Những thiết bị và phụ kiện máy tính đắt nhất thế giới
Một con chuột giá hàng trăm triệu đồng hay những bộ máy tính dát vàng đều là những sản phẩm máy tính đắt tiền nhất từng được bán ra. Những bộ máy tính trị giá hàng chục tới hàng trăm triệu đồng không phải điều quá xa lạ với game thủ. Nhưng nếu xét về các linh kiện đắt tiền, con số này chưa thấm vào đâu. Có những chiếc bàn phím và chuột còn đắt hơn toàn bộ những thiết bị máy tính cao cấp nhất cộng lại, hay một bộ máy tính đắt bằng cả một căn nhà.
Bàn phím Datamancer Seafarer
Giá bán: 1.650 USD (34,6 triệu đồng)
Những chiếc bàn phím cơ có giá vài trăm USD vẫn không phải đối thủ của chiếc Seafarer. Đây là mẫu bàn phím được Datamancer sản xuất với số lượng rất hạn chế.
Seafarer nổi bật với phần khung bằng đồng thau đúc nguyên khối, với mặt chạm khắc dát vàng được vẽ bởi một nghệ sỹ có tên tuổi. Đúng như tên gọi của mình (tạm dịch: Người đi biển), bộ bàn phím lấy chủ đề về biển cả, gợi nhớ tới những đường nét trang trí trên những con thuyền buồm thời xưa. Vỏ của Seafarer cũng được chế tác để có được vẻ hao mòn cổ kính theo năm tháng.
Không chỉ có vẻ ngoài tinh xảo, Seafarer là một chiếc bàn phím cơ đúng nghĩa. Toàn bộ các phím đều được chế tạo theo tiêu chuẩn cao nhất, bảo đảm chiếc bàn phím có thể hoạt động trong thời gian dài. Cuối cùng, mặt phím của Seafarer được thiết kế giống hệt những chiếc máy đánh chữ, mang lại cảm giác hoài cổ cho người sử dụng.
Chuột Datamancer Telegraph
Giá bán: 550 USD (11 triệu đồng)
Ngoài các mẫu bàn phím hoài cổ, Datamancer còn sản xuất chuột máy tính. Telegraph (tạm dịch: Máy điện tín) là con chuột được thiết kế theo bộ phát điện tín ra đời năm 1837. Hai nút chuột chính là công tắc nhập mã Morse trên máy điện tín, trong khi lòng tay người dùng sẽ được tựa lên phần đế da thuộc cao cấp.
Thân chuột được chế tạo từ đồng thay và gỗ sồi, tạo độ nặng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, Telegraph chỉ phù hợp cho những tác vụ đơn giản như lướt web, game thủ sẽ khó lòng thực hiện những pha lia chuột với chiếc "máy điện tín" đắt giá này.
Con chuột máy tính đắt nhất thế giới
Giá bán: 26.050 USD (547 triệu đồng)
Fab Stuff đã đặt tên cho mẫu chuột của mình là The World’s Most Expensive Computer Mouse (Con chuột máy tính đắt giá nhất thế giới).
Sau khi bỏ ra gần 550 triệu đồng, người dùng sẽ sở hữu một con chuột được đúc nguyên khối từ vàng trắng 18 carat, khảm trên đó là 59 viên kim cương có đường kính từ 2 đến 4 mm. Nếu không thích mẫu thiết kế hình bông hoa, khách hàng có thể yêu cầu nhà sản xuất sắp xếp họa tiết theo ý mình. Quá trình từ lúc người dùng đặt hàng cho tới khi chuột xuất xưởng kéo dài khoảng 3 tuần.
Bên dưới lớp vỏ đắt giá là bộ cảm biến laser 1200 dpi, cùng khả năng kết nối không dây qua tín hiệu radio. Chuột sử dụng 2 pin AAA và nặng khoảng 357 gram.
Mars Gold PC
Giá bán: 560.000 USD (11,7 tỷ đồng)
Hồi cuối những năm 2000, công ty Zeus Computer của Nhật đã cho ra đời hàng loạt mẫu máy tính đắt tiền với cấu hình cao. Bộ máy tính Mars Gold PC được trang bị bộ xử lý Intel Core 2 Duo E6850, 2GB RAM, card đồ họa GeForce 8400GS, ổ cứng 1TB, ổ quang combo Bluray + HD-DVD, hệ điều hành Vista Ultimate và màn hình Full HD với độ phân giải 1920x1200. Đây là cấu hình khá ấn tượng vào thời điểm máy ra mắt, nhưng đó không phải lý do khiến Mars Gold PC có giá tới gần 12 tỷ đồng.
Mẫu máy tính này được làm từ vàng nguyên khối, được khảm kim cương xung quanh. Các viên kim cương được xếp theo hình chòm sao trên bầu trời. Nhưng đây chưa phải mẫu máy tính đắt giá nhất của Zeus Computer.
Jupiter Platinum PC
Giá bán: 746.000 USD (15,6 tỷ đồng)
Người anh em song sinh với Mars Gold PC có giá đắt hơn tới gần 200.000 USD. Với mức chênh lệch này, game thủ vẫn sẽ được sở hữu bộ máy tính với cấu hình tương tự. Sự khác biệt duy nhất chính là ở lớp vỏ bên ngoài. Thay vì sử dụng vàng nguyên khối, Zeus Computer đã trang bị cho Jupiter lớp vỏ bằng bạch kim.
Với giá bán của những bộ máy tính này, chỉ có những siêu đại gia tiêu tiền như nước mới dám bỏ tiền ra để sở hữu.
USB Magic Mushroom của hãng Shawish
Giá bán: 37.000 USD (777 triệu đồng)
Nhà sản xuất đã sử dụng vàng trắng, vàng, kim cương hồng và trắng, cùng nhiều loại đá quý khác để làm nên chiếc USB này.
Ngày nay, game thủ có thể mua một chiếc USB 32GB chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng nếu muốn thể hiện đẳng cấp, các đại gia có thể nhắm tới dòng USB Magic Mushrooms do Shawish chế tạo. Đúng như tên gọi, đây là một chiếc USB với vỏ ngoài hình nấm, đồng thời giành luôn danh hiệu chiếc USB đắt nhất thế giới.
Nhà sản xuất đã sử dụng vàng trắng, vàng, kim cương hồng và trắng, cùng nhiều loại đá quý khác để làm nên chiếc USB có giá tới 37.000 USD này. Nếu quá e ngại với mức giá khủng khiếp của Magic Mushroom, người dùng hoàn toàn có thể chọn được gắn loại đá quý rẻ hơn, với giá "chỉ" 16.500 USD.
Bàn phím Optimus Popularis
Giá bán: 1.500 USD (31 triệu đồng)
Ở chế độ bình thường, sản phẩm này hoạt động như một chiếc bàn phím tenkeyless (không có cụm Numpad). Nhưng nếu game thủ muốn chức năng cao cấp hơn, Optimus Popularis có khả năng hiển thị mọi hình ảnh và chức năng do người dùng thiết lập.Các ký tự đặc biệt của ngôn ngữ như Arab hay Cyrillic, cho tới những biểu tượng toán học và cả hình ảnh đều được hỗ trợ đầy đủ.
Để làm được điều này, mỗi nút của Optimus Popularis đều là một màn hình LED siêu nhỏ. Ngoài ra, bàn phím còn được trang bị một dãy màn hình LED để hiển thị mọi thông tin theo yêu cầu của người dùng.
Happy Hacking Keyboard Professional HG Japan
Giá bán: 4.240 USD (89 triệu đồng)
HHKB là thương hiệu bàn phím cao cấp của PFU (Nhật Bản), nổi tiếng trong giới game thủ với những sản phẩm có giá rất cao. Vào năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, hãng này đã giới thiệu chiếc bàn phím đắt nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Với tên gọi HHKB Professional JG Japan, đây là thành quả hợp tác giữa Fujitsu và các nghệ nhân sơn mài của xưởng Daitetsu-Yatsui. Mỗi chiếc phím (keycap) đều được sơn thủ công theo phong cách Wajima truyền thống của Nhật Bản, với 10 lớp sơn riêng biệt, sau đó phủ một lớp bụi vàng bên trên. Kết quả là chiếc bàn phím kết hợp giữa yếu tố hiện đại và nghệ thuật truyền thống, đồng thời lập kỷ lục thế giới Guinness về giá bán cao nhất cho một chiếc bàn phím máy tính.
Máy tính theo phong cách quý tộc Pháp
Giá bán: 22.000 USD (462 triệu đồng)
Hãng Chirita đã thiết kế nhiều mẫu máy tính lấy chủ đề theo phong cách nước Pháp thời cận đại. Trong đó bao gồm dòng máy mang tên những vị vua của Pháp như Louis XVI hay Louis XV.
Mỗi máy tính đều được bọc khung đồng thau nguyên khối, trang trí bằng các họa tiết đồng và khảm đá quý. Ngay cả bàn phím đi kèm máy cũng được bọc gỗ cao cấp. Bên cạnh đó, Chirita còn bán kèm mẫu USB Les Clés với những họa tiết theo phong cách thế kỷ 18. Mỗi chiếc USB bọc vàng này được bán với giá 1.200 USD.
Nứt mắt ra đã đăng tâm trạng và địa điểm check-in Facebook
Công nghệ hiện đại cách đây 20 năm
Sự thật không ai ngờ...
Hậu sinh khả úy
Công nghệ không dây len lỏi vào tận trong giấc mơ
Đặt tên thời khan hiếm
Thiên đường thời số hóa
Nhiều ứng dụng (vô bổ) lắm rồi
Thời gian dành cho gia đình quây quần bên nhau là vô giá
Việc thủ công tại văn phòng khi máy tính bị hư