Uchiha_Madara
Nghỉ hưu
“Trí tuệ nhân tạo” không phải là điều mới lạ và chuyện một cỗ máy thông minh hơn con người là chuyện thường nhưng có một điều mà trí tuệ nhân tạo không thể hơn con người được là sự nhận thức và cảm xúc. Với Transcendence thì điều đó đã trở nên khả thi và việc cỗ máy có thể hoạt động độc lập có thể tạo ra những thành quả lớn lao nhờ trí tuệ siêu việt nhưng cũng mang đến những hệ lụy khó lường.
Bộ phim này quy tụ những cái tên sáng giá như đạo diễn Wally Pfister (là đạo diễn hình ảnh cho các phim của Nolan như Batman, Inception, The Prestige), thêm nữa là sự góp mặt của Johnny Depp, một diễn viên tài năng với khả năng diễn xuất chân thực, rồi Rebecca Hall, Morgan Freeman, Cillian Murphy … Tuy vậy thì bộ phim chưa thực sự thỏa mãn được người xem dù nó đã làm được rất nhiều điều.
Câu chuyện phim kể về một dự án khoa học về trí tuệ nhân tạo, tạo ra một cỗ máy có khả năng nhận thức như người và thông minh hơn hẳn con người nhờ vào việc mô phỏng hoạt động của một bộ não thật và đưa những thông số đó vào máy tính. Bộ não được mô phỏng là của nam chính trong phim, tiến sĩ Caster (Johnny Depp đóng), từ đây phim đặt ra cho người xem 2 vấn đề, liệu cỗ máy đó có thực sự là Caster hay không? Và với trí tuệ siêu việt kết hợp với khả năng tư duy sáng tạo thì nó sẽ gây nên hậu quả khủng khiếp gì? (thường thì người xem phim thì hay để ý đến hậu quả thôi, ít quan tâm đến thành quả).
Phim được bắt đầu rất chậm rãi và rất nhiều chi tiết dẫn nhập, điều đó khiến cho phim khá dài dòng
Phim được bắt đầu rất chậm rãi và rất nhiều chi tiết dẫn nhập, điều đó khiến cho đoạn mở đầu hơi dài dòng, tất nhiên là nhằm mục đích cho người xem hiểu rõ vấn đề nhưng nó hơi dài quá mức, gần 45 phút phim, nếu có thể cô đọng lại khoảng 15 – 20 phút đầu phim thì nhịp phim sẽ tốt hơn nhiều. Sau khi bộ phim bắt đầu vào những tình tiết chính thì lại vẫn kiểu dẫn chuyện chậm rãi ấy, một vài đoạn gây háo hức đón chờ nhưng đáng tiếc là phim không có nhiều đoạn cao trào. Mặc dù vậy thì các tình tiết trong phim được sắp xếp rất hợp lý, khá cuốn hút người xem, không tạo cảm giác buồn ngủ mà người xem sẽ chú ý để đón xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Một điều gây thất vọng ở phim này là phần kết thúc phim, sau những gì đã giới thiệu đầu phim về những nguy cơ tiềm tàng khi “trí tuệ siêu việt” này khi kết nối với mạng internet, hẳn nhiên nếu là người hay xem phim chắc bạn cũng còn nhớ phim kinh điển Terminator với mạng Skynet đã cho nổ bom hạt nhân tiêu diệt thế giới loài người hay là thế giới trong The Matrix, nơi những cổ máy thông minh làm chủ còn con người trở thành nô lệ cho nó. Nhưng đáng tiếc là đến cuối phim bạn vẫn không thấy được những nhiều lắm những điều khủng khiếp mà “trí tuệ siêu việt” làm, thay vào đó phim lại chuyển hướng sang tình cảm nhiều hơn. Và kết thúc của nó cũng khá hụt hẫng và khiến ta hoang mang tự hỏi, thế cuối cùng cái “trí tuệ siêu việt” kia là cái gì?
Phim có kết thúc khá hụt hẫng so với những gì mà phim đưa ra từ đầu
Bàn thêm về thông điệp của phim, về việc phát triển trí tuệ nhân tạo cao hơn nữa thì sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, máy sẽ kiểm soát con người, cả về thể chất lẫn tinh thần. Minh chứng rõ nhất trong phim là vai Evelyn, bị một cỗ máy kiểm soát gắt gao và dẫn đến những bức bối, ức chế về mặt tâm lý. Về việc con người đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, và công nghệ có thể khiến con người xích lại gần nhau nhưng cũng có thể khiến người ta xa nhau hơn (cô đơn trên mạng), khiến con người mất tự do hơn. Cũng chính vì vậy mà ta thấy trong phim xuất hiện một nhóm chống lại sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và để cho trí tuệ nhân tạo làm việc thay con người người. Chính nhóm này trong phim là đại diễn cho một xu hướng trái ngược khác, con người chống lại công nghệ tiên tiến.
Con người là một thực thể yếu đuối nhưng lại có một bộ não rất thông minh, sự tư duy và sáng tạo luôn xuất hiện, dẫn đến không sớm thì muộn con người cũng có mong muốn thay đổi những thứ hiện tại, dùng sự phát triển công nghệ sinh học để tự biến đổi bản thân (thuyết siêu nhân học) hay phát triển trí tuệ nhân tạo có thể tự nhận thức và mang cảm xúc như mình, những việc đó giống như làm thay việc của Chúa và thực tế những việc đó đều gây ra những hậu quả to lớn hơn nhiều những thành quả mà nó mang lại.
Mong muốn làm thay việc của Chúa có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng
Trở lại với Transcendence, phim có một dàn diễn viên rất chất lượng. Johnny Depp trong phim này diễn vẫn tốt nhưng lại không có sự đột phá mấy, hoặc gây được ấn tượng sâu sắc từ vai diễn (một phần là do kịch bản). Diễn tốt nhất trong phim là Rebecca Hall, cũng là vai có nhiều đất diễn nhất, trong vai người vợ mất chồng cô đơn tuyệt vọng tìm cách dựa vào khoa học công nghệ tạo nên một thứ mô phỏng chồng mình, cô đã hoàn thành tốt vai diễn phức tạp về tâm lý và nhiều cảm xúc này.
Một vai khác là vai Max của Paul Bettany, diễn xuất tròn vai một người bạn si tình hết lòng vì Evelyn, đến cuối cùng vẫn không được gì cho mình. Còn lại những diễn viên phụ tên tuổi như Morgan Freeman hay Cillian Murphy đều không có gì nhiều để thể hiện và vẫn là kiểu diễn mà ta thường thấy trong những bộ phim trước đó.
Với sự phát triển khoa học công nghệ hiện nay thì không sớm thì muộn, con người và công nghệ sẽ phải đụng độ nhau ở một thời điểm nào đó. Phần thắng nghiêng về ai và hậu quả như thế nào thì vẫn chưa biết được. Transcendence là một lời cảnh báo, một lời nhắc nhở. Bên cạnh là đó là sự tôn vinh tình yêu lớn lao. Tóm lại thì Transcendence là một bộ phim xem được, dù nó không phải là quá hay hoặc quá xuất sắc, nó mang lại những thông điệp về trí tuệ nhân tạo khiến ta phải suy nghĩ.