LG xboom AI là dòng loa di động mới nhất được hãng điện tử đến từ Hàn Quốc đặt rất nhiều nhiệt huyết và tham vọng trong việc chinh phục người dùng. Mời quý độc giả cùng HD Việt Nam mục sở thị bộ ba LG xboom Grab, Bounce và Stage 301 để tìm ra được đâu là mẫu loa chân ái đúng với nhu cầu của mình nhé.
Test loa di động chuyên cho “tiệc tùng” thì không thể nào trong một không gian trong phòng được, vậy nên HD Việt Nam đã thử nghiệm bộ ba này ở một khu cắm trại ngoài trời, và khá “may mắn” khi hội tụ khá nhiều yếu tố thử thách như: nắng, gió, cát bụi và cả một trận mưa rào.
Thiết kế: 3 phong cách, 3 thiết kế đặc trưng, tối ưu cho nhiều nhu cầu

Năm nay, LG làm ra bộ ba loa với ba kích thước khác nhau, hướng đến từng nhu cầu nhất định, có thể tạm phân ra như sau: LG xboom Grab nhỏ gọn dành cho cá nhân di động; xboom Bounce kích thước lớn hơn một chút cho người thích nghe nhạc ngoài trời và “lão đại” xboom Stage 301 cho các buổi tiệc tùng lớn, tích hợp khả năng hát karaoke.
Đầu tiên LG xboom Grab có thiết kế hình trụ nhỏ gọn (kích thước tương đương JBL Flip) và trọng lượng nhẹ chỉ ~1.5 kg, phù hợp mang theo mọi lúc mọi nơi. Điểm nổi bật là hai quai đeo bằng silicon tích hợp ở hai đầu, có thể móc vào giá xe đạp, túi xách, hay treo lên lều trại.

Tổng thế vật liệu cấu thành chiếc loa này là sự kết hợp giữa nhựa cứng và vải, đạt tiêu chuẩn kháng bụi nước IP67 và độ bền chuẩn quân đội (MIL-STD 810H). Trong quá trình trải nghiệm thực tế, Grab đã thể hiện rất tốt lợi thế nhỏ gọn của mình khi không chỉ đặt ở bất cứ đâu mà còn có thể treo trên xe đạp, treo ở nóc lều…
Trên thân loa có cụm nút cơ bản: nguồn, phát/ tạm dừng, tăng/giảm âm lượng và nút ghép đôi Bluetooth. Phía trước còn có đèn LED nhiều màu tạo hiệu ứng nhấp nháy theo nhạc.

Kế đến là LG xboom Bounce có kích thước lớn hơn Grab kha khá, nhưng về tổng thể vẫn có tính di động cao, mang vác thoải mái do trọng lượng chỉ khoảng 1.4kg mà thôi.
Tương tự Grab, bộ vỏ ngoài của Bounce vẫn là sự kết hợp giữa nhựa cứng và vải đan dày, mặt trước có dải đèn LED nhiều màu, hai bên có các cặp loa thụ động (passive radiator) lớn viền đỏ nổi bật.
Phần quai xách được làm từ dây thun đàn hồi chắc chắn ở mặt sau, giúp cầm rất đầm tay. Mình đã thử nghiệm treo Bounce vào cây hoặc cột trại cũng khá thuận tiện.
Khác với Grab, Bounce không có micro tích hợp, nhưng vẫn có khả năng kết nối hai loa thông qua bluetooth.
Cuối cùng là “bé bự” LG xboom Stage 301 lớn gấp rưỡi Bounce và nặng trên 10 kg (bao gồm pin), thiết kế như một chiếc vali sở hữu cả một hệ thống âm thanh “uy lực” ở bên trong. Điểm mình thấy khá hay ở chiếc loa này là phần giá đỡ và chốt xoay cho phép đặt loa ngang (lưng nghiêng) hoặc dựng thẳng, rất tiện khi bạn muốn bắn nhạc lên cao cho không gian rộng. Ngoài ra, Stage 301 có hai thanh đèn LED trang trí phía trên và dưới woofer, nhiều chế độ phát sáng đồng bộ với nhạc qua micro tích hợp.

Chất âm: Chuẩn loa tiệc tùng, âm bass “không thể đùa được”

Đầu tiên là thanh viên nhỏ nhất, xboom Grab “nhìn vậy mà không phải vậy” khi mang lại âm thanh “đầy đặn với lượng bass phải nói là rất tốt” khi so sánh với các đối thủ khác trong cùng phân khúc. Điều này có được là nhờ sự kết hợp giữa hệ thống 2 woofer và 1 driver tweeeter kích thước 16nm được cân chỉnh để âm trầm xuống sâu hơn nhưng đồng thời không lấn át các dải âm khác, đặc biệt là vocal.

Ở chế độ mặc định (Bass Boost) cho âm trầm rất mạnh, trong khi chuyển sang chế độ Standard sẽ cho âm “ấm và chi tiết” hơn, cân bằng giữa bass, mid và treble. Cá nhân người viết cảm nhận được Grab xử lý tốt nhạc điện tử có nhiều lớp, hay vocal rõ ràng (ví dụ nhạc Hozier, Maribou State) mà không bị rè ở cường độ nghe vừa phải. Âm trường không lớn bằng loa lớn hơn, nhưng không bị chìm ngoài trời nếu mở ~50%. Một điểm cần lưu ý, nếu mở tối đa âm lượng 100%, tiếng sẽ hơi “mỏng” ở dải trầm nhưng không gặp hiện tượng bể âm.

Trong khi đó, LG xboom Bounce trang bị loa woofer và 2 tweeter (còn có bộ radiators chéo hướng lên trên để âm thanh lan tỏa tốt hơn). Trong quá trình trải nghiệm thực tế, người viết nhận ra không phải vì nhỏ gọn mà Bounce chỉ có thể kết nối bluetooth đơn giản và chơi nhạc thông thường mà còn làm được nhiều “trò thú vị” hơn nhiều.
xboom Bounce có đầy đủ nút điều khiển cơ bản: nguồn, tăng/giảm âm lượng, phím Play/Pause, nút ghép đôi Bluetooth, “My” (heart) để gọi nhanh playlist yêu thích, và đặc biệt là nút Party-Link (hỗ trợ Auracast) để ghép đôi nhiều loa xboom cùng nhau.
Không dừng lại ở đó, phần mềm LG ThinQ còn có thể kích hoạt chế độ chống hú/echo cho mic, thiết lập bài hát khởi động nhanh, thay đổi chế độ đèn và EQ cùng các hiệu ứng âm thanh (Standard, Bass Boost, AI Sound, Voice Enhance, Custom). Ngoài ra, Bounce còn hỗ trợ tính năng multi-point Bluetooth (kết nối 2 nguồn cùng lúc), rất tiện khi bạn cần vừa nghe điện thoại vừa kết nối laptop, ví dụ khi chuyển đổi giữa điện thoại và máy tính.

LG xboom Bounce có âm lượng lớn hơn hẳn Grab nếu đặt cạnh nhau. Chỉ cần set âm lượng ở mức 40-50% thôi là đã quá đủ dùng ở ngoài trời cho một nhóm cắm trại tầm 15-30 người. Âm thanh của Bounce thiên nhiều về dải trầm: bass dày và mạnh mẽ, đánh sâu cảm nhận rõ. Nhờ có hai loa tweeter, dải treble của Bounce cũng khá sắc nét, nhưng do mảng âm trầm chủ đạo nên khi nghe ở âm lượng cao âm trung bị đẩy hơi lùi, hơi “nhiễu”.
Trong quá trình dùng thực tế, mình thường để Bounce ở chế độ Standard hoặc AI Sound thay vì Bass Boost, để giọng ca và nhạc cụ không bị lấn, và thấy rằng chất âm rất sống động, các dải âm hơi tách bạch rõ ràng. Nhờ đó, nghe rock, EDM vẫn hứng khởi; thậm chí thử vài bản hướng Vocal (Mây Lang Thang Show) cũng ổn áp (dù Bounce không chuyên cho thể loại này).
Tựu trung lại, chất âm của Bounce phù hợp nhất với nhạc dance/EDM, hip-hop hoặc những thể loại cần đẩy bass nhiều. Người thích nghe nhạc chi tiết (audiophile) có thể sẽ muốn cân bằng lại trong app hoặc chuyển sang Standard/AI để giảm bớt bass.

LG xboom Stage 301 sở hữu một woofer siêu trầm 6.5 inch với màng loa lớn, hai loa mid-range 2.5 inch ở trên. Về kết nối không dây, Stage 301 dùng Bluetooth 5.4 (tương tự Bounce và Grab) với chế độ kết nối song song hai nguồn, và có nút Party-Link để ghép nối nhiều loa cùng lúc qua Auracast. Trong thực tế, mình thử ghép Stage 301 với một Bounce khác (và đối với cả Stage 301) để tạo hệ thống stereo hoặc đa kênh, và thấy quá trình ghép khá đơn giản (chỉ cần bấm nút Auracast trên cả hai, loa tự ghép cặp thành stereo hoặc nhóm).
Không cần phải bàn cãi quá nhiều, Stage 301 mang đến âm thanh tổng công suất lên đến 120W, cho âm bass sâu và uy lực mà các mẫu nhỏ hơn không có được. Thử nghiệm thực tế trong buổi dã ngoại, loa đập rất “chắc”, bass có thể làm rung cả bàn gỗ. Có thể nói Stage 301 tạo được sân khấu âm nhạc lớn: âm trường rộng và năng lượng dồi dào, tiếng vocal rõ và chi tiết bất ngờ cho một loa karaoke.
Tầng âm trầm của Stage 301 không làm lu mờ hết dải trung mà vẫn giữ được “không gian” cho các nhạc cụ. Mình đã thử nghe nhiều thể loại: rock, dance, EDM đều cho cảm giác phấn khích; khi giảm volume nhỏ, Stage 301 vẫn cho âm thanh rất sạch và “đầy” – khác hẳn những loa nhỏ khi ở mức thấp sẽ rất yếu.
Một điểm cộng lớn là Stage 301 xử lý rất tốt ở cường độ thấp: khi thử để nghe nhạc nền ban đêm (khoảng 1–2 giờ sáng) với âm lượng rất nhỏ, loa vẫn tái tạo rất rõ giọng hát và trầm ấm. Kết nối Bluetooth của Stage 301 rất ổn định: trong suốt chuyến cắm trại, khi đặt loa trên sân thượng và ngồi quanh bếp lửa cách xa ~20m, nhạc vẫn vẹn nguyên, không hề bị gián đoạn. Kết hợp với bass mạnh mẽ, điều này giúp Stage 301 “đủ sức làm chủ” mọi không gian rộng ngoài trời.
Thời lượng sử dụng pin
Theo lý thuyết, xboom Grab có thời lượng pin lên đến 20 tiếng. Trong quá trình trải nghiệm thực, tế, Grab có thể chơi nhạc liên tục khoảng 9-10 tiếng, tương đối ổn đối với một chiếc loa nhỏ.
Trong khi đó, xboom Bounce cho thời lượng pin vượt trội hơn hẳn, lên đến gần một ngày tọn vẹn với mức âm lượng 50-60%. Đây có thể xem là mẫu loa có thời lượng pin tốt nhất trong bộ ba LG xboom năm nay.

Cuối cùng là quái vật Stage 301 do công suất quá khủng nên thời gian dùng pin chỉ dừng lại ở mức 6-7 tiếng nghe liên tục mà thôi. Tuy nhiên Stage 301 dùng pin rời (có thể tháo lắp), nên bạn có thể mua thêm pin dự phòng và thay nóng – tiện cho những buổi liên hoan kéo dài lâu. Việc sạc đầy pin mất khoảng 3 giờ.
Kết luận

LG xboom AI Grab, Bounce và Stage 301 đã làm rất tốt những gì mà hãng điện tử Hàn Quốc đặt ra để mang lại niềm vui âm nhạc cho người dùng. Người viết đã sử dụng ba mẫu loa này hơn một tháng, trong nhà, ngoài trời và trong các chuyến cắm trại. Kết quả cho thấy cả ba đều hoạt động bền bỉ, cung cấp trải nghiệm âm thanh phù hợp với từng mục đích. Pin của Grab và Bounce đủ để nghe cả ngày, Stage 301 cũng kéo được gần nửa ngày dù dùng nhiều; kết nối Bluetooth không gặp trục trặc lớn, và khả năng dùng Auracast gắn nhiều loa lại rất hữu ích khi cần mở rộng hệ thống.
LG xboom Grab là lựa chọn hoàn hảo cho ai cần một chiếc loa cực kỳ di động (phượt thủ, du lịch bụi, chạy bộ, dã ngoại cá nhân) vì nhỏ gọn, dễ mang theo và giá mềm. Bounce sẽ phù hợp với những nhóm bạn hoặc gia đình thường xuyên chơi ngoài trời, đi picnic, tổ chức BBQ: nó vừa bền lại vừa đủ to để tạo không khí sôi động. Stage 301 là “vũ khí” cho các buổi tiệc lớn, thích hợp cho các DJ nghiệp dư hoặc người thích hát hò karaoke.
Chỉnh sửa lần cuối: