Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 5: Giá trị của nước mắt

lengockhanhi

Film critic
Lần đầu tiên Nhi khóc khi xem phim là vào lúc Nhi học lớp 4, khi chứng kiến cái chết của một nhân vật trong phim Hong Kong để lại người yêu gào khóc một mình, Nhi rất sợ cảm giác hụt hẫng đó, nhiều năm về sau Nhi vẫn hết sức khó chịu mỗi khi bộ phim kết thúc không như mình mong muốn.

Năm 2006, ở Paris, Nhi xem 1 bộ phim cũ Il grande silenzio, câu chuyện mở đầu theo motyp thường thấy trong phim western, một chàng trai bị câm có tài bắn súng thần tốc bảo vệ một ngôi làng tránh khỏi sự ức hiếp của một băng cướp lấy danh nghĩa Bounty Hunter hung ác. Suốt bộ phim là những tội ác mà bọn cướp gây ra, tra tấn, giết người, tạo nên 1 sức ép tâm lý hết sức nặng nề cho khán giả, ai cũng mong chờ 1 sự trả thù tương xứng, một cái kết có hậu. Nhưng tất cả đều bị hụt hẫng khi thấy cuối cùng bọn cướp giết chết người anh hùng, và cả ngôi làng bị thảm sát. Phim kết thúc bằng hình ảnh xác chết những người vô tội nằm trong vũng máu.

Nhi không khóc, chỉ im lặng rời khỏi rạp, bầu trời chiều hôm đó u ám hơn 1 chút, cơn mưa lạnh hơn 1 chút. Nhưng với bộ phim, Nhi không hề có 1 ý nghĩ nào oán trách, Nhi đã được xem 1 bộ phim HAY, dù nó làm Nhi rất buồn.

Trong số các bạn ở đây, chắc không ít người cũng từng có cảm giác hụt hẫng, trào nước mắt và uất ức khi nhìn những cảnh cuối của 1 bộ phim mà mình đã tập trung theo dõi từ đầu tới cuối và có cảm giác niềm tin bị phản bội. Bạn có khóc không khi chứng kiến cảnh ly biệt trong Titanic ? Hay nhìn thấy tất cả niềm hy vọng tan thành mây khói trong Arlington Road ? Nhìn hành vi tàn ác và nụ cười khiêu khích của 2 tên giết người trong phim Funny Game ?

Hồi Nhi học môn Tâm Lý học tại trường Y, cô giáo có nhận xét rằng : Một trong những đòi hỏi phổ biến nhất, nhưng cũng phi lý nhất của con người, đó là sự công bằng.

Tâm lý của con người rất ghét, rất sợ sự bất công, nhưng cuộc đời thực luôn đầy những sự bất công. Ai cũng mong muốn : người làm điều tốt phải được hưởng hạnh phúc, kẻ xấu phải bị trả giá, người cố gắng làm việc phải được thành công, tình yêu phải đơm hoa kết trái bằng hôn nhân hạnh phúc…

Với tâm lý như vậy, nên đa số khán giả yêu thích, mong chờ, và đòi hỏi một kết thúc có hậu, tốt đẹp cho mọi câu chuyện trong phim ảnh. Phải can đảm lắm mới làm ra 1 phim đi ngược lại nguyện vọng của khán giả. Vì lý do này, có lẽ gần 80% phim có kết thúc vui vẻ, công bằng, tốt đẹp, làm thỏa mãn đa số khán giả. Thậm chí tại 1 số nước không bao giờ một bộ phim được phép có kết thúc buồn thảm, không có hậu, ví dụ như phim Ấn độ, phim Pháp (và Việt Nam nữa).

Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy 1 điều thú vị…

Trong số những phim điện ảnh đã đoạt giải Oscar, những phim có giá trị cao, đa phần đều có kết thúc rất buồn thảm, rất không có hậu ! Những kiệt tác nghệ thuật phần nhiều là bi kịch, giống như có lần Nhi đã nói : Hoa trái nghệ thuật được tưới bằng máu và nước mắt của nhân loại.

Gần như toàn bộ các vở Opera và kịch nói là những bi kịch.

Anh hùng phải hi sinh, cái chết của họ khép lại bộ phim sử thi, những cặp tình nhân phải bị chia lìa trong nước mắt và đau khổ, mộng ước của 1 đời người phải bị tan vỡ… đó là những bi kịch thường thấy trong phim hàn lâm.
Nếu phim Titanic kết thúc bằng 1 đám cưới tưng bừng, đó là 1 điều rất vui, nhưng khán giả sẽ không nhớ về nó lâu bằng kết thúc bi thảm của 2 nhân vật chính.

Một cinefile đúng nghĩa sẽ xét đoán bộ phim theo đúng bản thể của nó, chứ không dựa vào thành kiến hay tâm lý của bản thân. Đó là một hành động rất khó thực hiện, và phải trải qua nhiều kinh nghiệm xem phim.

1 bi kịch có thể có nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta có thể phân tích về nó, hiểu nó, thì sẽ dẫn tới hành động chấp nhận nó, tán thành nó

Bi kịch có nhiều cấp độ, có những cái kết bi kịch được xử lý khéo léo bằng ngôn ngữ điện ảnh, để sự được và mất, thất vọng và hy vọng cân bằng với nhau. Người hùng sẽ chết, nhưng cái giá của sự hy sinh mang lại hy vọng cho 1 dân tộc, và những người khác, anh ta sẽ đoàn tụ với người yêu nơi thiên đàng (như trong phim Saving private ryan, Gladiator, Brave heart…) Đôi tình nhân phải chia tay trong nước mắt, nhưng tình yêu của họ sẽ bất tử (Titanic, Thiên nhược hữu tình, Love story…), cái chết của thế hệ đi trước không làm vẩn đục tương lai tươi sáng của thế hệ đi sau (như Life is beautiful), thất bại tạm thời của người tốt mở ra sự khao khát chờ đợi tập phim tiếp theo (starwar : the impire strike back…

Nhưng có những phim thực sự nhấn chìm khán giả trong nước mắt và vực thẳm của tuyệt vọng, của đau khổ. Ví dụ như phim : The Funny Game là 1 sự bất công ghê gớm, khi khán giả chứng kiến 2 tên giết người kết thúc tội ác của chúng mà không hề bị trừng phạt, hay phim Old Boy, khán giả chứng kiến nhân vật chính rơi vào địa ngục, phim Il grande silenzio mô tả kẻ ác hoàn toàn chiến thắng, tất cả người tốt đều bị thảm sát, phim Cáo bạch đã đập vỡ vụn tất cả những giá trị nhân bản và vùi dập tất cả mọi nhân vật vào cõi tuyệt vọng, đau khổ…

Ngay cả trong những hoàn cảnh như vậy, bi kịch vẫn có 1 thông điệp, 1 giá trị.

Một cái kết bi kịch có thể chính là thông điệp: Hãy chấp nhận hiện thực, đừng nằm mơ, đừng né tránh, hãy nhìn thẳng vào sự thực và đối đầu với nó, hỡi khán giả !

Có những cái kết bi kịch sẽ làm cho khán giả biết căm giận, xa lánh một điều xấu, điều ác ngoài xã hội đời thực, thông điệp đấu tranh trong phim đã chuyển sang trái tim mỗi người xem, nó truyền ngọn lửa đấu tranh ra rộng khắp.
Thay vì cái tốt chỉ chiến thắng cái ác trong thế giới ảo, những người làm phim chấp nhận cho cái xấu chiến thắng, để khán giả biết căm thù nó, và xa lánh nó, để cái tốt sẽ thực sự trỗi dậy trong đời sống hằng ngày.

Có những cái chết làm khán giả biết yêu sự sống và biết hy sinh vì người khác. Có những sự mất mát chia ly dạy cho khán giả biết quí trọng những điều đơn giản hàng ngày, quí trọng những người đang sống quanh mình.

Còn rất nhiều những thông điệp như vậy.

Có khi một bộ phim chỉ có thể hay với 1 kết cục buồn, cũng như có những nhân vật chỉ có thể bất tử nếu hy sinh mạng sống của mình.

Đó là điều kì diệu của điện ảnh, Nhi gọi mỗi kết thúc bi kịch là 1 cánh cửa thông nối giữa cuộc đời hiện thực và thế giới ảo trong phim ảnh. Khán giả mở cánh cửa đó, bước ra khỏi bộ phim như 1 người hoàn toàn mới. Đó là giá trị thực sự của bi kịch.
 

lengockhanhi

Film critic
Hiểu bản chất, giá trị, Chấp nhận và yêu thích bi kịch là cột mốc rất quan trọng của sự chứng đắc đối với cinephile, vượt qua được cột mốc này cinephile sẽ mở ra trước mắt mình rất nhiều cơ hội thưởng thức phim hay, vì như Nhi nói, những bộ phim hay thường có kết thúc bi kịch, hiếm phim nào hay mà vui vẻ, thuận lòng người, hời hợt lắm.

Tới năm 25 tuổi Nhi mới đạt được sự chứng đắc này, may mắn thay không quá trễ. Cách đó vài năm tim của Nhi còn đau, Nhi còn khóc khi xem Artificial Intelligence, Old Boy, nhưng ngay sau khi hiểu được bản chất của bi kịch, đau khổ, Nhi ít khi nào khóc khi xem phim nữa, thậm chí Nhi cười vì hạnh phúc, sung sướng vì bộ phim quá hay, quá tuyệt vời.
 

Elpee

Member
Ðề: Re: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 5: Giá trị của nước mắt

Chấp nhận và yêu thích bi kịch là cột mốc rất quan trọng của sự chứng đắc đối với cinephile
Mai kia có bác lại hứng chí phán "Chấp nhận và yêu thích nhạc giao hưởng cổ điển là cột mốc rất quan trọng của sự chứng đắc đối với audiophile!" (Mặc dù không nhất thiết phải yêu thích nhạc cổ điển mới được 'phong' là audiophile).
Xem ra có vẻ hơi tự tâng đấy.
 

soildsnake

Active Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 5: Giá trị của nước mắt

Em kết nhất câu này của chị ''Hoa trái nghệ thuật được tưới bằng máu và nước mắt của nhân loại.''
 

lengockhanhi

Film critic
Re: Ðề: Re: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 5: Giá trị của nước mắt

Mai kia có bác lại hứng chí phán "Chấp nhận và yêu thích nhạc giao hưởng cổ điển là cột mốc rất quan trọng của sự chứng đắc đối với audiophile!" (Mặc dù không nhất thiết phải yêu thích nhạc cổ điển mới được 'phong' là audiophile).
Xem ra có vẻ hơi tự tâng đấy.

Nhi đã có lần nói rất rõ trong diễn đàn này là bản thân Nhạc cổ điển không làm cho người nghe trở nên cao quý hơn người khác.

Tự nhận mình là cinephile và viết những dòng trên, không có nghĩa là Nhi tự nâng cao giá trị của cá nhân mình lên, Nhi đã nói rằng mình chỉ là 1 khán giả rất bình thường.

Cinephile chỉ là 1 danh xưng, giống như tín đồ 1 tôn giáo hướng tới mục đích là thờ phụng điện ảnh, tôn quý nó. Có ai bước vào nhà thờ mà tự cao tự đắc cho rằng mình cao quý hơn người khác vì mình tin chúa không nhỉ ? bản thân thượng đế mới cao quí còn người tu hành không thể so sánh được.

Chắc chắn cinema phải rất quí, nên bạn mới có thể cống hiến cho nó hơn 1/3 cuộc đời, hàng triệu đồng tiền vé xem rạp, cũng như bỏ ra vài chục triệu để xây dựng home cinema chứ nhỉ ?
 

ChiMai

New Member
Bài viết rất hay, xúc tích. Mình cũng rất thích phim Oldboy và The Great Silence. Mong rằng Việt Nam sẽ có những nhà làm phim tạo ra những kiệt tác như vậy.
 

anh0424

Active Member
Có những cái chết làm khán giả biết yêu sự sống và biết hy sinh vì người khác. Có những sự mất mát chia ly dạy cho khán giả biết quí trọng những điều đơn giản hàng ngày, quí trọng những người đang sống quanh mình.

Đoạn này Nhi làm mình nhớ tới phim "1 litre of tears". Chắc đây là phim cuối cùng làm mình rơi nước mắt.
Mình ko dám chắc đã vượt qua cái cột mốc mà bài viết đề cập chưa. Nhưng cũng phần nào chấp nhận được bi kịch trong phim. Và phim kết thúc không có hậu thường là phim hay. Những phim như thế làm mình suy nghĩ rất nhiều.
 

canhchimtudo

New Member
những tác phẩm văn học xuất sắc thường là các tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội. Khi đã phản ánh đúng thì chẳng mấy khi có kết cục vui vẻ. Các tác giả đúc rút từ chsinh cuộc đời mình, từ chính những gì đang xảy ra mà mắt họ thấy, tai họ nghe, máu họ chảy.
Kể điển hình như đạo diễn Kim-Ki-duk của Hàn xẻng và nhà văn Nhật Bản của Rừng Na-Uy: bản chất con người hiện ra với cái sâu thẳm, đầy dục vọc. Người xem, đọc hãy chấp nhận vì trong ta cũng có. Kết thúc dù thế nào thì cũng khiến ta buồn.
 

hungpleiku

BĐH HD Gia Lai
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 5: Giá trị của nước mắt

Rất tâm đắc với nhận xét cô giáo của lengockhanhi :Một trong những đòi hỏi phổ biến nhất, nhưng cũng phi lý nhất của con người, đó là sự công bằng. Phim Artificial Intelligence đối với mình đó là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, mỗi lần xem là nó lại lấy của mình một ít nước mắt. Cám ơn lengockhanhi đã cho mình nhiều cảm súc khi đọc comment của bạn.
 

minhtriet910

Well-Known Member
cũng có cảm xúc giống như bác,khi xem La Vita È Bella của Roberto Benigni,dù đó là bi kịch,rất buồn,nhưng nó cực kỳ ý nghĩa
 

minhtriet910

Well-Known Member
lần đầu xem Il Grande Silenzio cũng rất ức chế,vì mạch phim đang lôi cuốn thì đoạn cuối phim tạo cho mình cảm giác rất chông chênh,nhưng càng về sau càng thấy nó hợp lý,vì sau này mình hiểu cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng
 

lengockhanhi

Film critic
Sau này Nhi mới hiểu Il Grande Silenzio là một phim "phản chiến ẩn dụ", ý đồ của nhà làm phim là mắng chửi nước Mỹ lúc đó đang gây nhiều tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Khi khán giả nhìn cảnh phim cuối cùng sẽ thấy nó rất giống với những tấm ảnh về vụ thảm sát tại Mỹ Lai Việt Nam, bọn Bounty Hunter là kẻ ác nhân danh công lý và pháp luật để gây tội ác, và vào thời điểm thập niên 60, những kẻ ác này đang thắng thế.
 

Marine

Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 5: Giá trị của nước mắt

Có lẽ đây là bài viết gây ấn tượng nhất với mình trong series Hồi ức của Nhi. Rất cảm ơn bạn đã giúp mình có một quan điểm mới đối với những bi kịch trong điện ảnh. Đọc xong bài này, mình xem lại Saving private Ryan, Green miles và đã cảm nhận những bộ phim này theo cách rất khác trước đây. Yêu Nhi quá, keke.
 
Bên trên