
Trong ba phim ra mắt tuần vừa qua thì The secret life of Walter Mitty im ăng hơn cả. Về tính giải trí cao thì bộ phim này không thể so sánh với The Hobbit 2 hay Tarzan. Nhưng xét về ý nghĩa sâu sắc thì nó có phần nhỉnh hơn đôi chút.
Walter Mitty chỉ là một nhân viên bình thường tại tờ tạp chí nổi tiếng Life. Trong mười mấy năm qua, anh chỉ làm việc ở phòng tráng phim âm bản. Cuộc đời của Walter luôn chìm trong những ảo tưởng, mơ mộng và sẽ cứ thế trôi đi đến nhàm chán nếu như không có hàng loạt thay đổi ập đến. Tờ tạp chí sẽ chuyển thành phiên bản online, đồng nghĩa với việc sa thải hàng loạt nhân viên. Oái oăm thay, bức ảnh để làm bìa cho số báo cuối cùng đã biến mất không dấu vết. Nhiều sự kiện tác động lên Walter Mitty khiến anh lên đường đi tìm tay phóng viên kỳ quặc Sean O’Connell để lấy lại tấm phim đã mất. (mượn tóm tắt phim của TTVH)
Đây là bộ phim được chuyển thể từ một truyện ngắn từ năm 1939. Năm 1947 cũng đã có một phiên bản phim về câu chuyện này. Phiên bản năm 2013 do Ben Stiller viết kịch bản và làm đạo diễn luôn. Tôi chưa được xem phiên bản 1947 nên sẽ chỉ nói về phiên bản 2013.
The secret life of Walter Mitty có phần kịch bản tương đối gọn gàng. Cấu tứ, tình tiết khá chặt chẽ và diễn ra tuần tự, dễ hiểu. Đoạn giới thiệu đầu phim rất độc đáo và mới lạ. Phim không có nhiều kịch tính cao để tăng sự hấp dẫn mà cái hay của phim này nó nằm ở chỗ khác (sẽ nói ở dưới). Ngoài ra cũng ít các tình huống hài hước so với các phim khác của Ben Stiller. Một điểm đáng chú ý nữa của The secret life of Walter Mitty là cốt truyện đưa đưa thêm vào một chút trinh thám để tăng sự hồi hộp và lôi cuốn.
Về diễn viên, Ben Stiller vốn đã nổi danh với thể loại hài. Nhưng với phim này thì anh cho thấy mình đóng các vai tâm trạng, nhiều suy tư cũng tốt không kém. Bên cạnh đó phải kể đến sự xuất hiện của Sean Penn. Bác này chỉ góp mặt một đoạn ngắn nhưng "ít mà chất". Em Kristen Wiig thì tròn vai và khá xinh.
Ở phần hình ảnh, The secret life of Walter Mitty có nhiều cảnh quay ấn tượng và gây choáng ngợp về thiên nhiên hùng vĩ. Nhiều cảnh phim đẹp chẳng khác gì tranh, ví dụ như núi đồi đồng cỏ ở Iceland, sa mạc ở Afghanistan, rồi những đỉnh núi trắng xóa tuyết ở dãy Himalaya. Nói chung là đẹp đến sững sờ và mang lại rất nhiều cảm xúc.
Phần nhạc phim cũng rất tuyệt. Chất nhạc vừa hùng tráng vừa cổ điển ở những cảnh thiên nhiên hùng vĩ tạo nên một cạm giác lâng lâng khó tả. Đặc biệt trong phim có bài Space Oddity của David Bowie được lồng vào cực hợp với tình huống và cảnh phim, nghe hay không tả được.
Giờ đến phần hay nhất của phim. The Secret Life of Walter Mitty có một thông điệp rất rõ ràng: hãy thoát ra khỏi cuộc sống nhàm chán mà mình đang có, phá vỡ cái vỏ ốc và những mộng mơ mà mình đang ảo tưởng để dấn thân vào những chuyến đi, bước ra thế giới để khám phá những điều kì diệu của cuộc sống. Cả bổ phim mang đến cho người xem một tình yêu vào cuộc sống, tiếp thêm sự nhiệt huyết và tạo nên cảm hứng sống.
Thông điệp này có thể tóm gọn trong câu slogan của Life được nhắc đến nhiều lần trong phim: To see the world, things dangerous to come to; to see behind walls; to draw closer; to find each other; and to feel. That is the purpose of Life.
(tạm dịch: “Ngắm nhìn thế giới, đối mặt với hiểm nguy, nhìn ra xa hơn; tiến lại gần hơn, tìm thấy nhau và cảm nhận. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống”)
Nói chung, đây là một phim hay, giàu cảm xúc và ý nghĩa nhưng chắc chắn là kén khán giả.
Đoạn sau là chuyện ngoài lề:
- The Secret Life of Walter Mitty, nói theo kiểu các báo Việt Nam mình, PR cho tạp chí Life rất trắng trợn. Bối cảnh của phim là ở tòa soạn của tạp chí này. Logo Life hiện qua hiện lại liên tục. Đặc biệt một số trang bìa nổi tiếng nhất của Life về Muhamed Ali, John Frank Kennedy, John Lennon hay Yuri Gagarin đều xuất hiện trong phim.
- The Secret Life of Walter Mitty cố vũ tình thần phượt theo kiểu thích là nhích, xách balo lên và đi, khám phá những vùng đất mới theo cách tự nhiên, bình dân và hòa cùng thiên nhiên nhất có thể.
- The Secret Life of Walter Mitty cũng thể hiện sự trang trọng đối với những nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực. Đôi khi, việc được chứng kiến và ngắm nhìn một khoảnh khắc còn quan trọng hơn cả việc bấm máy.