thường lao động luôn chân tay, sẵn sàng san sẻ giúp đỡ anh em đồng đội lúc khó khăn. Với sức khỏe của anh – việc gì có anh cũng trôi băng băng. Nói ít, làm nhiều, đó là đặc điểm của anh. Song, đối với kẻ thù, chàng trai ấy đã chứng tỏ là con gấu dũng mãnh, sẵn sàng quật ngã đối thủ bằng kinh nghiệm chiến đấu và tài thiện xạ của mình. Anh nói với tôi: “Đánh nhau, phải biết sợ chết, đừng biết sống vớ. ” Lựu đạn của anh nổ hướng này, anh đã lẩn ra hướng khác. Nhanh và tháo vát như thỏ rừng. Với anh, khi đã nâng súng lên, chỉ có diệt mục tiêu mà không hề trượt. Ngày thường anh lầm lỳ ít nói, nhưng khi nổ súng giết giặc, anh thường hét to:
- Giết chết chúng nó đi
Trong chiến đấu, anh dũng cảm gan dạ đến lỳ lợm. Dường như không để ý tới đạn địch bắn lại, anh bình tĩnh xông xáo như trận địa chỉ có 1 mình. Thoắt ẩn, thoắt hiện sử dụng tài thiện xạ bắn tỉa rất chính xác vào lũ Nam Triều Tiên. Trong lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, anh đã hi sinh anh dũng vì một loạt tiểu liên của đich bắn lại. Anh ngã xuống ngay vị trí của mình, cùng với khẩu súng bắn tỉa đã cùng anh diệt nhiều tên giặc xâm lược.
Ban chiều, chúng tôi đặt anh nằm ngửa xuống lòng giao thông hào, đậy tạm mảnh bao cát lên mặt, sau đó lao ra chặn địch. Định bụng chờ đêm xuống mới chôn cất anh. Song, khi tới nơi tôi sửng sốt vô cùng. Nơi anh nằm giờ chỉ còn lại là một hố pháo lớn!
Tôi sụt sùi tìm kiếm xung quanh - thỉnh thoảng sờ được một phần thân thể anh lẫn trong đất cát, mảnh đạn, mảnh bom trận địa gói vào mảnh ni long, ước chừng được 5 - 7 Kg, gói kín lại, vùi xuống 1 hố pháo. “Anh Thu ơi! Vì mải chiến đấu nên để anh nên nông nỗi này. Anh hãy yên tâm mà ra đi anh nhé, chúng tôi sẽ quyết chiến để trả thù cho anh. ” – Nông Văn Thu, người đồng đội chí tình chí nghĩa, người chiến binh dũng cảm của 384 đã vĩnh viễn ra đi ngày 15 - 4 - 1972. Không 1 lời nhắn lại, vĩnh viễn hóa thân vào ngọn đồi 384.
Nguyễn Văn Du. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Nhà thơ Điếc, người bạn chiến đấu của tôi và Thu. Người chiến binh có tài ném lựu đạn “chụp”. Thật thà chất phác, nóng tính như lửa. Nhưng lại sống rất vui nhộn với anh em. Nổi tiếng là chiến đấu dũng cảm, một xạ thủ trung liên xuất sắc.
Cây trung liên RPD của Du giữ cánh phải trận địa. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Không phụ lòng tin của đồng đội, anh đã chặn bước tiến của quân thù. Bọn Nam Triều Tiên hung hăng. ầm ầm xông lên, tưởng rằng dễ dàng chiếm được sườn phải trận địa. Song, cũng ở thế bất ngờ mà chờ giặc vào tầm bắn hiệu quả, khẩu hỏa lực ấy đã gầm lên đĩnh đạc. Bọn địch đã phải đổ nhào, đè lên nhau mà chết bao lần. Bọn địch đã phát hiện ra điểm lợi hại ở cây hỏa lực ấy. Chúng đã bằng mọi giá diệt anh bằng được. Anh hy sinh vì quả lựu đạn nổ gần đã giết anh và phá hủy súng. Anh ngã gục lên súng, 2 tay còn ôm ghì khẩu trung liên queo nòng. Khẩu súng trung nghĩa đã cùng anh lập bao chiến công, nay cũng ra đi cùng anh như người bạn thủy chung nhất. Nguyễn Văn Du, anh chết thật kiên cường. phía trước anh, trong tầm đạn, xác của bọn Nam Triều Tiên đã chết thành đống. Chúng đã phải trả giá rất đắt - trước khi hạ được anh ! Nguyễn Văn Du, người chiến sĩ 384 đã sống và chết như thế đấy.
Hà Văn Bình, y tá và Đào Duy Hiển, đồng hương của tôi. 1 y tá và 1 người lính. Trong 1 căn hầm ở phía chính diện, đã chết vì quả pháo khoan nổ trúng hầm. Hai người phải chết trong uất ức, chết mà không thể nói lại 1 lời. Tôi hiểu tâm trạng của các anh. Chắc rằng phút lâm chung hiểm nghèo cuối cùng, các anh chỉ có 1 ý nghĩ: Kêu gọi người còn lại chiến đấu trả thù.
Chúng tôi lặng lẽ cúi đấu, mặc niệm 4 người đồng đội thân yêu. Không một nén nhang – không một bát cơm cúng – không một nghi thức tang lễ nào cả, chỉ có những hàm răng nghiến chặt, thầm hứa với những người đã khuất: Một khi con tim chúng tôi còn đập, máu chúng tôi còn chảy - thì lũ Nam Triều Tiên còn phải chết – Chết thật nhiều. Phải đấu tranh kiên cường hơn nữa để trả thù cho các anh. Công việc ùn đồng trước mắt. Chúng tôi không còn thời gian mà suy nghĩ. Mà khóc được nữa. Chiến tranh mà, trong chiến tranh sẽ còn xảy ra bao nhiêu điều khủng khiếp nữa mà bình thường ta không thể ngờ tới được. Là thằng lính trong chiến tranh, chỉ còn 1 việc làm duy nhất là: Hãy giết thật nhiều giặc, trước khi thằng giặc giết mình. Nếu không thì thật là vô nghĩa.

Lại một đêm phải dồn hết bình sinh mà lao động. Thu dọn những đổ nát mà bom pháo Mỹ oanh tạc, sau 1 ngày quần nhau với bọn Nam Triều Tiên.
Nửa đêm về sáng, vì quá mệt. Chúng tôi đành phải bỏ dở công việc để nghỉ tạm. Tôi nằm chung hầm với liệt sỹ Du. Có cảm giác như anh còn sống, đang ngủ say. Ngày mai sẽ thức dậy làm xạ thủ trung liên, và vẫn cười nói, nóng tính như lửa


 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 16 tháng 4 năm 1972

Hy sinh 5. Bị thương 1. Anh Soạn đi họp vắng. Chốt còn lại 5 người. Chờ chi viện vẫn bắt vô âm tín. Hồi “gà gáy”. Họp! Anh Liễu nói:
Thứ vũ khí còn lại trong anh em ta, giúp chúng ta trụ bám được, đó là:
1, Sức khỏe: phải cố ăn, tranh thủ ngủ nếu có thể được.
2, Ý chí chiến đấu: ý chí và lòng quyết tâm giữ chốt, chiến đấu bằng mọi giá, chúng ta đã xác định rồi, không nhắc lại nữa. Song, từ nay trở đi, chúng ta sẽ chiến đấu lẻ loi đơn độc. Dù rằng có từng này con người hay ít hơn nữa. Vẫn phải nêu cao chí kiên cường trụ bám. Khẩu hiệu hành động của chúng ta là: còn người phải còn 384.
Khoảng 7h sáng, địch tấn công.
Khác thường lệ, không bắn phá trận địa trước mà tấn công ngay từ sáng sớm. Chúng mò lên gần công sự, ném mù cay. Trong lúc chúng tôi lúng túng không kịp phản ứng. Họ sặc sụa vì mù cay thì chúng chiếm được 1 đoạn hào. Dồn chúng tôi về 1 phía. Mày mò , Toán đã vòng sau, ném lựu đạn vào đoạn hào có địch. Bọn địch nhảy khỏi hào. Toán bắn AK quất vào giữa bọn, chúng phải tháo chạy.
Toán chốt lấy lại thế cân bằng ban đầu. Tôi trở lại vị trí chiến đấu cũ của mình. Kiều Minh Toán. Xạ thủ B41. Rất xuất sắc trong chiến đấu. Anh có mặt ở đâu là nơi đó kẻ địch bị trừng trị. Đã bắn là tiêu diệt mục tiêu. Chốt của chúng tôi có anh càng thêm vững vàng. Trận phản kích đầu tiên trong ngày. Toán là người có công lớn nhất. Đã gỡ cho toàn chốt 1 bàn thua trông thấy. Hoan hô Kiều Minh Toán. Người chiến binh của tiểu đoàn 5 đã chiến đấu rất Dũng cảm-Thông minh-Linh hoạt. Sau đợt tiến công không mang lại kết quả. Chúng nó lại bắn pháo.
Đã quá quen thuộc với “điệp khúc” này rồi. Chúng nó đã dựa vào hỏa lực là cơ bản. Hay là nước Mỹ đã quá nhiều bom đạn, hay là bọn lính Nam Triều Tiên không còn khả năng chiến đấu đựơc nữa? Bảo rằng đối mặt chiến đấu với tiểu đoàn Nam Triều Tiên Sô-Đô. Song thực tế! chúng tôi phải đối đầu với cả Hải-Lục-Không quân của Mỹ. Thử hỏi nếu không có sự chi viện ấy. Thì tiểu đoàn Sô-Đô sẽ ra sao? Liệu có hùng hổ mãi được không? Thậm chí ngay cả lúc này. Được không quân và pháo binh Mỹ hộ trợ. Chúng nó vẫn phải ôm đầu máu tháo chạy, sau mỗi lần chiếm đất thất bại.
Hết pháo đến lượt bom. Hai chiếc AD.6 cánh bằng. Kêu rù rù như cối xay lúa. Bay tốc độ chậm. Thay nhau ném bom xuống trận địa. Mỗi lần cắt bom, chúng chỉ cắt 2 quả loại 7 tấn Anh ( khoảng 3000kg ). Hào giao thông phía tiền tiêu bị sập nát vì bị oanh tạc. Chỉ còn lại 2 hầm dùng tạm được.
Buổi trưa.
Sau trận pháo. Bọn Triều Tiên đã ồ ạt tấn công tưởng ta chúi đầu tránh pháo nên mất cảnh giác chăng. Toán giữ cánh phải. Anh Liễu chính diện. Tôi và Thực giữ cánh trái. Khương với khẩu B41 cơ động. Định lùa cho chúng lọt xuống hố bom để diệt bằng lựu đạn. Song tới tầm lựu đạn ném không tới. Chúng nằm lại bắn trả quyết liệt. Tất cả các loại súng của chúng tôi nỏ mãnh liệt vào quân địch. Bỗng xuất hiện khẩu đại liên. Theo sau bọn lính. Cùng lúc khẩu đại liên phía mỏm yên Ngựa cũng bắn phối hợp. Chúng tôi phải cúi đầu tránh đạn. Anh Liễu lầm bầm:
- Thật là hại. Nếu mình có cối 61 thì tốt biết mấy.
Toán cắn môi suy nghĩ. Rồi nói:
- Anh chú ý kẻo nó nâng tầm đại liên cho lính bộ bò lên. Để tôi hỏi tội thằng này.
Lợi dụng bờ đất, Toán bò nhanh như con sóc, thoắt đã biến mất. Trong ngổn ngang đất đá của những hố bom hố pháo.
Anh Liễu nói:
- B41 nổ. Bọn lính sẽ tháo chạy. Chờ cho chúng nó đứng dậy tháo chạy ta bắn, nhất loạt cùng nổ súng tiêu diệt.
Đúng như anh dự định. Sau tiếng nổ B41, khẩu đại liên câm họng. Bọn lính vốn đã bạc nhược tinh thần, thấy vậy liền ùa dậy tháo chạy. Thời cơ ấy, tất cả chúng tôi nổ súng. Những cái bia sống chỉ còn giãy những cái giãy cuối cùng. Lũ giặc phải nhận một cái chết thảm hại. Một lần tấn công của chúng lại bị thất bại. Khương bị thương rút về phía sau. Chốt còn lại 4. Buổi chiều, trực thăng lại bắn phá để rồi sau đó đồn Sô-đô lại “xua” lính lên. Chúng nằm chết dí ở các miệng hố bom phía xa, dùng súng các loại bắn ngược lên đồi. Chán rồi rút, không thằng nào dám mò lên, sợ ăn lựu đạn. Chúng nó đã bạc nhược tinh thần đến cao độ.
Những ngày đầu, với thái độ kiêu căng khinh bạc, chúng tưởng rằng xóa sổ chúng tôi trong khoảnh khắc. Song, từ phía đồn Sô-đô, chắc chắn chúng đã thường xuyên chứng kiến cảnh đủ loại cỡ pháo binh và không quân Mỹ bắn phá, oanh tạc ngọn đồi 384 dữ dội – ác liệt – dai dẳng như thế nào. Những trận bom rực lửa, những trận pháo bầy như trời rung đất chuyển. Một ngọn cờ, một con côn trùng cũng bị hủy diệt. Đồi 384 bị phá hủy toàn bộ, chỉ khác cảnh mặt trăng là còn có ô- xy để thở. Song, tổ chốt thì vẫn tồn tại, những con người giữ chốt đã không chết qua những trận bom lửa – pháo bầy và những trận bắn phá thường xuyên, dai dẳng hết ngày sang đêm, vẫn sống và vẫn đủ sức giáng trả các đợt tấn công chiếm lĩnh của chúng. Những con người đã hóa thần, vẫn giáng cho chúng những đòn chí tử, khiến cho chúng phải ôm đầu máu tháo chạy, bẻ gãy tất cả các đợt tấn công chiếm chốt của chúng.
Mỗi lần tấn công ồ ạt, phải chạm trán với lối đánh “mưa lựu đạn” trong những hố bom đã làm cho tên giặc nào, dù sống sót cũng phải ớn tận gáy. Chứng kiến và chạm trán với những tay súng dũng cảm và mưu trí của tổ chốt, chúng đã phải chùn lại. Rõ ràng tâm trạng hoảng loạn sợ chết đã chế ngự lên tinh thần chiến đấu của chúng.
Chúng đã mất tinh thần, mất sức chiến đấu rõ rệt. Mất luôn cái oai phong “người hùng” của chúng. Thực ra, chúng chỉ bị thúc ép mà hò hét tấn công. Lũ Nam Triều Tiên đã suy sụp, không còn ngổ ngáo hung hăng như những ngày đầu được nữa. Đêm xuống, tại trận địa, tình hình đã bớt căng thẳng hơn. Địch không tấn công, pháo bắn ít. Song, những quả pháo nổ cầm canh kiểu “giã gạo” thì vẫn nổ thường xuyên. Theo kiểu, nổ ở đây một quả, quả tiếp theo lại ùng oàng tít tận mỏm núi cánh rừng xa, lâu lâu sau, địch cho rằng ta chủ quan không có gì, bất ngờ lại rót một quả vào trận địa. Cách làm ấy chúng chúng nhiều khi thu lại kết quả. Bên ta bị sát thương nhiều theo kiểu pháo bắn ấy của chúng.
Bọn trực thăng đã thưa hơn ban ngày, bọn “ca” đêm đã bắt đầu. Đó là thằng “Tàu ò” C130 chầu trực trên trời thâu đêm suốt sáng. Phát hiện mục tiêu là thả đèn dù, bắn đạn “xì tốc” 20 ly dai như đỉa đói. Thằng “sâu cà” hai chong chóng hoạt động nhiều hơn. Nó là loại vận tải của Mỹ, chuyên làm việc: chuyển nước, chuyển thương binh tử sĩ, chuyển những thứ mà bọn địch cần phải đưa đi và đưa về.
Bên đồn Sô-đô, địch hoạt động cũng ráo riết hơn. Chúng bắn pháo dù suốt đêm. Khẩu đại liên cũng nhả đạn suốt đêm. Nghe rõ cả tiếng bọn lính la ó. Không hiểu chúng làm gì? Pháo địch vẫn nổ cầm canh “giã gạo”. Phía xa, trận địa pháo Bình Tân, về hướng đông, những quẫng lửa màu da cam bùng lên liên tục, sau đó là hàng loạt những quả đạn pháo bay đi tìm mục tiêu. Địch hoạt động ráo riết 24/24. Chúng tăng cường thêm lực lượng chăng? Hay là chúng sợ ta tấn công? Có lẽ cả hai.
Chốt còn lại 4 người. Khi đêm xuống, anh Liễu xuống núi về họp. Toán và Thực xuống chân núi, nơi bếp anh nuôi cõng thêm đạn, nước để bổ sung cho ngày mai chiến đấu.
Một mình tôi ở lại cảnh giới. Một mình tôi, giữa hoang tàn xơ xác của bãi chiến trường: công sự, hầm hào sập nát, hố bom hố pháo chồng chéo lên nhau. Xác địch nằm bừa bãi, trương ình, thối khắm, lợm giọng rất khó chịu. Xác anh em đồng đội vẫn còn đấy. “Khất” anh em, sau khi đánh giặc xong, sẽ chôn cất tử tế. Chứ thực ra bây giờ, không còn nhân lực, không còn khả năng để đưa anh em xuống núi được. Vì chỉ có từng này con người, đã kiệt sức qua từng ấy ngày đêm trụ bám, bom, pháo, những trận đánh không cân sức. Không được ngủ. Ban ngày chiến đấu, ban đêm thức trắng để khắc phục khó khăn. Quá mệt nên không ăn được, chỉ uống nước nên càng thêm mệt. Từng phút từng giây, phải tranh thủ với thằng địch để cùng lúc làm hai nhiệm vụ: đánh giặc và khắc phục khó khăn. Là lính chốt cả, nên mong các anh thông cảm cho chúng tôi. Tình đồng đội có nhiều điều muốn nói với các anh lắm. Song, đành khất các anh, đánh giặc xong đã.
Một mình tôi ở lại cảnh giới. Giữa bãi chiến trường đã bị bom đạn hủy diệt tận ngọn cỏ gốc cây- không còn một con côn trùng sống sót. Ngọn đồi 384 đã thành cảnh mặt trăng. Thế giới riêng này của chúng tôi chỉ còn lại là bầu không khí đầy chết chóc. Đã bị cô lập hoàn toàn với bất kì nơi nào khác, bởi hàng rào bom đạn. Thế giới trên đồi 384 này chỉ có những người lính, uống nước lã, thở ô-xy để đánh giặc. Thế giới của người lính chiến là như thế đấy. Một mình tôi giữa trận địa. Một động tĩnh nhỏ tức là địch. Kẻ thứ ba không thể tồn tại ở đây. Nên câu trả lời của tôi là: Bắn!
Trước mắt tôi là đồn Sô-đô. Ngày ngày tiểu đoàn Nam Triều Tiên từ đó ồ ạt tấn công, mặt giáp mặt chiến đấu với chúng tôi tại đây. Một mất một còn tại ngọn đồi 384 này. Và trước mắt…những ngày tới sẽ là: khó khăn chồng chất khó khăn, ác liệt càng thêm dữ dội. Và những trận đánh không cân sức. Đang đòi hỏi chúng tôi phải có một nghị lực phi thường để vượt qua.



---------- Post added at 07:16:52 PM ---------- Previous post was at 07:16:11 PM ----------

Ngày 17 tháng 4 năm 1972
Qua một đêm thức trắng và làm việc cật lực nữa. Phía đông, mặt trời đã nhô lên khỏi rặng núi xa, một ngày mới đã bắt đầu. 4 anh em với 4 thân thể mệt mỏi, hốc hác, đầu tóc phờ phạc, râu ria tua tủa, áo quần rách nát bẩn thỉu. Lửa khói chiến trận đã nhuộm cái “màu” của chiến tranh lên 4 con người này. Trông vậy thôi, chứ chất lính thì rõ ràng sức “nhuộm”của chiến trận đã rất có hiệu quả.
Những con người như thứ thép được tôi trong lửa, sức chịu đựng ngày càng bền bỉ. Tinh thần chiến đấu càng thêm gan dạ, dũng cảm. Qua lửa khói chiến trận, qua ác liệt khó khăn, tổn thất, chúng tôi trở nên lầm lỳ, nói với nhau rất ít, lời nói chỉ còn lại là mệnh lệnh chiến đấu của anh Liễu chỉ huy. Tiếng nói chính là tiếng súng chiến đấu. Phải giết thật nhiều tên Nam Triều Tiên, bảo vệ chốt, bảo vệ mình và trả thù cho đồng đội.

Một ngày nữa đã đến và những gì xảy ra sẽ đến. Thèm ngủ và buồn ngủ vô cùng. Đói ăn còn có thể tìm thứ gì khác mà ăn tạm cho qua cơn đói. Song đói ngủ thì không thể khắc phục nổi. Bới đó là sự hoạt động của trung ương thần kinh. Trung ương đã quá mỏi mệt, muốn nhắm mắt lại nghỉ ngơi thì còn “cơ quan” nào
cấm” được nữa. Chỉ còn có cách trị được buồn ngủ, đó là khi thằng địch mò lên đánh nhau “thí xác”. Hoặc khi nó oanh tạc, ném bom hoặc bắn pháo, bắn rốc két cấp tập vào trận địa. Ngoài ra, không còn có cách nào khác.
Tôi ngụy trang: đái vào đất bột, bóp nhuyễn rồi xoa lên đầu, cho tóc hợp màu đất để cảnh giới. Vì ở đây không còn một gốc cây ngọn cỏ nên không thể mang cây cỏ ở nơi khác đến cắm ở đây được. Càng không thể đeo cành ngụy trang bằng lá cây, dù tươi hay héo, chỉ làm mục tiêu cho địch ngắm bắn mà thôi. Cơn buồn ngủ hành hạ, không thể ngồi mà cảnh giới được. Tôi phải liên tục di chuyển vị trí. Vì ngồi yên là thời cơ tốt nhất cho giấc ngủ. Địch chưa bắn pháo vào trận địa, chưa tấn công, chẳng hiểu chúng định giở trò gì. Tôi nhận phần gác cho ba người tranh thủ ngủ. Nếu có địch, tiếng súng sẽ là lời báo thức cho họ.
Họ là những chiến binh đã cùng tôi kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ qua từng ấy ngày trên chốt, nay chỉ còn lại những thân hình da bọc xương, phờ phạc hốc hác. Tôi cảm thấy mình còn đủ sức chịu đựng nên nhận phần thức cho họ ngủ. Phần nữa, tôi chịu ơn anh Liễu và Toán rất nhiều, cảm thấy mình dù cố gắng bao nhiêu cũng chưa xứng đáng với các anh.
Xin dành mấy dòng này viết về các anh.
Anh Nguyễn Tiến Liễu. Quê: Kiến Xương- Thái Bình. Tuổi: 38, trung đội trưởng, chuẩn úy.
Tôi về trung đội làm chiến sĩ của anh, đến nay chưa đầy tháng. Thời gian gần gũi với anh, hiều biết nhiều về anh là thời gian ở chốt. Tôi chưa hiểu nhiều về anh, chỉ biết trước khi cầm súng đánh giặc, anh là người thầy giáo. Với tập thể chốt, anh là người anh cả, người chỉ huy đáng kính của chúng tôi. Với đồng đội, anh hết lòng thương yêu, săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, uốn nắn từng sai trái, động viên anh em trong những lúc, những tình huống khó khăn lâm nguy. Anh như chỗ dựa tinh thần, như ngọn cây cao nhất để chúng tôi noi theo, dựa dẫm. Để làm sức động viên cho chúng tôi đủ sức mạnh mà chịu đựng, mà trụ bám trong những ngày khói lửa chiến trận ác liệt chưa từng có này.
Với quân thù, anh là con hùm xám, từng gieo nỗi sợ hãi kinh hoàng lên đầu bọn chúng, ở tài chỉ huy, ở kinh nghiệm chiến đấu, dày dạn, gan dạ và lỳ lợm, thoắt hiện thoắt biến, có mặt ở nơi nào là phía đó lũ giặc bị trừng trị. Anh chỉ huy chiến đấu phản tấn công chiếm chốt của địch, đã bẻ gãy tất cả các đợt tấn công ồ ạt của chúng. Anh là người chỉ huy gan dạ- dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm như thế đấy.
Với tôi, anh dành tình thương yêu như anh em ruột thịt, săn sóc uốn nắn, mắng mỏ. Động viên tôi lúc khó khăn, nghiêm khắc với tôi khi sai trái, hướng dẫn tôi từ tư thế bắn đến cách xử trí tình huống. Nhiêu khi anh phán đoán đường đạn bay vào tôi, đạp tôi ngã nhào để tránh. Nếu không có anh, chắc gì tôi còn sống đến hôm nay. Anh là người thầy, người anh, người đồng đội đã dạy tôi những ngày đầu tiên của trường học làm giải phóng quân miền Nam. Người chỉ huy, người đồng đội có một không hai trong đời chiến binh của tôi. Đó là Anh: Nguyễn Tiến Liễu.
Anh: Kiều Minh Toán, quê: Ba Vì- Hà Tây. Hạ sĩ, tiểu đội phó, một Đảng viên trẻ, tuổi 21, là chiến binh của tiểu đoàn 5, đại đội 5, bổ sung cho 384. Tôi và anh quen biết nhau trong khói lửa chiến hào. Chứng kiến tinh thần chiến đấu gan dạ - thông minh – mưu trí – dũng cảm của anh - một xạ thủ B41 xuất sắc, đã bắn là diệt mục tiêu, nhanh nhẹn, linh hoạt trong chiến đấu. Anh là người từng lập công lớn trong nhiều trận chống phản kích của địch. Anh là tay súng xuất sắc của 384, chiến đấu dũng cảm ít ai bì, đã đánh là giáng đòn sấm sét lên đầu lũ giặc.
Kiều Minh Toán, một con người như thế đấy.
Dù chỉ còn lại 4 người. Song có anh Liễu và Toán, tôi thấy chúng tôi còn đủ sức trụ bám lại 384 này.
Suốt buổi sáng, địch chỉ rập một loạt pháo. Song rồilại im ắng. Có cái gì đó “không bình thường”. Nhất định thằng địch sẽ có âm mưu gì mới đây. Còn phía ta, được một buổi sáng ngủ “bồi dưỡng”. Để tăng sức đối phó với âm mưu của chúng.
Buổi chiều, sau một trận pháo rập, đồn Sô-đô lại đưa lính lên. Đánh nhau một trận, chúng rút, để lại một số xác. Gần tối, chúng nó lại tần công nữa, song chúng chỉ lấy xác những thằng chết rồi rút. Ta không có đủ khả năng và nhân lực để giữ xác lại mà “chơi” nhau với chúng. Vả lại cũng mệt lắm rồi. Đợi có chi viện lên, bấy giờ mới giáng cho chúng những đòn thật mạnh cho sướng cũng chưa muộn.
Trông chi viện đến đứt mắt mà vẫn không thấy gì, biệt vô âm tín! Chẳng hiểu cấp trên có biết cho, 384 đã hết người đến nơi rồi không. Mà tại sao không chi viện?
Đêm. Anh Liễu xuống núi về họp. Ba chúng tôi sửa hầm, cõng đạn, nước bổ sung và mong sao chi viện lên để tiếp tục chiến đầu cho ngày mai. Biết rằng ngày mai sẽ căng thẳng vô cùng. Địch đã chuẩn bị lớn mà ta thì chỉ có 4 con người này. Sẽ chịu đựng và chiến đấu ra sao khi chênh lệch lên cao độ như thế này


 

hoabantrang

Well-Known Member
Ngày 18 tháng 4 năm 1972
Từ 3 giờ sáng, anh Liễu đi họp về đã khẩn trương triệu tập họp. Phiên họp đặc biệt trên ngọn đồi 384 chỉ có 4 người (một cuộc họp mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Cuộc đời mãi về sau không bao giờ có cuộc họp như thế nữa). Anh Liễu bảo chúng tôi:
- Tất cả quàng khăn quyết tử lên.
Chúng tôi nhất nhất làm theo lời anh. Anh nói:
- Trên vừa cho biết. Địch sẽ tăng cường lớn về lực lượng để tấn công chúng ta. Chúng sẽ đánh lớn hơn từ trước tới nay. Trong khi chúng ta vẫn chỉ có từng này con người. Mong chi viện vẫn không thấy gì. Chính lúc này là lúc Đảng, nhân dân, Tổ quốc yêu cầu chúng ta nhiều nhất. Anh nhìn lần lượt từng khuôn mặt như kiểm tra lại quyết tâm của từng con người trong chúng tôi rồi thong thả nói:
- Ngày hôm nay sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Kẻ thù sẽ bằng mọi giá dùng số đông tấn công chúng ta. Do vậy, rất có thể sẽ là trong những trận quyết chiến một mất một còn này, anh em ta sẽ hi sinh hết. Nhưng trước lúc hi sinh, chúng ta phải cho bọn Nam Triều Tiên biết thế nào là chiến sĩ Giải Phóng Quân. Phải giáng lên đầu chúng những đòn bạt vía kinh hồn. Phải dạy cho chúng bài học về lòng dũng cảm của anh em ta... Dù phải hy sinh, song không còn gì phải ân hận. Chính lúc này, chúng ta mới có dịp để thể hiện rõ đâu là vàng, đâu là thau.
Anh Tháo Khăn Quyết Tử Nâng Trên Tay:
- Tổ Quốc đã giao cho ta ngọn đồi 384 này .Đơn vị và Chi bộ đã giao cho ta Khăn Quyết Tử này. Chúng ta phải sống cho ra sống - Chết cho ra chết. Để xứng đáng với niềm tin và sự trao gửi đấy. Các em có làm được như điều anh nói không?
Chúng tôi trả lời:
- Chúng em làm được
Anh gật đầu rồi nói tiếp:
- Hãy thanh thản chấp nhận các em à. Đời người ta, sống, chết chỉ có một lần. Dù phải hy sinh trong trận chiến tại ngọn đồi này cũng chẳng có gì phải ân hận. Vì đây chính là ranh giới giữa Vàng và Thau.
Toán nói chậm rãi như dằn từng tiếng, khẳng định dứt khoát quyết tâm của tổ, cũng như của mình:
- Không còn có chi viện nữa. Trong khi địch quyết tâm “xóa sổ”mình trong ngày nay. Nghĩa là đơn vị đã giao đặc trách cho anh em tại đồi 384… Dừng lại một lúc, anh nói tiếp: …Không để chúng nó diễu võ dương oai được, phải đánh, đánh đến giọt máu cuối cùng. Anh nghiến răng lại quai hàm bạnh ra tỏ rõ một thái độ căm giận hừng hực: “Bọn pháo nó thả sức dập lên đầu mình, bao nhiêu anh em hy sinh vì chúng nó, thù này phải trả, cho dù anh em phải chết cũng “cõng” vài chục thằng chết theo. Tôi nhắc lại: Phải chiến đầu đến giọt máu cuối cùng, tình huống xấu nhất giật lựu đạn cùng chết với chúng nó. Không thể để chúng nó bắt, nó dễ coi thường mình. Phải buộc chúng nó khiếp đảm lính 384!"
Lời của Toán, thái độ và ý chí của Toán, cứng rắn và đanh thép như một lời thề. Chúng tôi, trong tay cầm Khăn Quyết Tử, giơ cao hơn trán thề:
- Cho dù phải chiến đấu trong tình huống nào, cũng phải giữ được trận địa. Còn người phải còn chốt. Bọn giặc có phải bước qua xác anh em mới lấy được 384 này.
Tôi phải cố gắng gạt hết mọi suy nghĩ, giản đơn mọi ngõ ngách bằng một suy nghĩ: Sẵn sàng chấp nhận cái chết. Anh em đồng dội hy sinh được, mình cũng làm được. Tuyệt nhiên không dám nghĩ tới cái “Tôi” lúc này. Vì điều đó sẽ dẫn đến những đắm đuối yếu hèn, lúc này chỉ cần mủi lòng một chút thôi, cái ý thức ham sống sợ chết sẽ kéo ta trở thành tên hèn nhát. Hèn nhát lúc này sẽ trở thành một nỗi nhục không lấy gì chuộc lại được. Đây là ranh giới giữa cao thượng và thấp hèn, phải chọn lấy một.
Tôi là một chiến binh, phải hành động cho xứng đáng là một chiến binh, không thể làm tên hèn nhát được. Đó là lựa chọn dứt khoát của tôi.
Trời còn đêm:
Chúng tôi tranh thủ: củng cố công sự, xem xét lại toàn bộ vũ khí của ta, của các chiến sĩ bỏ lại, vũ khí lột từ giặc. Kiểm tra lại nước uống.
Mờ sáng, địch bắn pháo!
Thực bị thương , mảnh pháo văng vào đầu .Như vậy lực lượng chiến đầu còn ba người .
Anh Liễu – Toán – Tôi
Buổi Sáng.
Ba chúng tôi, mỗi người một vị trí, chuẩn bị cho cái gì sắp tới. Tôi chọn hòn đá trên đỉnh núi để cảnh giới.
Lúc này , cái mệt và thèm ngủ lại lên tiếng mạnh mẽ. Mặt trời lên cao, cái nóng tăng lên, giữa trận địa tan hoang xơ xác. Sức phá, nổ của các loại đạn, bom, rốc -két, pháo đã tiêu diệt mọi sinh vật trên đồi. Đất đã trên đồi ngổn ngang, phơi đầy mảnh bom, pháo, đạn các cỡ sáng lóa. Trên đồi không còn vật gì tạo ra bóng mát, che ánh nắng nên ngọn đồi càng nóng hơn dưới ánh nắng hè oi ả.
Toán tới chỗ tôi, chỉ cho tôi rõ: một bọn lính Nam Triều Tiên, dưới nắng hè đang vác đất đắp một ụ súng, là súng gì thì chưa rõ. Phía lưng đồi đồn Sô-Đô ( thì ra Toán anh không chỉ ngồi không như tôi. Đầu óc của anh lúc nào cũng suy nghĩ, phán đoán âm mưu của địch để tìm cách đối phó, như một sĩ quan tham mưu. Nếu sau này anh còn sống thì khả năng ấy là đương nhiên ). Toán và tôi dung ống ngắm B41 đo, tính. Phải diệt ngay, kẻo nó là hiểm họa cho mình.
Lúc sau Toán bắn, mấy quả đạn đầu chỉ nổ gần hoặc xung quanh ụ súng. Nhưng mỗi quả đạn nổ làm bọn lính kinh hoàng, nấp cả vào trong ụ đất. Toán nghiến răng bắn tiếp, quả đạn nổ trong ụ đất ít nhất cũng một số tên toi mạng .Anh bắn tiếp, ụ đất tung lên. Hoan hô KIỀU MINH TOÁN! Bọn còn lại chạy bán xới về đồn Sô-Đô, chỉ tiếc không có cối 60 mà “cạch” tiếp.
Pháo lại oanh tạc trận địa:
Chắc là bọn trong đồn Sô-Đô. Bị mất một ụ súng và chết một số lính đã gọi pháo để “ trả thù” chúng tôi chăng?
Rồi lại trực thăng nữa. Hai chiếc phóng pháo “Cá Nẹp” bắn dai như đỉa.Thay nhau oanh tác vào trận địa, quả rốc-két làm sập một góc hầm chứa đồ đạc. May không có người ở đó. Nhưng thiệt hại cũng không nhỏ: số can đựng nước đã vỡ hết không còn một giọt nước dự trữ nào nữa.
Giữa ngày hè trên đỉnh núi, chịu đựng ác liệt dưới cái nắng hè. Không có nước uống, chúng tôi phải làm sao, làm thế nào để chiến đấu ngày hôm nay đây? Sau lần oanh tạc, tôi gom các loại súng, lựu đạn rồi rải lên hảo. Dọc đường tiến, rút. Nghĩa là ở vị trí nào, chúng tôi cũng sờ được vũ khí giết người khi cần.
Nắng trưa như đổ lửa. Trên đỉnh núi mà những cơn gió mát cũng trốn đâu mất. Khát nước, chỉ còn “nguồn nước” chính của mình thải ra rồi lại uống vào.Cách duy nhất tiếp sức cho trận đánh sắp tới là như vậy. Trên đời hiếm có người lính nào đánh giặc trong hoàn cảnh như chúng tôi ở đây. Phải cố gắng giam chân chúng lại, đợi trời tối và đợi chi viện. Nếu trời tối, khó khăn sẽ giảm xuống, màn đêm sẽ giúp chúng tôi tích cực.
Song. Không thể kéo mặt trời xuống được, mới đang là buổi trưa. Bao giờ mới là buổi tối, từ giờ đến tối sao lâu vậy? Thời gian như ngừng trôi. Càng mong trời càng lâu tối, cơn khát giày vò. Đành phải đái ra uống vậy.



---------- Post added at 09:47:55 AM ---------- Previous post was at 09:47:09 AM ----------

Khẩu đại liên phía mỏm yên ngựa lại bắn. Lần này nó bắn rất lâu mà chưa thấy bọn lính xuất hiện. Tôi suốt ruột, hay nó đi vòng, đánh úp hai bên sườn hoặc đằng sau. Anh Liễu bò tới chỗ tôi:
- Cảnh giới cho tốt, chắc là nó đang chuẩn bị thôi. Không có gì khác đâu mà lo.
Đợi quân ta chi viện thì khó, chứ đợi giặc tấn công ở nơi này thì quá dễ. Khẩu đại liên lại bắn khai mào cho một trận đánh mới.
Địch tấn công . .
Chúng chia thành nhiều tốp, hè nhau xông lên. Tốp đi đầu nhằm đỉnh đồi xông tới.Bọn đằng sau bắn M79-M72 “A PHÀ” kiềm chế. Tới “quyết chiếm điểm”, khu vực bãi bom, ngổn ngang đất đá, thùng hố. Chúng tản rộng kiểu “ Rích Rắc”. Đạn M79 từ phía chúng nổ chát chúa về phía chúng tôi. Bất chấp các loại đạn đang bắn về phía mình. Anh Liễu gác hai chân của khẩu trung liên lên bờ hào, bằng động tác nhanh chính xác. Rồi bất ngờ siết cò bắn trả lại địch ( Hành động của anh lúc đó rất chính xác. Nếu không thằng địch sẽ kiềm chế gắt gao, làm chúng ta không thể phát dương hỏa lực mà đánh trả ).
Đạn trung liên của anh Liễu bắt chúng phải nằm bẹp xuống tránh đạn.
Lựu đạn!
Lựu đạn của tôi tung ra nổ giật. Bọn địch lăn ra giãy giụa, 1 số tên đứng dậy tháo chạy. Song, từ phía lùm cây rậm phía chân đồi. Một bọn khác ầm ầm xông lên. Khẩu trung liên của anh Liễu vẫn nổ quyết liệt. Và đạn B41 của Toán vẫn đĩnh đạc nổ chính xác vào đội hình địch. Song, bọn địch chia nhiều hướng, vẫn ầm ầm xông lên và reo hò náo động. Tôi nghiến răng xiết cò khẩu AK, nhưng, tưởng như khẩu súng không đủ sức cản chúng. Tôi vứt súng. Nhặt lựu đạn. Ném. Đống lựu đạn hàng trăm quả(?) đã tháo nắp an toàn, tôi chỉ còn một việc là rút và ném. Rút. Ném về phía trước. Khói mịt mù. Cả dây tiếng nổ truyền nhau. Phối hợp với 2 khẩu hỏa lực của 2 người đồng đội. Tôi khẩn trương tung lựu đạn thật mạnh, ít nhất cũng tạo thành hàng rào lửa. Bọn địch khó mà vượt qua hàng rào ấy để nhảy vào công sự chốt. Bọn địch tạm lùi lại.
Tôi kéo khẩu trung liên giá lên hào. Phải sử dụng loại này mới đủ sức cản địch.
Địch lại ầm ầm xông lên, hô “ka-tra” náo động. Tôi đưa đạn trung liên tới đâu, cả mảng người ở đó bị quét. Song bọn địch vẫn cố sống cố chết leo lên. Đạn B41 của Toán vẫn nổ chính xác vào đội hình địch. 2 khẩu trung liên của tôi và anh Liễu cũng cản rất quyết liệt. Song, chưa bao giờ chúng lại xông lên với một mật độ đông như vậy. Vào lúc ấy. Trung liên phía anh Liễu đột ngột tắt. Không hiểu súng hóc hay hết đạn. Song rồi tiếng AK lập tức thay trung liên. (vì vũ khí của chúng tôi rất nhiều, ở vị trí nào cũng có vũ khí giết giặc) Trước tình thế lâm vào quẫn bách, tôi chỉ còn biết ghì chặt báng trung liên vào vai, nghiến răng xiết cò.
Bọn giặc vẫn liều chết xông lên.
Bỗng chính lúc đó. Anh Liễu nhảy lên khỏi công sự. Đứng thẳng trên bờ hào. Nói gì rất to, nhưng giữa trận đánh. Trong vô vàn tiếng nổ của các loại đạn, tôi không nghe rõ lời anh.
Tôi sửng sốt, lo ngại cho anh Liễu. Không biết làm gì khác hơn là bắn thật mạnh vào những cái mũ sắt mỗi lúc một tiến gần về phía mình, hy vọng hỗ trợ cho anh Liễu.
Anh Liễu đứng thẳng trên bờ hào, khẩu AK trong tay quất chính diện vào đội hình quân giặc. Bọn giặc nằm bẹp xuống. Chúng tránh đạn. Chúng khiếp đảm vì chưa bao giờ. Khi nào. Người lính của ta lại xuất hiện một cách Trực diện – Điềm tĩnh – Hiên ngang – Dũng mãnh đến như vậy. Giây khắc này. Đọng mãi trong tâm khảm của tôi. Dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi: Anh đứng thẳng trên bờ chiến hào, giữa khung cảnh mịt mù khói đạn, chân mở bằng vai, gió chiều làm tóc anh xõa xuống trán. Khẩu súng trong tay liên tục nhả đạn. Nét mặt hừng hực lửa căm giận – Hình ảnh của anh đã tượng trưng cho ý chí kiên cường. Quyết không chịu lùi bước, của chiến sĩ 384. Của trung đội chốt, đại đội 62 chúng tôi.
Khi bọn lính, khiếp đảm phải nằm bẹp xuống tránh loạt đạn từ trong tay anh Liễu, thì lập tức khẩu đại liên lên tiếng. Anh Liễu đang xả những viên đạn cuối cùng vào lũ giặc, thì loạt đạn đại liên của chúng đã bắn trúng đầu anh. Một nửa đầu trên bay mất. Anh từ từ quỵ xuống.
Anh ngã xuống trong tư thế chiến đấu. Ngay bên bờ chiến hào. Lúc 3 giờ chiều hôm nay: 18-4-1972. Thấy vậy, bọn địch ào lên, bỏ hướng chính diện, nơi anh ngã (chúng vẫn còn kinh hãi). Chúng chia làm 2 hướng: tôi và Toán.
Một lũ người lao về phía tôi. Khoảng cách đã khá gần. Thế là hết. Tôi bỏ súng, hơi lùi lại, sờ tay chộp quả lựu đạn tăng (anh Liễu đã tháo giúp, chỉ còn động tác cuối cùng). Tôi chỉ còn 1 ý nghĩ “Mình chết thì chúng nó cũng phải tan xác. Quyết không chịu để nó bắt sống.” Và tôi giật mạnh, hất mạnh về phía trước. Một tia chớp. Trời sập liền trong tức khắc – tôi không hề hay biết gì nữa.
Tới khi tôi tỉnh lại. Thấy im ắng lạ thường. Cố nhiều lần mới chống tay ngồi được. Khát nước và chóng mặt. Tôi cảm thấy lo thực sự. Liệu mình có đủ sức để chịu đựng, chiến đấu đến tối được hay không?
Khát như muốn xé họng. Phải cố gắng mà đái ra ống “lon” hộp. Nước tiểu đỏ quạch. Nhắm mắt mà uống cho đỡ khát. Trong đầu chỉ còn ý nghĩa “Nếu không có chi viện. Không đủ sức cản địch nữa, đợi chúng nó lên gần, sẽ thí mạng quả nữa. Nhất định không để chúng nó bắt sống mình.” Toán vẫn còn. Bọn địch lao về phía anh. Đã bị anh diệt bằng quả B40. Toán bảo tôi:
- Tao cảnh giới. Mày đặt anh Liễu xuống lòng hào đã.
Thi thể anh nhuộm đỏ máu. Nửa đầu trên bị đại liên tiện mất. Tôi kiểm tra túi áo anh, còn 1 gói nhỏ bọc ni-lông không bị thấm máu phía trong. Đó là cuốn sổ ghi những điều đáng nhớ của anh. Đã có lần anh cho tôi đọc. Trang viết cuối cùng. Anh ghi tên những cá nhân chiến đấu xuất sắc giới thiệu với Đảng. Tôi bế anh trên tay, máu tim anh nhuộm đỏ quần áo tôi. Đặt anh nằm dưới lòng hào. Nơi anh nằm là đoạn hào phía Đông 384 – nhìn ra biển. Tôi nói thành lời:
- Anh ơi. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh hãy yên tâm mà ra đi. Em sẽ quyết chiến đấu. Trả thù cho anh.
Nguyễn Tiến Liễu. Chuẩn úy. B trưởng. Quê: Kiến Xương, Thái Bình. Nhập ngũ: 1968. Đảng viên. Tổ trưởng Đảng. Người anh cả của chốt. Đã anh dũng hy sinh. Một người lính dũng cảm. Một chỉ huy có tài. Đã sống anh dũng và chết oanh liệt như thế đấy. Vĩnh biệt anh – chỉ có mình tôi – không có 1 hình thức tang lễ nào, giữa khoảng cách của 2 trận đánh nơi chiến hào sặc khói súng này tôi chỉ biết im lặng cúi đầu vĩnh biệt người anh – người đồng đội – đồng chí thân yêu nhất và thầm hứa: sẽ quyết chiến đấu trả thù cho anh.

 

hoabantrang

Well-Known Member
Trở lại với thực tại. Tôi nghĩ ngay đến chi viện. Cầm que vạch xuống đất viết chữ “viện”, Toán bảo: “Không chắc gọi được viện đâu. Bọn phía sau có chi viện cho mình cũng phải đợi đêm.” Song tôi nghĩ: “Tôi phải gọi. Đã là lính thì phải hỗ trợ cho nhau lúc khó khăn. Đâu có bộ đội thì phải chi viện cho 384.”
Tôi đứng ở khúc hào phía Tây. Nơi có con đường đi về chốt, nhìn xuống tổ thông tin K63. Bom đạn đã xóa mất cánh rừng. Nên tầm nhìn dễ dàng. Song không thể cất tiếng gọi được.
Tôi cầm khăn quyết tử phất làm hiệu. Không thấy gì. Liền cầm 1 khẩu AK và 1 khẩu AR15 giơ cao thành 2 đường chéo. Rồi chỉ về phía địch, ý nói: Khẩn cấp – xin chi viện. Lát sau, một người nhỏ nhắn đội mũ bê-rê, lao ra khỏi hầm. Anh Soạn đại đội trưởng. Đi họp về đợi trời tối lên chốt. Nhận được mật hiệu khẩn cấp của tôi. Anh trở lại trận địa trong tầm quan sát của địch từ máy bay trên không. Từ đồn Sô-đô nhìn sang.
Tôi mừng rơn, nói ngay:
- Ôi anh Soạn. Em đợi anh mãi. Bộ đội hy sinh gần hết! Cả anh Liễu cũng hy sinh rồi. Anh về chỉ huy đi.
Tôi hướng dẫn anh Soạn thủ đoạn của địch, quy luật tấn công, cách đánh của ta. Anh chỉ "ừ" và nói: "Cố giam chân địch. Tối sẽ có chi viện!"
Tôi bảo anh Soạn:
- Anh ở vị trí của em. Em sẽ thay vị trí anh Liễu. Vì em hiểu lối đánh của địch rồi.
Khẩu đại liên của địch lại nhả đạn. Tôi tranh thủ thay băng trung liên, đưa mắt nhìn xem số lựu đạn còn lại. Và nói với anh Soạn:
- Nó bắn đại liên là sắp tấn công. Phải cẩn thận đấy anh Soạn ạ.
Nhìn sang, anh Soạn đã chết từ lúc nào. Ngồi sau gốc cây cụt trên bờ hào, đạn đại liên bắn vào mặt. Anh ngã đè lên súng. Máu chảy thành vũng dưới chân. (Như vậy là khẩu đại liên của địch đã giết mất cả 2 người chỉ huy của chúng tôi: Anh Liễu, anh Soạn)
Địch lại ồ ạt tấn công.
Không còn kịp nghĩ gì nữa. Tôi và Toán phối hợp cản địch: Toán, vẫn khẩu B41. Tôi, ghì chặt báng trung liên, nghiến răng xiết cò. Trả thù là đây, lập công là đây. Tôi vừa bắn vừa khóc. Khóc vì thương đồng đội, căm thù lũ giặc. Khóc vì trong lúc khốn cùng, sẵn sàng chết. Khóc, vì bị bỏ rơi nên uất ức. 384 bị cô lập. Bộ đội chết gần hết mà lại không có chi viện. Tuyệt nhiên tôi không còn sợ sệt và chẳng nghĩ gì đến mạng sống và điều sống chết lúc này nữa. Đã chai sạn trong gian khổ ác liệt tận cùng. Giờ đây tôi không còn biết sợ là gì nữa. Trong tôi chỉ còn 1 ý nghĩ:
- Phải giết nhiều, bắn mạnh, còn nguồn sinh lực trong người, còn chiến đấu trả thù cho Đồng đội và đánh đến cùng.
Bọn địch tạm rút.
Tôi ra hiệu cho Toán: Anh Soạn đã hy sinh.
Toán, mắt đỏ vằn vì giận dữ, anh nói với tôi giọng hằn học:
- Thằng Minh mày nhớ đây. 384 chỉ còn mày với tao. Phải đánh đến giọt máu cuối cùng. Nếu không đủ sức cản địch nữa thì giật lựu đạn mà chết chung với chúng nó. Thằng Nam Triều Tiên có bước qua xác bọn mình mới lấy được 384 này. Tao còn, mày còn, chốt phải còn. Rõ chưa?
Nói rồi, Toán nhìn về phía Bắc. Tay cầm quả lựu đạn giơ cao. Anh vẫy chào lần cuối:
- Vĩnh biệt gia đình. Vĩnh biệt quê hương.
Điều đó lúc này cũng chẳng hề làm tôi mủi lòng vì tôi cũng chờ cái chết đến bất kỳ lúc nào.
Trời đã tối, trăng thượng tuần đã tỏa sáng phía Tây. Tưởng được nghỉ ngơi như mọi ngày nhưng bọn giặc lại tấn công.
Tôi và Toán, 2 người lính còn lại của 384. Đã đối đầu với hàng trăm tên Nam Triều Tiên giỏi võ, khỏe mạnh. Trong khi chúng tôi đã kiệt sức vì 10 ngày đêm không ăn, không ngủ, chịu đựng qua tất cả các đợt oanh tạc ác liệt dữ dội của không quân và pháo binh Mỹ. Hai người lính đã kiên cường trụ bám. Khắc phục mọi khó khăn ác liệt. Chiến đấu bẻ gãy tất cả các đợt phản công của địch. Đánh trận này là trận thứ bao nhiêu? Giết bao nhiêu tên giặc? Không biết. Hai người lính đã kiệt sức qua từng ấy ngày đêm gian khổ ác liệt. Đã uống nước tiểu chiến đấu suốt ngày hôm nay. Vẫn có mặt để bước vào trận gay go này. Xác định: Sẵn sàng chết, nếu không bảo vệ được chốt nữa thì cũng bảo vệ được danh dự và khí tiết người lính.
Tôi ghì chặt báng trung liên, xiết cò. Trước đường đạn, quân giặc ngã lia lịa. Song chúng vẫn hè nhau xông lên. Những phát B41 của Toán vẫn nổ chính xác vào đội hình địch.
Đạn trong băng hết. Không còn đủ thì giờ để thay băng khác, tôi tung lựu đạn tạo hàng rào lửa để có cơ hội nhặt súng khác. AK lại nhả đạn. Khi tiến, khi lùi, lúc bên phải, lúc bên trái. Tôi tận dụng hết nguồn sinh lực trong người. Cho dù trận này là trận cuối. Cho dù phải trả giá đắt nhất cũng không uổng. Mình chết, chúng nó càng phải chết nhiều hơn.
Bỗng Toán chạy lại phía tôi:
- Mày bóc hộ giúp tao mấy cái liều phóng. Hết liều phóng B41 rồi.
Thật là gay. Không làm theo lệnh Toán không được. Nhưng làm thì chiến đấu làm sao? Tôi đành treo súng trên vai phải. Bắn. Tay trái cầm ống liều phóng. Vừa bắn vừa cắn cho vỡ vỏ nhựa để lấy liều phóng cho Toán. Dù có phải gãy hết hàm răng cũng phải lấy bằng được liều phóng. Lúng túng trong hoàn cảnh, cùng lúc phải lo 2 việc: vừa cản địch, vừa cắn cho vỡ vỏ nhựa đựng liều phóng. ( Thật hiếm có ai đánh địch trong hoàn cảnh như tôi) Bỗng, 1 tiếng nổ rất lớn, trước mất tôi bùng lên cà 1 quầng lửa đỏ lóe. Tôi có cảm giác như bị nâng lên rồi rơn xuống vực thẳm. Từ đó tôi không hề hay biết gì nữa.
Tới khi tỉnh lại. Thấy mình đang nằm giữa bãi đất bột, một khoảng trời nho nhỏ trên đầu. Tôi hiểu ra: Tôi bị rơi xuống hố bom trong lúc quả đạn nổ? ( Đạn gì thì không rõ ) Và bị hất từ đó. Súng mất ( vì treo ở vai phải nên bị văng mất ) ống nhựa đựng liều phóng B41 vẫn còn trên tay, một đầu đã nhai nát, đầu hàm răng. Không còn 1 tấc sắt trên tay. Toán đâu? Sống hay chết. Có rất nhiều tiếng nói trên đầu. Địch đã tràn lên chốt. Không còn làm gì được hơn nữa là rút. Phải rút hết sức bí mật. Kẻo chỉ cần 1 quả lựu đạn, hoặc 1 loạt đạn vu vơ vào lòng hố bom này. Trườn khỏi hố bom, rút xuống tổ thông tin K63. Hai người lính thông tin, chắc đã hiểu ra sự việc.
Họ sốt sắng hỏi: Tình hình sao rồi?
Nhìn hai người vẫn an nhàn ngồi đây. Trong khi bộ đội trên chốt đã chết hết. Mong đứt hơi không có chi viện. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Tôi chửi họ thậm tệ. Người có tuổi kéo tôi vào hầm:
- Sao cậu lại chửi chúng tôi như vậy. Có gì bình tĩ nói đi nào. Lính mới mà đã ăn nói như vậy kia à.
Tội càng sôi máu thêm. Vừa nói vừa khóc:
- Thì anh bắn chết tôi đi. Tôi sống làm gì khi không trả thù được cho anh em tôi. Còn một mình tôi không làm gì nổi. Yêu cầu các anh chi viện, tại sao các anh làm ngơ ?
Người ấy nói rằng:
- Chúng tôi có 2 người. Một làm việc, một bảo vệ máy, không thể bỏ máy cầm súng chiến đấu được.
Tôi nói:
- Máy các anh to hơn 384 của chúng tôi à!
- Chúng tôi phải đảm bảo thông tin liên lạc từ sở chỉ huy xuống chốt và ngược lại. Bây giờ các đồng chí cho biết ý kiến về sở chỉ huy đi. Đừng cãi vã nữa. Thằng địch nó ở sát sườn kia. Phải đảm bảo bí mật kẻo nó đụt cho bây giờ. Phỏng có ích gì đâu. Tôi chợt nhớ ta. Nếu chi viện kịp thời thì đêm nay đưa bộ đội lên chốt dễ dàng. Về đêm có điều kiện làm lại trận địa. Chắc gì thằng địch nó ở lại ban đêm vì không có hầm trú ẩn.
Tôi nói:
- Các anh điện về sở chỉ huy giúp. Đề nghị trên cho thêm người chi viện, một mình tôi không giữ nổi chốt. Bộ đội đã hy sinh hết. Mình tôi là người cuối cùng.
Tôi xin nước uống. Họ nói đã hết nước và chịu khát từ lâu. Nói rằng tôi ngồi đây. Đợi họ đi lấy nước uống. Nhưng khi cơn khát đang giày vò. Đã phải uống nước tiểu cả ngày rồi. Ngồi đây đợi thì sốt ruột, chịu sao nổi. Tôi liền giành phần đi lấy nước.
Tụt vách đá. Lao bừa trong đám gai góc, sò sệt lầm mò dưới khe về đêm tối như hũ nút, ngổn ngang những cây đổ vì bom pháo. Thời khi có cảm giác mát lạnh dưới gan bàn chân. Nước đây rồi. Chẳng kể gì bẩn sạch, tôi bò sát đất, vục mặt xuống vũng nước chỉ lai láng, uống một hơi đã đời. Đứng dậy nhổ hết lá mục bùn đất trong miệng, rồi mới lần sờ vào phía bên trong. Vũng nước sâu hơn. Chảy ra từ lòng núi. Tôi tiếp tục uống cho thỏa thích. Cho bõ nhưng cơn khát cháy họng phải uống nước tiểu. Tôi múc một can nước đầy. Xách lên tới khỏi bờ khe, giơ lên cao mà nhìn anh sáng mờ của trăng thượng tuần. Thấy nước cũng đục ngầu như nước cà fê. Vậy mà 2 người lính thông tin vẫn uống ngon lành. Người lính thông tin có tuổi. Tên Hạng, nói:
- Sở chỉ huy trung đoàn đã nhận được điện của cậu, biểu dương tinh thần chiến đấu của cậu. Nội trong đêm nay sẽ có chi viện. hai chúng tớ và cậu tiếp tục ở lại để chờ chi viện.
Người lính ít tuổi tên Bội. Anh Hạng trực máy, anh Bội gác, họ giục tôi đi ngủ, nếu đói thì lại ăn. Tôi nhờ họ khoảng nửa đêm báo thức. Vì tôi tự cho phép mình chỉ được “giải lao”: thôi. Chưa thể nghỉ ngơi được.

 

hoabantrang

Well-Known Member
Phần kết

Tôi rúc vào vách hầm. Nằm ngủ, có người lính thông tin gác cho giấc ngủ của mình. Cảm thấy thấy rất hối hận vì đã trót nặng lời với họ. Cầu mong các anh ấy thông cảm. Cũng vì nhiệm vụ mà thôi.
Nửa đêm, họ đánh thức tôi dậy. Nghĩ đến chốt, tôi bừng tỉnh. Còn Toán, chưa rõ ra sao. Tôi phải trở lại xác minh cụ thể. Không thể yên thân một mình được. Một mình tôi trở lại chốt, trên đỉnh đồi toan hoang xơ xác. Không 1 tiếng dế kêu, không một động tĩnh nhỏ. Liệu thằng địch có trên đồi không. Tôi lăm lăm khẩu súng trong tay. Nếu có động sẽ dễ phản ứng hơn vì ban đêm. Tôi nhặt những hòn đất nhỏ, ném về nhiều phía. Không có gì. Xác anh Liễu, anh Soạn vẫn nguyên. Toán đã hy sinh. Có lẽ hy sinh vì quả đạn nổ khi tôi bị văng xuống hố bom. Trở lại tổ thông tin, tôi và anh Bội bàn và nhận định:
- Địch không ở lại trận địa vì: Một, nó tưởng ta rút đi, bẫy nó để dập pháo. Hai: hầm trú ẩn và hầm chiến đấu hỏng hết. Nó ở lại ban đêm sẽ bất lợi nếu nó rút. Điều kiện này, đưa bộ đội lên thuận lợi vô cùng. Tôi cũng thêm sốt ruột vì chờ đợi.
Mai rồi, đã gần sáng vẫn không thấy gì. Chúng tôi bàn: Tạm rút xuống chân chốt, nơi bếp anh nuôi, không thể ở đây giữa ban ngày được, định gì thì xuống đó liệu tiếp.
Tới bếp anh nuôi, thấy chính trị viên Truân và bộ phận chi viện ngồi đó, nói rằng đợi khẩu cối 61. Trời ơi, họ có biết tôi mong họ như thế nào không ? Trong lúc tôi chiến đấu đơn độc lẻ loi thì họ vẫn ung dung thế này đây. Là chiến binh, chiến đấu không chỉ bằng ý chí, bằng lòng dũng cảm, bằng lòng trung thành với Tổ quốc nhân dân, còn phải bằng cả lương tâm trung thực nữa kia. Kẻ hèn nhát đã khốn nạn tới mức vô nhân đạo, bỏ mặc đồng đội gặp khó khăn. Đồng đội chết hết vẫn làm ngơ còn biện bạch ra lý do để hợp lý tình huống. Tránh đòn trừng phạt của kỷ luật quân đội. Giữa những đồng đội đã hy sinh so với hạng người này, sao mà khác xa đến vậy, trái ngược đến vậy. Song tôi phải im, nghĩ đến bài học kiểu tối hôm qua với anh Bội, anh Hạng… vì tôi chỉ là binh nhì, “thắng” sao được lý luận của thủ trưởng cao cấp nhất đại đội.
Hỏi tôi về tình hình chốt xong rồi chính trị viên Truân tuyên bố rút. Đánh hay rút là do ông Truân quyết định, ông Truân chịu trách nhiệm. Tôi chỉ là binh nhì, nào tôi có “thẩm quyền” gì lúc này được nữa. Tôi đành chịu lỗi với 7 liệt sỹ, 7 người đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn hóa thân vào long đất, nằm lại với ngọn đồi 384. Những đồng đội của tôi đã sống anh dũng, chết vẻ vang cho tổ quốc, non sông, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Mà phải phơi xương trên ngọn đồi, ngoài tôi ra không ai biết, không ai chôn cất.
Nỗi xót xa day dứt này chỉ có tôi – một chiến binh – một tay súng đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chiến đấu cùng các anh mới phải trực tiếp gánh chịu trước trách nhiệm tình đồng đội mà thôi.
Câu chuyện về ngọn đồi 384 và kết cục là như thế đấy. Chỉ có những ai lính chiến trường đã trải qua những ngày khói lửa mới hiểu và đồng cảm cho những suy tư day dứt của tôi – một chiến binh nặng tình với đồng đội và mãi mãi khắc sâu trong ký ức kỷ niệm chiến trường.
Phải sống, chiến đấu, chịu đựng trong những ngày khói lửa chiến trận mới thấy được vị đắng của chiến tranh và hiểu hết được nghĩa thật của CHIẾN TRANH là thế nào.
Sau những ngày khói lửa sống, chiến đấu trên cao điểm 384 đã cho tôi bài học lớn của người lính giải phóng quân trên chiến hào diệt Mỹ.
- Sống căm thù, sống yêu thương.
Tôi đã từng nổ súng, xông pha qua nhiều trận đánh trên chiến trường Bình Định – Gia Lai, nhưng kỷ niệm về cao điểm trận địa và những đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh thì không bao giờ quên được. Những dòng nhật ký trên đây để nhớ về kỷ niệm ngày khói lửa. Như để cáo lỗi với 8 người đồng đội thân yêu, cũng là để thắp lên một nén nhang trước linh hồn các anh – những con người mà tôi rất cảm kích tôn thờ. Trước những tâm hồn cao thượng, nguyện sống xứng đáng trước các anh, quyết không làm hổ thẹn danh dự đồng chí của các anh.
Vì tình đồng chí, đồng đội là thiêng liêng cao cả. Sau chiến tranh, tôi may mắn trở về. Thầm hứa sẽ làm nốt những việc mà trong chiến tranh không làm được: đưa hài cốt các anh về quê hương. Có làm được điều đó tôi mới hoàn tấy nghĩa vụ trách nhiệm tình đồng đội. Vì món nợ tình đồng đội thì không lấy gì trả được.
Mãi mãi nhớ về kỷ niệm 10 ngày đêm sống, chiến đấu trên cao điểm 384 và 8 đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh nằm lại với ngọn đồi:
Nguyễn Tiến Liễu, Đồng Văn Soạn, Nông Văn Thu, Nguyễn Văn Du, Kiều Minh Toán, Hà Văn Bình, Đào Duy Hiển, Trần Văn Chính


---HẾT---


 

hoabantrang

Well-Known Member
Hic ! Các nhân em thấy kết thúc chán quá. Làm như đem con bỏ chợ ấy nhỉ !:-??
 
Bên trên