Sự thật về tần số quét của TV Ultra HD
Trong thời buổi 4K xuất hiện với mật độ quảng cáo dày đặc, chúng ta chắc đã quen dần với các từ như Clear Motion của LG, Motion Refresh Rate của Samsung hay Motion Flow của Sony. Tất cả những mĩ từ này đều được các nhà sản xuất chỉ ra cho người dùng nhằm mục đích nói rằng chất lượng hình ảnh trên TV của họ rất ổn định và rõ nét. Nhưng liệu đây có phải là sự thật?
JS8500, một mẫu high-end TV của Samsung sở hữu tần số quét thực 120 Hz
Tìm hiểu sơ bộ về tần số quét ( Refresh rate )
Tần số quét được hiểu đơn giản là số khung hình trên giây mà TV có thể thực hiện được. Đơn vị của nó là Hertz ( Hz ), còn có thể tính là fps. Ví dụ như TV bạn có tần số quét là 60 Hz, có nghĩa là 1 giây nó có thể hiển thị được 60 khung hình. Nếu refresh rate quá thấp, hình ảnh có thể bị nhoè hay bị giật khung hình. Lỗi này nhiều khả năng do tín hiệu và khả năng hiển thị của bạn không ăn khớp với nhau là chính.
Tần số quét càng cao chứng tỏ rằng hình ảnh được làm mới nhiều hơn, trung thực hơn với những chuyển động trên hình ảnh trông được tự nhiên hơn – nhất là với các cảnh chuyển động với tốc độ cao như đua xe. Vào cuối những năm của thế kỉ trước, con số 24 Hz được thiết lập cho chuẩn của những máy chiếu phim ở rạp chiếu bóng và chuẩn 60 Hz được thiết đặt cho TV thông dụng ngày nay ( một số nước khác còn có chuẩn 50 Hz ).
Khi nào thì tần số quét hoạt động hiệu quả
Mờ hoạt ảnh do tần số quét thấp
Tất cả các màn hình LED và OLED hiện tại đều chịu chung tình trạng mờ hoạt ảnh: các vật thể đang chuyển động trên màn hình đều có dấu hiệu mờ và mất nét so với chúng ở trạng thái không chuyển động – giống như hiện tượng chụp ảnh bị out nét vậy. Tuy nhiên, điều này thực tế được tạo thành do não của bạn. Thông thường, bộ não sẽ dự đoán trước hình ảnh sắp xuất hiện trên màn chiếu ở những giây tiếp theo. Vấn đề ở đây là LCD và OLED TV sẽ giữ nguyên hình ảnh với trạng thái chạy 60 khung hình một giây, trong khi não bạn tiên đoán nhanh hơn và nghĩ rằng đây chỉ là một chuỗi hình ảnh đang chạy mà thôi. Mặc dù điều đó thường xuyên xảy ra nhưng bạn cũng không cần lưu tâm nhiều lắm. Lỗi này cũng chỉ có một số người mới chú ý được điều này mà thôi, bởi trên màn ảnh có rất nhiều sự kiện để quan sát và người ta thường rất ít tập trung vào một chủ thể nhất định trên đó. Một lưu ý thêm là điều nãy sẽ không xảy ra với CRT với tần số quét bình thường ở mức 75 Hz mà người viết sẽ đề cập trong một bài viết khác.
Mờ hoạt ảnh và hướng xử lý
Xử lý theo hướng chèn chèn khung đen
Tần số quét cũng là một cách để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn giản là tăng gấp đôi số lượng lên là xong mà còn cần thêm một số kĩ thuật nữa.
Có 2 cách mà nhà sản xuất đưa ra. Thứ nhất là thêm khung tiên đoán. Bộ xử lý của TV sẽ xử lý rất nhanh để tự tạo ra một khung hình ảnh mới với kết quả là sự hoà hợp giữa 2 khung trước và sau khung đó. Điều này có thể đánh lừa bộ não rằng trong giây khoảnh khắc này không hề có hiện tượng nhoè mờ xảy ra. Một số nội dung về thể thao áp dụng công nghệ này có thể có chất lượng tốt hơn. Nhưng trong khi xem phim thì nhiều người lại tỏ ra khó chịu về chất lượng hình ảnh.
Phương pháp còn lại là thêm khung đen. Toàn bộ đèn nền hay một phần đèn nền trên TV sẽ giảm sáng hoặc tắt hẳn. Hiệu ứng này sẽ xảy ra liên tục và bộ não của bạn sẽ không thể nhận ra rằng hình ảnh đang bị nhoè do hình ảnh chuyển động liên tục. Tuy nhiên, cách này có thể không hiệu quả bởi nhiều người nhận ra hình ảnh đang bị giật khựng. Độ sáng của TV lúc đó cũng sẽ bị hạ xuống, ảnh hưởng đến chất lượng xem phim của người dùng.
Tại sao lại cần đến 240 Hz
Một số trường hợp cần tần số quét cao
Để áp dụng được 2 cách là thêm khung tiên đoán và khung đen thì bạn cần một yêu cầu tối thiểu là tần số quét phải đạt 120 Hz. Một số nhà sản xuất đã thử với tần số 60 Hz với rất nhiều nội dung và họ nhận ra rằng TV hiển thị thiếu rất nhiều thông tin. Người dùng cũng sẽ nhận ra đèn nền chuyển sáng liên tục.
Ở tần số 240 Hz thì chất lượng sẽ tốt hơn một chút: đèn nền sẽ nhấp nháy nhanh hơn ( vì vậy mà ít người dùng nhận ra hơn ) và do đó mà có nhiều khung hình được tạo ra hơn. Ví dụ như bạn cần gộp 3 khung hình ở tần số quét 120 Hz thì khung tiên đoán sẽ làm 1 khung, khung đen sẽ làm một khung, nhờ vậy mà xử lý nhanh hơn.
Có lẽ vì vậy mà để khắc phục tình trạng nhoè mờ, bạn sẽ cần TV ở chuẩn 120 Hz và chuẩn TV ngày nay cũng chỉ ở mức đó mà thôi – cho dù là TV 4K đi chăng nữa. Điều này có thể làm cho bạn hoài nghi về bài viết vì bạn có thể đọc thông số ở trên mạng rồi, nhưng đó chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất mà thôi.
Đúng mà lại không đúng ?
120 Hz thực và ảo
Gây hiểu lầm và đưa thông tin chung chung có lẽ là đã quá đỗi quen thuộc không những với nhà sản xuất ngày nay mà còn do người dùng không tìm hiểu rõ thông tin. Nếu như có một công ty nào đó nói rằng TV này có khả năng phát với tần số 120 hz thì chí ít người dùng cũng mong muốn là sẽ có 120 khung hình khác nhau trong một giây. Tuy nhiên, nhiều mẫu TV không thực sự đạt chuẩn 120 Hz thực thụ mà chỉ là TV với thông số 120 Hz mà thôi. Tại sao lại nói như vậy? Nhà sản xuất vẫn có thể đánh lừa người dùng bằng cách sản xuất TV với tần số thực là 60 Hz kèm theo công nghệ điền khung đen để bù thêm 60 khung hình còn lại. Kết quả là họ vẫn có một chiếc TV 120 Hz đấy chứ?
Một số cách nhận ra rằng chiếc TV của bạn có tần số thấp hơn là nhà sản xuất sẽ thêm tên của công nghệ vào trước tần số ( ví dụ như TruMotion 240Hz ) hoặc họ sẽ không cung cấp tần số quét thực của màn hình. Tuy nhiên vẫn có một số công ty vẫn sẽ cung cấp tần số quét và công nghệ họ áp dụng trên website của họ để người dùng tham khảo.
Điểm tên một vài công nghệ của các hãng TV hiện nay
LG – TruMotion
LG dùng TruMotion 240 Hz để nói về tần số quét của mình với khả năng tăng cường độ nét, chi tiết cũng như tính năng quét đèn nền thông minh hơn ( “TruMotion reflects the benefits of our detailed backlight scanning and enhanced frame rates to reduce blur and yields (sic) crisper details." ) Tuy nhiên, con số thực tế sẽ là 120 Hz với các mẫu như UF7700, UF8500, Ù9500, còn mẫu UF7600 chỉ là 60 Hz mà thôi
Panasonic - Image Motion or Backlight Scanning
Hãng này cũng dùng tính năng chèn khung đen như LG. Tuy nhiên một điểm khác ở đây là TV top của hãng này sử dụng 240 Hz thực thụ. Ngoài ra, các mẫu như CX650, CX800, CX850 cũng đạt được chỉ số là 120 Hz.
Sharp – AquoMotion
Lại một “motion” nữa đến từ nhà sản xuất Sharp. TV loại 4k của hãng hầu hết sử dụng chủ yếu tần số quét 120 Hz thực, các mẫu độ phân giải thấp hơn thì chỉ đạt 60 Hz.
Samsung: Motion Rate
Clear Motion Rate là một chuẩn mới của Samsung Televisions nhằm thay thế cho khái niệm refresh rate quen thuộc. Họ giải thích rằng việc dùng bộ xử lý hình ảnh kết hợp với đèn nền sẽ giúp cho hình ảnh chi tiết và sống động hơn. Công nghệ Motion Rate 240 được tích hợp hầu hết trên các TV 4K hiện tại của Samsung và nó đã thể hiện rất tốt công việc của mình.
Sony – Motionflow
Sony cũng là một trong những người tham gia vào cuộc chiến này. Tất cả các TV 4K của họ đều sử dụng chuẩn 120 Hz. Trong các tài liệu đính kèm sản phẩm, Sony thường đưa con số này cao hơn kèm theo “MotionFlow XR” để cạnh tranh với các hãng trên thị trường. Mong rằng Kazuo Hirai sẽ làm cho những sản phẩm của mình thêm hấp dẫn hơn và cạnh tranh hơn trên thị trường để vực dậy bộ phận TV đang khá ảm đạm của mình.
Vizio - Clear Action và Effective Refresh Rate
Vizio đưa ra từ “effective” nhằm nhấn mạnh rằng đây không phải tần số quét thực. Đây có lẽ là một trong những hãng khá thành thực với người dùng. Họ cũng cung cấp thêm thông minh rằng TV E series sẽ có tần số quét là 60 Hz và M series sẽ có tần số quét là 120 Hz.
Kết
Việc cải thiện những hiệu ứng nhoè ở trong những chuyển động rất quan trọng. Vì vậy mà công nghệ nâng cao tần số quét ra đời. Tuy nhiên, các công nghệ này còn phụ thuộc vào bộ xử lý và chất lượng đèn nền. Một điểm nữa theo quan điểm của người viết là thực sự cuộc đua này chỉ có ý nghĩa trên các TV 1080p với chuẩn 120 Hz mà thôi, còn về phần nhiều 240 Hz không cải thiện nhiều lắm trên các TV 4K hiện tại.
Quy luật quảng cáo của các nhà sản xuất
Có một quy luật hiện nay đánh vào tâm lý người dùng là con số càng tốt thì họ càng thích. Lấy ví dụ khi các bạn đang so sánh giữa các sản phẩm để mua một chiếc TV, màn hình vi tính, laptop hay tablet. Nhà sản xuất sẽ cung cấp những thông số rất cao cho người dùng. Họ biết người dùng thích gì, chẳng hạn như thời lượng pin, độ phân giải, kích cỡ màn hình, tốc độ xử lý của CPU, dung lượng bộ nhớ. Tần số quét cũng nằm trong số đó.
Ví dụ chi tiết hơn để diễn tả cho việc con số chỉ là một góc nhỏ để người dùng đánh giá: một camera 15 megapixel chưa chắc đã cho hình ảnh tốt hơn một chiếc chỉ có 8 megapixel. Chiếc TV 4K Ultra HD TV cũng vậy, độ phân giải 3840x2160 chắc gì đã hơn 1 chiếc HDTV 1080p bây giờ. Vấn đề còn nằm ở chỗ nhà sản xuất đã chọn linh kiện gì, màu sắc có chính xác không, chất lượng phần mềm đã được tối ưu chưa? Tần số quét cũng không nằm ngoài nằm những quy luật này. Vấn đề là người dùng cần nắm vững thông tin sản phẩm và biết cân bằng chúng sao cho hợp lý.