RAM máy tính bao nhiêu là đủ?

caothudeche

Moderator
  • Q: RAM máy tính bao nhiêu là đủ?
  • A: Bao nhiêu cũng là ít?
Mình mới có đọc một bài viết chia sẻ rằng mới mua laptop cấu hình cũng gọi là thời hiện đại, với 8GB RAM, khổ chủ sử dụng mở thường xuyên khoảng chục Tab trình duyệt, Outlook và 3 phần mềm doanh nghiệp và than chậm. Ấy thế là đi mua hẳn một em máy mới với cấu hình hiện đại nhất (không phải mạnh nhất nhé) và hẳn 16GB RAM. Sau đó làm một số bài kiểm tra và cho rằng 8GB RAM giờ không còn đủ cho dùng văn phòng nữa.
Qua đó và thực tế mình gặp thì có vẻ rất nhiều người không hiểu về RAM nói riêng và cách hoạt động của máy tính nói chung (điều này cũng dễ hiểu), từ đó dẫn tới việc không khai thác máy tính của mình đúng cách.

Trước khi đi vào ý chính thì mình mô tả qua laptop của mình: Sony Vaio SVE14 cấu hình Intel(R) Core(TM) i5-3210M CPU @ 2.50GHz, 8GB RAM DDR3 1600Mhz, ổ tàu SSD KINGSTON SV300S37A 120GB. Một máy tính tàn tạ ra đời cách đây 10 năm các bạn có tin các tác vụ mình sử dụng sau đây không? Nhiều người không tin và cho rằng mình chém gió.
  • Đồ họa, video: Adobe (thường là bản mới nhất): Photoshop, Illustrator, thi thoảng có cả Premiere... Corel Video Studio X10, Sayatoo,
  • Bộ công cụ đồ họa cho dân kỹ thuật: Altium Designer (cho dân điện tử khá nặng), AutoCAD 2019
  • Chơi game: AOE DE (bộ cài tới 17GB).
  • Chưa kể 1 loạt các phần mềm yêu cầu cấu hình khác và phần mềm dùng văn phòng. Và việc mình xử lý file excel lên tới vài trăm nghìn dòng, nặng hàng chục MB là như cơm bữa. File nặng nhất từng mở là 2.1 triệu dòng/3 sheet nặng 287MB.
Có bạn sẽ cho rằng mình chém gió hoặc chỉ mở có mỗi 1 phần mềm, đương nhiên là không mở tất chúng nó nhưng chuyện mở phần mềm nặng đồng thời lướt web là bình thường. Vừa chơi game, vừa record game vừa upload youtube. Trong lúc chờ game vẫn quay ra timing karaoke hoặc xem video không hề tắt game đi.
Hoặc một số câu chuyện khác là bạn bè hay than phiền máy móc chậm, nhưng cứ đến tay mình thì không sao hết. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Tại sao mình lại "bóc lột" con laptop của mình được đến như vậy?

Trước tiên là chúng ta hiểu RAM hoạt động như thế nào?

Mình sẽ không nói theo kiểu đơn thuần kỹ thuật mà cố gắng xoay sang văn nôm gần gũi với đại đa số mọi người. RAM không cần hiểu quá sâu xa làm gì, cứ hiểu đơn giản nó là nơi lưu dữ liệu (lưu ngắn hạn, tắt máy là mất dữ liệu). Vậy thì sẽ có câu hỏi là ổ cứng cũng lưu dữ liệu sao lại cần RAM làm gì để mà lo lắng dung lượng ít, vấn đề là ở tốc độ. Máy tính giao tiếp, xử lý dữ liệu như sau: CPU <=> Cache <=> RAM <=> Ổ lưu trữ dài hạn.
diagram-MemoryCache-400x400-1.png
Theo thứ tự từ trái qua phải tốc độ của chúng sẽ giảm dần (ngoài yếu tố kỹ thuật thì các bạn hiểu đơn giản một điều là ông quản lý nhiều dữ liệu thì ông mất thời gian hơn và ông xử lý chậm hơn thì ông phải lưu nhiều hơn là điều dễ hiểu), chính vì vậy RAM được đưa vào để làm một bước đệm (trước RAM là Cache cũng là một bước đệm). Nếu chưa cần thiết thì dữ liệu sẽ chưa lưu tới các thành phần phía sau.
Tốc độ là điều hiển nhiên rồi, nhưng ở đây là không bàn đến tốc độ mà bàn đến dung lượng vậy thì ta phải xem cách nó hoạt động. Cơ chế của RAM là lưu trữ tạm thời, nó cứ lưu dữ liệu cho tới đầy thì thôi, tức là dữ liệu cũ không dùng đến vẫn nằm đó không bị xóa và cứ dữ liệu mới đẩy vào thì nó đầy lên. Cơ chế này khiến nhiều bạn hoảng loạn khi RAM đầy, cứ sợ thiếu, đừng lo miễn ứng dụng của bạn vẫn chạy bình thường thì có 100% RAM vẫn được.

Tiếp theo là RAM đầy rồi thì hiện tượng gì sảy ra?
Xóa dữ liệu cũ đi để ghi đè dữ liệu mới vào sao? Ghi đè là đúng rồi, nhưng không có xóa đâu. Hệ điều hành Windows lưu nó vào Page file trên Ổ cứng. Đến đây thì sự bực tức mới bắt đầu sảy ra này. Bạn dùng đến mức ép RAM lên 100% nó phải lưu vào Page file, mà cái này được lưu ở nơi có tốc độ chậm nhất của máy tính thì lúc đọc ra nó chậm nên bạn khó chịu là đúng rồi.
Nhiều bạn biết điều này nên nghĩ ra trò giảm hoặc vô hiệu hóa luôn Page file cho nó nhanh, lớ ngớ có khi còn hỏng máy luôn. Vấn đề có phải tại cái Page file đâu, tại bạn dùng để RAM tràn mà, vô hiệu hóa Page file thì CPU lại tính lại thôi có khi còn chậm hơn.

Quay trở lại câu hỏi ban đầu bao nhiêu RAM là đủ?
Đầu tiên chúng ta phải khẳng định với nhau là RAM tối thiểu phải đạt được yêu cầu của hệ điều hành cái đã, nó không đủ để tải tài nguyên của hệ điều hành thì khởi động còn chẳng nổi thì dùng cái gì.

Kingston có đề nghị mức RAM theo nhu cầu như sau:
  1. Người dùng thường xuyên: 4 – 8GB RAM cho Email, duyệt Web, giải trí, office, phần mềm doanh nghiệp.
  2. Game thủ: 8 – 32GB RAM
  3. Người dùng chuyên nghiệp: 16 – 64GB cho thiết kế đồ họa 3D, lập trình, cơ sở dữ liệu, biên tập ở cấp độ sản xuất.
Nhìn qua thì ta thấy các con số giao thoa, việc đó là tùy mức độ nhu cầu của công việc cụ thể. Nếu áp vào cấu hình máy mình thì thấy rằng mình chỉ thuộc nhóm 1, mới chớm nhóm 2 và xa vời nhóm 3, nhưng mình lại đang xử lý cả các tác vụ ở nhóm 3. Thực ra mình cũng không muốn điều đó, nhưng vì mức độ thường xuyên chưa cần để đầu tư tới mức đó. Mình dùng photoshop nên biết 8GB vẫn còn thiếu, nhiều lúc dữ liệu lưu tạm lên ổ đĩa mà nó phình đỏ cả ổ SDD luôn. Nhưng tại sao mình dùng được mà nhiều bạn có RAM 8GB dùng văn phòng mà vẫn phàn nàn. Lý thuyết thì mình trình bày ở trên rồi. Vấn đề chính là ở chỗ mình hiểu máy mình, hiểu lý thuyết và đưa vào khai thác máy tính hiệu quả.
Ở người dùng thông thường thứ "đốt" RAM nhiều nhất chính là các trình duyệt Web. Mình đã quan sát rất nhiều người có thói quen mở nhiều Tab, mở nhiều phần mềm và cứ bỏ đấy (cũng chẳng biết) có sờ lại Tab đó không nữa. Nhưng mình thấy là khi họ tìm lại một Tab hoặc một chương trình nào đó đang mở rất là mất thời gian lọ mọ tìm kiếm. Hiệu suất đã giảm ngay vì thói quen sử dụng này rồi, và hậu quả của nó là khiến RAM đầy và dữ liệu lâu không dùng bị lưu vào Page file nên khi mở lại nó chậm và các bạn phàn nàn.
Đối với mình có một thói quen là "mọi thứ phải trong tầm mắt, giảm thiểu tối đa thao tác". Bởi vậy web thường chỉ mở 3-5 Tab, nhiều lắm cũng chỉ 7-8 Tab làm sao đảm bảo chữ tiêu đề vẫn đọc được. Chứ mở nhiều quá đặc biệt là dẫn tới trình duyệt tạo thành 1 thanh trỏ xuống nữa thì mất thêm thao tác. Thậm chí chữ nhỏ quá không biết Tab đó nói về nội dung gì thì cứ phải mở qua từng Tab để tìm Tab cần mở. Đối với cách mở phần mềm cũng vậy, làm cái gì mở cái đó, làm xong tắt. Một điều nữa liên quan đến thói quen này là cách đặt Icon phần mềm, mình đưa những thứ thường xuyên nhất xuống Taskbar, ít hơn vào Task Menu, gần như không để ở Desktop. Để ở Desktop cứ mỗi lần cần mở khi các cửa sổ khác đang mở cứ phải hạ hết nó xuống, ông nào biết thì còn nhấn Window + D, chứ ai không biết đúng là mua việc. Việc chuyển cửa sổ cũng dễ hơn (đặc biệt ở window 10 về sau), giả sử bạn mở rất nhiều cửa sổ với nhiều chương chình khác nhau thì thay vì Alt + Tab (không biết bao cái Tab) thì chỉ cần click xuống icon của nó ở Taskbar là xong. Desktop gần như là trống, phô diễn hết nét đẹp các ảnh nền.

AM-JKLWjzIso5MWxMmgVkJxRHBBnIKTKvlY_o-PXB6YxNncePhTSpAtuGztTenVnxVcZRjcuAC9nIENDQ1j7CHbYG5Ovy_fsAVPsyjDiSnpT7ZHIKNnoNWgnhyONBwWuwdQdDDXuWjRdAjaBQ_AmYni7MHr3=w1162-h653-no

Với thói quen như vậy nên khi hỗ trợ máy tính cho bạn bè mà nhìn nhiều người desktop là một rừng icon đến phát sợ.

Một chút chia sẻ như vậy để ai chưa biết lựa chọn RAM cho phù hợp, kẻo RAM thì to mà máy vẫn ì ạch. Đồng thời ai phạm phải các thói quen phung phí RAM như trên thì sửa đổi.
Còn ai biết rồi thì chia sẻ cùng mọi người sự "bóc lột" PC hay laptop của mình.






 
Bên trên