Thunderbolts* và những chuyện chưa kể: Baron Zemo bị cắt vai, John Walker suýt trở thành “trùm cuối”

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Đã có nhiều ý tưởng thú vị trong khâu xây dựng kịch bản của Thunderbolts*, bao gồm cả sự xuất hiện của Baron Zemo hay quái vật Man-Thing.​

thumb-ava-17472121073441679302044-1747212108643531163738-94-138-788-1248-crop-17472121324411466574230-1747279832566-17472798328991285946557.jpg


Thunderbolts* là dự án điện ảnh mới nhất của Marvel Studios và hiện đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ khán giả đại chúng. Thay vì khai thác những siêu anh hùng đình đám trong MCU, bộ phim lại xoay quanh một nhóm các phản diện/phản anh hùng trong cuộc chiến không hề cân sức với Sentry - nhân vật được mệnh danh là Superman của Marvel. Không những vậy, bom tấn này còn xác nhận Thunderbolts đã chính thức trở thành biệt đội Avengers mới, hứa hẹn nhiều vai trò quan trọng hơn trong tương lai - mà trước mắt chính là 2 siêu bom tấn Doomsday và Secret Wars.

Bên cạnh đạo diễn Jake Schreier, bộ đôi biên kịch Eric Pearson và Joanna Calo cũng đón góp vai trò quan trọng trong thành công của Thunderbolts*. Đối với Joanna, đây là lần đầu tiên cô tham gia một dự án của Marvel Studios sau khi bỏ túi bộ portfolio xịn sò với nhiều cái tên như Hacks, BoJack Horseman, The Bear và Beef ở cả vai trò biên kịch lẫn nhà sản xuất. Trong khi đó, Pearson lại là một biên kịch dày dạn kinh nghiệm trong dòng phim siêu anh hùng, với các tác phẩm như Thor: Ragnarok, Black Widow hay Agent Carter. Anh cũng đang tham gia xây dựng kịch bản cho Blade của MCU.

Mới đây, trong buổi trò chuyện với ScreenRant, Eric Pearson đã hé lộ nhiều chi tiết thú vị xoanh quanh quá trình xây dựng kịch bản của Thunderbolts*.

Zemo và Man-Thing “mất suất” tham gia Thunderbolts*



1.jpg
Helmut J. Zemo và Man-Thing đều là thành viên của Thunderbolts trong nguyên tác truyện tranh, và cả 2 cũng từng góp mặt trong các dự án của MCU - Ảnh: Internet.



Trong lần đầu tiên biệt đội Avengers bước lên màn bạc vào năm 2012, Marvel Studios đã quyết định loại bỏ Ant-Man (vốn là thành viên đời đầu trong nguyên tác), và chỉ tập trung vào 6 nhân vật bao gồm Iron Man, Captain America, Black Widow, Thor, Hulk và Hawkeye. Tương tự, trong màn chào sân của Thunderbolts, họ đã để Baron Zemo đứng ngoài cuộc chơi, bất chấp việc phản diện này được xem là thủ lĩnh của nhóm trong truyện tranh. Sự vắng mặt của Zemo cũng khiến rất nhiều người hâm mộ cảm thấy khó hiểu và tiếc nuối sau khi Thunderbolts* ra mắt.

Có 3 lý do chính khiến Marvel Studios quyết định không khai thác Zemo trong Thunderbolts*. Đầu tiên, họ không tìm được cách để lắp ghép nhân vật này vào kịch bản tổng thể của phim. Chia sẻ với ScreenRant, Pearson cho biết đã có thời điểm cái tên Zemo xuất hiện trong kịch bản, với ý tưởng ban đầu là dù phải chịu cảnh tù tội, hắn vẫn có thể giật dây hàng loạt sự kiện trong phim, tương tự như cách hắn đã làm trong Captain America: Civil War. Sau khi được tự do, Zemo đã trà trộn vào đội ngũ nhân sự của Valentina Allegra de Fontaine và cải trang thành trợ lý của ả. Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã bị loại bỏ.

Thứ hai, đội ngũ sản xuất không muốn Thunderbolts* bị coi là “Suicide Squad nhà Marvel”. Theo kế hoạch ban đầu, ngoài Zemo, có rất nhiều phản diện quen thuộc khác cũng sẽ góp mặt trong bộ phim này. Pearson cho biết: “Thế giới đã có Suicide Squad, có The Dirty Dozen. Những câu chuyện về phản diện như vậy đã được kể nhiều lần rồi. Chúng tôi phải thay đổi”. Sau đó, Thunderbolts* được xây dựng với nguồn cảm hứng từ Die Hard và The Breakfast Club với lý tưởng: “Hãy tập trung tất cả các nhân vật tại 1 địa điểm, để họ gặp nhau trong một tình huống oái oăm, rồi từ đó họ sẽ dần dần hiểu nhau, nhận ra những điểm tương đồng và đồng hành cùng nhau”.

Cuối cùng, đội ngũ biên kịch muốn Yelena Belova là trung tâm của phim, và sự xuất hiện của Zemo có thể sẽ khiến mục đích này thất bại. “Nếu có một cách tài tình nào đó để Baron Zemo góp mặt trong Thunderbolts*, chúng tôi chắc chắn sẽ làm ngay”, Pearson chia sẻ, “Nhưng tất cả các nhân vật trong phim đều có kết nối thông qua Yelena. Sau đó, chúng tôi còn giới thiệu cả Bob nữa. Zemo chỉ đơn giản là không thể phù hợp với kịch bản phim”.

Trong khi đó, Man-Thing, từng xuất hiện trong Werewolf by Night (2022), cũng được cân nhắc một tấm vé thông hành đến Thunderbolts*. “Chúng tôi chưa bao giờ tìm ra cách để đưa nhân vật này vào”, Pearson bộc bạch, “Ý tưởng ban đầu là Valentina sẽ kiểm soát Man-Thing. Có rất nhiều ngày, chúng tôi đã bàn bạc nhiều đến mức “bàn lùi”. Và sau tất cả, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác con quái vật rong rêu bùn lầy khổng lồ này là một mảnh ghép của Thunderbolts*”.

John Walker là “trùm cuối” thay cho Sentry



2.jpg
Đùa không vui, John Walker suýt thì căng trong phân đoạn cuối của Thunderbolts* - Ảnh: Internet.



Theo Pearson cho biết, cấu trúc tổng thể ban đầu của kịch bản Thunderbolts* khá khác so với phiên bản công chiếu. Để dễ hình dung, anh mô tả nó giống như một buổi team-building của các công ty, nơi nhân viên có dịp giao lưu, tương tác với nhau để trở nên thân thiết và hiểu nhau hơn. Cú twist chỉ xảy ra ở cuối phim, khi có một thành viên “đâm sau lưng” họ: Đó chính là John Walker/U.S. Agent - “cây hài’ mới nổi của MCU.

Pearson cho biết: “Trong bản nháp kịch bản ban đầu, John Walker trở thành phản diện cuối cùng của phim. Ý tưởng mà chúng tôi đặt ra là Valentina đã thao túng tâm lý chàng U.S. Agent khi nói dối rằng huyết thanh trong cơ thể anh đang dần mất đi tác dụng, buộc anh phải sử dụng một loại thuốc do bà ta cung cấp để duy trì sức mạnh của bản thân. Trong thực tế, John giống như một quả bom hẹn giờ và chỉ phát nổ khi Valentina cảm thấy phù hợp”. Nói một cách dễ hiểu, ý tưởng này giống hệt kịch bản của Captain America: Brave New World, với việc Thaddeus Ross/Red Hulk là “quả bom” của Samuel Sterns.

Tuy nhiên, đội ngũ biên kịch vẫn giữ quan điểm muốn trận chiến cuối cùng trong Thunderbolts* mang tính “chữa lành” nhiều hơn. Chính vì vậy, ý tưởng biến John Walker thành trùm cuối, dù khá thú vị, nhưng lại không phù hợp với lý tưởng của họ. Họ cần một phản diện với sức mạnh to lớn, một kẻ mà những thành viên của Thunderbolts không thể đối đầu trực tiếp, mà phải dùng tới “thông não chi thuật” để chiến thắng. Cuối cùng, Sentry là cái tên được chọn.

Chủ tịch Kevin Feige đích thân ra tay, MCU có ngay Avengers mới



3.jpg
Ý tưởng biến Thunderbolts thành New Avengers xuất phát từ Kevin Feige - Ảnh: Internet.



Kevin Feige vẫn luôn trực tiếp tham gia sản xuất vào gần như mọi dự án của Marvel Studios, và lần này cũng không ngoại lệ. Đối với Thunderbolts*, Feige đã mang đến 2 ý tưởng lớn.

Đầu tiên, ông muốn để Bucky Barnes tham gia vào trò chơi chính trị, xây dựng hình tượng chàng Chiến binh mùa đông như một quân cờ của các chính trị gia nhằm tuyên truyền những điều liên quan đến Avengers. Tuy nhiên trên thực tế, Bucky lại có kế hoạch cho riêng mình, và trở thành đại biểu Quốc hội chỉ là vỏ bọc để anh điều tra Valentina. Điều này cho thấy Bucky vẫn quá kinh nghiệm, quá bản lĩnh trong MCU, và hành động bằng cái đầu nhiều hơn thay vì chỉ dựa vào sức mạnh thể chất của mình.

Thứ hai, Kevin luôn muốn biến Thunderbolts thành đội Avengers mới ngay từ khi dự án này trong quá trình tiền sản xuất. Pearson cho biết: “Khi lần đầu tiên tôi gửi Marvel Studios ý tưởng về bộ phim này, Kevin đã ngay lập tức nghĩ đến New Avengers. Khi đó, kịch bản mà tôi đưa ra vẫn khá thô sơ, chủ yếu là những sự kiện chính trong phim mà thôi, và đoạn kết chỉ có phân cảnh Yelena đứng phía sau Valentina, thì thầm “Giờ thì bà sẽ làm việc cho chúng tôi”. Tôi đã phân tích, giải thích rất nhiều, nhưng cuối cùng Kevin chỉ nói: “Tôi nghĩ là họ (Thunderbolts) nên là đội Avengers mới. Tôi nghĩ Valentina nên công bố rằng họ là New Avengers”.

“Đã có thời điểm, chúng tôi đã dành hẳn 1 giờ để thảo luận về việc chữ “n” trong “New” nên được viết hoa hay viết thường. Phiên bản viết thường - “new Avengers”, cho thấy đây vẫn là nhóm Biệt đội Báo thù cũ với các thành viên mới. Trong khi đó, “New Avengers”, phiên bản được sử dụng trong bản công chiếu chính thức, lại mang hàm ý đây là một đội siêu anh hùng hoàn toàn mới, tách biệt so với nhóm Avengers cũ”.

Vì sao các siêu anh hùng khác tại New York không lộ diện để chiến đấu với The Void?



4.jpg
Biên kịch Thunderbolts* đã đưa ra câu trả lời, nhưng không thuyết phục lắm - Ảnh: Internet.



Trong vài năm gần đây, Marvel Studios đã đưa rất nhiều siêu anh hùng đường phố vào MCU, ví dụ như Spider-Man, Daredevil, She-Hulk hay Moon Knight. Không ít nhân vật trong số đó đang sinh sống hoặc hoạt động tại thành phố New York - bối cảnh chính trong trận chiến cuối cùng giữa Thunderbolts với The Void. Tuy nhiên, khi mà The Void nhấn chìm toàn bộ vào bóng tối, không có bất cứ siêu anh hùng nào trong những cái tên kể trên xuất hiện để chiến đấu với hắn hoặc cứu giúp những người dân thường. Đây cũng là một trong nhiều thắc mắc của người hâm mộ sau khi Thunderbolts* công chiếu.

Đứng trước câu hỏi này từ phía ScreenRant, Pearson đã thẳng thừng trả lời: “Tôi sẽ không chia sẻ bất cứ chi tiết nào liên quan đến vấn đề đó. Tôi cũng chưa xem kỹ bản đồ để xác định liệu vùng tấn công của Void đã lan đến phố Bleecker (nơi hoạt động của Doctor Strange) hay chưa. Nhưng tôi cho là thời gian mà mọi việc diễn ra nhanh hơn những gì chúng ta tưởng. Thời gian trong vùng tối Void cũng có tốc độ giãn nở khác so với thực tế”.

“Như chúng tôi đã đề cập đến trong Thor: Ragnarok, thời gian hoạt động theo cách rất khác tại nơi này. Khi bị nhốt vào Void Space, đâu ai biết đã bao nhiêu thời gian trôi qua? Có khi họ mới chỉ bị giam giữ có 1 giây mà thôi”.

Dĩ nhiên, lời giải thích của Eric Pearson là chưa thực sự thoả đáng. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta sẽ phải đợi đến các dự án tương lai của MCU để tìm câu trả lời cho vấn đề này. Hoặc ít nhất, Marvel Studios sẽ cung cấp vài câu thoại liên quan đến sự kiện The Void tấn công New York từ những siêu anh hùng khác.
 
Bên trên