Dạo này poly xem phim nhiều, hay có mà dở cũng có nhưng lười review. Ngay cả cái ExP 2 quá hay hành động tưng bừng có cả Arnold cũng không review. Vì quá bận với lại cũng không thấy động lực để review, chụp ảnh ngắm gái quất gái cho sướng chứ review chỉ cho mệt người. Nhưng cái phim Lấy Chồng Người Ta này poly cảm thấy không review thì không được. Đơn giản vì nó là một phim Việt Nam hay nên phải review thôi.
Tuy nhiên poly cũng nói trước với các bạn là poly review với cái nhìn cá nhân của poly, ko đại diện bất cứ ai hay đám đông nào. Cái nhìn của poly có thể hợp gu người này nhưng không hợp gu người khác. Đó là chuyện bình thường. Vì thường khi review phim VN poly thường nhận được các phản hồi kiểu sao phim dở mà khen hay, sao phim VN dở hơn phim Mỹ, sao phim VN cứ làm thế này chứ ko làm thế khác. Poly ko bao giờ reply các ý kiến khác vì poly biết mỗi người suy nghĩ khác nhau, chẳng ai giống ai. Và poly hy vọng các bạn cũng hiểu được điều đó.
Lấy Chồng Người Ta là một bộ phim của đạo diễn Lưu Huỳnh. Poly lần đầu tiên biết đến tên vị đạo diễn này là qua bộ phim " Em và Micheal ". Poly nghĩ rằng cái phim này chắc các bạn trẻ ngày nay ít ai biết, vì bản thân poly ngày xưa may mắn được xem rạp 1 lần mà vẫn còn nhớ như in là xem ở rạp Thăng Long vào chiều thứ 5 khi trường LQD cho nghĩ. Cả rạp toàn áo trắng LQD cười như vỡ chợ la hét ỏm tỏi theo phim. Bây giờ poly muốn tìm lại DVD này mà hình như ko có phát hành. Ai biết ở đâu xin chỉ giùm poly cảm ơn nhiều. Hình như đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Lưu Huỳnh ở Việt Nam. Nhớ có nó mà mới có tên tuổi Trương Ngọc Ánh bây giờ. Lúc đó theo poly nhớ bộ phim này tạo nên cơn sốt rất lớn. Đơn giản vì nó là 1 bộ phim giải trí được làm theo công thức đúng kiểu Hollywood. Có tình cảm trai hot Huỳnh Anh Tuấn gái đẹp Trương Ngọc Ánh hài hước đầu đủ Hoàng Sơn Hữu Châu Mạnh Tràng..... Đặc biệt quay đẹp vô cùng với các kiểu quay độc đáo như gắn camera tầm thấp vào xe máy để quay cảnh rượt đuổi. Dùng boom quay trên cao cảnh cầu chà và, cảnh xe vespa.......Có thể bây giờ nó là tầm thường nhưng thời đó nó rất ghê gớm.
Tuy nhiên sau này phim của Lưu Huỳnh ko còn mang tính giải trí mà nặng tính đời sống tâm lý.....Ví dụ như Áo Lụa Hà Đông hay Huyền Thọai Bất Tử. Nên lấy Chồng Người Ta cũng không phải là một phim giải trí, nếu ai chuẩn bị đi xem nên chuẩn bị trước tâm lý. Nói vậy không có nghĩa là phim hoàn toàn nặng nề , vẫn có hài hước. Nhưng cái hài đó là cười đó rồi ngẫm nghĩ mà buồn đó. Và cũng nói luôn cho nhiều bạn cứ thắc mắc về những chuyện phim " làm gì có trong đời sống, đời ai làm vậy, cứ hư cấu ko có thật ". Nói thật các bạn chứ poly nghĩ rằng trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, ko có gì là không thể hết. Bạn chỉ biết cuộc sống của bạn chứ trên đời này VN dân số khoảng 80 triệu thì làm sao bạn biết hết được chuyện đời người khác.
Câu chuyện của Lấy Chồng Người Ta chỉ đơn giản là một đôi vợ chồng trẻ sống trên làng bè La Ngà. Nhưng anh chồng bị vô sinh khiến việc hai vợ chồng muốn có con nhiều lúc giống như chuyện hài khi cố gắng ân ái thoe nhiều kiểu để cho có con. Cuối cùng người vợ quyết định lén chồng ngủ với cha Thần Tài bán vé số. Vấn đề nảy sinh khi đứa bé sinh ra thì cha Thần Tài muốn giành nuôi con. Mà thằng Thần Tài này không tầm thường, nó là thần thiệt nên chuyện gì nó cũng dám làm......
Nói về câu chuyện của phim, poly cũng xin lỗi trước nếu những review đánh giá của poly có lỡ chạm đến nỗi đau của ai thì bỏ qua dùm . Nói như vậy để cho rõ, vì poly biết xung quanh mình của nhiều người có những cuộc sống âm thầm chịu đựng nỗi đau con cái. Đến một tuổi nào đó hoặc đời vô tình gặp phải những chuyện không ai muốn. Có những nỗi đau không thể kể hay nỗi khát khao không thể thỏa mãn. Ai không vấp phải thì không biết, chứ vướng vào thì đau khổ và dai dẳng day dứt triền miền lắm. Nhưng nỗi đau không nói thành tên. Và poly nghĩ rằng những ai hiểu chuyện, biết chuyện, hiểu đời sẽ thấy rằng Lấy Chồng Người Ta đã diễn đạt được điều này. Giống như một câu nói đùa nhẹ nhàng của cả 2 vợ chồng đổi kiểu cho có con. Nghe thì phì cười nhưng nếu có ai từng là người trong cuộc sẽ hiểu. Lúc đó ham muốn tình dục chỉ là thứ yếu mà thôi. Hay như giữa đêm nghe câu đùa " hết thằng cha đến thằng con" của gái bán sữa. Nghe thì cả rạp ai cũng cười đó. Nhưng liệu nghĩ về chuyện cũ đến chuyện nay. Có khi mím chặt môi đến chảy máu chứ chả chơi.
Điểm khen đầu tiên của bộ theo poly chính là phim này nó chân thật. Poly xem thấy cái gì cũng chân thật chứ ko có cảm giác là phim. Đầu tiên là diễn viên, poly ko còn nhớ họ ngoài đời mà thấy rằng họ đều sống y như nhân vật. Và bối cảnh sông nước quần áo đạo cụ cuộc sống thường ngày 100% đều rất thật. Chi tiết đơn giản nhất có lẽ chính là việc ai cũng có thể chèo xuồng bằng 2 chân thoải mái và nhanh nhẹn gọn gàng. Dĩ nhiên quay toàn nhiều và dài để đủ thấy là chỉ 1 mình diễn viền trên xuống và ko cần người lặn đẩy xuồng. Nói thêm là không biết có chủ ý hay không. Nhưng với kiểu quay như vậy poly thấy nhân vật chơi vơi và lạc lõng, dù chỉ là khúc sông nhưng dường như họ chỉ có họ và làng bè chứ ko còn ai khác. " Ko còn ai khác " để nhờ giúp đỡ can thiệp ?
( gợi nhớ Áo Lụa Hà Đông, chơi vơi 1 mình giữa dong đời khốn nạn )
Tiếp theo, chính là phim này có phần quay phim và ánh sáng quá xuất sắc. Poly đã đi theo đoàn Nàng Men CHàng Bóng nên biết rằng quay phim trên nhà bè vùng sông nước cực kỳ khó khăn. Bạn cứ tưởng tượng cái nàh bè bé tý khỏang chục mét vuông thì đặt máy vào đâu, vừa tránh được cả chục người vừa được góc máy đẹp. Mà phim này có những khung hình và cú máy poly phải dùng từ là ngoạn mục so với 1 phim VN ( phim VN nhé các bác thích chém ). Cú long take cuối là 1 ví dụ ( dù hơi bị out focus ) nhưng poly thấy nó vô cùng khó và giá trị. Máy chạy trên sông còn nhận vật chạy dọc ven bờ, lâu lâu ống kính quay ngang thấy chiếc bè đang chạy rồi ống kính quay lên thấy cây cầu và trở lại nhân vật đang đuổi theo trên bờ. Rõ ràng cú máy đó đã gom được cả 3 đối tượng và báo hiệu cuộc chạm trán nảy lửa sắp xảy ra. Nó làm poly hồi hộp, mong chờ và thực sự là vô cùng gay cấn. Và đoạn chạm trán này, chỉ trong bối cảnh nhỏ hẹp của chiếc bè đang trôi, trong ánh sáng đèn đêm. Nhưng quay phim handheld vô cùng xuất sắc khi chạy giữa 2 nhân vật liên tục góc này rồi góc khác. Nhưng không cắt, không dính sáng dính bóng, khiến cảnh này trở nên gay cấn vô cùng. Các bạn phải xem chứ poly ko thể dùng lời để tả hết được.
Về Thái Hòa, có lẽ đây sẽ là một dấu ấn nữa của anh khi khẳng định rằng mình không chỉ giỏi lấy tiếng cười của khán giả trong những vai hài, vai Hội. Thần Tài của Thái Hòa khiến poly bần thần sợ hãi khi thấy một con thú hoang trong lốt một con người. Một con người nếu ko có gì để mất sẽ trở thành 1 con thú. Điều này vô cùng đơn giản và hiện hữu ở khắp mọi nơi, không chỉ trong phim ảnh mà ngay cả ở ngoài đời. Đó chính là sự tưởng phải khác nhau giữa nhân vật Linh đối với Khánh và Lụa.
Khánh và Lụa có nhau, có mái ấm có con. Họ có nhiều thứ để mất, bởi vậy họ có nhiều thứ để sợ mất. Giống như ở đời thường, người ta sợ bị cai quản, quản lý, khống chế....nếu người ta có gia đình, có con cái. Và trong phim cũng như ngoài đời, người thân và cuộc sống sung túc luôn là cái thường bị đem ra đẹ dọa, cân đo đong đếm. Còn Linh, hắn ko có gì để mất, những kẻ như thế là những kẻ đáng sợ. Bởi vậy ngoài đời, những kẻ muốn nổi loạn, những kẻ muốn làm cách mạng....và thành công. Thì thường những kẻ đó phải dấu biệt tông tích, hoặc không còn gia đình. Nếu không thì phiá bên kia nó bắt mẹ hết đe doạ rồi đầu hàng rồi còn đâu nữa
Tuy nhiên theo poly chính điểm sáng nhất phim cũng chính là điểm yếu của phim. Giống như phim Để Mai Tính, nhận vật Hội của Thái Hòa quá tỏa sáng át cả Dustin Nguyễn lẫn Kathy Uyên. Đến mức sẽ có phần là Để Hội Tính. Thần Tài Linh của Thái Hòa quá chói sáng khiến nhận vật chồng của Huy Khánh bị lu mờ. Chuyện này cũng xảy ra với nhận vật truyền trưởng Jach trong Cướp Biển Caribe.
Poly không biết kịch bản quay ra sao, về dựng có cắt bớt không. Nhưng nhân vật của Khánh không đủ độ nặng để là đối trọng của Linh. Khánh không có nhiều trường đoạn giằng co giằng xé đủ cho thấy anh rất đau khổ những phải chấp nhận thật. Và cũng vì vậy mà poly thấy rằng anh yêu con chưa đủ bằng Linh.
Chính vì poly không cảm được động lực của nhân vật chính. Nên đoạn kết, trận đấu tuy dữ dội dã man tàn bạo, nhưng poly vẫn nhận thấy bị đuối về mặt cảm xúc. Có lẽ nhận ra điều này nên dựng phim đã dụng nhạc rất mạnh để gây hiệu ứng cho khán giả đồng nhịp với sự kiện trong phim. Poly cũng sử dụng từ có lẽ trong câu trước, vì đó chỉ là cảm nhận của poly chứ không phải mang tính thông tin chính xác.
Đây là những cảm nhận của poly, dù ai có khen hay chê thì cảm xúc của poly vẫn như thế. Và đối với poly, đây là một bộ phim phải xem của điện ảnh Việt Nam