Ngày nay xuất hiện rất nhiều thiết bị điện tử được khoác lên mỹ từ "thông minh", song thực tế sử dụng thì các thiết bị này lại thường rất ngờ nghệch. Điều này là vì khi thực hiện các yêu cầu - chẳng hạn như phiên dịch theo thời gian thực - thì hầu hết đều được xử lý bằng công nghệ điện toán đám mây.
Nhà sản xuất chip xử lý di động hàng đầu Qualcomm mới đây cho biết họ muốn đảo ngược lại quy trình này, dẫu chỉ chút ít, nhằm mang đến cho người dùng các camera giám sát hiệu quả và tốt hơn. Lấy nhu cầu theo dõi an ninh qua mạng Internet làm mục tiêu, công ty Qualcomm đã chế tạo nên một loại chip xử lý Snapdragon 618 thế hệ mới được trang bị chuyên biệt cho camera với khả năng có thể thật sự nhận biết môi trường xung quanh mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của mạng Internet.
Nói một cách rõ ràng hơn, một smart camera thông thường sẽ không luôn luôn ở chế độ ghi hình, mà thực tế nó chỉ ghi hình khi "thấy" một hoạt động nào đó đang diễn ra, chẳng hạn như vật thể hay người di chuyển trong phạm vi quan sát. Nhưng cũng chính vì sự "thông minh" này mà dẫn đến cớ sự rất đời thường là camera sẽ ghi luôn các cảnh mèo hoang hay chó hoang chạy nhảy, người phát thư đang làm công việc bỏ thư v.v. Như đã nói ở trên, camera sẽ phải kết nối đến dữ liệu đám mây để nhận dạng chủ thể, và đôi khi dù đã nhận dạng được chủ thể thì camera vẫn tiếp tục ghi hình, làm tiêu tốn băng thông, điện năng và tất nhiên còn làm tốn thêm bộ nhớ lưu trữ.
Raj Talluri, phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Qualcomm, nhận xét về các smart camera hiện nay là "mất nhiều thời gian trong việc nhận biết sự khác biệt giữa một chiếc xe hơi đang chạy ngang qua (không cần ghi hình) và một ai đó đang tiến tới trước cổng nhà (cần ghi hình)" vì còn phải nhờ đến điện toán đám mây. Trong khi đó, với chip xử lý Snapdragon 618 thì mọi sự việc đều được theo dõi và tiến hành phân tích ngay lập tức (còn gọi là on-camera analytics), hay nói cách khác, những công tác như nhận diện khuôn mặt, nhận dạng đối tượng và theo dõi đối tượng đều được xử lý ngay bởi chính camera. Nhờ vậy nên từ nay trở đi, một con mèo tinh nghịch nhảy nhót trước camera sẽ được máy quay nhận biết rằng đó là đối tượng và hành động vô hại, không cần phải ghi hình lại, qua đó sẽ không còn làm hóa đơn tiền điện và băng thông internet của người dùng tăng thêm bởi vì những đoạn ghi hình vô bổ nữa.
Ông Talluri tự tin rằng với chip xử lý Snapdragon 618 sắp ra mắt thì chất lượng hình ảnh do camera ghi được sẽ đồng thời được cải thiện rất nhiều. Hơn thế nữa, chip xử lý 618 còn được trang bị khả năng quản lý pin giúp tối ưu hóa thời gian dùng pin của máy quay, và sở hữu luôn một modem LTE tích hợp cho những camera nào không tiện có sẵn mạng Wi Fi. Nhà sản xuất Qualcomm gọi những camera được trang bị chip Snapdragon 618 bằng cái tên "conscious camera", hiểu một cách đơn giản là camera tự nhận thức, chứ không chỉ "thông minh nhờ vào đám mây" như hiện nay nữa.
Qualcomm cũng đồng thời công bố hai modem chip LTE mới có tên gọi MDM9207-1 và MDM9206 để dùng trang bị cho các thiết bị Internet of Things (IoT). Cả hai con chip này đều được sản xuất với mục đích sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả nhất, nên nhờ vậy rất giàu tiềm năng trong việc chế tạo nên các thiết bị luôn luôn hoạt động (always-on) và luôn luôn kết nối (always-connected). Lấy ví dụ các thiết bị y tế đeo tay chẳng hạn, nhờ hai con chip mới của Qualcomm sẽ không còn cần phải kết nối với điện thoại trong khi thời gian dùng pin thì rất lâu.
Ông Talluri dự kiến các camera an ninh và thiết bị dùng thế hệ chip xử lý mới của Qualcomm sẽ có thể xuất hiện trên thị trường vào nửa đầu năm tới.