scotty
Well-Known Member
[JUST]Trước ngày ra mắt, phóng viên Branscombe của TechRadar đã có trong tay "độc quyền" một chiếc Windows Surface (bản RT) dạng nguyên mẫu thương mại và đã đăng tải bài đánh giá chi tiết về chiếc tablet thương hiệu Microsoft này. "Độc quyền" mà scotty nói ở đây chính là Branscombe đã có cơ hội xài luôn nắp bàn phím. Microsoft chỉ cho phép một vài người đụng hay vọc thử nắp bàn phím tại sự kiện ra mắt, khiến cho một số người thắc mắc liệu nó có xài được hay chỉ là để nhìn cho "gợi cảm". scotty đã đọc bài đánh giá này và thấy rất có giá trị về mặt chuyên môn, nhất là đưa ra ý kiến rất thực dụng về mặt lựa chọn so với iPad hoặc tablet khác cho người dùng. Nếu các bác, anh chị em quan tâm đến Surface, thì nên đọc hết bài đánh giá mà scotty dịch đầy đủ ở dưới (có nhiều cái hay cực độ luôn). Còn nếu không muốn mất thời gian hoặc chỉ cần nắm thêm thông tin thì đọc phần đầu sau đây cũng được. Một số điểm sáng ở Microsoft Surface RT mà Branscombe nhận xét: [INFO=Highlights]
Còn khá nhiều thứ hay ho khác được bài đánh giá nêu bật ở dưới nữa. Đánh giá chi tiết Microsoft Surface RT TỔNG QUAN VÀ THIẾT KẾ Khung vỏ bằng nhôm, nước sơn bền chắc, các cạnh được gọt dũa, màn hình ClearType HD display - đó là những điểm mấu chốt về thiết kế và đặc điểm kỹ thuật để Microsoft Surface for Windows RT làm "giấy thông hành" đi vào thế giới tablet và nổi bật giữa đám đông. Về phần cứng, Surface hoàn toàn đủ khả năng tỏa sáng nhờ trang bị cấu hình tốt và có tính thực tiễn cao. Máy mỏng, nhẹ và thoải mái khi cầm nắm, khiến bạn muốn chạm và cầm nó lên ngay cái nhìn đầu tiên. Không chỉ chạy hệ điều hành Windows RT ngon và mượt đúng mong đợi của nhiều người dùng Windows, mà cách thiết kế nắp đậy nam châm hít nhạy và khít theo kiểu mà không có hãng đối thủ nào bì được... ![]() Thiết kế Thông tin kỹ thuật cụ thể về thiết kế của Surface for Windows RT, cũng như anh em song sinh của nó là Surface for Windows 8 Pro, vẫn chưa được Microsoft hé lộ, nhưng nhìn thì có thể thấy rõ là: Mặt trước của máy là gương đen bóng mượt, được gắn chính xác vào khung máy bằng hợp kim ma-giê "chân không" - tức được "hút sạch không khí", theo lời chuyên gia phần cứng của Microsoft là Stevie Battiche nói với TechRadar. Trên mặt trước chỉ có độc mỗi logo Windows. Mở nắp ra, màn hình 10.6" phủ tràn gần như hết mặt trước của Surface, trừ 4 cạnh thân máy có mép vát "mập" thêm được nửa inch nên ta có thể cầm nắm máy thuận tiện. ![]() Cái logo Windows không chỉ để ngắm nhìn đâu. Nó chính là cái nút chạm để ta bấm kích hoạt màn hình Start screen đó. Độc nữa là toàn bộ mép vát đều là cảm ứng hết, quẹt ngang 1 phát là bung ra một thanh menu App hoặc thanh chuyển App trên màn hình (tùy hướng mà ta quét). Chỗ này scotty chưa hình dung được nó như thế nào nên dịch có thể không sát lắm. ![]() Cũng phải nhắc lại chuyện cầm nắm lần nữa, Surface cực nhẹ và dễ cầm lắm. Vì các cạnh bên thiết kế chạy xéo xuống nên cầm cực thoải mái, trừ cái cạnh có đầu nối gắn vào nắp đậy + bàn phím thì không thoải mái lắm nếu tháo nắp đậy ra khỏi máy. Khung bằng hợp kim ma-giê được phủ lớp sơn mỏng cho cảm giác bền chắc và xịn (mắc tiền). Được biết nó không phải là loại sơn thường mà là sơn nước keo, có thành phần hóa học kết dính. ![]() Nếu không muốn cầm máy trên tay thì đã có sẵn 1 cái tấm đỡ, trông như cái bản lề bự chạy khắp mặt sau của Surface, và cũng có 1 logo Windows được in sơn kiểu matte (hiện hơi mờ mờ). Bản lề này có điểm rất cool. Đó là nó được giữ cố định bằng một dãy nam châm, giúp cho nó khỏi bị rớt ra mỗi khi người cầm máy vung vẩy. Ở cạnh trái bản lề có 1 cái rãnh nhỏ, cho phép nó dễ dàng lật ngược ra. Thực ra kiểu này đã có ở SmartCover của Apple dành the new iPad (iPad 3) nên sẽ không lạ gì đối với fan Apple. ![]() Nhờ cái bản lề này còn có 2 cái chân đế cao su dài nên Surface đứng rất vững. Khi mở Touch Cover ra, ta có thể đặt vững Surface trên đùi của mình và gõ phím rất tiện như ở laptop mà không sợ máy bị trượt trên đùi. Đây là điểm ăn đứt Asus Transformer Prime vì con này hay "thích" trượt ra ngoài, chưa kể Surface cũng nhẹ nữa. ![]() Về cổng kết nối, Microsoft đã tích hợp khá là khiêm tốn cho Surface nếu không muốn nói là quá "hẻo". Cạnh dưới thân máy bị đầu nối bàn phím từ tính chiếm dụng hết, mặt trên có nút nguồn còn 2 bên thân máy là 2 cái loa, lỗ cắm microphone đôi (?), khe gắn thẻ microSD, 1 cổng USB 2.0 port (Surface Pro có USB 3.0) và cổng Micro HDMI (ở Surface Pro là mini DisplayPort), và cuối cùng là lỗ cắm nguồn từ tính (?). ![]() Nói chung, khung máy bằng hợp kim ma-giê và thiết kế chính xác đã tạo cho Surface RT một cảm giác chắc bền. Cầm 2 cạnh bên của nó lên và xoắn thử thì không hề thấy bị 1 chút uốn éo nào hết. Touch Cover và Type Cover Nắp đậy Touch Cover có bàn phím cảm ứng, siêu mỏng, hoàn hảo cho một thiết bị di động. Còn nắp đậy Type Cover thì tích hợp bàn phím dày hơn 1 xíu và có các phím bấm vật lý, phù hợp cho những ai muốn nghe tiếng phím đi hơn là tiếng phát ra từ Touch Cover. Touch Cover có đến phiên bản 5 màu: trắng, đen, đỏ, lục lam và đỏ tươi. Cả 2 loại nắp bàn phím này đều dùng chung kiểu kết nối, bật mở hoặc đóng lại dễ dàng, nhanh chóng (và chắc nữa) nhờ các chốt bằng nam châm. Mấy cái chốt bé xíu này được gắn khít vào thân máy, nhờ vậy mà chúng vẫn giữ chắc và yên vị cho dù muốn chơi ngông kiểu chỉ cầm cái nắp đậy và phe phẩy con máy lên xuống. ![]() Dù bật nắp lên hay bật ngược nắp ra sau thì cầm nắm máy vẫn rất thoải mái như khi đóng nắp lại vậy, kiểu như cầm một bên mép tờ tạp chí hay quyển sách bìa cứng. Ngay khi gập nắp lại, màn hình Surface sẽ tắt đi và được đưa vào chế độ chờ (Connected Standby), nhưng khi bật mở nắp lên thì bàn phím sẽ tự động tắt kích hoạt (nhờ 1 thành phần gọi là gia tốc kế) để tránh việc nhập liệu khi ta đang cầm cái nắp. Tính năng này giống như ở con laptop Yoga của Lenovo, chỉ khác là bàn phím của Surface mỏng hơn rất nhiều. ![]() Touch Cover khiến ta hình dung nó như một bức hình bàn phím hơn là bàn phím thật sự. Nó cũng dùng các bộ cảm biến đa chạm mà Microsoft đã thiết kế cho bàn phím Sidewinder của mình. Bàn phím tuy rất mỏng nhưng nhập liệu cực kỳ nhạy và chính xác. Các phím có kích cỡ hợp lý, được phân bổ cách nhau khá hẹp. Touchpad bên dưới thì tuy khá nhỏ nhưng vẫn có đủ 2 nút bấm trái phải. Tất nhiên đó chỉ là phụ để nhìn quen mắt quen tay thôi chứ cả cái màn hình chạm đã giải quyết tốt việc điều khiển các thành phần và tác vụ trên màn hình rồi (bằng cử chỉ ngón tay). Nói chứ cái Touchpad vẫn hữu dụng, nhất là khi ta muốn đặt chính xác con trỏ chuột vào vật thể nào đó, như giữa 1 từ nào đó chẳng hạn. ![]() Nếu gõ trên Touch Cover lần đầu tiên thì hơi kỳ kỳ chút, do là các phím không tạo cảm giác chuyển động bên dưới các đầu ngón tay; nhưng hay là các phím sẽ không hoạt động (nhập liệu) chừng nào ta thực sự ấn lên phím, nhờ vậy ta có thể thoải mái để cả bàn tay lên bàn phím mà không sợ bị nhảy chữ, thậm chí cả khi đặt các ngón tay lên đúng vị trí cần bấm. Nhờ bề mặt phím mềm nữa nên gõ càng thoải mái hơn gõ cũng như ít bị trượt ngón hơn là gõ trên bàn phím mềm (trên màn hình smartphone chẳng hạn). ![]() Gõ trên bàn phím vật lý thì vẫn sẽ dễ hơn, vì thế ai là dân chuyên nhập liệu, soạn thảo văn bài nhiều thì tất yếu nên cần Type Cover. Nó vẫn mang lại cảm giác ấn phím bình thường, đặc biệt là khung vỏ Surface và các phím lún xuống một mức đáng kinh ngạc với bàn phím mỏng đến như vậy. ![]() Không khác gì các phím chuẩn thường thấy, từ trên xuống dưới có đủ các phím thông dụng cùng 1 bộ 4 phím mũi tên được bố trí đẹp mắt. Hàng phím trên cùng có cả các nút điều khiển media như Volume, Playback và điều hướng, các phím không thể thiếu cũng có đủ như Home, End, Page Up, Page Down và Delete, ngoại trừ phím Insert đã bị loại bỏ. Trong số các phím chuẩn thì xuất hiện thêm 4 phím "lạ", nhưng sẽ nhận ra chúng nếu đã quen thuộc giao diện Windows 8. Đó là các phím Search, Share, Devices và Settings từ thanh Charm (trên Windows 8), rất hay và cần thiết để xử lý nhanh hơn 1 chút thay vì phải đưa tay lên màn hình để quẹt. Type Cover cũng không thiếu các phím được gắn chữ "function" và phím khóa Function. ![]() Mặt sau của các tấm nắp bàn phím (và cả mặt trước của Touch Cover) đều được làm bằng bông xốp cứng đặc chế cho Microsoft, ta sẽ có được cảm giác mềm và thoải mái khi chạm hoặc cầm nắm. Giao diện hệ điều hành Ở thời điểm này, Microsoft hiện đang còn cẩn trọng và không ai có được nhiều thời gian để sử dụng (ké) thỏa thích Surface RT. Nhưng TechRadar cho biết với những mà họ trải nghiệm được trong thời gian ngắn ngủi thì họ thấy Microsoft đã làm đúng theo ý muốn của mình. Trước và trên hết, đây là chiếc Windows tablet được thiết kế để chạy Windows, đặc biệt là hỗ trợ cho Metro Start và các ứng dụng Metro điều khiển thông qua cảm ứng chạm. Khoản này TechRadar khen là hoạt động rất tốt. ![]() Trong 2 phiên bản, Surface Pro là chiếc tablet trang bị CPU Intel Core i5 Ivy Bridge (đủ nhanh để xử tốt các ứng dụng khá nặng như Adobe Lightroom), còn Surface RT trang bị chip ARM, chạy phiên bản Windows for RT đầu tiên. Tin vui là Windows RT vẫn tạo cảm giác như đó là Windows 8, và nó hoạt động ngon lành với màn hình cảm ứng chạm. Các biểu tượng trên Start screen và các cửa sổ ứng dụng (ứng dụng News chẳng hạn) cuộn qua lại rất mượt trên màn hình (Microsoft gọi kiểu đó là "nhanh và nhìn như nước"). Phóng to thu nhỏ thì nhanh đều và mượt, chẳng hạn như duyệt qua cả đống phim trong cửa sổ Preview của ứng dụng Netflix (rất lẹ, không bị giựt) rồi gõ lên phim muốn xem là nó bung lên tràn màn hình. Việc kéo thả và sắp xếp 2 cửa sổ nằm cạnh nhau cũng rất mượt và nhanh, mỗi cửa sổ hiển thị cũng rất đẹp ở tỉ lệ 4:3 (chứ không mỗi ở tỉ lệ widescreen). Vuốt ngược ngón tay lên trên theo rìa bên của Surface để hiện thanh menu ứng dụng Metro hoặc vuốt từ 1 cạnh bên của màn hình để hiện thanh Charm, cả 2 tác vụ này cũng mượt "như nước chảy". Khoản này mà làm trên màn hình cảm ứng chạm cũ dành cho PC thì khá chậm. ![]() Theo TechRadar, tại thời điểm này thì Surface RT chạy được bất kỳ ứng dụng Metro nào tải về từ Windows Store, kể cả Windows desktop (chỉ dành cho các ứng dụng chạy trên desktop như IE và Office). Về khoản xử lý trên desktop, cảm ứng chạm tỏ ra là ngon khi kéo các cửa sổ khắp màn hình cũng như cuộn các trang web và văn bản. Nhưng có thể phải cần đến touchpad và bàn phím nếu làm việc trên Excel hoặc các ứng dụng Office 2013 khác (kèm theo Surface RT là bản Office 2013 RT Home và Student) . Microsoft Surface ở tư thế chân dung Xoay đứng Surface RT, màn hình Windows sẽ xoay theo ngay lập tức và nó xoay trông rất mượt, có điều vẫn không nhạy và không xoay qua xoay lại ở khoản xoay theo 1 góc nhỏ khi đưa máy cho ai đó xem nội dung trên màn hình. Sẽ không có hình động mỗi khi xoay, còn màn hình Start và cửa sổ ứng dụng vẫn vậy, chỉ khác là nằm ở tư thế Portrait (chân dung). ![]() Xem ở tư thế Portrait rất đã, nhất là Start screen. Bởi lẽ các cửa sổ xếp kiểu lát gạch (tile) tự chúng xếp vào thành cụm và tăng kích thước theo chiều cao, co lại theo chiều ngang. Các trang web hay văn bản nhìn càng đã nữa bởi xem ở tư thế này thì ta sẽ thấy được đầy đủ trang trên màn hình. Có lẽ điều gây ấn tượng đáng chú ý nhất về Surface RT và hệ điều hành Windows RT chính là mang lại cảm giác "đã" khi xài. Nếu ai đã từng xài thử hoặc đã quen với Windows 8 (bản Preview) trên máy bàn, thì sẽ thấy Surface RT mang lại cảm giác mượt mà và nhanh như thế nào, mặc dù nó chạy với sức mạnh của chip ARM. ![]() Kết luận sơ khởi Việc Microsoft đích thân lao vào thị trường tablet là điều khá lạ rồi, nhưng với những gì được trải nghiệm ban đầu qua Surface RT thì TechRadar thấy ngạc nhiên hơn nữa, bởi họ cho rằng nó vượt xa nhiều mẫu Android tablet chuẩn hiện có trên thị trường về 2 điểm là sáng tạo và bóng bẩy. Microsoft sẽ phải đưa ra một cái giá thật hợp lý. Theo suy nghĩ lúc này thì sản phẩm tương xứng để đối chọi với nó phải là iPad hoặc Android tablet 10-inch, hơn là Kindle Fire 7-inch. Thời lượng pin của nó cũng phải gây ấn tượng nữa. Cầm trên tay, Surface sẽ không mang lại cảm giác như iPad đâu. Ngược lại, nó cho chúng ta cảm nhận được nó chính là một chiếc Windows tablet thứ thiệt được thiết kế tốt, đi kèm các tính năng phụ trợ đáng giá như cảm ứng chạm - thông minh và hiệu quả. Bước tiếp theo của Microsoft là phải thuyết phục được thế giới rằng Windows 8 là một hệ điều hành dành cho tablet có thể so đo với các hệ điều hành di động số 1 hiện nay là iOS và Android, và đương nhiên là phải cạnh tranh được cả về giá nữa. Dù sao Microsoft cũng có được bước đầu khá ngon, đó là đã đưa được ra 2 tùy chọn về cấu hình phần cứng trong một chiếc tablet được thiết kế tốt, tinh tế về kiểu dáng, chí ít là đối với những ai vẫn đang phân vân liệu nó có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của mình không. [TIP=Microsoft là 1 Apple thứ 2?!] Cuối cùng, qua chiếc tablet mang tính nguyên mẫu thương mại này, chúng ta có thể thấy rõ là Microsoft muốn gởi đến các đối tác phần cứng thông điệp: "Đây mới là chuẩn (của chúng tôi mà các vị) cần phải theo để sản xuất ra Windows 8 tablet, trừ phi quý vị muốn hạ thấp giá thành để có tính cạnh tranh hơn nữa". Điều này có nghĩa là, Microsoft biết rõ thị trường tablet hiện nay nó linh tinh và tùm lum đến mức nào, và ông lớn này không vì giá rẻ mà tước đi thương hiệu và đặc tính riêng của mình.[/TIP] [/JUST] |
Chỉnh sửa lần cuối: