Ðề: Bản quyền ngoại hạng Anh nóng trở lại
Không cần K+ vẫn có thể xem Premier League: Sáng kiến hại dân
Mới đây, 4/5 đại diện trong Ban đàm phán mua bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) giai đoạn 2013-2016 đã “hiến kế” giúp người dân không cần mua đầu thu K+ mà vẫn có thể xem EPL. Nhưng về bản chất, "sáng kiến" này chỉ ... hại dân.
Sáng kiến… hại dân
Trong công văn do 4/5 thành viên Ban đàm phán (VTC, AVG, Viettel, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam - VNPay TV) gửi Bộ thông tin và truyền thông đã đề nghị Bộ yêu cầu Đài truyền hình Việt Nam (VTV, chiếm 51% trong liên doanh với Canal Plus hình thành Công ty cổ phần truyền hình số vệ tinh VSTV – sở hữu kênh K+) dùng quyền phủ quyết của mình để không nhận bản quyền EPL. Còn nếu nhận phải có cách chia sẻ cho các đài có nhu cầu.
Kiểu gì thì người dân cũng phải oằn mình gánh thêm phí thuê bao nếu muốn được tận hưởng các trận đấu EPL.
Ban đàm phán đã “hiến kế” thu tiền cho K+. Đại ý là trong giai đoạn 2013-2016, các thuê bao của VTC, VCTV, SCTV… có thể được xem EPL mà không cần mua đầu thu K+ nếu chấp nhận chi tối đa thêm 100 nghìn đồng/tháng trả cho K+. Số tiền này sau khi thu về sẽ được K+ và các nhà đài chia nhau theo tỷ lệ hợp lý nhất. Nói cách khác, bản chất cách làm này chỉ đem tới cái lợi cho các nhà đài, còn dân tình vẫn phải oằn lưng chịu thêm phí thuê bao trong điều kiện kinh tế vốn vô cùng khó khăn.
Điều mà ai cũng biết, nếu K+ kiên quyết duy trì thế độc quyền thì họ vẫn sẽ lỗ nặng do không bán được thêm bao nhiêu đầu thu. Trong khi các nhà đài khác lại đứng trước nguy cơ mất đi một lượng thuê bao “chảy” sang K+. Ở đây, rõ ràng các nhà đài đã rất đoàn kết, phát huy “trí tuệ tập thể” để nghĩ ra cách “vẹn cả đôi đường” khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa mùa giải EPL 2013-2014 sẽ diễn ra.
Khi cần hợp tác thì lại… làm ngơ
Vấn đề là nếu như trong quá trình đấu giá để có bản quyền EPL hồi năm ngoái, các nhà đài cũng sớm có những sáng kiến tương tự sao cho không bị đối tác nước ngoài lợi dụng, chống được tình trạng độc quyền, đồng thời người dân chẳng phải oằn mình gánh thêm phí thuê bao tăng vọt thì tốt biết mấy!
Trở lại thời điểm giữa tháng 10 năm ngoái, mặc kệ chỉ đạo “đoàn kết lại” của Bộ thông tin và truyền thông, càng “lờ” luôn nghị quyết những cuộc họp giữa các nhà đài do VNPay TV chủ trì với mục đích cử đại diện duy nhất đứng ra đấu giá bản quyền EPL, VTV vẫn quyết đi đường riêng với lý lẽ đã… lỡ chủ động đàm phán từ tháng 6.2012. Ở đây, rõ ràng VTV chỉ nghĩ tới vận mệnh tương lai những “đứa con” của mình, đặc biệt là K+. Còn các nhà đài khác, nếu thực sự quan tâm tới cái chung, quyết tâm xóa bỏ tình trạng độc quyền như họ hô hào rầm rộ, thì tại sao không đưa vấn đề này ra từ sớm, mà phải đợi tới giữa tháng 10.2012 mới “khơi ra” cho có, khi chỉ còn khoảng hơn nửa tháng là tới phiên đấu giá bản quyền EPL (?!).
Tiếp đến, khi đã để bản quyền EPL lọt vào tay Tập đoàn IMG (Mỹ, hét giá bản quyền EPL ở Việt Nam lên tới 37,5 triệu USD), thì các nhà đài vẫn “đường ai nấy đi”. Ban đàm phán mua EPL được thành lập với vai trò cầm chịch của VTV do ông Nguyễn Thành Lương – Phó Tổng Giám đốc VTV làm Trưởng ban cũng chẳng có ý nghĩa gì khi Canal Plus âm thầm có được bản quyền EPL từ IMG với mức giá đồn thổi lên tới 40 triệu USD. Ngỡ ngàng hơn khi sau đó VTV lên tiếng cho rằng không hề biết chuyện Canal Plus mua bản quyền EPL để sau đó chuyển hết cho K+ độc quyền.
Vậy thì chẳng phải “sáng tai họ, điếc tai cày” là gì? Khi cần nắm tay nhau đối phó với doanh nghiệp nước ngoài thì các nhà đài mỗi người một phách. Nói đấy, hô hào đấy, nhưng thực chất… chẳng hành động gì. Còn khi thấy cái lợi trước mắt, có thể “xẻ thịt dân” để hưởng lợi thì sao tích cực và nhanh nhẩu thế (?!).
Ông Trần Song Hải, Phó Chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam: “Tình hình kinh tế đang rất khó khăn và theo quan điểm của tôi là phải làm sao cho người dân chỉ phải trả chi phí ít nhất để được xem EPL trong 3 năm tới. Giải pháp mà ban đàm phán vừa đưa ra vẫn chỉ phù hợp với một số ít người dân, chứ không phải số đông”.