torune
Film critic
Một thành tựu của văn hóa đại chúng!
Đầu tiên, torune xin phép đưa ra đôi lời tóm tắt. Lấy bối cảnh ở London, phim kể về thanh tra Harry Clayton - một người có tật lẫn tài. Tình cờ, trong một đêm tuyệt vọng vì quá lầy lội với sở thích cờ bạc, anh được quý nhân phù trợ và tặng cho một bảo bối mang đến sự may mắn vô biên. Tới đây yếu tố kỳ bí xuất hiện. Tuy nhiên, không có gì cho không biếu không. Và may mắn cũng có cái giá của nó...
... ... ...
Với mình, "Stan Lee's Lucky Man" (tạm gọi là 'Lucky Man' trong bài) không có nhiều yếu tố mà khán giả phải thốt lên kiểu như 'đột phá', 'cách mạng hóa'. Tuy nhiên, tựu chung mọi đặc tính lại, phim trở nên nổi bật giữa nhiều TV show đương đại, bởi các yếu tố sau đây.
Đầu tiên là ý tưởng đến từ ông Stan Lee, bậc thầy của những trang truyện siêu anh hùng. Yếu tố 'siêu năng lực' cũng được đưa lên phim nhưng qua một thủ thuật tinh tế hơn, mà lại hiệu quả. Hãy mang đến cho nhân vật của chúng ta một năng lực, đứng trên rất nhiều năng lực khác: sự may mắn. Ngay cả bộ sậu Avengers khi tham chiến cũng còn cân nhắc yếu tố may rủi, sự hy sinh... Vô hình chung, khán giả được đến với một trong những siêu anh hùng mạnh nhất vũ trụ Marvel qua hình tượng 'Lucky Man'.
Thứ hai, ý tưởng trên đây tối giản nhưng mang lại hiệu quả không ngờ. Ví dụ như, đem so với siêu năng lực của Scarlett Witch, để thể hiện năng lực của chị này, nhà sản xuất cần vắt óc nghĩ ra các chiêu trò CGI để 'trực quan hóa' cái gọi là 'phép thuật' ra trước mắt của khán giả. Về phía 'Lucky Man', chẳng cần dụng công nhiều CGI hay kỹ xảo để thể hiện ra siêu năng lực, chỉ cần những góc máy khéo léo, những cảnh quay được làm chậm, là đủ để thể hiện sự may mắn/siêu năng lực của nhân vật. Thêm nữa, khi nhắc tới những nhân vật hành động khác như Ethan Hunt, James Bond... người ta có thể nói anh Hunt, anh Bond ăn may và đôi khi chối bỏ thành tựu của họ vì những cảnh quay quá phi logic. Còn với 'Lucky Man', họ tin rằng nhân vật này may thật, thành công thật bởi cái sai đã xuất hiện ngay từ đầu. Như một quy luật logic, A sai, B sai, A kéo theo B thì lại đúng!
Thứ ba, là về cách kể chuyện của phim - hội tụ ngôn ngữ truyện tranh và điện ảnh. Phần 'truyện tranh' thể hiện ở chỗ diễn biến của mỗi tập (kéo theo diễn biến của toàn season 1) rất nhanh, không để khán giả kịp ngáp; khi mà những câu chữ dài dòng, lê thê, mang tính suy luận lại là đặc sản chỉ có ở những phim hình sự/trinh thám. Phần 'điện ảnh' thể hiện ở những cảnh quay chậm (slow-motion), âm thanh kiểu trống dồn (xuất hiện cực kỳ nhiều) tạo cảm giác hồi hộp.
Cuối cùng, sự hội tụ của những nguyên tố trên đây biến 'Lucky Man' thành một sản phẩm hoàn hảo, sinh ra trong lòng văn hóa đại chúng và phục vụ chính những khán giả kiến tạo nên nền văn hóa này.
torune@hdvietnam
Chỉnh sửa lần cuối: