
Trong phần trước chúng ta đã tìm hiểu sơ qua về DOF, phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về các chế độ đo sáng của máy ảnh.
Tại sao hiểu và vận dụng các chế độ đo sáng lại quan trọng?
Vài chục năm trước khi các bác thợ ảnh chụp ảnh dịch vụ bên bờ hồ Hoàn Kiếm phải thuộc lòng các nguyên tắc mở khẩu, tốc độ để làm sao cho ra được tấm hình đúng sáng. Tại sao vậy? Vì thời đó máy ảnh chủ yếu là máy cơ hoàn toàn, người chụp phải tính toán xem với phim này thì khẩu mở f/5.6 thì tốc phải bao nhiêu để cho ảnh không bị cháy hoặc tối.
Ngày nay những chiếc máy ảnh KTS đã giúp cho người dùng dễ dàng chụp được những bức ảnh đúng sáng mà không cần phải nhớ nhưng nguyên tắc rắc rối nữa. Vậy bộ phận nào giúp chúng ta vậy? Trong máy ảnh KTS ngày nay có trang bị cảm biến đo sáng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh, ánh sáng và mục đích chụp khác nhau cho nên máy ảnh cũng có những chế độ đo sáng khác nhau. Hiểu và vận dụng những chế độ này một cách chính xác sẽ giúp người chụp dễ dàng có được những bức ảnh như ý. Các chế độ đo sáng này có hầu hết trên tất cả các máy ảnh compact hay DSLR (các máy cao cấp thì có thêm một vài chế độ đo sáng giúp đo sáng chính xác hơn).
Chế độ đo sáng có nghĩa là máy sẽ giúp bạn tính toán xem ISO, khẩu, tốc bao nhiêu để cho ra kết quả một bức ảnh đúng sáng.
Dưới đây là một số chế độ đo sáng cơ bản
1/Center-Weighted Metering (đo sáng trung tâm)
Là chế độ đó sáng ưu tiên ở vùng giữa khung ngắm và tính trung bình các phần còn lại. Chế độ này phù hợp với chủ thể chiếm nhiều khung hình như chụp chân dung đặc tả, hay chụp các con vật và thú nuôi…

2/Spot Metering (đo sáng điểm)
Chế độ đo sáng điểm chỉ đo sáng tại điểm lấy nét. Phù hợp với chụp một vật thể nhỏ hoặc bông hoa. Chế độ này thường có trên các máy ảnh DSLR (ít thấy trên compact).

3/ Partial Metering (Đo sáng một phần)
Đây có thể coi là “mở rộng” của đo sáng điểm. Máy sẽ đo sáng khoảng 10% của khung ngắm (đo sáng điểm chỉ đo khoảng 2,3%). Chế độ này thường được sử dụng trong các cảnh ngược sáng khi sự chênh lệch lớn giữa vùng tối và vùng sáng. Khác với chế độ đo sáng trung tâm, chế độ này chỉ đo ở trung tâm mà không tính trung bình các phần còn lại.

4/ Evaluative metering (Đo sáng toàn cảnh)
Thường là chế độ cài đặt mặc địch của hầu hết các máy ảnh du lịch. Chế độ này đo sáng toàn bộ khung hình. Chế độ này phù hợp với các cảnh không có sự chênh sáng lớn. Máy sẽ phát hiện và đo sáng chủ thể, hậu cảnh sau đó tính toán để đưa ra kết quả tốt nhất.

Kết luận
Nếu bạn nhìn qua khung ngắm thấy ánh sáng đồng đều bạn có thể sử dụng chế độ đo sáng toàn cảnh để cho kết quả tốt nhất, nếu chủ thể là một phần quan trọng của bức hình bạn sử dụng đo sáng điểm, nếu chủ thể chiếm trọn khung hình bạn có thể sử dụng chế độ đo sáng trung tâm, còn với ánh sáng phức tạp, chênh sáng lớn bạn có thể sử dụng chế độ đo sáng một phần.
Vì vậy hiểu và vận dụng các chế độ đo sáng đúng sẽ giúp ích người chụp rất nhiều. Tuy nhiên máy ảnh cũng chỉ là cái máy, nhiều khi sử dụng đúng chế độ đo sáng nhưng máy vẫn đo sai vì vậy chúng ta phải +- EV. Phần sau sẽ nói rõ thêm về +- EV.
Chúc các bạn có những tấm hình như ý.
Tham khảo tài liệu của Canon và exposureguide.com