
Zeiss Cinemizer.
Head-mounted display hay Helmet mounted display (gọi tắt là HMD nhé!) là một giải pháp hiển thị xuất hiện cách đây khá lâu. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn xa vời với ngành công nghiệp giải trí tại gia bởi các nhà sản xuất chưa thể phổ biến rộng rãi. Có nhiều nguyên nhân để giải thích, nhưng theo mình thì giới hạn về công nghệ là rào cản khó vượt qua nhất.
Hôm qua là một ngày khá may mắn, cùng với các anh em trong nhóm tin thì mình đã có dịp thưởng thức phim 3D trên mẫu HMD HMZ-T1 của Sony. Cảm giác rất tuyệt vời, và đối với mình HMD có thể trở thành giải pháp tái tạo hiệu ứng 3D tốt nhất cho tương lai - khi mà công nghệ 3D không kính và có kính vẫn chưa thể vượt qua được những giới hạn của chúng.
Đầu tiên, chúng ta sẽ nói một chút về HMD:
Thành phần cơ bản nhất để tạo ra một HMD đúng nghĩa chính là 2 màn hình nhỏ (gọi là eye-glasses hay data glasses) có vai trò như 2 mắt kính để mắt chúng ta nhìn qua và thu nhận hình ảnh. Thông thường, màn hình của HMD được làm bằng công nghệ LCD, LCOS hoặc OLED. Hồi xưa các nhà nghiên cứu còn ứng dụng cả công nghệ CRT nữa, tuy nhiên do màn hình HMD không có kích thước lớn (chỉ độ vài inch) nên hầu hết các thiết bị hiện này đều sử dụng OLED - vừa nhẹ, vừa mang đến hình ảnh chất lượng rất cao.
Có 2 loại HMD mà chúng ta thường gặp đó là MHD dùng để hiển thị đơn thuần và MHD dùng cho công nghệ augmented reality (tăng cường thực tại). HMZ-T1 của Sony là một bộ MHD dùng để giải trí, còn Google Glass chính là bộ HMD augmented reality chính cống.
MHD chỉ tạo ra một màn hình ảo để trình diễn tín hiệu hình ảnh nhận được từ PC hay HDP. Trong khi đó, MHD augmented reality lại sử dụng một hình ảnh do máy tính tạo ra để chồng lên hình ảnh thực tế do camera tích hợp ghi lại.

Hai màn hình nhỏ của HMZ-T1. (Ảnh: Engadget)
Trở lại với buổi chiều tuyệt vời ngày hôm qua, hiệu ứng 3D trên chiếc HMZ-T1 của Sony là rất tuyệt vời. Tại sao vậy?
Thông thường khi xem phim 3D trên HDTV hay trên máy chiếu thì hình ảnh cho mắt trái và mắt phải sẽ hiển thị trên cùng một màn hình. Để tách biệt 2 hình, chúng ta phải sử dụng kính 3D. Tuy nhiên quá trình tách hình ảnh bằng kính 3D thường gây ra hiện tượng nháy hình và chắc chắn sẽ bị giảm độ sáng.
Trong khi đó, khi xem phim 3D trên MHD thì 2 mắt chúng ta sẽ nhìn vào 2 màn hình riêng biệt. Tín hiệu hình ảnh trên 2 màn hình này hoàn toàn tách rời nhau, điều này có nghĩa là bạn sẽ nhận được hiệu ứng 3D hoàn hảo, đúng độ phân giải, đúng tốc độ khung hình, không bị nháy hình và độ sáng giữ nguyên.
Lợi thế về màn hình kép đã được thể hiện rất rõ khi mình thử xem phim Avatar 3D trên kính HMZ-T1. Hiệu ứng 3D rất hợp lý và sâu đến đáng ngạc nhiên, màu đen tái tạo cũng không thể chê vào đâu được. Do thiết bị này sử dụng màn hình OLED nên chất lượng hình ảnh tạm chấp nhận được. Ở đây mình nói tạm chấp nhận được là do HMZ-T1 tạo ra một màn hình ảo 150 inch với khoảng cách xem là 3,6 mét. Với tỉ lệ này thì chúng ta cần độ phân giải bèo nhất là full HD, tuy nhiên HMZ-T1 lại chỉ hiển thị được HD 720p mà thôi.
Một điểm trừ cho HMZ-T1.
Dù sao đi nữa, xét về cơ chế hiển thị thì MHD vẫn là giải pháp tái tạo lại hiệu ứng 3D tốt nhất hiện nay. Đặc biệt trong tương lai gần, khi mà công nghệ hiển thị bắt đầu hoàn thiện thì việc thưởng thức phim 3D một màn hình cực lớn (lên tới hàng trăm inck), có độ phân giải cực cao và chi phí hợp lý là điều không quá khó.
Một số điểm đáng chú ý trên MHD
Trọng lượng: lúc đầu, khi chưa tiếp xúc với MHD thì mình có đôi chút lo lắng về trọng lượng. Tuy nhiên, khi trải nghiệm HMZ-T1, trọng lượng không là vấn đề lớn nếu chúng ta sử dụng đúng cách. Hơn nữa, trong tương lai, công nghệ vật liệu phát triển thì chắc chắn chúng ta sẽ có được những chiếc MHD siêu nhẹ để trải nghiệm.

Khi xem phim trên HMZ-T1 thì chúng ta nên nằm thoải mái. Còn tư thế này sẽ rất nhanh mỏi cổ.
Âm thanh: hầu hết hiệu ứng âm thanh vòm 5.1 hay 7.1 trên những chiếc tai nghe đều là giả lập - và điều này làm giảm phần nào chất lượng của âm thanh mà chúng ta nhận được. HZM-T1 cũng vậy. Một số chiếc tai nghe hiện nay đã sử dụng rất nhiều củ loa với các vị trí khác nhau để tạo ra hiệu ứng âm thanh 5.1. Tuy nhiên, nếu sử dụng một hệ thống củ loa như vậy sẽ làm cho MHD trở nên cồng kềnh và nặng nề hơn. Do đó, mình tự hỏi tại sao chúng ta lại không tháo cái headphone ở trên MHD và nghe âm thanh trực tiếp từ dàn HD nhỉ? Chắc chắn chất lượng âm thanh sẽ vượt trội và cái đầu của người xem sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều.
Trường nhìn: về cơ bản, trường nhìn (field of view) chính là khoảng không gian phía trước mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy (trường nhìn của con người xấp xỉ 180 độ). Trong thực tế, việc trang bị một hệ thống màn hình để tạo trường nhìn bằng với trường nhìn người xem ngay tại phòng khách là vô cung tốn kém, một số giải pháp như màn hình cong đã được đưa ra nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
Trong khi đó, để tạo ra một trường nhìn 180 độ, các nhà sản xuất MHD chỉ cần uốn cong và kéo dài màn hình trên thiết bị của họ ra thêm vài inch. Chi phí để thực hiện là không quá lớn, nhưng những gì mà người xem nhận được sẽ rất tuyệt vời. Ngoài ra, việc tạo ra 1 màn hình ảo trong không gian ảo sẽ giúp cho MHD kiểm soát ánh sáng rất tốt, người xem dường như chỉ nhìn thấy được một màn hình cực lớn trong một không gian tối như mực.
Chỉnh sửa lần cuối: