Ngày hôm nay quả là trọng đại, bởi lần đầu tiên mình đã dám chi ra... 1000 đồng để mua nhạc có bản quyền sau gần chục năm xài nhạc lậu. Có hai nguyên nhân chính đáng dẫn tới "cuộc cách mạng" nho nhỏ này: thứ nhất là mình thử cảm giác mua nhạc ở Việt Nam nó như thế nào, thứ hai là mình muốn xem chất lượng của các nhà cung cấp có đáp ứng được như mong đợi hay không? Theo thông tin mà mình nắm bắt được, có 5 nhà cung cấp đã bắt tay cùng Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) để triển khai dịch vụ bán nhạc có bản quyền trực tuyến. Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn sơ khai nên mình chỉ thử nghiệm ở 2 trang web chia sẻ nhạc phổ biến nhất Việt Nam hiện nay là Zing và Nhaccuatui. Đầu tiên là Nhaccuatui, khi vào trang chủ của website này, thì thông tin về 100 album có bản quyền đã đã đập ngay vào mắt. Kho 100 album cũng được thiết kế theo phong cách truyền thống của nhà cung cấp, tuy nhiên mình vẫn chưa thể mua được nhạc, click vào "Sao chép" thì nhận được thông báo là "Chức năng hiện tại đang bảo trì". Mặc dù vậy, mọi người vẫn có thể nghe free các playlist này như thường. Hy vọng chức năng mua nhạc có bản quyền sẽ được Nhaccuatui hoàn thiện sớm! Giao diện trang chủ trên Nhaccuatui với mục "100 Albums Thu Phí" nổi bật. Kho nhạc thu phí được thiết kế theo phong cách Nhaccuatui. Khi click vào playlist có thu phí, mình vẫn nghe được như thường. Chức năng "Sao Chép" vẫn chưa hoạt động. Ok, sau khi không mua nhạc được trên Nhaccuatui, mình nhảy qua Zing. Trang web mp3.zing.vn ngày hôm nay cũng đã xuất hiện thêm nút "Store" - tức là kho nhạc thu phí có bản quyền dành cho người nghe. Kho nhạc này trông khá trực quan và có vẻ hợp với văn hóa lướt web của người Việt chúng ta. Khác với Nhaccuatui, Zing đã bắt đầu cho phép người nghe mua nhạc bản quyền thông qua hệ thống thanh toán Zing Xu của họ. Cách nộp tiền và thanh toán không có gì khó khăn đối với hầu hết mọi người. Kho nhạc có bản quyền của mp3.zing.vn. Mình là người Nghệ An, yêu nước nồng nàn Chức năng thanh toán khá đơn giản. Thành công! Trong kho nhạc cá nhân đã xuất hiện bài hát, và mình có thể download bất cứ lúc nào. Đấy là mình chia sẻ trải nghiệm lần đầu tiên mua nhạc, còn bây giờ là vấn đề quan trọng hơn: chất lượng. Về âm thanh, với chuẩn lossy MP3 320 kbps thì chỉ phù hợp với việc nghe trên thiết bị di động hoặc các hệ thống loa bình thường. Âm thanh là không có gì phải phàn nàn nếu xét theo tiêu chí này, chất lượng hơn hẳn so với nhiều bản nhạc trôi nổi thường gặp khi nghe trực tuyến. Về thông tin bài hát, bài "Lời bác dặn trước lúc đi xa" đã được Zing cập nhật tương đối đầy đủ thông tin cho các tag trong metadata, đặc biệt là có cả cover (bìa đĩa) và lyrics (lời bài hát). Mình thử mở trên Foobar với loa vi tính và trên điện thoại với headphone thì nghe khá tốt. Thông tin về file nhạc. Thông tin bài hát. Mở bằng Foobar của bác tusontay. Bây giờ là về cảm nhận, nói chung với chuẩn lossy MP3 thì các album nhạc mà Zing và Nhaccuatui cung cấp không thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của hầu hết anh em HDvietnam. Tuy nhiên, với những người có nhu cầu ít hơn hoặc thường xuyên nghe trên các thiết bị di động thì đây cũng là một sự lựa chọn thực sự tốt! Lý do: Bạn sẽ tìm thấy "phảng phất" cảm giác an tâm và tự tin khi nghe các bài hát này. Bạn sẽ cảm thấy âm nhạc thực sự có giá trị hơn nhiều so với việc nghe miễn phí. Bạn sẽ có cảm giác chuyên nghiệp và văn minh hơn nhiều so với việc download. .... Kết luận: Xét cho một cách toàn diện, việc các nhà cung cấp kết hợp với Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho ra 100 album trong giai đoạn hiện nay gần như... không có ý nghĩa gì cả, hay đúng hơn - chỉ là muối bỏ biển. Thêm vào đó, những người nghe tiềm năng (tức là những người có nhiều khả năng sẽ mua nhạc) thì lại đòi hỏi chất lượng cao hơn so với những người bình thường. Đối với họ, các bản nhạc "lậu" có chất lượng cao trên các trang chia sẻ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Các chiến dịch nửa vời của các nhà quản lý và đòi hỏi của những người đang có nhu cầu mua nhạc là hai thứ có thể giết chết một nền âm nhạc "có bản quyền" ngay khi nó vừa mới bắt đầu xuất hiện. Và nếu như thế thì sinh viên nghèo vẫn vô tư nghe nhạc MP3 online, còn audiophile vẫn phải tìm kiếm các nguồn nhạc chất lượng cao từ các trang web chia sẻ. Tất cả đều miễn phí và quay lại trật tự chung của nó! Hy vọng RIAV cùng các đối tác sẽ chiến đấu quyết liệt hơn nữa, và hy vọng họ sẽ tìm được tiếng nói chung với những người nghe nhạc tiềm năng (tức là những người thực sự hiểu được giá trị của âm nhạc và sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mua nhạc - giống như đã từng mua các thiết bị âm thanh đắt tiền). |