http: //blog.yume.vn/xem-blog/chat-luong-tv-lcd-de-bi-nham-lan-chat-luong.high_mountain.35A6FE4D.html
Cùng một thương hiệu, mẫu mã nhưng chất lượng của TV LCD có thể khác nhau.
Khác hoàn toàn với TV bóng đèn hình, chất lượng TV LCD không đồng nhất. Cùng một thương hiệu, cùng một mẫu mã nhưng chất lượng của TV LCD có thể khác nhau. Tất nhiên, giá cả cũng khác nhau khá nhiều. Đó là điều ít người tiêu dùng VN biết được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ, nếu không có điều kiện tiếp cận cũng khó biết.
Panel TV LCD có đến 4 loại
Cùng mẫu mã nhưng chất lượng tivi LCD có thể rất khác nhau. Ảnh: H.THÚY (NLĐ)
Như đã nói ở bài trước, panel là bộ phận chủ lực làm nên TV LCD. Vì vậy, chất lượng của panel cũng quyết định đến chất lượng của TV LCD.
Bề mặt của panel được hình thành bởi các điểm ảnh. Mỗi điểm ảnh được cấu tạo bởi 3 transistor, tương ứng với 3 màu cơ bản. Thí dụ, panel LCD 32" đang bán phổ biến trên thị trường có 1.366 điểm ảnh theo chiều ngang và 768 điểm ảnh theo chiều cao. Như vậy, một TV LCD 32" thông thường có khoảng 1 triệu điểm ảnh, tương đương với hơn 3 triệu transitor.
Với kỹ thuật sản xuất bán dẫn hàng loạt, trong 1 triệu transistor có một transistor hư là tỉ lệ chấp nhận được. Vì vậy, trên panel của một TV LCD 32" có 3 transistor bị hư là bình thường. Những điểm ảnh có transistor bị hư gọi là “dead pixel” nghĩa là điểm ảnh chết. Chết transistor đại diện cho màu cơ bản nào thì mất màu đó. Chết cả 3 transistor trong điểm ảnh thì điểm ảnh này sẽ luôn luôn sáng trắng hoặc luôn luôn tối đen.
Thời kỳ đầu TV LCD mới xuất hiện, tỉ lệ transistor bị hư rất cao, số lượng panel bị hủy bỏ rất lớn, tỉ lệ panel hoàn hảo để xuất xưởng thấp nên giá thành TV LCD lúc đó rất cao. Qua cải tiến công nghệ, tỉ lệ hư transistor giảm dần, làm giảm tỉ lệ panel phải bỏ đi. Đó là lý do chính làm cho TV LCD giảm giá mạnh trên thị trường gần đây. Tuy nhiên, công nghệ làm panel không thể đạt đến mức lý tưởng là không có transistor nào hư hỏng trên 3 triệu transistor nên người ta phải chấp nhận “du di”, nghĩa là có tỉ lệ nhất định về số lượng transistor bị hư và số điểm ảnh chết mà vẫn cho xuất xưởng. Tổ chức Chất lượng Thế giới ISO đã có hẳn một tiêu chuẩn riêng để đánh giá, phân loại Panel (tiêu chuẩn ISO 13406-2), nghĩa là hợp thức hóa việc “du di” này.
Trên giao dịch thương mại, các nhà sản xuất panel thường chia chất lượng panel ra 4 loại theo thứ tự giảm dần: A, A1, B, C hoặc A, A-, B, C. Phân loại chất lượng này chủ yếu dựa vào số điểm ảnh bị hư trên panel.
Chất lượng A là trên panel có số điểm ảnh bị hư không quá 2, B là lớn hơn 2 nhưng không quá 6 transitor bị hư, C là số transistor bị hư nhiều hơn B, chấp nhận có transistor bị hư trong vùng trung tâm. Thông thường giá bán panel loại A thường cao hơn loại B gần 30%. Thí dụ, loại A của Hàn Quốc đang rao bán 370 USD loại 32" thì loại B tương ứng chỉ còn 300 USD. Vì vậy, cùng một thiết kế, kiểu dáng và kích thước 32" nhưng nhà cung cấp bán với nhiều giá khác nhau tùy theo nhà lắp ráp chọn mua loại panel nào. Đây là điều mà người tiêu dùng VN gần như không biết. Bất hợp lý trong ngành điện tử hiện nay là mua panel loại B và C phải đặt tiền trước, sau đó mới nhận hàng. Vì loại chất lượng thấp này đang được bán chạy.
Cách phân biệt chất lượng
Thật ra, rất khó phát hiện số điểm ảnh bị hư trên màn hình TV LCD do điểm hư rất nhỏ. Ngay trong gia đình, khi ở cự ly gần, xem các chương trình ti vi hoặc phim thông thường, người xem gần như không phát hiện được điểm ảnh bị hư. Chỉ khi xem ảnh tĩnh, ở phạm vi gần may ra người xem mới có thể phát hiện điểm có transistor bị chết.
Hiện nay, ngay cả dân chuyên nghiệp cũng gần như không phát hiện được lỗi kỹ thuật này, trong điều kiện thông thường. Để kiểm tra, các nhà lắp ráp phải có một quy trình chuyên nghiệp gồm 10 biểu đồ, tương ứng với 10 khung hình có màu sắc khác nhau. Phát lần lượt 10 khung hình này lên TV LCD thông qua đầu đĩa thông thường rồi quan sát và đếm số điểm ảnh bị chết trên Panel là có thể phân loại được Panel của TV thuộc loại nào, giá cả bao nhiêu?
(ST)