'Khu vườn đóng' của Apple ngày càng rộng cửa

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Với Apple hiện tại, mở rộng hợp tác mới là ưu tiên, chứ không phải là đóng cửa hệ sinh thái của mình.

Từng có thời hệ sinh thái của Apple được gọi là một "khu vườn đóng". Thiết bị, kho ứng dụng và dịch vụ của Apple đều chỉ phục vụ riêng cho những khách hàng của hãng. Đó là điểm thu hút của hệ sinh thái Apple, nhưng cũng là rào cản khi những người dùng đã quen với Android hay Windows muốn sử dụng thêm các thiết bị, dịch vụ của Táo khuyết.

Có lẽ CEO Tim Cook cũng nhận thấy rào cản đó. Trong 2 năm qua, Apple đã liên tục mở rộng cánh cửa vào "khu vườn" của mình, để giúp những thiết bị của nhà sản xuất khác cũng có những đặc quyền với thiết bị của Apple.

Cánh cửa đang mở rộng
Trước thềm CES 2020, Dell đã công bố thêm nhiều tính năng mới trong ứng dụng Mobile Connect của mình. Theo đó, những máy tính của Dell sử dụng ứng dụng này sẽ có thể truy cập và tương tác với các ứng dụng iOS trên máy tính, hay gửi ảnh, video không dây tới thiết bị.

Dell_1.jpg

Với bản cập nhật Mobile Connect, người dùng máy tính Dell có thể truy cập, điều khiển ứng dụng iOS ngay trên PC. Ảnh: Dell.

Theo The Verge, hai tính năng này trước đây chỉ tương thích với smartphone Android, nhưng giờ đã được mở rộng ra iOS. Tính năng này hoạt động rất tốt với máy Android, nên có lẽ cũng không có vấn đề gì khi sử dụng với iOS.

Tính năng truyền file tuy chỉ hỗ trợ ảnh và video vẫn là sự bổ sung đáng giá. Trước đó, Mobile Connect trên iOS chỉ cho phép người dùng nhận thông báo, cuộc gọi trên máy tính Dell.

Nếu như trước đây một trong những lý do người dùng chọn máy Mac là vì sự tương thích tốt với iPhone, thì các tính năng mới giúp cho một chiếc PC Dell hiện tại không còn khoảng cách quá xa.

dell_2.jpeg

Đầu năm 2019, Apple cũng mở rộng tính năng AirPlay lên những TV của Samsung, LG hay Sony. Ảnh: Samsung.

Đây cũng không phải lần đầu Apple mở các tính năng tương thích cho thiết bị của hãng khác. Tại CES 2019, họ đưa iTunes và AirPlay lên TV của hàng loạt nhà sản xuất, trong đó có những đối thủ trong lĩnh vực phần cứng như Samsung, LG, Sony.

Cụ thể hơn, TV của LG, Sony và Vizio sẽ có khả năng tương thích với AirPlay và HomeKit. TV Samsung còn được ưu ái hơn khi có sự xuất hiện của iTunes.

Trước đó nữa, Apple Music hỗ trợ Android chỉ 5 tháng sau khi ra mắt, và gần đây cũng xuất hiện trên loa thông minh Amazon Echo. AirPlay được tích hợp vào một loạt thiết bị âm thanh từ những nhà sản xuất nổi tiếng như Bose, Denon…

Hợp tác là tất yếu
Với sự hợp tác cùng các hãng sản xuất, có thể thấy rõ Apple đang hướng tới một đối tượng khách hàng mới: những người không dùng phần cứng của Apple. Không cần sở hữu một sản phẩm của Apple, bạn vẫn có thể nghe nhạc, xem phim trên dịch vụ do “Quả táo” cung cấp.

Thực ra đây không phải bước đi mới của hãng. 16 năm trước, họ từng đưa phần mềm iTunes lên máy tính Windows để đẩy mạnh mảng âm nhạc số. Lần này, hợp tác cũng là một bước đi hoàn toàn hợp lý cho một ngành dịch vụ hoàn toàn mới mà Apple ra mắt năm 2019: phim ảnh và truyền hình.

Tim_Cook_3.jpg

Khác với thái độ thù địch một thời của Steve Jobs, Tim Cook ngày càng mở rộng các nền tảng và dịch vụ của Apple tới những công ty khác. Ảnh: Bloomberg.

Để thành công, dịch vụ cần phải xuất hiện ở càng nhiều thiết bị càng tốt. Amazon Fire TV là thiết bị xem phim bán chạy nhất cũng chỉ bán được khoảng 5 triệu chiếc trong một quý, trong khi Apple TV còn chẳng lọt danh sách 3 thiết bị bán tốt nhất, theo IDC.

Trong khi đó, theo số liệu do IHS công bố vào tháng 7/2018, lượng TV bán ra trên toàn cầu năm 2018 ước tính 223 triệu chiếc, trong đó khoảng 70% tương đương 156 triệu chiếc sẽ là TV thông minh. Chỉ cần những dịch vụ của Apple xuất hiện trên TV của vài cái tên đứng đầu như Samsung, LG, Apple đã có thêm rất nhiều khách hàng.

Quý gần nhất, doanh thu iPhone tiếp tục giảm, nhưng Apple vẫn có quý IV thành công nhất. Kết quả đó đến từ doanh thu dịch vụ cũng như các thiết bị mới như Apple Watch và AirPods. Hợp tác và mở rộng ra các nền tảng chỉ có thể giúp cho xu hướng này tiếp tục.

Những sản phẩm làm nên nền tảng "nghìn tỷ" của Apple đều có sự đóng góp của CEO quá cố Steve Jobs. Đến nay Jobs đã qua đời 9 năm, còn Apple cũng đã trải qua một thập kỷ thành công dưới sự lãnh đạo của Tim Cook dù không có một sản phẩm "cách mạng" nào mới.

Nhiệm vụ của Tim Cook giờ đây là tối đa lợi nhuận từ những sản phẩm đang có, và tiếp tục tìm kiếm những miền đất lợi nhuận mới cho Apple. Họ chỉ có thể làm được điều này khi mở rộng cánh cổng từng đóng chặt của mình.

Theo Zing​
 
Bên trên