Apple trao dữ liệu người dùng cho Trung Quốc (1): Lợi nhuận trên hết

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trung Quốc đã và đang có những "biện pháp" để bắt Apple làm việc lại cho mình sau nhiều năm bị gã khổng lồ công nghệ này khai thác. Nhiều tài liệu cho thấy chính phủ nước này đã tận dụng sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc để đạt thỏa thuận với hãng trong việc kiểm soát, quản lý dữ liệu iCloud người dùng và kiểm duyệt ứng dụng tại đây.

Theo The New York Times, trung tâm dữ liệu bí mật của Apple đang xây dựng ở khu vực ngoại ô thành phố Quý Dương, thuộc một tỉnh miền núi nghèo phía Tây Nam Trung Quốc, gần như đã hoàn thiện. Trung tâm này bao gồm các tòa nhà màu trắng không có logo hay bất cứ dấu hiệu gì của Apple, ngoài các lá cờ của công ty treo cạnh Trung Quốc. Khu vực được bao xung quanh bởi một bức tường cao và trên tòa nhà cũng có rất ít cửa sổ để hạn chế tối đa sự "dòm ngó" từ bên ngoài.

Đây là nơi mà Apple sẽ dùng để lưu trữ toàn bộ dữ liệu người dùng iCloud tại Trung Quốc, nhằm tuân thủ quy định an ninh mạng mới của nước này. Đồng thời, nó sẽ do một công ty nhà nước Trung Quốc điều hành. Tim Cook, giám đốc điều hành Apple, từng tuyên bố rằng bảo mật dữ liệu người dùng là nhiệm vụ hàng đầu của công ty. Song, ở các trung tâm dữ liệu lớn đặt ở hai khu vực Quý Dương và Nội Mông, đều đã được nhường lại phần lớn quyền kiểm soát cho chính phủ Trung Quốc.

Gã khổng lồ công nghệ được cho là đã thỏa thuận để các nhân viên chính phủ Trung Quốc quản lý và vận hành máy chủ. Thêm vào đó, Apple đã loại bỏ công nghệ mã hóa dữ liệu mà hãng sử dụng ở những nơi khác, sau khi Trung Quốc yêu cầu. Các lớp khóa kỹ thuật số này dùng để giải mã cũng như bảo mật dữ liệu iCloud, lưu trữ trong trung tâm dữ liệu Apple.

Từ các tài liệu nội bộ thu thập được, các cuộc phỏng vấn với 17 nhân viên và cựu nhân viên, 4 chuyên gia bảo mật cùng nhiều hồ sơ vừa mới được đưa ra trong một vụ kiện tại Mỹ vào tuần trước, The New York Times đã tiết lộ những thông tin bí mật về hoạt động kinh doanh mà Cook thỏa hiệp tại Trung Quốc. Cụ thể, chúng xoay quanh nhiều khía cạnh chưa từng được báo cáo trước đây, chủ yếu nhắm đến việc Apple đã nhượng bộ như thế nào trước những yêu cầu ngày càng bành trướng của chính quyền Trung Quốc.

Tiến vào Trung Quốc

Hai thập kỷ trước, với tư cách là phó chủ tịch phụ trách các hoạt động của Apple, Cook dẫn đầu trong việc đề ra chiến lược xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Bước đi quan trọng này không chỉ góp phần biến Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới, mà còn khẳng định Tim Cook là người duy nhất xứng đáng tiếp quản vị trí mà Steve Jobs để lại. Hiện tại, đất nước tỷ dân vẫn là một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple, đóng góp gần 15% doanh thu trong năm 2020 và là nơi lắp ráp nhiều sản phẩm cho hãng. Tuy nhiên, Trung Quốc đang "ép" Apple phải làm việc ngược lại cho mình.

Tim Cook thường nhắc nhở khách hàng về cam kết của công ty đối với quyền tự do dân sự, quyền riêng tư. Thế nhưng, trước sức ép của Trung Quốc, Apple đã đặt dữ liệu của khách hàng vào tình thế rủi ro cũng như cấp phép cho chính quyền Bắc Kinh được kiểm duyệt trên nền tảng App Store nước này. Sau khi bị các nhân viên chính phủ phàn nàn, hãng thậm chí còn bỏ dòng chữ "Designed by Apple in California" khỏi mặt sau iPhone.

2200893.jpg


Lối vào trung tâm dữ liệu mới của Apple tại Trung Quốc, công trình dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6 năm nay

Nhà lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang đưa ra ngày càng nhiều yêu cầu nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh các công ty phương Tây, và Tim Cook đã nhiều lần đứng lên chống lại những yêu cầu đó. Song, cuối cùng thì CEO Apple vẫn phải nhượng bộ cũng như chấp nhận thỏa thuận với Trung Quốc, về việc lưu trữ, quản lý dữ liệu người dùng và kiểm duyệt ứng dụng. Theo nhiều nguồn tin thu thập được từ các cuộc phỏng vấn với nhân viên và cựu nhân viên.

Một người cho biết: "Việc Apple trở thành bánh răng trong cỗ máy kiểm duyệt cho thấy sức mạnh kiểm soát ghê gớm của Trung Quốc với Internet. Nếu nhìn vào những hành vi của giới chức, bạn sẽ không thấy bất kỳ sự phản kháng nào từ Apple – không có luật lệ nào đứng ra bảo vệ các tuyên bố mà Apple cam kết trước đó".

Thêm vào đó, hành động nhượng bộ này còn cho thấy sự bất ổn trong quan hệ giữa họ và chính quyền Mỹ, khi mà cả cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đều có những đường lối cứng rắn. Ngoài ra, Cook cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm và gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Trung Quốc. Nhà điều hành Apple luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tích cực với họ trong nhiều năm trở lại đây.

Chấp nhận kiểm duyệt

Apple bí mật xây dựng một "bộ máy quan liêu" có tác động mạnh mẽ trong hoạt động kiểm duyệt tại một thị trường lớn như Trung Quốc. Công cụ này chủ động kiểm duyệt nền tảng App Store tại Trung Quốc, dựa vào phần mềm và nhân viên để gắn cờ hoặc chặn ứng dụng không phù hợp với chính sách nước này, thông tin được xác nhận bởi các cuộc phỏng vấn và tài liệu tòa án.

Một phân tích của The New York Times cho thấy, hàng chục nghìn ứng dụng đã biến mất khỏi App Store Trung Quốc trong vài năm qua, nhiều hơn bất cứ cuộc "thanh trừng" nào từng được biết trước đây. Bao gồm nhiều ứng dụng tin tức nước ngoài, dịch vụ hẹn hò đồng tính, ứng dụng nhắn tin được mã hóa… Chưa hết, nó còn chặn các ứng dụng dùng để tổ chức các cuộc biểu tình, hạn chế Internet, hoặc liên quan đến Đức Đạt-lai Lạt-ma.

2200896.jpg


Giám đốc điều hành Apple Tim Cook thường có nhiều chuyến thăm như một chính khách tới Trung Quốc

Các thỏa thuận của Apple khiến họ gần như không thể ngăn chính phủ Trung Quốc truy cập vào email, ảnh, tài liệu, danh bạ, vị trí của hàng triệu người dùng ở Trung, theo nguồn tin được tiết lộ bởi chuyên gia bảo mật và kỹ sư Apple. Táo khuyết tuyên bố họ sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn cho dữ liệu khách hàng, trong khi vẫn tuân thủ luật pháp ở Trung Quốc. Đại diện công ty cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ xâm phạm đến sự bảo mật của người dùng, cũng như dữ liệu của họ tại Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác".

Phát ngôn viên của Apple còn nói thêm, các lớp khóa bảo vệ dữ liệu khách hàng vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Về trung tâm dữ liệu mới, Apple cho biết chúng được trang bị các công nghệ bảo mật mới nhất, tinh vi nhất. Khóa giải mã của họ tại Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ bảo mật tốt nhất, tiên tiến hơn các quốc gia khác. Ngoài ra, công ty khẳng định chỉ gỡ bỏ các ứng dụng vi phạm luật pháp Trung Quốc. Apple cho biết: "Những quyết định gỡ bỏ các ứng dụng này không phải lúc nào cũng dễ dàng, và đôi khi chúng tôi có thể không đồng ý với luật quy định. Tuy nhiên, ưu tiên của công ty vẫn là tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng nhưng không vi phạm các quy tắc mà chúng tôi có nghĩa vụ tuân theo".

Tim Cook đã từ chối tham gia vào cuộc phỏng vấn liên quan đến thông tin trong bài điều tra này. Trong những lần xuất hiện trên truyền thông, giám đốc điều hành Apple đã tuyên bố rằng mặc dù ông thường không đồng ý với luật pháp Trung Quốc, nhưng đây là một thị trường vô cùng quan trọng đối với táo khuyết. "Lựa chọn của bạn là gì: Nếu là bạn, bạn có tham gia không? Hay bạn chọn đứng bên ngoài và la lối trong vô nghĩa?", phát biểu của Cook tại một hội nghị ở Trung Quốc vào năm 2017. "Quan điểm của riêng tôi rất rõ ràng: Dù sớm hay muộn, chỉ cần bạn tham gia, bạn sẽ hưởng lợi từ thị trường này. Còn nếu không, bạn sẽ mãi đứng bên ngoài cùng những thứ không có giá trị", Cook lập luận.

"Cái bẫy lợi nhuận"

Vào năm 2014, Apple đã thuê Doug Guthrie, hiệu trưởng trường Đại học George Washington nhằm giúp công ty thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, quốc gia mà Guthrie dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu. Một trong những dự án nghiên cứu đầu tiên của ông là chuỗi cung ứng Trung Quốc của Apple, với sự tham gia của hàng triệu công nhân, hàng nghìn nhà máy, hàng trăm nhà cung cấp. Nhờ sự giúp sức của chính phủ Trung Quốc, dự án của Guthrie mới trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để mở đường, tuyển dụng công nhân và xây dựng nhà xưởng, nhà máy điện, nhà ở cho nhân viên.

Từ đó, ông Guthrie kết luận rằng không quốc gia nào có thể cung cấp quy mô, nguồn lực, cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ từ chính phủ, tốt hơn Trung Quốc. Hằng năm, công nhân tại các nhà máy sản xuất ở đây lắp ráp gần như mọi chiếc iPhone, iPad và MacBook cho Apple. Trung Quốc cũng là nơi thu về lợi nhuận lớn nhất, nhiều hơn bất kỳ công ty Mỹ nào đang hoạt động tại đây.

2200899.jpg


Apple đã thuê Doug Guthrie vào năm 2014 để giúp công ty điều hướng thị trường Trung Quốc

"Mô hình kinh doanh này chỉ thực sự phù hợp để hoạt động ở Trung Quốc. Do đó, về lâu về dài, bạn sẽ bị ràng buộc với đất nước này" - ông Guthrie chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Chính phủ Trung Quốc đang thông qua ngày càng nhiều đạo luật giúp họ có lợi thế trước Apple, và Guthrie nhận định ông Tập sẽ sớm đưa ra các thỏa thuận buộc hãng phải nhượng bộ. Về phía Apple, Guthrie nhận ra rằng công ty không có một "kế hoạch B" nào để phản kháng. "Hiện giờ, đối với các nhà chức trách Trung Quốc, điều quan trọng không còn là việc ‘Bạn đang đổ bao nhiêu tiền vào Trung Quốc' mà là ‘Bạn mang lại điều gì?'", Guthrie nói thêm.

Guthrie đã đưa ra lời cảnh báo tới một loạt nhà lãnh đạo cấp cao dưới trướng Tim Cook, bao gồm Phil Schiller, giám đốc tiếp thị lâu năm; Eddy Cue, người đứng đầu mảng phần mềm và dịch vụ Internet; Lisa Jackson, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ của công ty; và Jeff Williams, giám đốc điều hành của công ty, người được xem là cánh tay phải của Cook. Dẫu vậy, thời điểm Guthrie đưa ra những lời cảnh báo này, Apple đã bắt đầu "phục vụ" chính phủ Trung Quốc.

Trong đó, một động thái nổi bật trong nỗ lực làm hài lòng giới chức trách Trung Quốc là việc đặt nhiều trung tâm R&D mới tại đây. Tuy nhiên, những trung tâm R&D này đặt ra một dấu hỏi lớn về vai trò của trung tâm R&D chính ở California, một nơi đã gắn liền với hình ảnh Apple trong suốt mấy thập kỷ. Theo Guthrie, tại hội nghị thượng đỉnh dành cho các kỹ sư và nhà thiết kế của Trung Quốc, Apple trình chiếu đoạn video có kết thúc bằng dòng chữ đã ghi trên mặt lưng iPhone trong nhiều năm - "Designed by Apple in California". Nhân viên Trung Quốc đã rất tức giận. Họ hét lên: "Nếu sản phẩm được thiết kế ở California, chúng tôi đang làm cái gì ở đây?".

Guthrie cho biết: "Sự kiện đó đã khiến những nhân viên Trung Quốc kích động mạnh. Họ nổi cơn tam bành". Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc, dòng chữ này bị xóa khỏi mặt lưng các thế hệ iPhone tiếp theo.

Theo VN review​
 

doangtv2

Active Member
Đã kinh doanh thì lợi nhuận phải đặt lên trên hết là đúng rồi!
 
Bên trên