Ðề: Re: Ðề: Bụi Đời Chợ Lớn - Những điểm hay của phim
Tui mạn phép trình bày 1 số quan điểm cá nhân theo các câu hỏi của DanielTran.
Câu 6: Nếu 1 quốc gia hội đủ các yếu tố luật pháp nghiêm minh (góc độ thực thi), dân trí cao, kinh tế giàu có, chất lượng cuộc sống tốt thì người dân sẽ không có bức xúc. Từ đó người dân có xem phim bạo lực thì cũng không bị ảnh hưởng (khi đó phim bạo lực sẽ xếp vô thể loại viễn tưởng ở quốc gia đó). Nhưng thực tế hiện nay chưa có bất kì quốc gia nào hội đủ được các yếu tố đó cho mọi người dân (lưu ý là cho mọi người dân chứ không chỉ cho 1 bộ phận người dân). Hay nói cách khác sẽ luôn có 1 bộ phận người dân (thay đổi từ ít đến nhiều tùy từng quốc gia) dân trí thấp, kinh tế khó khăn, chất lượng cuộc sống kém, xem thường pháp luật. Từ đó bộ phận này rất dễ bức xúc và khi xem phim bạo lực thì sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất. Và mặc dù chỉ là 1 bộ phận nhưng bộ phận này khi bị ảnh hưởng có thể gây nguy hiểm cho phần còn lại. Cho nên lệnh cấm là để đảm bảo an toàn cho phần còn lại khỏi sự đe dọa của 1 bộ phận.
Câu 4, câu 5: Một bộ phận ở trên sẽ ít có điều kiện ra rạp hơn phần còn lại. Nhưng đã cấm thì đương nhiên phải cấm phát hành dưới mọi hình thức. Còn việc mặc dù cấm nhưng người dân bằng cách này hay cách khác vẫn coi được thì trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải làm tốt hơn nữa trong việc chế tài chứ không thể vì thế mà khỏi cấm.
Câu 3: Cá nhân tui xem phim bạo lực rồi tuy không nhiều. Bạo lực như trong phim cũng chưa. Tại sao chưa thì thứ nhất là tui may mắn chưa bị rơi vào những tình huống ngặt nghèo như các nhân vật trong phim; thứ hai là tui cũng may mắn được ăn học đàng hoàng, kinh tế không tệ và chất lượng cuộc sống không tồi.
Câu 2: Phim bạo lực ảnh hưởng đến người dân nước nào nhiều hơn thì phải xem lại các yếu tố ở câu 6 của quốc gia đó.
Câu 1: Hình như không chỉ cấm phim Việt Nam bạo lực, phim nước ngoài bạo lực quá cũng bị cấm hoặc yêu cầu cắt bỏ phần bạo lực. Nhưng phim nước ngoài có vẻ không bị làm gắt gao như phim Việt Nam. Điều này tui nghĩ là do con người (1 bộ phận ở câu 6) dễ bị ảnh hưởng từ những gì gần gũi quen thuộc hàng ngày với mình hơn. VD đọc báo thấy có vụ giết người ở Mỹ thì chả lo lắng ảnh hưởng gì mấy nhưng nếu vụ giết người này ngay tại khu phố mình đang ở thì sẽ khác.
Cảm ơn bác thich_xem_phim, tuy bác nói đây là quan điểm cá nhân, nhưng Daniel biết đây là quan điểm rất phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người, và tuy hơi lạc đi so với chủ đề, nhưng qua đây cho phép Daniel có dịp bàn sâu hơn về hai lối tư duy, cổ điển và hiện đại.
Lối tư duy cổ điển, đang rất phổ biến, Daniel vẫn đặt riêng cho nó một cái tên, là lối tư duy nhị phân. Kiểu suy nghĩ này là rất cầu toàn, hoặc tôi đúng thì anh sai, đã là việc này đúng thì phải làm.
Lối tư duy hiện đại, dựa trên sự cân nhắc, so sánh các giải pháp, và tìm ra phương thức tối ưu, hoặc nói như trong Argo của Ben Afleck, là tìm ra giải pháp ít tồi hơn cả trong vô số các giải pháp tồi.
Ví dụ, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua ở Hà Nội, người ta tìm ra được 4 em rớt trong số hàng chục nghìn em đi thi. Tất nhiên kết quả của một kỳ thi có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau, nhưng quan trọng hơn cả trong cách nhìn của xã hội và toàn bộ thí sinh, là để phân loại và cấp bằng. Chi phí cho kỳ thi được tính ra khoảng 4 tỷ đồng. Nói cách khác Hà Nội đã bỏ ra 4 tỷ đồng để loại ra được 4 em học sinh kém. Đây là giải pháp của lối tư duy nhị phân. Trong khi đó lối tư duy tối ưu hóa sẽ thấy rằng việc làm này vô cùng lãng phí, không chỉ tiền bạc là thứ tính ra được, còn là lãng phí cả thời gian và tâm huyết của hàng chục nghìn học sinh và gấp đôi số ấy các phụ huynh. Lối tư duy tối ưu hóa sẽ thấy rằng bãi bõ kỳ thi này là cách tốt hơn. Thậm chí nếu vẫn muốn giữ lại kỳ thi, thì dựa trên kết quả thống kê của hàng chục năm qua, có thể miễn thi cho tuyệt đại đa số các học sinh khá và giỏi, những em mà đi thi thì xác suất đậu thống kê được là trên 90% chẳng hạn.
Ví dụ, nếu xét thấy việc cấm phim bạo lực là cần thiết, lối tư duy nhị phân sẽ quyết định cấm nó, và lờ đi vờ như không biết rằng thực ra lệnh cấm đó không có giá trị gì cả, vì người ta có thể tiếp cận bộ phim qua các kênh thông tin khác hơn là rạp chiếu. Tất nhiên họ có thể lý luận rằng về nguyên tắc, cấm là đúng, còn chuyện nó rò rỉ như thế nào là do hiệu quả của hệ thống chấp hành và kiểm soát. Trong khi đó lối tư duy tối ưu hóa sẽ thấy rằng hiệu quả sau cùng của lệnh cấm mới là quan trọng, và sự nghiêm minh của luật pháp không phải là trò đùa. Nhiều lệnh cấm vô giá trị sẽ thách thức uy tín của hệ thống pháp luật, và đánh mất lòng tin, cũng như ý thức tôn trọng luật pháp trong cộng đồng.
Ví dụ, các siêu thị ở VN hay có việc bắt buộc khách phải gửi túi xách trước khi vào mua hàng, nhiều khi vẫn có chuyện xét người khách gây bức xúc vì thiếu tôn trọng nhân phẩm khách hàng, bảo vệ đi đâu cũng nhìn khách vào mua như tội phạm. Lối tư duy để quản lý siêu thị này không khác gì với cách làm kỳ thi tốt nghiệp. Ngược lại cách thức quản lý hiện đại dựa trên tư duy tối ưu hóa, sẽ thống kê rằng thực chất thì tỷ lệ người lương thiện là rất cao, và khi bạn tôn trọng nhân phẩm của người khác thì sẽ khuyến khích người khác tôn trọng nhân phẩm của chính họ. Các siêu thị hiện đại ở nước ngoài gắn chip RFID vào từng món hàng, lắp camera quan sát khắp nơi và dán bảng thông báo rằng toàn bộ siêu thị đều có hệ thống an ninh. Khách hàng được tự do mang túi xách vào trong, và siêu thị chấp nhận có một tỷ lệ nhỏ trộm vặt nhất định, để đem lại sự thoải mái và môi trường mua sắm văn minh cho đa số khách hàng. Thực sự thì có một phong trào người Việt làm nghề ăn cắp tại các siêu thị nước ngoài và nhất là ở Nhật, nhờ vào cơ chế thoáng này. Nhưng không vì vậy mà các siêu thị đó thay đổi cách quản ý của họ.
Ví dụ, tệ nạn mua bán dâm là thứ về nguyên tắc là sai trái đạo đức, nên bị cấm. Lối tư duy nhị phân ban ra lệnh cấm, cấp lương cho các lực lượng đi bắt gái. Thế là xong. Còn chuyện thực tế mãi dâm lan tràn khắp nơi, đủ mọi hình thức biến tướng, thì chẳng sao cả! Cứ giả vờ không nghe không thấy không biết là được. Lối tư duy hiện đại nhìn thấy ở đây là nhu cầu của xã hội có thật, lối tư duy hiện đại không áp đặt chủ quan, mà chỉ tìm cách hạn chế mặt tiêu cực của thực tế khách quan. Nó phân vùng lại, giải tỏa lực lượng bảo kê, khám sức khỏe và bảo hiểm cho gái được hành nghề tự nguyện và an toàn. Nó tạo điều kiện cho những người không có điều kiện lập gia đình được giải quyết sinh lý dễ dàng trong sự tôn trọng tối đa nhân phẩm của họ. Tất nhiên nó cũng không thể ngăn cản những tay nhà giàu rửng mỡ dù đã có vợ nhưng vẫn đi chơi gái. Những tay này thì quản lý kiểu nào họ vẫn chơi được thôi. Cũng thông tin thêm là, đã có những nghiên cứu liên quan đến việc nếu như tự do hóa mua bán dâm thì có làm giảm tội phạm hiếp dâm hay không? Một nghiên cứu của một TS người Mỹ năm 2004 cho biết nếu Mỹ được tự do hóa mãi dâm thì sẽ giảm tỷ lệ hiếp dâm 25% tương ứng với giảm đi 25 000 vụ hiếp dâm mỗi năm trên toàn nước Mỹ. Là một nước theo công giáo, người Mỹ vẫn còn tranh cãi vấn đề này rất nhiều vì nó mâu thuẫn với đức tin của họ. Có thể nói, đức tin cũng là một lực lượng mạnh mẽ hậu thuẫn cho lối suy nghĩ kiểu cũ.
Trở lại quan điểm dùng lệnh cấm là để đảm bảo an toàn cho phần còn lại khỏi sự đe dọa của 1 bộ phận. Điều này về nguyên tắc là hoàn toàn đúng. Nhưng vấn đề là tỷ lệ giữa hai nhóm là bao nhiêu?
Có đáng bỏ ra 4 tỷ đồng riêng ở HN và hàng trăm tỷ đồng trên cả nước, cùng với hàng trăm ngày giờ công của các phụ huynh, hàng triệu giờ ôn tập như vẹt của các học sinh, để tìm ra 4 em học kém ở HN, cho đến vài trăm em trên cả nước? Nếu bắt buộc phải loại trừ những phần tử yếu kém này để tránh ảnh hưởng đến phần còn lại, thì thật sự không có cách gì khác hơn sao?
Người Mỹ vẫn không thể cấm súng, dù tai nạn, tự vẫn và xung đột từ súng khiến hàng nghìn người chết mỗi năm. Ở VN thì không có súng, hoặc nói đúng hơn, chỉ người lương thiện mới không có súng. Còn thì bọn cướp đều muốn là có cả, đến cả bọn trộm chó cũng đã có súng, vừa rồi Hải Phòng bắt được hai vợ chồng còn chế tạo được những khẩu súng hình dáng như cây bút rất tinh xảo. Tất nhiên ở đây không bàn đến việc cho người dân dùng súng, nhưng bởi vì người ta đâm chém nhau bằng dao rất nhiều, vậy tiến đến có nên cấm bán dao kéo trên cả nước?
Có một điều rất thú vị là khi Daniel xem các bình luận trên những trang tin có kiểm duyệt bình luận, ví như vnexpress, thì đa số các ý kiến đều cho rằng bộ phim quá bạo lực, xứng đáng bị cấm, và thậm chí phải cấm nó ngay từ khi làm phim, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến một xã hội đã có quá nhiều bạo lực. Điều thú vị ở đây là, tại sao những người này khi xem một bộ phim bị cho là có quá nhiều bạo lực như BĐCL, thì cảm giác chung của đa số họ nhận được từ phim đều là ghê tởm bạo lực, đều muốn cấm; thì cái logic nào khiến họ nghĩ rằng người khác xem phim lại không phản cảm như họ, mà ngược lại có thể bị tác động dẫn đến chạy ra đường chém giết như trong phim?
Rõ ràng có một thứ tiêu chuẩn kép ở đây, khi mà tôi xem phim này không sao, tôi thấy phản cảm, nhưng những người khác thì sẽ bị ảnh hưởng, do đó tôi cấm. Như vậy yếu tố góp phần xúc tác gây ra bạo lực xã hội, nếu có, không phải đến từ phim mà đến từ sự khác biệt nào đó của hai nhóm khán giả. Đã không phải là nguyên nhân, tại sao lại đòi cấm phim? Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ?
Nó hao hao như là, tôi cầm đồng tiền thì không sao, người khác cứ có tiền là tha hóa, ăn chơi hưởng thụ, cờ bạc đĩ điếm; cho nên cấm không được sử dụng tiền nữa! Hoặc là cứ đưa hết tiền cho tôi dùng! :-D