Hôm qua, chuyên trang công nghệ The Verge cho biết tập đoàn sản xuất thiết bị máy tính và các giải pháp công nghệ IBM (International Business Machines Corp) đã chấp thuận cho phép các quan chức của chính phủ Trung Quốc duyệt xem mã nguồn của một số sản phẩm của tập đoàn này. Công tác duyệt xem mã nguồn của IBM do các quan chức thuộc Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc đảm trách.
Đối với IBM, hành động ấy được xem là một phần thỏa thuận để họ có bước xâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, nhằm cho thấy các sản phẩm của IBM là an toàn ngõ hầu từ đó sẽ có được những hợp đồng trị giá cao. Được biết trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh tăng cường yêu sách được duyệt xem mã nguồn sản phẩm từ các tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài một khi muốn kinh doanh ở Trung Quốc mà bất chấp sự phản đối từ các công ty bị lọt vào tầm ngắm. Với thỏa thuận nói trên, IBM đã trở thành công ty đầu tiên chịu hạ mình trước yêu sách của chính phủ Trung Quốc.
Mã nguồn từ lâu vốn là vướng mắc mấu chốt đối với các công ty và tập đoàn phần mềm muốn mở rộng thị trường vào Trung Quốc. Chính phủ nước này có mối lo ngại sâu sắc rằng các phần mềm sẽ được mở cửa hậu để tạo điều kiện cho các cơ quan tình báo Mỹ thâm nhập lấy thông tin, thành ra họ xem việc duyệt xét mã nguồn là một hình thức kiểm tra bảo đảm một phần mềm nào đó sẽ chỉ hoạt động đúng với chức năng đã đăng ký mà thôi. Một điều buồn cười là bản thân các sản phẩm của các công ty Huawei, Lenovo của Trung Quốc lại liên tục bị người dùng toàn cầu điểm mặt chỉ tên vì hành vi mở cửa hậu trái phép và qua mặt người dùng để tự tải và truyền dữ liệu về máy chủ ở Trung Quốc. Đó là chưa kể đến việc các công ty Trung Quốc có bề dày lịch sử về hành vi đánh cắp bí mật công nghệ và thông tin thương mại của các công ty khác trên toàn thế giới, đặc biệt hơn khi hành động sai trái này lại được sự ủng hộ ngầm từ chính phủ nước này. Hồi đầu tháng, tờ New York Times đã có bài viết về vụ việc tấn công đánh cắp công nghệ thanh toán di động Samsung Pay có liên quan đến một nhóm hacker tội phạm Trung Quốc.
Đứng trước chính sách tráo trở hai mặt của chính phủ Trung Quốc, các công ty Mỹ đã đề ra giải pháp là làm riêng một sản phẩm cho thị trường nước này. Lấy ví dụ như Skype đã làm hẳn một phiên bản phần mềm riêng cho thị trường đông dân nhất thế giới với tên gọi Tom Skype; và có lẽ vì chính sách hà khắc từ chính phủ Trung Quốc nên Skype đành phải để phần mềm phiên bản riêng cho người dùng Trung Quốc đồng thời "không được kín đáo lắm". Đứng trước sự chỉ trích của người dùng Trung Quốc về tính thiếu an toàn thì cuối cùng Skype đã đóng cửa luôn chương trình của họ vào tháng 11 năm 2013.
Quay lại với trường hợp cố đấm ăn xôi của IBM, thì được biết quá trình duyệt xem mã nguồn đã diễn ra trong một căn phòng được giám sát cẩn mật để bảo đảm rằng các mã nguồn ấy chỉ được phân tích nhưng không thể sao chép lại bởi... chính những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm kiểm tra. Tuy rằng IBM đã có công tác phòng ngừa cẩn thận như vậy song giới chuyên môn vẫn không khỏi lo ngại rằng những kiến thức thu thập được từ việc duyệt xem mã nguồn dù ít cũng sẽ phần nào tạo tiền đề cho việc đánh cắp bí mật công nghệ trong tương lai, bởi đơn giản là người Trung Quốc vốn nổi tiếng cũng như chính họ rất tự hào về cái gọi là nghệ thuật sao chép...
Nguồn The Verge