Trên tin đồn từ trang twitter Evleaks, sẽ không có Nexus 6 hay sản phẩm Nexus nào nữa. Cuộc chơi hệ sinh thái mới của Google sẽ dành cho Android Silver, dự kiến xuất hiện vào tháng 2 năm 2015. Nexus là thương hiệu được dán nhãn để đón nhận những chăm sóc đặc biệt nhất từ cha đẻ của Android chính là Google. Trong trường hợp tin đồn có thật. Liệu Android Silver có là một giải pháp tốt? Để trả lời được, chúng ta cần quay trở lại câu hỏi Android Silver là gì?
Đơn giản, giống như Nexus, Android Silver là một cái nhãn – giá hàng triệu đô. Nhưng việc dán nhãn Android Silver khác hoàn toàn. Android Silver được đưa vào thực tế để liên kết nhiều nhà sản xuất thiết bị di động (có sử dụng HĐH Android) chung tay vào một hợp đồng từ Google. Cái lợi nhiều nhất mà các nhà sản xuất nhận được từ Google là giảm thiểu chi phí phát triển hệ điều hành, giảm chi phí quảng cáo, nhận được chăm sóc từ chính Google và các bản cập nhật mới nhất cho thiết bị của mình. Sẽ có những gian hành riêng dành cho các thiết bị dán nhãn Android Silver – giống như một sân chơi cho nhiều đại gia vậy.
Nói đi cũng phải nói lại, các nhà sản xuất cũng phải tuân theo luật chơi mà Google đề ra trong hợp đồng. Họ sẽ tuân theo một chuẩn mực để HĐH Android được cài trên thiết bị thuần khiết hết sức có thể (sẽ có rất ít hoặc bị giới hạn số lượng ứng dụng độc quyền từ nhà sản xuất cũng như các biến thể của Android). Họ sẽ tuân thủ những đòi hỏi cấu hình từ Google. Với Google thì bước đi này khá giống với những gì mà Microsoft từng làm với Windows Phone (Vì sao ư? sẽ có câu trả lời ở bên dưới). Vâng, mọi thứ sẽ rất nghiêm ngặt vì một sân chơi chung và đồng bộ nhất hết sức có thể - đây là mục tiêu tối cao của Google. Những thiết bị tham gia “câu lạc bộ” Android Silver sẽ được nhận cập nhật mới nhất mà không có sự trì hoãn trước sau nào cả. Sự trì hoãn trong việc cập nhật Android giữa các thiết bị trôi nổi trên thị trường từ nhiều nhà sản xuất khác nhau là một vấn đề nan giải. Nó khiến cho Android bị phân khúc ngay trong chính thị phần của nó. Phân khúc nhiều, khó quản lý, khó kiểm soát, dễ bị loạn.
Tiếp theo chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: Vì sao Android vốn cởi mở nay lại khép mình như vậy? Câu trả lời là Google không muốn Android là của Samsung. Android Silver sẽ lôi kéo nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn chung tay hiệp lực đương đầu với Samsung. Tại sao lại đối đầu Samsung? Là vì Google muốn dành quyền kiểm soát. Trước đây, họ tung Android với khuynh hướng “cởi mở để đón nhận” số lượng thông tin người dùng khổng lồ nhưng từ khi Samsung bành trướng và can thiệp vào Android gốc, phát triển Tizen (HĐH mới từ Samsung) cùng các fan trung thành của Samsung tăng về số lượng, Google cảm thấy nguy hiểm tiềm tàng từ chính HĐH của mình. Google muốn kiểm soát Android, muốn lập ra “câu lạc bộ Android Silver” để: một, là cạnh tranh với Samsung; hai, là thuyết phục Samsung vào cùng liên minh của họ.
LG và Motorola là 2 cái tên lớn có khả năng gia nhập vào CLB Android Silver nhất. Trong thời đại công nghệ, thông tin cực kỳ giá trị. Các doanh nghiệp đều muốn kiểm soát được nhiều luông thông tin nhất có thể, mục tiêu là định hình được thị trường và tìm hướng phát triển tốt nhất. Việc Google lên kế hoạch cho Android Silver là điều dễ hiểu, họ cần kiểm soát thông tin và hơn hết xây dựng một tiềm lực mạnh để thống nhất sự phân mảng giữa các thiết bị trong chính nội bộ Android và cạnh tranh với những hệ điều hành bên ngoài như Windows Phone và iOS.
Theo engadget