[Đánh giá] Honor 400: Thiết kế đẹp, camera chính chất lượng, AI ấn tượng và thú vị

Bui An

Lãng Khách
Honor 400 là mẫu smartphone đánh dấu sự trở lại của hãng điện tử đến từ Trung Quốc ở phân khúc trung cao tại thị trường Việt Nam sau vài năm ghi điểm với dòng X-Series siêu bền. Cùng HD Việt Nam mục sở thị ưu nhược điểm của mẫu máy này bạn nhé.

1751519330542.jpeg

Thiết kế và cảm giác cầm nắm​

Honor 400 ở cái nhìn đầu tiên đã tạo ấn tượng với mình bởi ngôn ngữ thiết kế hiện đại, khung viền kim loại phẳng cùng mặt lưng phẳng, các góc máy được bo tròn nhẹ để tránh cấn tay.

1751519348108.jpeg

1751519497226.jpeg

Máy có độ mỏng chỉ 7,3 mm và khối lượng 184 g – rất nhẹ so với mặt bằng chung, đem lại trải nghiệm cầm nắm thoải mái, cân đối trong lòng bàn tay. Mặt lưng được hoàn thiện dạng nhám mờ, giúp hạn chế bám vân tay và giảm trơn trượt khi sử dụng. Phiên bản HD Việt Nam trên tay có một màu Vàng Cát rất đẹp, nhìn ở góc nào cũng toát lên sự sang trọng và tinh tế, không hề kém cạnh các mẫu flagship giá hơn 20 triệu đồng.

Camera cũng là một nét chấm phá khác biệt của Honor 400 so với các mẫu smartphone tầm trung khác vốn đi theo một khuôn mẫu thiết kế (đặt dọc, cụm tròn). Ở góc trái trên mặt lưng, hãng sản xuất đã thiết kế một cụm hình thang bo tròn ở các góc và đặc biệt không lồi lên quá nhiều. Tại đây, chúng ta sẽ có 2 ống kính camera và đèn Flash LED.

1751519522093.jpeg

Về độ bền, Honor 400 được trang bị kính bảo vệ màn hình vát phẳng các cạnh và đạt chứng nhận SGS 5-Star về khả năng chống rơi vỡ. Bên cạnh đó là tiêu chuẩn kháng bụi nước IP68. Nhìn chung các tiêu chuẩn trên là để hạn chế các rủi ro cho người dùng trong quá trình sử dụng dài lâu, tuy nhiên HD Việt Nam vẫn khuyên bạn đọc không nên thử nghiệm nhúng nước quá lâu hoặc mang đi bơi, lặn thời gian dài.

1751519574853.jpeg

Màn hình rất sáng, vuốt chạm mượt mà​

Honor 400 sở hữu màn hình OLED 6,55 inch dạng phẳng, độ phân giải 1,5K (2736 × 1264 pixel), hỗ trợ tần số quét 120 Hz. Trải nghiệm thực tế cho thấy với một HDH tối ưu tương đối tốt, máy cho phản hồi tốt ở các thao tác vuốt chạm cảm ứng, ra vào và chuyển đổi giữa các ứng dụng. Tất nhiên, đôi khi cũng có sự giật lag nhẹ khi máy nóng lên (chơi game nặng, quay video lâu) nhưng tổng thể không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm.

Độ sáng màn hình là điểm nổi bật khi Honor công bố mức sáng tối đa tới 5000 nit ở chế độ tăng cường – cao vượt trội so với hầu hết smartphone hiện nay. Trải nghiệm thực tế cho thấy màn hình cực kỳ rực rỡ, dễ nhìn ngoài trời nắng gắt; ngay cả khi để độ sáng tự động, máy vẫn đủ khả năng hiển thị rõ dưới ánh sáng mạnh. Có thể nói đây là một trong những màn hình tầm trung có độ sáng tối ưu nhất mà HD Việt Nam từng được trải nghiệm từ trước đến nay.

1751519621201.jpeg

Bên cạnh độ sáng và màu sắc rực rỡ, Honor 400 tích hợp nhiều công nghệ bảo vệ mắt trên màn hình, đơn cử như tần số PWM đến 3.840 Hz giúp giảm nhấp nháy, chống mỏi mắt cho người nhạy cảm với hiện tượng flicker.

Các tính năng như Ultra Dark Mode (chế độ siêu tối để dùng ban đêm), AI Circadian Night Display (điều chỉnh màu theo nhịp sinh học) cũng hiện diện nhằm đảm bảo trải nghiệm xem dịu mắt hơn vào ban đêm. Đặc biệt, Honor 400 còn có chế độ Motion Sickness Relief, hiển thị các điểm sáng di chuyển theo chuyển động xe cộ trên màn hình, giúp giảm cảm giác say xe khi dùng điện thoại lúc đang di chuyển.

Hiệu năng đủ dùng với Snapdragon 7 Gen 3​

Honor 400 được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 7 Gen 3, con chip tầm trung không phải mạnh nhất trong phân khúc giá máy chính hãng tại thị trường Việt Nam.

1751519670392.jpeg

Trong sử dụng hàng ngày, Honor 400 cho cảm giác khá mượt ở các tác vụ cơ bản như lướt web, xem video, nhắn tin… Đa nhiệm cũng ổn định nhờ dung lượng RAM lớn. Tuy nhiên, nếu so sánh sẽ thấy hiệu năng của máy chỉ ở mức “đủ dùng” chứ không thật sự mạnh. Bản thân người cảm thấy rằng hiệu năng Snapdragon 7 Gen 3 “không tệ, nhưng cũng không tốt – chỉ ở mức chấp nhận được”. Máy có xuất hiện độ trễ nhẹ và hiện tượng giật khựng thỉnh thoảng, đặc biệt khi mở các ứng dụng nặng như ứng dụng camera hoặc game đồ họa cao. Những độ trễ, giật nhẹ này không quá nghiêm trọng và người dùng phổ thông có thể không để ý, nhưng nếu chuyển từ một smartphone cao cấp hơn sang sẽ cảm nhận được ngay.

Về khả năng chơi game, Honor 400 không nhắm đến đối tượng game thủ hardcore. Các tựa game nhẹ và trung bình như Candy Crush, Subway Surfers… đều chạy mượt. Nhưng với game nặng như Genshin Impact, máy chỉ đạt tốc độ khung hình thấp, hiện tượng khựng lag khá nhiều. Rõ ràng Snapdragon 7 Gen 3 khó lòng “gánh” tốt những game đồ họa nặng ở mức thiết lập cao.

Dù vậy, điểm tích cực là máy ít bị nóng đến mức gây khó chịu cho lòng bàn tay, cũng như không tụt hiệu năng do quá nhiệt. Bài test 3DMark Wild Life cho thấy Honor 400 đạt độ ổn định ~99% suốt quá trình thử nghiệm, nhiệt độ tối đa khoảng ~47°C, chứng tỏ hệ thống tản nhiệt kiểm soát nhiệt khá tốt.

Camera chính 200MP rất “gì và này nọ”​

Cụm camera của Honor 400 gây chú ý nhờ cảm biến chính độ phân giải 200 MP – một con số rất cao hiếm thấy ở phân khúc tầm trung. Cảm biến này có kích thước lên tới 1/1.4 inch, khẩu độ f/1.9 và hỗ trợ chống rung quang học OIS + chống rung điện tử EIS. Thực tế, đây là cảm biến lớn hơn cả cảm biến trên một số flagship như Galaxy S25 hay iPhone 16 thường. Ngoài ra máy có một camera góc siêu rộng 12 MP (góc 112°, f/2.2) có thể kiêm luôn chụp macro cận cảnh. Honor 400 không có camera tele vật lý; với nhu cầu zoom, máy sử dụng thuật toán AI cùng độ phân giải cao của cảm biến 200MP để zoom số tối đa 30x. Ở mặt trước, Honor 400 trang bị camera selfie 50 MP (f/2.0) hỗ trợ lấy nét tự động, đủ để chụp chân dung selfie sắc nét.

1751519699392.jpeg

Về chất lượng ảnh, Honor 400 mang lại kết quả rất ấn tượng trong điều kiện đủ sáng. Ảnh chụp từ camera chính 200MP có độ chi tiết cao, màu sắc tươi tắn và dải tương phản rộng. Theo HD Việt Nam đánh giá, Honor 400 chụp ảnh ban ngày “chi tiết tốt và màu sắc đẹp; ngay cả trong bối cảnh phức tạp máy cũng xử lý tốt, cho ra ảnh giàu chi tiết”.

Đặc biệt, chế độ chân dung trên Honor 400 được khen ngợi nhờ sự hợp tác của Honor với studio ảnh danh tiếng Harcourt. Máy tích hợp sẵn các bộ lọc chân dung kiểu Harcourt mang tông màu cổ điển nghệ thuật, giúp chụp ảnh chân dung bạn bè, người thân thêm phần nổi bật.

1751521203507.jpeg

Chụp chân dung là bao đẹp

1751519915768.jpeg

Hình chụp bằng Honor 400​

Sau khoảng một tuần sử dụng, bản thân người viết thấy được rằng camera 200MP của Honor 400 “thực sự phát huy tác dụng khi kết hợp với các bộ lọc lấy cảm hứng từ Harcourt trong chế độ chân dung” – phù hợp cho những ai thích chụp ảnh người hơn là chụp món ăn thường ngày.

Ảnh selfie 50MP cũng có chất lượng cao, độ chi tiết tốt và hiệu ứng xóa phông tự nhiên nhờ camera trước có autofocus. Mình đánh giá chất ảnh selfie của máy khá phù hợp với gu của người dùng Châu Á khi da mặt được làm mịn màng và hồng hào, có thể up ngay lên MXH mà không cần chỉnh sửa quá nhiều.

1751520457981.jpeg

Trong điều kiện thiếu sáng, Honor 400 vẫn duy trì được chất lượng khá. Máy có chế độ chụp đêm chuyên dụng và tận dụng cỡ cảm biến lớn để thu sáng. Ảnh chụp ban đêm cho thấy độ chi tiết ổn, màu sắc không bị bệt. Dù noise (nhiễu) vẫn xuất hiện nhẹ ở vùng tối, tổng thể ảnh thiếu sáng của Honor 400 được đánh giá tốt trong tầm giá.

1751520023086.jpeg

Chụp selfie bằng Honor 400 là siêu đẹp​

Camera góc siêu rộng 12MP của máy chỉ ở mức trung bình khi, ảnh chụp ra kém nét và nhạt màu hơn camera chính. Dẫu vậy, việc Honor mạnh dạn lược bỏ camera độ sâu/macro chủ yếu cho mục đích trang trí và chỉ tập trung vào 2 camera hữu dụng (chính + góc rộng) có thể coi là quyết định hợp lý, giúp tối ưu chi phí cho cảm biến chính chất lượng cao hơn. Lời khuyên của mình là các bạn chỉ nên sử dụng ống kính góc siêu rộng trong điều kiện đầy đủ sáng, còn nếu ban đêm mà muốn chụp khung hình rộng hơn thì hãy cứ sử dụng camera chính và lùi ra xa hơn một chút nhé.

Về quay video, Honor 400 hỗ trợ quay tối đa 4K ở 30fps. Đáng tiếc, máy không có tùy chọn quay 4K 60fps, một tính năng mà nhiều đối thủ cùng phân khúc đã hỗ trợ. Đây là điểm trừ cho người thích quay video mượt mà hoặc làm slow-motion. Ngoài ra, máy cũng không có chống rung quang học ở camera phụ, nên quay góc rộng ban đêm sẽ rung và mờ hơn. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp phổ thông (quay 1080p hoặc 4K30), Honor 400 đáp ứng tốt với chất lượng hình ảnh và âm thanh ở mức khá.

1751520090289.jpeg

Các bước tạo video AI rất đơn giản​

Một thế mạnh khác của camera Honor 400 là được tích hợp nhiều tính năng AI thông minh để hỗ trợ sáng tạo. Máy có chế độ AI Image to Video độc đáo lần đầu xuất hiện trên smartphone, cho phép biến một bức ảnh tĩnh thành đoạn video động 5 giây bằng trí tuệ nhân tạo – tạo hiệu ứng như “ảnh biết cử động”. Ngoài ra còn có AI Eraser để xóa vật thể/người thừa trong ảnh, AI Remove Reflection xóa phản chiếu khi chụp qua kính, Moving Photo Collage ghép nhiều ảnh chuyển động thành một câu chuyện động, v.v.. Các công cụ AI này giúp người dùng chỉnh sửa hậu kỳ nhanh chóng ngay trên máy. Dù một số tính năng mang tính trình diễn và kết quả chưa phải lúc nào cũng hoàn hảo, chúng cho thấy nỗ lực của Honor trong việc đem lại trải nghiệm camera sáng tạo cho người dùng trẻ thích chụp ảnh.


Thành quả của AI trên Honor 400 tạo video từ 1 tấm hình

Tựu trung lại, camera của Honor 400 theo HD Việt Nam đánh giá là rất tốt trong phân khúc giá tầm trung. Dù thiếu camera tele, nhưng chiếc máy lại ghi điểm “tuyệt đối” bằng cảm biến chính vượt trội, có chống rung quang học kết hợp phần mềm AI tối ưu. Có thể nói chất lượng camera Honor 400 “rất tốt, đáp ứng hầu hết nhu cầu, thậm chí nhỉnh hơn kha khác các đối thủ cùng phân khúc. Với những người ưu tiên chụp ảnh, đặc biệt là ảnh chân dung và selfie, Honor 400 thực sự là một lựa chọn rất đáng giá giai đoạn giữa năm 2025. Nói đi thì cũng phải lưu ý rằng nếu cần zoom quang học xa để “đi đu concert” hoặc quay video 60fps, người dùng có thể cân nhắc mẫu khác hoặc nâng cấp lên phiên bản Honor 400 Pro với camera tele chuyên dụng.

Thời lượng pin và tốc độ sạc​

Một điểm ăn tiền của Honor 400 nằm ở viên pin dung lượng lớn và công nghệ sạc nhanh. Máy sử dụng pin Li-ion Silicon-Carbon thế hệ mới dung lượng 6.000 mAh – cao vượt trội so với mức ~5.000 mAh thường thấy trên smartphone hiện nay.

Trên thực tế, tùy thị trường mà Honor 400 sẽ có hai mức dung lượng pin khác nhau: phiên bản ở châu Âu trang bị pin ~5.300 mAh hỗ trợ sạc 66W, trong khi phiên bản quốc tế (may mắn là có cả Việt Nam) được ưu ái pin 6.000 mAh hỗ trợ sạc nhanh 80W ngon hơn đáng kể. Với viên pin “khủng” này, Honor quảng cáo máy có thể dùng bền bỉ tới 4 năm trước khi chai đáng kể, tương đương khoảng 1.200 chu kỳ sạc/xả.

1751520413400.jpeg

Trải nghiệm thực tế cho thấy thời lượng pin của Honor 400 là vô cùng ấn tượng. Khi sử dụng hỗn hợp vừa duyệt web, xem phim chơi game với mức độ sáng màn hình 80%, máy dễ dàng đạt 7-8 tiếng onscreen mà dung lượng pin còn lại vẫn luôn trên mức 20%.

Ngay cả khi xài máy ở cường độ cao (chụp ảnh nhiều, lướt web, xem video liên tục), Honor 400 vẫn trụ vững từ sáng đến đêm mới cần sạc. Rõ ràng, sự kết hợp giữa màn hình 6,55” tối ưu, chip Snapdragon 7 tiết kiệm điện và pin dung lượng lớn mang lại lợi thế lớn về pin cho Honor 400 so với các đối thủ.

Sạc 80W trên Honor 400 sẽ giúp máy có được khoảng 50% pin trong khoảng 22 phút (từ mức pin 5%), đủ để “chữa cháy” mỗi khi người dùng có việc gấp. Còn nếu đủ thời gian thư thả “ăn miếng bánh, uống ly cafe” thì sạc đầy pin chỉ cần 40-45 phút mà thôi.

Phần mềm và tính năng: MagicOS 9.0 và AI​

Honor 400 chạy sẵn MagicOS 9.0 trên nền Android 15 mới nhất khi bán ra. Giao diện MagicOS có thiết kế phẳng hiện đại, khá tương đồng với Android gốc nhưng bổ sung nhiều tiện ích thông minh riêng của Honor. Trải nghiệm thực tế cho thấy máy vận hành mượt mà, hiệu ứng chuyển cảnh ổn định và không gặp lỗi vặt nghiêm trọng nào. Honor đã cải thiện đáng kể độ ổn định của phần mềm so với các thế hệ trước.

Bên cạnh đó, Honor 400 được cam kết hỗ trợ cập nhật phần mềm lâu dài vượt trội: hãng xác nhận máy sẽ nhận 6 năm cập nhật Android OS và 6 năm bản vá bảo mật – tương đương với dòng Galaxy A của Samsung và chỉ thua Google Pixel (7 năm). Đây là một bước tiến lớn, cho thấy Honor đang rất nghiêm túc cạnh tranh về mặt phần mềm, vượt trội so với hầu hết các hãng Trung Quốc khác (vốn thường chỉ 2-3 năm cập nhật).

1751520443129.jpeg

HDH MagicOS 9.0 tập trung nhiều vào các tính năng AI thông minh. Honor tích hợp trợ lý Google Gemini AI sâu vào hệ thống, cho phép người dùng đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin ngay trên màn hình chính. Tính năng Magic Portal 2.0 – phiên bản Honor của Google Lens – giúp người dùng tra cứu thông tin bằng cách chụp ảnh đối tượng (tìm kiếm bằng hình ảnh). Honor 400 cũng có AI Dịch thuật thời gian thực, AI Ghi âm và chép lời, công cụ hỗ trợ viết bằng AI (AI Writing) và thậm chí cả tính năng phát hiện deepfake để cảnh báo người dùng trong một số trường hợp nhạy cảm.

Một điểm thú vị là Honor 400 được công bố là smartphone đầu tiên hỗ trợ công nghệ Google Veo 2 – đây là engine AI do Google phát triển, được Honor áp dụng cho tính năng biến ảnh tĩnh thành video động nói trên. Về kết nối, máy hỗ trợ đầy đủ 5G, Wi-Fi 6, Bluetooth 5.4 và có NFC. Honor còn trang bị cổng hồng ngoại (IR Blaster) trên đỉnh máy để điều khiển các thiết bị gia dụng – một trang bị nhỏ nhưng hữu dụng đối với nhiều người dùng.

Một điểm cộng dành cho Honor là hãng không giới hạn bất kỳ tính năng nào trên bản Honor 400 thường so với bản Pro – mọi tính năng từ AI đến camera đều có đủ. Nhìn chung, về phương diện phần mềm, Honor 400 mang lại trải nghiệm hiện đại, nhiều tính năng và đặc biệt là cam kết cập nhật lâu dài, xóa tan định kiến “điện thoại TQ tầm trung giao diện giật lag”.

Kết luận​

Honor 400 là một bản nâng cấp toàn diện so với thế hệ trước đây, hội tụ nhiều ưu điểm nổi bật trong phân khúc tầm trung: thiết kế đẹp, màn hình xuất sắc, camera độ phân giải cao ấn tượng, pin “trâu” và sạc nhanh, cùng phần mềm hỗ trợ dài lâu. Máy tất nhiên không tránh khỏi vài điểm yếu nhỏ (hiệu năng chỉ ở mức khá, không kèm sạc, thiếu camera tele chuyên dụng), nhưng những hạn chế này là chấp nhận được so với mức giá.

1751520484426.jpeg

Với Honor 400, hãng Honor đang cho thấy họ nghiêm túc trở lại đường đua smartphone tầm trung ở thị trường Việt Nam sau nhiều năm để những OPPO, Xiaomi chiếm lĩnh phân khúc này.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên