Facebook đã không còn là một trang mạng xã hội đơn thuần nữa, và tại sự kiện F8 dành cho các lập trình viên do Facebook tổ chức hồi tối hôm qua (giờ Việt Nam) thì CEO kiêm sáng lập Mark Zuckerberg cùng các cộng sự đã khẳng định mạnh mẽ hơn tham vọng bành trướng của họ với khá nhiều tính năng thú vị, mà theo họ là nhằm giúp cho cuộc sống số của người dùng trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
Trong số những công cụ mới mà Facebook tiết lộ tại F8 thì nổi bật lên có Account Kit, giúp cho việc đăng nhập vào các dịch vụ trở nên dễ dàng hơn; Save to Facebook, giúp người dùng lưu các đề mục để đọc sau khi ngừng kết nối mạng internet; và Quote to Facebook, giúp đơn giản hóa thao tác chia sẻ các trích dẫn.
Sau đây là giới thiệu ngắn gọn về chức năng của ba công cụ nói trên.
Account Kit
Đăng nhập vô các ứng dụng chuyện tưởng chừng đơn giản một khi có tài khoản và mật khẩu, nhưng lại rất có thể sẽ gây đau đầu cho không ít người, nhất là nếu lỡ quên mất mật khẩu. Và đó là lý do vì sao Twitter đã cho ra mắt tính năng Digits chỉ để giúp thao tác đăng nhập được dễ dàng hơn. Và giờ đây, đến lượt trang mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng học theo Twitter khi ra mắt công cụ Account Kit để giúp loại bỏ thao tác nhập mật khẩu.
Nếu như trước đây, tính năng Facebook Login đã cho phép người dùng có thể đăng nhập vô một số lượng lớn các ứng dụng bằng tài khoản Facebook, song người dùng vẫn cần phải có email và mật khẩu. Nay, công ty Facebook giới thiệu công cụ Account Kit nhằm cho phép người dùng đăng nhập vào bất kỳ ứng dụng nào chỉ với số điện thoại hoặc địa chỉ email.
Được biết Facebook đang cho thử nghiệm công cụ Account Kit ở nhiều quốc gia khác nhau, và trang mạng xã hội cho biết một trong các đối tác của họ, Saavn, một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến ở Ấn Độ, đã có lượng thành viên đăng ký tăng 33%. Mục đích của công cụ Account Kit là đơn giản hóa tiến trình tạo một tài khoản để dùng một dịch vụ mới và cho phép những người dùng có thể không có địa chỉ email hoặc tài khoản Facebook vẫn có thể đăng nhập vào ứng dụng một cách nhanh chóng, mà dễ chịu nhất là không cần phải ghi nhớ nhiều mật khẩu loằng ngoằn.
Một khi người dùng mở ứng dụng lên, họ chỉ việc điền vào số điện thoại của mình (hoặc là địa chỉ email nếu có), và họ sẽ nhận được một đoạn mã để nhập vào tiếp theo — và chỉ có thế, họ đã đăng nhập thành công vào ứng dụng để sử dụng nó.
Như vậy, ý tưởng của Facebook rõ ràng đơn giản hơn việc phải điền địa chỉ email của người dùng, rồi tiếp theo là chuỗi mật khẩu khó nhớ với các tiêu chí ký tự in hoa ký tự lạ cùng với số xen lẫn. Một điều mà người dùng cũng cần biết là mật khẩu tuy có cấu trúc khó nhớ đến đâu nhưng thông thường lại không an toàn, do lẽ chính bởi sự khó nhớ nên đại đa số người dùng sẽ có thói quen sử dụng chung mật khẩu cho nhiều tài khoản và ứng dụng khác nhau.
Save to Facebook
Facebook cho thấy họ đang cạnh tranh mạnh với các ứng dụng như Pocket và Instapaper khi bổ sung thêm nút “Save to Facebook”. Hiện nay, người dùng chỉ có thể lưu các bài đăng và đề mục trong ứng dụng Facebook để có thể đọc lại sau tại mục Saved. Nhưng với nút Save to Facebook thì giờ đây nút này sẽ cho phép người dùng có thể lưu lại bất cứ bài viết nào mà họ bắt gặp trên web vào mục Facebook Save và rồi đọc lại sau. Cách thức này cũng tương tự như điều mà các dịch vụ như Pocket đang cung cấp, chỉ có một tiện lợi là người dùng không cần phải tải thêm một ứng dụng khác riêng lẻ chỉ để làm việc lưu lại các bài viết.
Quote to Facebook
Trong trường hợp các bạn là người lười biếng không thích phải sao chép và dán một trích dẫn từ một bài viết hoặc ebook đang đọc, thì Facebook sẽ giúp cho bạn thấy thoải mái và dễ dàng hơn. Tính năng chia sẻ trích dẫn sẽ giúp các bạn điểm sáng đoạn văn bản, sau đó nhấn “Share Quote” để Facebook tạo ra một bài đăng theo định dạng khối trích dẫn và bao gồm cả địa chỉ URL của bài viết mà các bạn đã trích dẫn.
Tính năng này hiện đã phát hành cho thiết bị đọc sách điện tử Kindle của Amazon, nên người dùng sẽ sớm thấy có thêm nhiều nhà phát triển ứng dụng bổ sung tính năng này vào các ứng dụng và dịch vụ của họ.
Nguồn Digital Trends