Cần bàn tay Nhà nước trong việc mua bản quyền truyền hình
Thứ ba, 18/06/2013 08:33
(CATP) Những ai làm kinh doanh có lẽ đều biết một “đúc kết” như thế này: Một doanh nhân người Nhật không hơn nổi một doanh nhân người Việt. Nhưng một doanh nhân người Nhật lại dễ dàng thắng hai doanh nhân người Việt! Những người chưa nghe câu này hẳn sẽ hỏi sao lại lạ thế? Không lạ đâu, đơn giản vì khi có hai doanh nhân người Việt thì cả hai lo đánh nhau tưng bừng, thế là hai mà lại yếu hơn một!
Tôi muốn mở đầu câu chuyện về bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế bằng câu chuyện đau lòng trên, và cho thấy đó không phải là một câu nói tiếu lâm.
Thời buổi kinh tế khó khăn, có thứ gì tăng giá chóng mặt như bản quyền truyền hình? Có lẽ là chẳng có thứ gì sánh bằng.
|Phân tích về cái sự tăng giá chóng mặt đó, nhiều người đã nêu nguyên nhân, đó chính là câu nói mà tôi đã nói ở trên. Chẳng qua, chính các nhà đài trong nước đã tranh mua với nhau một cách khốc liệt, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đẩy giá.
Câu chuyện bản quyền truyền hình Giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) 2013 - 2016 chưa yên thì nay lại sinh thêm chuyện bản quyền truyền hình EURO 2016. Tại EURO 2008, truyền hình VN tốn 2 triệu USD để mua bản quyền. Bốn năm sau tại EURO 2012, số tiền tăng lên gấp đôi là 4 triệu USD. Còn với EURO 2016 tới đây, đơn vị nắm bản quyền tại VN (cũng là một công ty nước ngoài) đã đẩy giá lên 8 triệu USD!
Rất dễ dàng thấy cái chiêu của các công ty nước ngoài nắm bản quyền truyền hình EPL hay EURO đều áp dụng giống nhau, đó là khi đại diện của họ đến VN đều ở tại khách sạn Metropol (Hà Nội). Họ gởi giấy mời đến các đài truyền hình trả tiền của VN, nhưng giờ gặp thì đài này chênh đài kia khoảng nửa giờ. Nghĩa là cứ đại diện đài A bước ra khỏi phòng thì gặp đại diện đài B bước vào, rồi B ra thì thấy C nối gót... Thế là tất cả cùng hoảng lên, sợ đối thủ giật mất bản quyền, và rồi sẵn sàng chi bạo để nắm bản quyền nhằm biến nó thành lợi thế cạnh tranh.
Cái chiêu này rất cũ nhưng lại luôn hiệu quả vì nó đánh đúng vào tâm lý các đài, vốn chỉ biết cạnh tranh bằng cách đi mua bản quyền chứ không phải đầu tư chất xám để sản xuất chương trình sao cho thật hay nhằm lôi cuốn khán giả.
Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề truyền hình là Bộ Thông tin - Truyền thông cần phải vào cuộc, nhằm ngăn chặn tình trạng “gà nhà bôi mặt đá nhau” giúp người ngoài hưởng lợi. Chứ nếu không, cuộc chạy đua sẽ không có điểm dừng, để rồi người dân ngày càng phải tốn nhiều tiền cho một cái thú vui lành mạnh là xem bóng đá quốc tế. Còn làm thế nào để chiến đấu với các công ty nước ngoài thì có lẽ không cần học đâu xa, khi có nhiều từ các quốc gia quanh ta như Singapore, Trung Quốc... đã áp dụng.