“Đây là một cuộc chơi không có hồi kết”, ông nhấn mạnh.
Trong một phát biểu gây chú ý tại Diễn đàn Hill & Valley, ông Jensen Huang, CEO đương nhiệm của NVIDIA, đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới giới chính trị Hoa Kỳ: AI không còn là lựa chọn, nó là chiến lược sống còn.
“Muốn dẫn đầu, nước Mỹ phải dám đi trước”, ông Huang khẳng định, kêu gọi chính phủ đầu tư bài bản vào đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động, để mỗi người lao động đều có thể trực tiếp sử dụng công nghệ để xây dựng tương lai, tránh bị bỏ lại phía sau.

Không né tránh thực tế cạnh tranh khốc liệt trên mặt trận AI, nhà sáng lập NVIDIA chỉ ra một sự thật: “Một nửa số nhà nghiên cứu AI trên thế giới hiện là người Trung Quốc”. Hiện tại, "đất nước tỷ dân" đang có trong tay cả nhân lực và công nghệ để bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Huang ví cuộc cách mạng AI hiện nay với những lần chuyển mình vĩ đại trong lịch sử ngành công nghiệp, và rằng nước Mỹ đã có thể thành công nhờ việc “ứng dụng thép, ứng dụng năng lượng nhanh hơn bất cứ quốc gia nào”. Ông đồng thời nhấn mạnh cuộc đua trí tuệ nhân tạo “là một cuộc chơi không có hồi kết”.
Phát biểu của ông diễn ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt sau khi chính quyền Mỹ áp đặt thêm giới hạn xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, dự kiến doanh thu của NVIDIA sẽ giảm khoảng khoảng 5,5 tỷ USD do ảnh hưởng từ việc cấm bán dòng chip H20 cho thị trường Trung Quốc.
Nhưng NVIDIA tiếp tục lạc quan về tương lai. Tại sự kiện GPU Technology Conference 2025 (GTC 2025), Huang đã giới thiệu Groot N1 - nền tảng trí tuệ nhân tạo dành cho robot hình người. Ông cảnh báo rằng thế giới đang hướng tới một “kỷ nguyên thiếu hụt lao động trầm trọng”, với con số có thể lên tới 50 triệu người vào cuối thập kỷ này. Theo ông, sẽ là lời giải thiết thực cho bài toán hóc búa.
Dù nguồn cung chip Blackwell vẫn còn hạn chế, ông Huang tỏ ra lạc quan trước tương lai. “Nhu cầu thì không tưởng”, ông chia sẻ với Fox Business, trong khi đó đốc thúc công ty tăng năng suất để phục vụ nhu cầu ngày một lớn. Ông Huang cũng dự đoán rằng AI sẽ thay thế đến 40% khối lượng công việc toàn cầu, nếu lực lượng lao động sẵn sàng thích nghi.

Chủ tịch NVIDIA tin rằng con người sẽ sớm chung sống với robot - Ảnh: AFP.
Trong làn sóng AI đang cuộn trào toàn cầu, Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, trong khi thế giới tăng tốc, quốc gia hình chữ S đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của thời đại số: thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo.
Theo Báo cáo Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google, ước tính Việt Nam đang chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI.
Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho biết: trong số 1,5 triệu nhân lực ngành CNTT đang hoạt động, chỉ khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản. Từ nay đến năm 2030, dự kiến nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực AI sẽ tăng 74%, trong khi các ngành như an ninh mạng và Blockchain cũng chứng kiến mức tăng lần lượt là 20.000 chuyên gia/năm và 30%/năm.
Ngay trong giai đoạn 2024-2025, Việt Nam đang thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 nhân sự ngành công nghệ thông tin mỗi năm - đặc biệt là các vị trí yêu cầu kỹ năng cao như AI, Big Data, lập trình viên Full-stack và chuyên gia bảo mật.
Trước nhu cầu nhân lực lĩnh vực AI, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược này xác lập mục tiêu đưa AI trở thành một trong những công nghệ trọng điểm, tạo cú hích trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Các trường đại học trên cả nước đã nhanh chóng bắt nhịp. Tiêu biểu, ngày 28/8/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã chính thức ra mắt Khoa Trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh hưởng ứng chiến lược quốc gia, Học viện tuyên bố mong muốn trở thành lá cờ tiên phong trong lĩnh vực đào tạo sinh viên chuyên ngành AI.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Học viện muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu về cái mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết thành lập Khoa Trí tuệ nhân tạo.
GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, cho biết từ nay đến năm 2025, Học viện phấn đấu trở thành đơn vị số 1 về đào tạo AI tại Việt Nam, với mục tiêu xa hơn là lọt vào top 400-450 trường đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu AI vào giai đoạn 2025 - 2035.
Không dừng ở tầm nhìn, Học viện triển khai chương trình đào tạo AI mang tính thực tiễn cao, bao gồm một học kỳ thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Sinh viên sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia từ các trường đại học danh tiếng như Stanford, MIT, Deakin, UC Davis, JAIST, KAIST, cùng với các đại diện đến từ các tập đoàn công nghệ lớn như NVIDIA, Intel, Microsoft, Amazon, Meta, VinAI, FPT, Samsung, NAVER...
Trong kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam đã sớm nhìn thấy tầm quan trọng của công nghệ AI cũng như nhu cầu cấp thiết của một lực lượng lao động chất lượng cao. Những bước đi đầu tiên trong giáo dục và đầu tư hạ tầng sẽ là bệ phóng để thế hệ kỹ sư công nghệ mới sẵn sàng nhập cuộc - không chỉ để theo kịp, mà để bứt phá.