Gần nửa năm sau khi thông báo nhượng lại bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp cho VPF với giá 0 đồng, AVG xuất hiện trở lại ở một sự kiện rất đáng chú ý khác cũng liên quan tới vấn đề bản quyền truyền hình, tuy có khác là lần này AVG chỉ tham dự với vai trò của một thành viên trong liên minh truyền hình Việt Nam do AVG kêu gọi thành lập để ứng phó với cuộc chiến bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đang có dấu hiệu gia tăng khủng khiếp.
“Thả gà ra đuổi”
Trong khoảng chục năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành thị trường béo bở với các nhà cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài, bởi cứ vài năm lại có một cái tên mới chen chân vào ngành “công nghiệp” kinh doanh truyền hình trả tiền ở Việt Nam, mà với những kẻ “lạ nước lạ cái” như thế, không có biện pháp thu hút nào để thu hút khách hàng và gia tăng thuê bao tốt hơn là việc tìm cách sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng của một hay một số giải đấu được người hâm mộ Việt Nam quan tâm.
Vậy nên mới có chuyện những giải bóng đá chỉ có ý nghĩa ở Đông Nam Á như AFF Cup cũng bị thét giá gần 2 triệu USD cho một kỳ giải, xấp xỉ giá bản quyền của World Cup hay EURO, những bữa đại tiệc thực sự của bóng đá thế giới, còn món ăn tinh thần quen thuộc của người hâm mộ Việt Nam là giải Ngoại hạng Anh thì ngày càng trở nên đắt đỏ tới mức khó chấp nhận. Tất nhiên, “con gà” này không phải tự nhiên lại có, mà đấy là “sản phẩm” do chính các Đài truyền hình và đơn vị sản xuất truyền hình trả tiền thả ra trong cuộc chiến tranh giành thị phần ở Việt Nam.
Như TT&VH đã phân tích ở những số báo vừa qua, vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế ở Việt Nam, cụ thể là giải Ngoại hạng Anh, đã trở nên rất đáng báo động, và nếu chúng ta không sớm tìm ra giải pháp để xoá bỏ tình trạng “gà nhà đá nhau cho người ngoài hưởng lợi” như mấy năm qua thì sẽ có ngày chi phí để theo dõi bóng đá quốc tế trên truyền hình vượt qua khả năng thanh toán của số đông người hâm mộ và lúc ấy thì các Đài truyền hình và hệ thống truyền hình trả tiền chỉ còn biết khóc dở mếu dở với những giải bóng đá quốc tế mà họ chi ra hàng chục triệu USD để mang về mà thôi.
Nếu các Đài truyền hình cùng nhau hợp tác, người hâm mộ sẽ được lợi. Ảnh: AFP
Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, việc các đơn vị sản xuất truyền hình ở Việt Nam trực tiếp cử đại diện làm việc với BTC giải Ngoại hạng Anh để thương thảo mua tận gốc món ăn tinh thần hấp dẫn này thực sự chẳng có gì phức tạp, bởi truyền hình bây giờ không chỉ có bóng đá, mà còn có phim ảnh, ca nhạc, game show và hầu hết trong số đó đều mua bản quyền từ nước ngoài. Bản thân một người trong cuộc là PGĐ VTC Vũ Quang Huy khi trả lời TT&VH ngày 28/9 vừa qua cũng xác nhận chúng ta hoàn toàn có thể thương thảo trực tiếp với đơn vị thực sự sở hữu bản quyền để giảm thiểu chi phí tối đa.
Nói không với trung gian
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chúng ta lại không trực tiếp làm điều đó, mà cứ phải chịu mua với giá cắt cổ qua trung gian như hơn 10 năm qua, và tới mức để một nhà phân phối nước ngoài như MP&Silva đưa ra lời đề nghị “khiếm nhã” là các đài, hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam không nên cạnh tranh với MP&Silva trong việc tham gia cuộc đấu giá do BTC Premier League thực hiện, và hãy để MP&Silva đứng ra làm đại diện rồi sau đó nếu mua được sẽ phân phối lại cho các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Tại sao một công ty 100% nước ngoài như MP&Silva lại có quyền yêu cầu đứng ra làm đại diện cho truyền hình Việt Nam ở một cuộc đấu giá bản quyền có phạm vi quốc tế, trong khi lẽ ra đây là nhiệm vụ đương nhiên của các đơn vị truyền hình Việt Nam để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như lợi ích của những khách hàng mà họ đang phục vụ. MP&Silva chỉ là một doanh nghiệp nước ngoài với triết lý chủ đạo là mưu cầu lợi nhuận càng nhiều càng tốt, nên đừng ai hy vọng vào việc họ sẽ đấu tranh cho quyền lợi của người hâm mộ Việt Nam bằng cách trổ hết tài nghệ đàm phán với BTC giải Ngoại hạng Anh để mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh với giá thấp nhất có thể rồi phân phối lại với giá ưu đãi cho các đơn vị truyền hình Việt Nam.
Theo thông lệ ở các cuộc đấu giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh, bất kỳ một pháp nhân Việt Nam hay nước ngoài nào đều có thể tham gia đấu giá, các Đài truyền hình, hãng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các công ty truyền thông đều có thể tham gia. BTC giải Ngoại hạng Anh sẽ cân nhắc các yếu tố như tiền đấu giá, uy tín, khả năng quảng bá bóng đá Anh đến đông đảo người xem để quyết định phần thắng, nhưng nhân tố quan trọng nhất vẫn là số tiền trả cho BTC giải Ngoại hạng Anh.
Liên minh truyền hình Việt Nam hay 200% cơ hội chiến thắng
Xét theo các tiêu chí kể trên của BTC giải Ngoại hạng Anh thì nếu thực sự có một liên minh truyền hình Việt Nam với sự góp mặt của VTV, VTC, HTV TP.HCM, HTV Hà Nội, Công ty Truyền hình Cáp Saigontourist, Công ty TNHH Một thành viên Truyền hình Cáp Việt Nam, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam và AVG như đề nghị mà AVG gửi cho các đơn vị này vào ngày 28/9 vừa qua thì liên minh này sẽ có ưu thế áp đảo so với MP&Silva, và cơ hội chiến thắng của liên minh này trong cuộc đấu giá mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh gần như sẽ là 200% chứ không phải 99% như MP&Silva tự nhận về cơ hội chiến thắng của họ.
Tuy nhiên, vấn đề là các đơn vị truyền hình Việt Nam phải thật sự có thiện chí hợp tác cùng nhau, không bên nào “đi đêm” với những nhà phân phối trung gian như MP&Silva hoặc BTC giải Ngoại hạng Anh để tìm cách sở hữu độc quyền bản quyền giải Ngoại hạng Anh. Chỉ khi nào các đơn vị truyền hình Việt Nam đạt được sự nhất trí cao độ bằng cả văn bản cũng như hành động cụ thể trong vấn đề hợp tác mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh và cả một số giải bóng đá quốc tế đáng chú ý khác thì lúc đó những trung gian nước ngoài như MP&Silva mới hết đất sống ở Việt Nam, và nhờ thế lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân mới cùng được bảo đảm.
Nếu các đơn vị truyền hình hợp tác thành công để mua được bản quyền giải Ngoại hạng Anh với giá thấp nhất có thể thì sau đó các đơn vị sẽ tiếp tục họp bàn để phân chia gói bản quyền này sao cho thật hợp lý, tuỳ vào nhu cầu và năng lực sản xuất của từng đơn vị, vì BTC giải Ngoại hạng Anh quy định đơn vị nào giành chiến thắng trong cuộc đấu giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh có thể độc quyền phát sóng hoặc phân phối lại cho các Đài truyền hình, hãng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác.