Đây là một “chu trình đá nhân sinh nhanh” (rapid anthropoclastic rock cycle) - một hiện tượng địa chất mới, mô phỏng lại cơ chế tạo đá tự nhiên nhưng với nguyên liệu và tốc độ đến từ chính con người.
Suốt hàng triệu năm qua, chu trình hình thành đá vẫn luôn được xem là một phần của vận động tự nhiên chậm rãi, liên tục và không có sự can thiệp của con người. Nhưng một nghiên cứu mới tại Anh vừa hé lộ một điều trái ngược hoàn toàn: con người đang tạo ra đá… nhanh hơn bao giờ hết, chỉ từ rác thải và trong vòng chưa tới một đời người.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Glasgow (Anh) đã phát hiện một loại đá mới hình thành dọc bờ biển Derwent Howe, West Cumbria - khu vực từng là trung tâm luyện kim quan trọng vào thế kỷ 19 và 20. Tại đây, hơn 27 triệu mét khối xỉ thải từ ngành công nghiệp sắt thép đã tích tụ thành vách đá khổng lồ, tiếp xúc trực tiếp với nước biển và không khí suốt nhiều thập kỷ.

Phân tích mẫu đá từ 13 điểm dọc bờ biển, nhóm nghiên cứu phát hiện sự hiện diện của các khoáng chất như calcite, goethite và brucite, vốn là “chất keo” giúp các vật liệu kết dính để tạo thành đá trầm tích. Đáng chú ý, trong lớp vật liệu này còn có cả dấu tích nhân tạo: một đồng xu in hình vua George V (1934) và một vòng tab nhôm từ lon nước giải khát, loại thiết kế chỉ xuất hiện từ sau năm 1989.
“Điều này cho phép chúng tôi xác định thời gian hình thành đá chỉ trong khoảng 35 năm – hoàn toàn nằm trong vòng đời của một con người,” tiến sĩ John MacDonald, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. “Đây là bằng chứng sống động cho thấy mọi hoạt động của con người tại bề mặt Trái đất đều đang ghi dấu vào hồ sơ địa chất và với tốc độ chưa từng có.”
Nhóm nghiên cứu gọi đây là một “chu trình đá nhân sinh nhanh” (rapid anthropoclastic rock cycle) – một hiện tượng địa chất mới, mô phỏng lại cơ chế tạo đá tự nhiên nhưng với nguyên liệu và tốc độ đến từ chính con người. Theo tiến sĩ Amanda Owen, quá trình này không chỉ làm thay đổi định nghĩa về đá, mà còn gây ra tác động dài hạn đến hệ sinh thái và đường bờ biển.
“Vấn đề nằm ở chỗ: sự xuất hiện quá nhanh của loại đá này có thể làm thay đổi toàn bộ địa hình, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái ven biển và khả năng phản ứng của địa hình với nước biển dâng và biến đổi khí hậu,” Owen cảnh báo. “Hiện tại, các mô hình quản lý đất đai và xói mòn chưa hề tính đến điều này.”
Đáng lo hơn, vì xỉ luyện kim chứa sẵn các nguyên tố cần thiết để hóa đá khi tiếp xúc với môi trường, các nhà khoa học tin rằng hiện tượng tương tự có thể đang xảy ra ở nhiều bãi thải công nghiệp ven biển khác trên thế giới - âm thầm, nhưng đầy sức mạnh.