Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

bacsinam

New Member
category3.jpg


Trong bài trước, bs có phân tích một số ngộ nhận về dòng phim cấp III Hong Kong, nhiều bạn chắc ngạc nhiên vì bs bênh vực phim cấp III nhiều quá ? Thực sự thì có phim xấu, phim tốt, trong bài này, chúng ta sẽ bàn về những mặt xấu của một số phim cấp III thời thập niên 90. Mặc dù cái nhãn phim cấp III không nói lên điều gì về giá trị của một bộ phim, nhưng có một thời gian dưới cái mác này đã có rất nhiều phim độc hại ra đời. Đây là một đặc thù của điện ảnh Hong Kong so với hệ thống phân loại phim của Mỹ, vì nếu ở Mỹ, phân loại R hay NC-17 chỉ cho ta thấy về tác dụng phụ của một loại thuốc, tức là có mặt tốt, mặt xấu, thì ở HK, đã có một thời phân loại cấp III không phải chỉ đơn giản cảnh báo về tác dụng phụ, mà còn là cái nhãn hiệu của những độc chất chết người, tức là loại thuốc làm ra chỉ để đầu độc khán giả. Rất may là khuynh hướng này hoàn toàn chấm dứt trong thế kỉ này.

Nhưng việc nhìn lại những gì đã xảy ra không phải là vô ích, nó sẽ giúp cho chúng ta hiểu và phân biệt rõ được bản chất của điều xấu xa, không đánh đồng tất cả phim cấp III với nhau, không lẫn lộn phim bạo lực, kinh dị Mỹ và dòng phim cấp III, vì thực tế cho thấy nọc độc trong một số phim cấp III nguy hại hơn phim Mỹ gấp nhiều lần. Và quan trọng nhất, những gì sai lầm xảy ra trong quá khứ hoàn toàn có thể xảy ra vào ngày mai (đó là cách mà Hollywood và Hàn Quốc hiện nay đang sa lầy theo đúng những gì mà Hong Kong đã làm).

Vào những năm 1990-1995 phim cấp III có một thời hoàng kim với sự phát triển nở rộ chưa từng thấy. Mới nhìn ta sẽ thấy có vẻ vô lý khi một loại phim cấm hầu hết khán giả thanh thiếu niên, và dị ứng với giới nữ, lại thu lợi nhuận dễ dàng hơn những tác phẩm phổ thông cùng thời.
Thực ra chính những nhà làm phim đã tạo ra cơn sốt giả tạo này. Khi thấy một ý tưởng thu được tiền, họ sẽ tập trung khai thác nó triệt để. Vì vậy, không phải tất cả phim cấp III đều thành công, mà chỉ có một vài phim đầu tiên thắng lớn, thôi thúc người ta đổ xô làm tiếp, và những phim sau rất kém so với phim trước, cho đến ngày trào lưu đó chấm dứt.
Vậy tại sao những phim đầu tiên lại thắng lớn ? Câu trả lời, cũng là do những nhà làm phim mà ra cả.
Ở thời điểm cuối năm 70, phim ảnh Hong Kong làm quá nhiều về số lượng nhưng kém về chất lượng, những ý tưởng trùng lắp liên tục, những ngôi sao quá quen thuộc làm phim trở nên nhàm chán. Vào thời điểm đó, có sự thôi thúc người ta tìm ý tưởng mới, và làm một cái gì đó khác thường, để bảo đảm sức hấp dẫn cho phim.

Hãng Thiệu Thị đã từng thử nghiệm những ý tưởng về phim khiêu dâm và bạo lực đầu tiên, và thực tế cho thấy những phim đó trở thành một món ăn mới lạ, kích thích khán giả ra rạp. Trong hàng trăm phim giống nhau, một phim khiêu dâm hay một phim có tính bạo lực đột phá giới hạn cũ, khác hoàn toàn những phim còn lại, sẽ thu lợi nhuận cao hơn. Thật dễ hiểu.

Vì vậy bản chất của phim cấp III là sự phá bỏ những giới hạn cũ, vượt qua những kiềm hãm của qui tắc xã hội, đi đến cực độ của bạo lực, cực độ của khiêu dâm để tìm lối thoát cho sự bão hòa của thị hiếu khán giả. Bản chất sự việc hoàn toàn khác với những gì xảy ra ở Phương tây, tại Hollywood bạo lực và khiêu dâm khá tự do thoải mái, nhưng chúng chỉ là tác dụng phụ của một loại thuốc có ích, còn ở Hong Kong thì ngược lại, người ta chủ động bào chế ra những loại độc dược và dán nhãn cấp III cho chúng như một thương hiệu..

Nếu ban đầu người ta không tạo ra sự bão hòa, và bằng trí tưởng tượng phong phú hơn, có lẽ không bao giờ phim cấp III có thể ra đời được.

Từ trước đến nay, mỗi khi nói về tính bạo lực dã man, hay những cảnh khiêu dâm nóng bỏng trong phim ảnh, một mặt trái của văn hóa phương Tây, người VN ta thường nghĩ ngay đến phim Mỹ; tuy nhiên, tất cả những phim khủng khiếp nhất mà người Mỹ có thể làm trong 40 năm nay cũng chưa bằng một góc nhỏ điều mà phim cấp III điện ảnh hong Kong làm ra trong 5 năm.

Xét về mặt này, có thể thấy bản chất của con người không hoàn toàn trong sáng như chúng ta thường nghĩ. Trong bản năng của khán giả, tức là chính bạn và tôi, vẫn có một số mảng tối mà có khi bạn hiểu rất rõ nhưng không bao giờ muốn cho người khác biết. Tôi cho rằng ham muốn về tình dục không phải là một điều xấu, không phải là một tội lỗi, mà chỉ là bản năng con người. Còn về bạo lực, vấn đề có vẻ khó phân tích hơn, chúng ta xem phim bạo lực vì có sự kết hợp của sự tò mò và một phần thú tính trong chúng ta. Bạo lực là điều xấu, vì trong hành vi bạo lực cần có một nạn nhân chịu đựng đau đớn, tàn phá, sự chịu đựng càng cao thì tính bạo lực càng nặng. Lương tâm con người không cho phép ta làm người khác chịu đựng đau đớn, nhưng bạo lực lại là giải pháp dễ nhất trong đầu ta tự nhiên nghĩ ra để giải quyết 1 vấn đề ức chế nào đó. Như vậy trong đầu con người vừa có động cơ, vừa có một phanh hãm cho hành vi bạo lực. Tôi tin là trong trường hợp có ai đó xúc phạm bạn, một người không xem phim bạo lực và một người xem phim bạo lực sẽ có hai phản ứng giống nhau.

Vì vậy không thể trách khán giả trong việc này, ta không thể trách người nghiện ma túy vì trong cơ thể con người sinh ra ai cũng có những thụ thể cho ma túy, sẵn sàng nghiện, nhưng ta phải trách những người tạo ra ma túy và bán chúng cho con nghiện sử dụng.

Vì vậy, phim ảnh bạo lực không làm con người ta trở nên độc ác hơn, nó chỉ mô tả chân thật một tình huống về bạo lực, và người xem cảm nhận nó một cách thụ động, trong nhiều trường hợp họ thích thú, nhưng sự thích thú đó không có tội gì cả, không có nạn nhân thực sự trong chuyện này. Tuy nhiên, một nhân cách bệnh hoạn sẽ không bao giờ vừa lòng với những điều đơn giản, mà nó như sự nghiện ngập ma tuý, luôn phải tăng liều lượng.
Vì vậy phim cấp III Hong Kong đã đáp ứng cho nhu cầu của bản năng một số đông khán giả. Trong phần sau tôi sẽ chứng minh nó không chỉ đáp ứng cho số đông, mà còn thỏa mãn cho một số ít người có tâm lý lệch lạc và bệnh hoạn nữa.

Hong Kong đã phá bỏ các ranh giới và rào cản trước người Mỹ. Về tính khiêu dâm, những phim Mỹ nóng bỏng nhất cũng có những giới hạn của nó, ví dụ như diễn viên có thể khỏa thân, có thể làm các động tác gợi tình, có thể làm tình với nam diễn viên, nhưng giới hạn của phim mỹ là: không cho thấy cơ quan sinh dục, và tình dục phát sinh từ tình yêu.

Trong phim Anti christ, hay The reader, tình dục phát sinh từ tình yêu, còn trong nhiều phim cấp III, hoàn toàn trái ngược: những ranh giới này bị phá bỏ hoàn toàn. Tình dục trong phim Hong Kong gần với thể loại phim porno, trong đó không chỉ có thoát y, mà còn tả thực cơ quan sinh dục cả hai phái (như ta thấy trong phim Sắc Giới, Sex and zen), trong nhiều phim còn cho thấy sự kích dục ngoài hành vi giao hợp tự nhiên, ví dụ có những cảnh mô tả quá trình luyện tập kĩ năng cho cơ quan sinh dục khá kì dị, nữ thì dùng âm đạo điều khiển bút lông viết thư pháp, nam thì dùng dương vật để quay bánh xe (Sex and Zen), tư thế giao hợp khác thường, giao hợp mạnh bạo... Trong nhiều phim hành vi giao hợp không xuất phát từ tình yêu, mà do bị cưỡng hiếp, trong đó có cả trường hợp loạn luân trong gia đình, giao hợp để phô diễn kĩ năng như trong các phim về cung đình hay thanh lâu kĩ viện, thậm chí còn có sáng kiến cho một hiệp nữ giang hồ nào đó giao hợp bằng khinh công với một đại hiệp khác, điều chỉ có phim HK mới nghĩ ra được.

sex_and_zen_elvis_tsui4.JPG

Hình: Tư thế kì lạ trong phim Sex and zen

chinese_torture_chamber_story_dans_les_airs1.JPG

Hình: Phi thân XXX, trong phim mãn Thanh thập đại nhục hình

Và bạo dâm...

Bạo dâm còn là đề tài cấm kị trong phim mỹ nhưng được phát triển trong phim cấp III Hong Kong. Về mặt này, phim cấp III có vẻ sẵn sàng thỏa mãn cả những đối tượng khán giả lệch lạc nhất, bệnh hoạn nhất. Không có ngụy biện nào về nghệ thuật trong hành vi bạo dâm, nhưng Vương Tinh, đạo diễn nổi tiếng của thể loại này đã tỉnh bơ trước dư luận khi làm hàng loạt phim về đề tài này. Có vẻ khi đã biết chắc dán nhãn cấp III, người ta sẵn sàng đổ tất cả những gì xấu xa bệnh hoạn nhất vào phim. Từ cảnh trói chân tay, kìm kẹp đến đánh đập, tra tấn đều có đủ. Điển hình nhất là phim: Mãn thanh thập đại nhục hình, mà tính bạo dâm nặng hơn tính dục, mở đầu phim ta thấy cảnh một cô gái bị lột trần truống và bị đánh nát đít trên công đường, sau đó là những trò thú tính khác. Trong phần 2 của phim này còn có cảnh xử lăng trì một cô gái.

Bạo lực trong phim cấp III HK không đơn giản chỉ là máu và dao súng. Nếu bạn xem phim Hostel, hay Saw, đó là điều gần giống nhất với phim cấp III Hong Kong. Bạo lực trong phim cấp III khác với bạo lực trong phim hành động bình thường không phải ở số lượng, mà ở cường độ và tốc độ. Trong các phim của ông vua cấp III, đạo diễn Nam Nai Choi, hành vi bạo lực gần giống như một trạng thái hysterie, co giật, run rẩy của bệnh nhân loạn thần kinh. Điển hình là những phim: Truyền nhân Sát thủ Đường Trảm, Run and Kill hay Lực Vương. Cánh tay cầm dao trong phim cấp III co giật và kích động, máy quay cũng giật hình theo, và rất nhiều máu me hơn bình thường. Tương tự, trong phim Full Contact, những tên cướp xả súng trong một trạng thái kích động và thích thú. Trong phim Run and Kill, diễn viên Trịnh Tắc Sĩ ở cảnh quay cuối cùng biến thành một con thú, co giật và chảy nước dãi tùm lum, lao vào chém giết như một tên khùng. Tất cả nhân vật bạo lực trong phim cấp III đều là những kẻ bị bệnh loạn thần nặng.
Đó là về tốc độ, còn về cường độ thì khác biệt rất đáng kể, đúng như bạn xem trong phim Rambo hay Expendables, máu me và vết thương là tất cả những hiệu ứng mà cường độ mang lại. Nhiều máu, chân tay và đầu văng tung tóe, tất cả những gì kĩ xảo thời đó làm được đều mang ra sử dụng. Trong nhiều trường hợp, phim Hong Kong không từ bất cứ việc gì, như trong phim Hắc Thái Dương 371, người ta dùng xác người thật để quay những cảnh mổ xác của phát xít Nhật. Cũng trong phim này, một con mèo bị bỏ vào giữa đàn chuột và nó bị xé tan nát. Trong phim, Untold Story, ta không thể phân biệt được đâu là thịt người thật đâu là thịt súc vật.

ebola_syndrome_autopsie.JPG

Hình: phim Hội chứng Ebola: xác người thật bị mổ

submur2.jpg

Hình: một vụ hiếp-giết trong phim cấp III

the_assassin_operation_delicate.JPG

Hình; cảnh tra tấn trong phim: truyền nhân sát thủ

untoldstory-puzzle-de-sang.jpg

Hình: Cái gì đây ? thật hay giả ?

Khác với phim Mỹ, phim cấp III mô tả bạo lực không chỉ ở kết quả hành vi, mà còn ở nguyên nhân phát sinh, mà nhiều khi đi ngược với đạo đức và luân lý xã hội. Nói cách khác, phim Mỹ chỉ cho ta thấy hành vi độc ác, còn Hong Kong cho ta thấy nhân cách con người độc ác. Những tội ác như con giết cha, trẻ em bị giết (Untold story), trẻ con cầm súng giết người (như trong phim An Lạc Chiến Trường , đông phương Túc ưng), cảnh hãm hiếp và tra tấn phụ nữ (Dr. Lamb, Diary of serial killer...) thường thấy trong phim Hong Kong và không chỉ thoáng qua mà tả rõ từng chi tiết. Trong phim An Lạc Chiến Trường (Fatal vacation), những tên khủng bố Philipine giống như những con quỉ, khi chúng lạnh lùng giết người già và phụ nữ, hay trong phim Dr Lamb mô tả một tên sát nhân biến thái săn lùng và giết những cô gái, không có logic nào trong hành vi của hắn, trong phim Hot fire, bọn cướp giết tất cả bệnh nhân và y tá trong một bệnh viện chỉ để mở đường máu thoát thân, gặp người nào giết người đó, cũng hoàn toàn không có logic. Thậm chí phim School on fire còn làm sụp đổ mọi nền tảng đạo đức xã hội, khi nữ sinh bị ép làm điếm, còn thầy giáo bị bọn học sinh côn đồ truy sát và đến lượt ông ta phải giết chúng để trả thù trước mặt các học sinh khác ngay trong lớp học.

Tóm lại, dòng phim cấp III hấp dẫn vì nó thỏa mãn được thú tính và dục tính của khán giả. Bạo lực và Sex là yếu tố thành công của dòng phim này.
Chỉ rất ít phim cấp III có giá trị về nghệ thuật, mà trong đa số trường hợp nó chỉ là hiện thân của những gì xấu xa và bệnh hoạn trong xã hội. Dòng phim cấp III cũng giống như 1 chai rượu có lớp trên rất ngon, nhưng lớp cặn đóng dưới đáy rất đậm đặc, nên bỏ đi thì tốt hơn, trong cùng một phim có thể có những liều lượng bạo lực thấp nhất kích thích những khán giả non nớt, mang lại hứng thú, nhưng cũng có những liều cao, độc tính chết người chỉ dành cho những khán giả thực sự bệnh hoạn và đã hoàn toàn hủy hoại về nhân cách mới chịu nổi liều lượng này. Người thường xem những đoạn đó chắc chắn sẽ không chịu đựng nổi. Ngay cả bs hoàn toàn miễn nhiễm với phim bạo lực cũng khó nén được cảm giác buồn nôn với một vài cảnh phim, vì chúng đã đi quá xa khỏi cái mà ta gọi là điều ác

Kết luận thứ hai, phim cấp III có giá trị nghệ thuật cao là kết quả của một tinh thần hướng thiện trong sáng tạo nghệ thuật, còn phim cấp III đồi trụy là hệ quả tất yếu của một nền điện ảnh chạy theo số lượng và lười sáng tạo. Vì khi thị hiếu bão hòa, ý tưởng cạn kiệt thì những gì thú tính sẽ lần lượt ra đời. Từ năm 2000 đến nay phim Hong Kong làm ít phim hơn nhiều so với trước, nhưng cũng vì vậy không còn những phim rẻ tiền và đồi trụy nữa. Phim cấp III vẫn tiếp tục được làm, nhưng có một tầm cao mới về tư tưởng và nội dung, như những phim: Hắc Xã hội (Election), Dog bite Dog, Sắc giới... là những kiệt tác về dục vọng và cái ác.

Chúng ta sẽ bàn về những phim cấp III có giá trị nghệ thuật này trong một bài khác.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

sabaku

Active Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Lại thêm 1 bài bình luận hay nữa của bác

phim cấp III đồi trụy là hệ quả tất yếu của một nền điện ảnh chạy theo số lượng và lười sáng tạo.

Theo e nghĩ thì 1 phần cũng do thị hiếu tầm thường của con người nữa bác ạ
Những cái mà làm kích động phần "con" trong chúng ta thì thường được chú ý hơn nhiều, âu cũng do bản tính con người được truyền lại từ xa xưa
 

kickball2006

Active Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Lời bình của BSNAM rất hay và sâu sắc, em hoàn toàn đồng ý với BS, phim cấp III HK thể hiện bản năng thú tính của con người nhiều quá. Như những loại phim kinh dị e ko bao giờ xem những phim chặt, mổ hay giết người tàn bạo.
 

MRTHANHDIENHLJ

New Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

thường em đọc bài hay chỉ nhấn tks , lần này em cảm ơn bro luôn , hihi không dám nhận xét về tính chính xác của bài , chỉ cảm ơn tâm huyết của bro :))
 

Cara

Active Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Em không xem nhiều phim horror mỹ, chỉ ráng scan thôi mà cũng muốn ói rồi. Vậy nên dạng phim cấp 3 đồi trụy này chắc em bỏ chạy mất dép.
Cám ơn bác sĩ, bài review hay lắm.
 

tiennam

Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Mấy phim này còn nguồn xem không ta, xem mới dễ hình dung.
 

ADN1080p

Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

mình là mình phải tìm mấy fim này xem mới đã =P~
 

Dai Minh Kim

New Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Mình không phải là Fan của thể loại kinh dị nên đọc review + picture xong hít muốn coi mấy phim này luôn
 

Gambit

New Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Trong nhiều trường hợp, phim Hong Kong không từ bất cứ việc gì, như trong phim Hắc Thái Dương 371, người ta dùng xác người thật để quay những cảnh mổ xác của phát xít Nhật. Cũng trong phim này, một con mèo bị bỏ vào giữa đàn chuột và nó bị xé tan nát. Trong phim, Untold Story, ta không thể phân biệt được đâu là thịt người thật đâu là thịt súc vật.

đọc đoạn này em thấy buồn nôn quá :-&

vượt qua cả sự kinh dị kinh tởm.
 

minhtranquang55

New Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Hay lắm Bs, cảm ơn anh.
Bàn một tý, năm 1999, HK trả lại cho TQ. Và cũng từ đó loại phim bệnh hoạn này mất dần...
Nói gì thì nói, không chính trị ở đây, anh HCĐ chắc không cho phép làm loại này hoặc hạn chế tối đa...
 

thaidonganh

New Member
Ðề: Trái cấm điện ảnh - Bài 2: Tính tiêu cực của dòng phim cấp III

Hay lắm Bs, cảm ơn anh.
Bàn một tý, năm 1999, HK trả lại cho TQ. Và cũng từ đó loại phim bệnh hoạn này mất dần...
Nói gì thì nói, không chính trị ở đây, anh HCĐ chắc không cho phép làm loại này hoặc hạn chế tối đa...

Cái gì mà bệnh hoạn? Cái gì mà mất dần? Đã xem Kim Bình Mai 2008 chưa?c>:)
 
Bên trên