Kể từ ngày phát hành chính thức vào 29/07 cho đến nay đã có hàng chục triệu máy tính nâng cấp lên sử dụng hệ điều hành Windows 10. Theo lẽ thường, khi phải làm quen với một điều gì mới sẽ luôn phát sinh những trục trặc gây khó chịu cho người dùng kể cả là đã chuẩn bị tâm lý trước. Nhưng điều đáng nói ở đây còn là tình trạng bảo mật và quyền riêng tư dành cho người dùng, bởi hơn bao giờ hết vấn đề bảo mật đang hết sức đáng quan ngại không chỉ bởi sự xâm phạm ác ý từ bên ngoài mà nhiều khi còn đến từ chính các nhà sản xuất và nhà phát triển phần mềm - hệ điều hành. Dù rằng những nhà sản xuất phần cứng và phát triển phần mềm đều biện hộ rằng họ chỉ muốn làm tốt nhất cho người dùng, song không phải người dùng nào cũng cảm thấy thoải mái trước lòng tốt tự tiện ấy.
Sau đây là một số tiết lộ liên quan đến quyền riêng tư của người dùng và cách thức giải quyết trên hệ điều hành Windows 10.
Windows 10 đang đánh cắp băng thông của người dùng
Trước khi Windows 10 được phát hành chính thức toàn cầu thì đã có rất nhiều lo ngại rằng sẽ xảy ra tình trạng nghẽn băng thông, nhưng sự cố ấy đã không xảy đến. Đó là do công ty Microsoft khá khôn ngoan khi áp dụng hình thức phát hành peer to peer lợi dụng chính băng thông Internet của người dùng để chia sẻ các gói dữ liệu cập nhật đến những người dùng khác một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và tính năng này được Microsoft tự kích hoạt mặc định luôn cho người dùng.
Cách phát hành như vậy rằng hay thì thật là hay nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Điểm lợi là người dùng nhận được bản cập nhật nhanh chóng hơn (do từ những người dùng khác chia sẻ cho) trong khi mặt trái là chiếm dụng một phần băng thông và làm giảm băng thông của người dùng.
Thế nên, nếu cảm thấy đã chia sẻ đủ hoặc cần tiết kiệm băng thông thì người dùng có thể tắt tính năng này đi. Cách làm như sau: mở Start > Settings > Update & Security > Windows Update > Advanced Options > Chọn how updates are delivered, và tiếp theo chọn tắt Updates from more than one place đi.
Lịch sử duyệt web, các mục lưu yêu thích (Favorites), và mật khẩu đều được (tự động) đồng bộ lên các máy chủ của Microsoft
Thật ra tính năng này đã có mặt trên hệ điều hành Windows 8 trước đó, nhưng một điều mà người dùng có thể yên tâm là việc đồng bộ sẽ không thật sự tự động diễn ra. Tính năng tự động đồng bộ chỉ thực hiện khi người dùng a) đăng nhập bằng tài khoản trực tuyến Microsoft Account, và b) chọn mục “Express Settings” khi tiến hành cài đặt Windows lần đầu tiên.
Tuy nhiên, trong trường hợp người dùng vì vội vã hay bất cẩn khi chọn mục Express Settings trong lần cài đặt đầu tiên thì họ vẫn có thể thay đổi lại, không cho kích hoạt tính năng tự động đồng bộ nữa bằng cách click vô Start > Settings > Accounts > Sync your Settings, và chọn những gì mà họ muốn tự động đồng bộ, những gì không muốn thì cứ việc trượt tắt đi.
Thêm một điều nữa là trong trường hợp người dùng cảm thấy quan ngại về quyền riêng tư bị Microsoft xăm xoi quá, thì họ tốt nhất nên đăng nhập Windows bằng tài khoản cục bộ (Local Account). Để chuyển từ tài khoản trực tuyến Microsoft Account sang tài khoản cục bộ thì người dùng cũng click chọn Start > Settings > Accounts > Your account > Sign in with a local account instead, và làm theo hướng dẫn trên màn hình để hoàn tất việc tạo một tài khoản cục bộ.
Tuy vậy, người dùng cũng cần biết là tính năng tự động đồng bộ sẽ giúp ích rất nhiều cho họ trong việc giữ cho tất cả những gì liên quan đến họ luôn luôn trong trạng thái được cập nhật; trong trường hợp họ đăng nhập vô một máy tính hay điện thoại khác thì các dữ liệu và thiết lập yêu thích của họ sẽ ngay tức khắc có mặt cho họ sử dụng. Điều này rất tiện đối với việc sử dụng các mạng internet công cộng, lấy ví dụ người dùng đến một quán cà phê A và dùng điện thoại đăng nhập mạng internet, thì thông tin về tên mạng và mật khẩu của mạng đó (nếu có) sẽ được tự động đồng bộ lên máy chủ của Microsoft; lần sau cũng đến quán A đó nhưng sử dụng máy tính xách tay để lên mạng sẽ được tự động đăng nhập mà không cần phải tìm hay hỏi lại tên và mật khẩu của mạng internet đó nữa.
Tính năng Wi-Fi Sense sẽ tự động chia sẻ mật khẩu mạng internet của bạn
Điều này đã bị hiểu sai hoặc bị cố tình phóng đại lên để gây sự lo lắng cho những người dùng nhát gan. Trước tiên, đây là một tính năng tùy chọn (opt-in feature), tức người dùng sẽ cần phải bật nó lên đã thì mới dùng được. Tiếp theo, ngay cả khi đã kích hoạt tính năng này thì mật khẩu mạng internet cũng không hề bị chia sẻ làm lộ ra.
Lần nữa, tính năng này cũng không thật sự là một tính năng mới tinh tình tình. WiFi Sense thực tế đã có mặt trên các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Windows Phone 8.1 ra mắt hồi năm ngoái, nhưng chỉ đến Windows 10 thì mới được mang lên cho máy tính. Và tính năng này sẽ cho phép người dùng toàn quyền quyết định có chia sẻ thông tin đăng nhập mạng Wi-Fi với bạn bè hay không.
Ngay cả khi đã bằng lòng chia sẻ với một nhóm bạn bè hay người thân nào có trong danh sách Contact hay Friend's list của Facebook thì những người này cũng hoàn toàn không biết gì về mật khẩu của mạng WiFi đang sử dụng, họ chỉ đơn giản là được tự động đăng nhập vô sử dụng internet mà thôi.
Các doanh nghiệp làm quảng cáo sẽ có thể nhận dạng người dùng một cách dễ dàng
Trên đời này trừ những gì cha mẹ dành cho con cái ra thì không bao giờ có cái gọi là bữa ăn miễn phí, người bỏ ra cho sẽ tìm cách có lại được điều họ muốn không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Microsoft đã cho nâng cấp miễn phí Windows 10 (đối với những người dùng phiên bản điều hành hợp pháp trước nó) thì tất nhiên họ có quyền nhận lại một điều gì đó. Điều nay nghe hợp lý chứ?
Và cách mà công ty Microsoft nhận lại là thông qua Windows 10 tạo một ID duy nhất phục vụ cho mục đích quảng cáo đối với mỗi người dùng trên mỗi thiết bị (cũng như cách hệ điều hành Windows 8 đã làm trước đây thôi). ID ấy có thể được sử dụng bởi các nhà phát triển ứng dụng và trò chơi, các mạng quảng cáo, bản thân Microsoft, và các công ty bên thứ ba khác để phân tích rồi từ đó gửi các thông báo quảng cáo hướng đối tượng đến màn hình người dùng.
Tính năng này được kích hoạt mặc định nhưng cũng có thể hủy kích hoạt một cách dễ dàng. Người dùng thực hiện như sau, click chọn Start > Settings > Privacy > General, và tắt mục “Let apps use my advertising ID for experiences across apps” đi. Một khi đã tắt tùy chọn này đi thì ID của người dùng sẽ được tự động reset và ngay tức khắc giúp cho họ ẩn áu khỏi những cặp mắt tò mò từ các nhà quảng cáo tài ba.
Trong trường hợp bạn là người dùng cực kỳ dị ứng với các tiết mục quảng cáo, bạn có thể đồng thời click chọn “Manage my Microsoft advertising and other personalization info” ở đáy màn hình. Khi ấy bạn sẽ được dẫn đến một trang web nơi cho phép lựa chọn tránh mọi quảng cáo trên trình duyệt đang dùng lẫn quảng cáo đến từ việc sử dụng tài khoản trực tuyến Microsoft Account.
Cortana đang theo dõi người dùng
Việc kích hoạt trợ lý ảo Cortana sẽ giúp mang đến những trải nghiệm cá nhân thú vị cùng với những đề xuất liên quan, để làm được điều này thì công ty Microsoft sẽ tiến hành thu thập và sử dụng nhiều dạng thông tin dữ liệu từ người dùng, chẳng hạn như vị trí, thông tin ghi chú trên lịch dùng, các ứng dụng đang sử dụng, dữ liệu từ email và tin nhắn văn bản, người dùng gọi cho ai, những ai có trong danh sách liên lạc và tần suất tương tác với những người này như thế nào khi dùng thiết bị... Cortana đồng thời học hỏi được cách người dùng sử dụng thiết bị và các dịch vụ khác của Microsoft như thế nào, chẳng hạn như sở thích âm nhạc, thiết lập đồng hồ báo thức, biết được liệu màn hình khóa có đang được bật hay không, biết cả người dùng xem gì và mua gì, biết luôn cả loại trình duyệt người dùng chọn sử dụng và lịch sử tìm kiếm với Bing v.v.
Vì sao Cortana lại có khả năng quan sát và giám sát ghê gớm đến như vậy? Bởi rất đơn giản rằng Cortana là lời đáp trả của công ty Microsoft dành cho các trợ lý ảo Siri của Apple và Google Now của Google. Cô trợ lý ảo của Microsoft sẽ giúp người dùng trả lời mọi truy vấn, lên lịch các cuộc hẹn, luôn được cập nhật mọi tin tức nóng sốt nhất mà người dùng quan tâm...
Và để nhận được sự phục vụ tận tình ấy thì người dùng không có cách nào khác là phải chấp nhận để em này thu thập tất tần tật thông tin dữ liệu thôi.
Lưu ý quan trọng dành cho những người dùng không thích cảm giác bị chõ mũi quá nhiều vào đời tư là Cortana không được kích hoạt mặc định, khi người dùng sử dụng tính năng tìm kiếm ở thanh Search Bar thì nó chỉ tìm kiếm loanh quanh trong máy tính và trên mạng Internet để có được câu trả lời cho truy vấn từ người dùng, ngoài ra Cortana cũng sẽ không phản hồi lại khi người dùng ra lệnh bằng giọng nói cho đến khi nào người dùng tự nguyện dâng hiến cuộc đời cho em nó bằng cách nhấn nút kích hoạt.
Kết
Trên đây là những điểm nóng về sự xâm phạm quyền riêng tư của người dùng của hệ điều hành Windows 10. Các bạn nghĩ sao về chúng? Liệu có công bằng để đổi lại sự tiện nghi và "miễn phí nâng cấp" hay quá đáng? Liệu công ty Microsoft có nên cởi mở hơn về những thông tin họ thu thập? Hãy cho diễn đàn biết ý kiến của các bạn ở bình luận bên dưới.
Nguồn Make use of