Ðề: Re: English Vinglish (2012): Bình đẳng
Sau một thời gian không có phim gì đặc biệt đáng xem thì trùng hợp là hôm nay Daniel có hai bộ phim đều muốn xem. Một trong số đó là Taken 2 của Liam Neeson, một bộ phim hứa hẹn không có gì mới nhưng là một khẩu vị hấp dẫn quen thuộc. Thế nên Daniel đã chuyển qua xem English Vinglish với một câu chuyện rất đời thường nhưng hứa hẹn điều gì đó mới lạ hơn. Daniel đã hoàn toàn không phải thất vọng!
Bộ phim, như thường lệ, đã mở đầu bằng tiêu đề và tên các thành viên chủ chốt của đoàn phim. Điều đặc biệt là cách chạy chữ tiếng Anh sau đó đã phiên ký tự cuối của mỗi chữ sang ký tự Sanskrit của ngôn ngữ Hindu. Một cách thể hiện dí dỏm và hướng vào chủ đề phim. Không rõ liệu điều này còn có ý khác về một dạng lỗi phát âm đặc trưng của người Ấn Độ hay không, mà chi tiết phát âm về nhạc Jazz là một dẫn chứng, cũng như một số chi tiết phát âm khác của người Ấn trong phim, kể cả khi sử dụng tiếng Hindu của họ.
Đây là câu chuyện một người phụ nữ truyền thống Ấn Độ, ở nhà làm nội trợ và chăm sóc cho mọi người trong gia đình. Cuộc sống hướng nội đã khiến chị thui chột nhiều kỹ năng giao tiếp xã hội và trở nên lạc hậu với nhịp điệu cuộc sống bên ngoài. Chồng con trong gia đình gần như quen với việc được chăm sóc và xem đó là lẽ đương nhiên, đồng thời xem thường người vợ người mẹ của mình.
Bộ phim đã vận dụng xuất sắc một thứ tiếng Anh lủng củng và sai bét nhè của những người mới học, cho thấy tác giả kịch bản đã tham khảo rất kỹ (có lẽ) từ kinh nghiệm của các giáo viên dạy môn ngoại ngữ này. Một chút liên tưởng đến Late Autumn, khi bộ phim cũng vận dụng tài tình thủ pháp diễn đạt tâm lý nhân vật thông qua cách trao đổi giữa hai người bất đồng ngôn ngữ, mỗi người sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình khiến cho người kia không thể hiểu họ nói gì. Nhờ đó không làm mất đi tính tự nhiên của bối cảnh, ngược lại còn làm cho bộ phim có điểm nhấn lãng mạn độc đáo. Qua đó trao gửi một thông điệp, rằng ngôn ngữ chỉ là một phương tiện. Người ta có thể nói với nhau hàng ngày nhưng vẫn không nhìn thấy nhau. Ngược lại người ta có thể hiểu nhau ngay cả khi không biết tràng âm thanh ấy chuyển tải thông điệp gì. Thấy nhau, hay chính là I see you trong Avatar vậy!
English Vinglish phần nào làm Daniel liên tưởng đến Gran Torino (2008) của hai cha con Clint Eastwood, mô tả sinh hoạt của cộng đồng người H’mong (người Lào) định cư ở Mỹ; khi mà English Vinglish cũng phần nào giới thiệu được đôi nét về sinh hoạt phong tục của cộng đồng người Ấn ở Mỹ. Đây là một bonus rất thú vị. Được biết bộ phim Touch của một nhà làm phim người Mỹ gốc Việt cũng giới thiệu được đôi nét về cộng đồng người Việt xa xứ, tiếc là phim này Daniel chưa được xem.
Người chồng trong English Vinglish dường như không có tội lỗi gì. Ông là một người đàn ông tử tế, yêu thương vợ con, giao thiệp tốt và thích nghi rất tự nhiên với văn hóa Tây phương. Điều này làm Daniel lại liên tưởng đến một bộ phim có thể nói là xuất sắc nhất về chủ đề ngoại tình của phụ nữ, Unfaithful (2002) của Richard Gere. Nam diễn viên này từng có thời gian được báo chí phương Tây bình chọn trong top những người đàn ông (có nụ cười) hấp dẫn phụ nữ nhất thế giới. Trớ trêu thay vai diễn của anh lại là một người chồng bị vợ phụ tình. Lý do dẫn đến chuyện đấy của người vợ trong Unfaithful chính là sự nhàm chán và đơn điệu trong cuộc sống đầy quán tính của đời thường. Một lý do có thể hiểu được. Thế nhưng câu chuyện trong English Vinglish thì thậm chí còn thuyết phục hơn nhiều. Khi bỗng nhiên một lúc nào đó rơi ầm xuống giữa đời người đàn bà đức hạnh ấy, một người đàn ông trên cả tuyệt vời.
Vượt trên các câu chuyện cũ kỹ, thì những tình huống thú vị, những chi tiết tinh tế, những giải pháp sáng tạo luôn là đặc sản của các phim Hollywood hàng đầu. Các bộ phim Ấn độ mà Daniel được xem, tiêu biểu nhất là Three Idiots, cũng như trong English Vinglish này, cho thấy họ đã có được rất nhiều phẩm chất đó của phim Mỹ. Mặc dù vậy chất Ấn vẫn đậm đà, không chỉ qua các bài hát và vũ điệu trong phim, mà còn là bối cảnh, trang phục, và nét diễn xuất đặc thù không lẫn vào đâu được. Hàng loạt những tình tiết, tình huống đặc sắc mà người mẹ trẻ đã gặp phải khi đối diện với rào cản Anh ngữ và khi đối diện với thách thức lớn nhất cho hạnh phúc gia đình của cô, người đàn ông Pháp đầy tinh tế và cũng hết mực chân tình. Nhân vật của Mehdi Nebbou thuyết phục hơn nhiều so với Paul Martel của Unfaithful trong việc lôi kéo một người phụ nữ ra khỏi gia đình của cô ta. Mehdi Nebbou thành công đến đâu, Daniel đành phải giữ bí mật này cho các bạn còn chưa xem.
So sánh với Untouchables, một câu chuyện độc đáo về sự cảm thông và tình người, thì English Vinglish gần gũi hơn nhiều, trực diện với tất cả khán giả, vì đó là câu chuyện ngay bên dưới mỗi mái nhà của chúng ta. Không có bà mẹ Việt Nam nào làm món bánh Ladoo như Shashi Godbole, nhưng bên trong nhân vật của cô lại dồi dào những phẩm chất mà hầu như bà mẹ Việt Nam nào cũng có. Nó gần gũi đến mức có thể chạm tới bàn tay mẹ thô ráp vì những vết chai khi giặt áo mỗi ngày, có thể ngửi thấy bữa ăn chiều trên bếp có lúc rất ngon nhưng càng lúc lại càng nhàm chán vì cũng những món ngon ấy mẹ đã dọn lên quá nhiều lần trong đời ta, gần gũi đến mức có thể cảm thấy vị mặn trong giọt mồ hôi hay là nước mắt của mẹ. Mới vừa đây có Life of Pi, giờ English Vinglish lại càng thu ngắn hơn khoảng cách cảm thông với xã hội và con người Ấn Độ.
Có thể nói diễn xuất của Sridevi cực kỳ xuất sắc khi diễn tả chính xác cảm xúc của người mẹ trong mỗi tình huống của chuyện phim; thậm chí là một chuỗi những cảm xúc phức tạp chỉ trong một tình huống rất ngắn. Cô chính là viên ngọc của English Vinglish; mà English Vinglish chính là viên ngọc của điện ảnh Ấn Độ; cũng bởi vì mỗi bà mẹ chính là một viên ngọc dưới mái nhà của chúng ta. Khuyết điểm của English Vinglish có chăng là ở chỗ, các nhân vật phụ hầu như chỉ diễn xuất chung quanh Shashi, nhưng thật khó đòi hỏi nhiều hơn ở một bộ phim tinh tế đến thế này. Còn nhiều điều để viết chung quanh các tình tiết của phim, nhất là cách giải quyết cao trào rất hay ở nửa cuối, nhưng thật khó để không tiết lộ nhiều hơn nữa.
Cảm ơn bạn heonam là người đã dịch phụ đề cho phim và đưa lên Subscene.com sau khi đã xem ở Megastar. Cảm ơn Megastar với chương trình Bollywood Pick đã khai quật từ trong quặng vàng ở Mumbay (Bombay) để đem về cho khán giả Việt Nam bộ phim đáng giá này. Có thể doanh thu của phim không cao, nhưng Daniel tin rằng mỗi khán giả đến xem bộ phim, sẽ quan tâm hơn một ít, yêu thương nhiều hơn, trân trọng nhau hơn đối với mỗi thành viên trong gia đình họ. Chỉ riêng điều đó đã quý báu hơn bất kỳ giải thưởng nào cho bộ phim.
Daniel viết bài này trong tâm thế một đứa con xa nhà, chan chứa ngậm ngùi khi nhớ lại những lần vô cảm với mẹ thuở còn niên thiếu cũng giống như cô bé Sapna. Mẹ kính yêu đã nuôi lớn chúng con không chỉ từ bầu sữa ngọt hay bao nỗi lo toan vất vả thầm lặng triền miên ngày ngày tháng tháng, mà còn từ chính những vết thương lòng cứa vào trái tim độ lượng bao dung của Người, để thổn thức đổi lấy từng bài học chập chững trưởng thành trong nhận thức của chúng con.
==========
P.S: Nhân nói về ngôn ngữ và tình cảm gia đình, về việc tại sao cha mẹ có thể hy sinh cho con cái nhiều đến vậy; vừa hay Daniel mới xem được một đoạn clip quảng cáo rất hay, rất xúc động. Có thể bạn sẽ nghĩ oan rằng Daniel có lợi ích gì đấy khi tiếp tay quảng bá sản phẩm này, thì cũng không sao cả. Clip này tinh tế trong từng chi tiết, kịch bản bất ngờ, có cao trào, diễn xuất hay, âm nhạc cộng hưởng phù hợp, tất cả chỉ trong đúng hai phút! Không một lời nào nhắc đến sản phẩm để cống hiến trọn vẹn một câu chuyện ngọt ngào đến vậy, Daniel thấy nó xứng đáng được quảng bá. Clip quảng cáo này có đủ tư cách so sánh với những clip quảng cáo của các thương hiệu hàng đầu thế giới.
[video=youtube;vnzj3rBhYjo]http://www.youtube.com/watch?v=vnzj3rBhYjo[/video]