Ðề: Bi, đừng sợ [2010] - phim của Phan Đăng Di gây nhiều dư luận trái chiều
Tình cờ đọc được bài bình luận này của một blogger. Có một nhận xét nhỏ là những ý kiến khen phim thì viết khá dài, phân tích kỹ, có những khám phá thú vị. Ngược lại những ý kiến phê phán thường viết ngắn, ít phân tích mà thay vào đó là bày tỏ cảm xúc là chính.
===================
- Tôi không có nhu cầu xem lắm đối với phim VN, kể cả những phim gây đình đám như Bi hay Cánh đồng bất tận. Sự ham muốn xem Bi chỉ đến khi tình cờ tôi xem trailer với hình ảnh được quay rất đẹp.
- Hình ảnh (có được) trong phim phải nói là đã được dàn dựng rất kỹ. Từng khung hình hiện ra vững chắc, đẹp và đầy chất điện ảnh, cho dù đó là đoạn quay ngoại cảnh hay cảnh hẹp. Cách đặt nguồn sáng cũng rất điêu luyện làm cho cảnh hẹp trong phòng tối vẫn đủ ánh sáng và tạo ra một thứ “không khí” rất ấm cho mỗi cảnh quay.
- Tôi thích góc quay “người thứ ba” tạo cho người xem có cảm tưởng họ là người quan sát câu chuyện hơn là mượn một nhân vật nào đó làm góc nhìn chính (mặc dù với nhan đề Bi và một vài cảnh có thể khiến người ta suy nghĩ cả bộ phim là góc nhìn của Bi - vì nhiều cảnh không liên quan nối tiếp nhau khiến người xem dễ liên tưởng đến cái nhìn từ cậu bé 6t (?)). Góc quay này khiến bộ phim là một chuỗi sự kiện xảy ra trước mắt (nó nêu ra vấn đề, không nhất thiết phải có nghĩa vụ giải quyết vấn đề).
- Cách sắp đặt background cho từng cảnh quay cũng được chú ý kỹ. Đồ đạc trong nhà, bối cảnh trong nhà máy làm nước đá, cảnh bãi lau, bờ ghềnh hay khu đất trống đều được sắp xếp cẩn thận và tự bản thân chúng tạo nên một thứ ngôn ngữ không lời. Tôi thích cảnh bãi cọc ở bờ ghềnh khi đá, cọc xi măng cố định còn 2 con người “cố gắng” di chuyển trong nó.
- Bi mô tả cuộc sống hiện thực của Hà nội ở những cảnh quán nhậu, quán cafe mù mờ, nhớp nhúa, hay trong căn nhà cổ nơi 3 thế hệ cùng sinh sống. Không có Hồ gươm, không có Văn miếu hay những landmark tiêu biểu của Hà nội. Ngoại cảnh mang tính “du lịch” nhất là cảnh bãi sông Hồng và cánh đồng cuối phim cùng với những sinh hoạt gia đình trong phim khiến cho Bi bật lên được không khí Bắc bộ rõ rệt.
- Tôi thích cách Di chăm chút cho từng chi tiết nhỏ của phim nhằm mô tả những thói quen tập quán của một thời (có lẽ là thời thơ ấu của Di??). Như cảnh Bi và những đứa nhỏ nghịch ngợm rất con nít: lang thang ngoài bãi sông, bắt châu chấu, hái dưa hấu, ném trái táo vào khay nước làm đá lạnh hay cảnh thổi bong bóng, hít hơi bong bóng làm đổi giọng hay cảnh cả đám học sinh tắm mưa đá bóng ngoài bãi sông. Khán giả hiện tại có thể thấy những chi tiết này xa lạ nhưng những người đã trải qua nó cảm thấy thân thuộc.
- Về nội dung, Bi thể hiện một thực trạng xã hội từ lối sống của một gia đình. Gia đình trong phim không hẳn là phổ biến đến mức điển hình nhưng cũng không hề là cá biệt. Người xem đều có thể liên hệ đến hoàn cảnh thực của những gia đình ngoài xã hội, không hề xa lạ.
- Bi là phim có cốt truyện tuyến tính không rõ ràng, cắt chuyển cảnh đột ngột, nhiều cảnh không ăn nhập lắm với đường dây câu chuyện nhưng mang tính ẩn dụ cho cảm xúc là chủ yếu. Đoạn ông già (ông nội Bi) 2 lần ngã xuống như báo hiệu cái chết sắp tới, dù nó chả ăn nhập mấy đến những cảnh trước và sau nó. Cảnh này tuy không lồng soundtrack nhưng làm tôi liên tưởng đến phong cách của David Lynch và Mulholland Dr.
- Xem Bi ai cũng thấy sự nhu nhược đến mức vô tích sự của đàn ông Việt Nam (mà nhân vật bố Bi đại diện). Gã là thành viên trụ cột của gia đình nhưng người xem luôn cảm thấy gã đứng ngoài mọi hoạt động của gia đình. Có thể thấy rõ rệt sự chán ngán đó qua nét mặt bố Bi mỗi khi “phải” hiện diện ở ngôi nhà của mình.
- Bên cạnh sự “vô trách nhiệm” và “vô tích sự” của bố Bi thì sự quán xuyến gần như tất cả của nhân vật mẹ Bi cũng là một nét nổi bật. Đó những nỗi niềm chất chứa, kìm nén đòi hỏi sự giải thoát ở cả thể xác lẫn tinh thần. Mà vẫn phải tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó, qua hình ảnh mẹ Bi, chúng ta có thể thấy phần nào vai trò cực kỳ quan trọng của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam: mường tượng đâu đó vẫn chịu ảnh hưởng của mẫu hệ mặc dù VN chịu ảnh hưởng khá nặng Nho giáo và phụ hệ. Rằng người phụ nữ mới là người quyết định và thực thi mọi chuyện của gia đình. Xuyên suốt phim, Di không cố tình mô tả sự mâu thuẫn giữa “mẫu hệ” và “phụ hệ” trong nhân vật mẹ Bi nhưng nó vẫn len lỏi và đôi khi nổi bật lên trong từng phân đoạn có mẹ Bi. Ẩn ức tình dục cũng chỉ là một “triệu chứng” cho sự mâu thuẫn này.
- Đối với nhân vật cô Thúy của Bi, tôi nghĩ Di rất thẳng thắn mô tả một lớp phụ nữ từng là đa số của xã hội VN mười mấy năm về trước và (tôi nghĩ) đã giảm đi khá nhiều trong xã hội VN hiện nay. Ấn ức tình dục trong phim cũng thể hiện rõ qua nhân vật này hơn cả.
- Sex trong Bi, đừng sợ, cái mà nhiều người quan tâm, được mô tả khá trần trụi nhưng hợp lý. Nó cần người xem có nhiều trải nghiệm không chỉ với tình dục mà còn là sự chín chắn và kiến thức xã hội để có thể cảm nhận hết. Cảnh sex trần trụi nhưng không dung tục như phim của Tinto Brass mà phần nào gợi nhớ đến Peter Greenaway hơn.
- Một điều tôi cảm thấy Bi, đừng sợ “dễ xem” là phim không có những khung hình chật chội, u tối không lối thoát như Đèn lồng đỏ treo cao của Trương nghệ mưu hay Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca. Chúng vẫn là những hình ảnh tươi sáng, rộng mở mặc dù không hẳn là đem lại sự lạc quan cho khán giả theo dõi. Tính “melodrama” và mâu thuẫn của từng nhân vật cũng không được đẩy lên cao mà (một lần nữa) Bi, đừng sợ chỉ có tính kể chuyện chứ không khắc họa cao trào mâu thuẫn như những phim 3 hồi thông thường.
- Điều chưa được ở Bi có lẽ vẫn là căn bệnh quen thuộc của điện ảnh VN: đối thoại. Đối thoại đôi chỗ không thực sự liền mạch, đôi chỗ gây khó chịu. Tình cờ là những cảnh đối thoại dở đều nằm ở cảnh đối thoại giữa 2 nhân vật Bắc-Nam như cảnh bố mẹ Bi, cảnh cô Thúy và gã đàn ông cai thầu bên bàn ăn. Giọng Nam cố gồng cho ra giọng Bắc của mẹ Bi cũng làm tôi khá khó chịu.
- Tóm lại, Bi, đừng sợ là một phim hay, ấn tượng của điện ảnh Việt Nam, một phim đầu tay tuyệt vời của đạo diễn Phan Đăng Di. Tuy nhiên, nó không quá “ghê gớm” như lời chê của những người ghét và cũng không quá mức “xuất sắc tuyệt đối” đối với lớp khán giả “ám ảnh” nó. Điều đáng mừng là phim tạo được dư luận và cả khán giả, cho dù một số khán giả đi xem phim chỉ vì nghe “phong phanh” phim có nhiều cảnh sex.
Mã:
http://siriusstar.tumblr.com/post/4221900546/mot-vai-suy-nghi-tu-bi-ung-so