Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao thời mới yêu, bạn thấy vợ hoặc người yêu “xinh như thiên thần”, nhưng vài năm sau lại cảm thấy vẻ ngoài ấy… không còn hút mắt như trước?
Có người đổ lỗi cho thời gian, cho sự thay đổi ngoại hình. Nhưng thật ra, thủ phạm chính nằm trong não bạn và mọi chuyện đã được khoa học lý giải khá rõ ràng.
Não đã chấm điểm ai đẹp, ai xấu ngay từ những giây đầu
Khi nhìn thấy một gương mặt hấp dẫn, não bộ gần như phản ứng tức thì. Các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Princeton phát hiện rằng chỉ trong chưa đầy 200 mili giây, não đã xử lý xong thông tin về sự thu hút, thậm chí trước cả khi bạn kịp ý thức rằng mình đang bị cuốn hút. Những vùng não liên quan đến thị giác và cảm xúc như vỏ thị giác và hạch hạnh nhân sẽ cùng lúc được kích hoạt, khiến bạn có cảm giác "bị hút mắt" mà không rõ lý do.Vậy điều gì khiến một gương mặt trở nên hấp dẫn trong mắt bạn? Đầu tiên là sự đối xứng. Gương mặt cân đối hai bên thường được não đánh giá là khỏe mạnh, ổn định và dễ ghi nhớ. Kế đến là tỷ lệ hài hòa giữa các bộ phận trên gương mặt. Điều này liên quan đến một khái niệm lâu đời gọi là tỷ lệ vàng 1:1.618.

Tỷ lệ vàng vốn nổi tiếng trong kiến trúc, hội họa và cũng thường được tìm thấy trên khuôn mặt những người được cho là "đẹp chuẩn". Ví dụ như tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng khuôn mặt, khoảng cách giữa mắt, mũi, môi… nếu càng gần con số 1.618 thì càng tạo cảm giác hài hòa, dễ chịu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng tỷ lệ vàng không phải là công thức cố định cho vẻ đẹp. Có rất nhiều người không đạt tỷ lệ này nhưng vẫn cực kỳ cuốn hút, bởi vì vẻ đẹp không chỉ đến từ hình khối, mà còn đến từ biểu cảm, thần thái và cảm xúc gắn liền với người đó.

Hiểu cách não xử lý vẻ đẹp giúp ta nhận ra rằng sự hấp dẫn ban đầu là có thật, nhưng không bền vững nếu cảm xúc đi kèm không còn nữa. Điều này lý giải vì sao vẻ đẹp từng khiến bạn rung động ngày trước, nay lại trở nên mờ nhạt đến lạ.
Vậy tại sao "ngày xưa thấy vợ đẹp, giờ lại thấy thường"?
Lý do không nằm ở việc cô ấy thay đổi, mà là não bạn đã thay đổi cách xử lý gương mặt quen thuộc đó.Theo nghiên cứu từ Đại học Geneva, não người không chỉ lưu giữ hình ảnh khuôn mặt người yêu, mà còn lưu giữ cảm xúc gắn liền với hình ảnh đó tại thời điểm cụ thể. Khi đang yêu, mọi nét trên khuôn mặt người ấy dù là nếp nhăn nhỏ hay ánh mắt lúng túng đều được não tô hồng bằng cảm xúc tích cực.

Nhưng khi cảm xúc nhạt dần, hoặc mối quan hệ bị tổn thương, não bắt đầu tháo bỏ "bộ lọc cảm xúc" từng giúp ta thấy người ấy thật đẹp. Các vùng xử lý phần thưởng hoạt động ít hơn, thay vào đó là các vùng trung tính, thậm chí tiêu cực nếu mâu thuẫn xảy ra. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy họ "bình thường", "lạ lẫm" hoặc "không còn cuốn hút như trước", đơn giản vì não đang nhìn họ bằng một phiên bản khác.
Hiện tượng này cũng giống như một bài hát bạn từng mê giờ nghe lại thấy chẳng có gì đặc biệt. Bởi cái đẹp luôn gắn liền với bối cảnh cảm xúc khi bạn tiếp nhận nó.
Vẻ đẹp đôi khi đến từ sự quen mắt, nhưng cũng chính vì quá quen mà ta thấy "bình thường"
Các nhà tâm lý học gọi đây là hiệu ứng quen thuộc, hay còn gọi là hiệu ứng Mere Exposure. Nghĩa là chúng ta dễ có cảm tình với những thứ mình từng thấy nhiều lần. Trong tình yêu, khi bạn sống cùng ai đó đủ lâu, gương mặt của họ dần trở thành một hình ảnh quá đỗi quen thuộc, gần như là "giao diện mặc định" trong não bộ.Cũng chính vì quá quen, não không còn phản ứng hưng phấn mạnh như lúc ban đầu. Điều này lý giải vì sao nhiều người cảm thấy "ngày xưa vợ mình đẹp lắm, giờ nhìn thấy bình thường quá". Không phải vì người ấy thay đổi, mà vì cảm xúc trong bạn đã phai nhạt.

Thú vị hơn, không ít trường hợp đàn ông ngoại tình với người thứ ba có gương mặt hao hao vợ mình, thậm chí còn kém sắc hơn. Nghe thì vô lý, nhưng lại có lý từ góc độ khoa học. Đó là sự pha trộn giữa cảm giác quen thuộc giống vợ và cảm giác mới lạ của người lạ. Não bộ bị "đánh lừa" rằng đây là một phiên bản vừa thân quen vừa đủ khác biệt, từ đó kích hoạt lại cảm xúc từng có khi mới yêu.
Hiểu theo cách đơn giản, bạn không ngoại tình vì thấy ai đó đẹp hơn vợ, mà vì não bạn tưởng như đang tìm lại cảm giác "hồi xưa" với một gương mặt có chút gì đó quen mà lạ.
Câu chuyện "sao vợ không còn đẹp như lúc mới yêu" không hẳn là lời phàn nàn về ngoại hình, mà là biểu hiện của sự thay đổi cảm xúc và cách não đang xử lý ký ức. Muốn "nhìn lại và thấy đẹp như xưa", có lẽ cách tốt nhất là hâm nóng lại cảm xúc đã từng khiến ta rung động.
Suy cho cùng, não chỉ nhìn thấy cái đẹp khi tim vẫn còn lý do để rung động.