Doanh nghiệp Nhật Bản này cũng không phải là công ty duy nhất đang “bắt buộc hóa” AI.
Tận dụng sức mạnh của AI, Yahoo Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi năng suất lao động vào năm 2028 - Ảnh: Yahoo.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang len lỏi vào mọi khía cạnh của công việc văn phòng, Yahoo Nhật Bản đã đi một bước xa hơn khi yêu cầu toàn bộ nhân viên phải tích hợp AI tạo sinh vào quy trình làm việc. Công ty đặt mục tiêu đầy tham vọng: tăng gấp đôi năng suất lao động trong vòng ba năm tới.
Yahoo Nhật Bản, đơn vị đứng sau ứng dụng nhắn tin Line nổi tiếng tại "đất nước Mặt Trời mọc", hiện yêu cầu 11.000 nhân viên tích cực áp dụng AI tạo sinh vào các công việc như nghiên cứu, tìm kiếm, soạn thảo tài liệu và ghi biên bản cuộc họp. Số liệu thống kê cho thấy các tác vụ kể trên chiếm đến 30% thời gian làm việc hằng ngày.
Công ty cho biết AI sẽ đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động nội bộ, từ xử lý hoàn tiền đến tạo mẫu prompt thông qua công cụ riêng mang tên SeekAI. Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ được dùng để hiệu đính văn bản, sắp xếp chương trình họp, giao tiếp và ghi chép.
Ý tưởng để AI gánh vác phần việc nhàm chán, từ đó giúp con người tập trung vào những công việc sáng tạo hơn, nghe qua có vẻ lý tưởng. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, AI có thể làm giảm năng suất.
Ví dụ gần đây cho thấy các lập trình viên kỳ cựu mất thêm 19% thời gian khi làm việc với công cụ AI. Các nghiên cứu khác cho thấy AI có thể gây trì trệ tiến độ khi được sử dụng như một công cụ để cắt giảm nhân lực mà vẫn yêu cầu tăng đầu ra, dẫn đến môi trường làm việc căng thẳng như “dây chuyền sản xuất mã”.
Ngay cả các nhân viên tổng đài, lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ AI, cũng đã phản ánh rằng AI hỗ trợ gây ra nhiều rắc rối hơn là giúp ích.
Yahoo Nhật Bản không phải là công ty duy nhất đang “bắt buộc hóa” AI. Đầu năm nay, CEO của Shopify là Tobi Lütkeđã gửi một thông báo nội bộ cho toàn bộ nhân viên, nói rõ rằng việc sử dụng AI là tiêu chuẩn mới. Ông còn nhấn mạnh rằng mọi đề xuất xin thêm nhân lực hoặc tài nguyên đều phải đi kèm bằng chứng cho thấy AI không thể xử lý được công việc.
Trong khi nhiều công ty vẫn đang thận trọng thử nghiệm AI tạo sinh, Yahoo Nhật Bản đã chọn một hướng đi quyết liệt: không còn là khuyến khích, mà là bắt buộc. Dù mục tiêu tăng gấp đôi năng suất vào năm 2028 chưa rõ sẽ đạt được bằng cách nào, nhưng xu hướng rõ ràng đang hiện lên: AI đang trở thành tiêu chuẩn mới trong doanh nghiệp, không còn là công cụ phụ trợ đơn thuần.