Từ trước tới nay chúng ta vẫn thưởng thức âm nhạc tại nhà bằng đĩa CD và nhiều người tin tưởng rằng chất lượng âm thanh của CD là cao nhất. Từ tiêu chuẩn cao nhất này, sinh ra nhu cầu: không có CD trong tay nhưng vẫn nghe được nhạc hay, thế là chuyện rip CD thành file trên máy tính và chia sẻ trên mạng chuẩn lossless ra đời,
nhiều định dạng file, không nén thì có iso, nrg, nén thì như Ape, Flac, wv... Ban đầu, nhạc lossless chỉ có cách nghe duy nhất là burn ra dĩa CD trắng, rồi sau đó có nhiều máy nghe nhạc hỗ trợ chuẩn Ape, Flac. Nhạc Lossless trở nên một cơn sốt trên tất cả các forum share nhạc. Tất cả đều rất hài lòng khi nghe nhạc Lossless được rip từ đĩa CD và tin rằng mình đang nghe nguồn âm thanh chất lượng cao nhất có thể được.
Nhưng bản thân Lossless chưa tạo nên điều mà ta gọi là high definition hay HD, vì dù bản rip có sao chép trung thành đến đâu, đó cũng chỉ là bản sao của CD theo chuẩn Red Book, trong đó dao đông âm thanh được bẻ vụn thành những ô vuông là byte. Những người chơi âm thanh có đòi hỏi cao hơn, họ không tin là CD hay hơn công nghệ analogue (băng từ và dĩa nhựa vinyl). CD chỉ có độ phân giải 16 bit, lây mẫu với tần số 44,1 KHz, trong khi đó đồ thị dao động âm thanh trên băng tape hay đĩa nhựa có độ phân giải cao hơn rất nhiều (192 Khz, 32 bit đối với vinyl). Những dĩa DVD audio, Bluray audio, SACD... có tiêu chuẩn lên tới 24 bit, 192 kHz.
Vì vậy khoảng 1 năm gần đây bắt đầu xuất hiện trào lưu chơi nhạc HD (HD thực sự), nhiều trang web và forum share nhạc đã xuất hiện những file Ape, Flac ở chuẩn 24 bit/196 Khz. Khác biệt đầu tiên là về kích thước, vì 1 CD thông thường rip ra file lossless cũng chỉ khoảng 300 Mb, còn ở đây kích thước 1 dĩa nhạc HD thường trên dưới 1GB.
Những tay chơi tạo ra nguồn âm thanh này có luật chơi riêng của họ, theo đó không chỉ phải tuân thủ con số 24 bit/192 Khz mà còn phải có yêu cầu cao về thiết bị và nguồn. Nguồn chủ yếu của loại nhạc HD này là từ dĩa Vinyl, hiếm hơn có DVD audio và hiếm hơn nữa là băng tape.
Trước hết, cái turntable phải rất xịn, ở đây tôi lấy ví dụ về bộ dàn của một tay rip vinyl chuyên nghiệp có nick là Rachmaninov: Anh ta sử dụng turntable Champion Level II. Tín hiệu âm thanh sau đó được cho qua préampli đèn Opera trước khi ghi vào máy tính. Sau khi rip xong, đồ thị âm thanh được lọc lại bằng phần mềm loại bỏ tạp âm và nhiễu. Sản phẩm cuối cùng khoảng 800 -900 Mb và để trên mạng, cho không biếu không toàn thế giới.
Mình đã bắt đầu nghe loại này vài tháng nay và kinh ngạc nhận ra rằng nó hay hơn những CD gốc mình có, bạn nào có cái máy Dune hay popcorn Hours C200 và 1 cái ampli xịn một chút thì nghe mấy file rip này rất là phê.