Vậy là hôm nay, sau nhiều thảo luận, chính phủ India đã đi đến quyết định ban bố lệnh kể từ năm 2017 thì tất cả mọi điện thoại trên đất nước này sẽ phải được tích hợp thêm nút báo động khẩn cấp khi chủ nhân gặp nguy hiểm. Nhưng như vậy chưa đủ, năm tiếp theo (tức 2018) thì mọi thiết bị được bán ra phải có thêm công nghệ định vị toàn cầu GPS như tiêu chuẩn bắt buộc, để nhờ vậy sẽ giúp cho các nhà chức trách có thể nhanh chóng xác định vị trí của nạn nhân, đặc biệt là các nạn nhân nữ bị tấn công tình dục. Theo thông tin từ tờ Economic Times của Ấn Độ thì khi nhấn đè lên phím số 5 hoặc 9 đều được trên các dòng điện thoại phổ thông thì ngay lập tức điện thoại sẽ kết nối đến cơ quan cảnh sát. Trong khi đó, với dòng điện thoại thông minh thì các nhà sản xuất cần phải tích hợp nút gọi khẩn cấp trên màn hình hoặc thiết lập để khi nhấn ba lần liên tiếp nút chuyển chế độ sleep/wake của điện thoại sẽ kích hoạt cuộc gọi báo tình trạng gặp nguy hiểm của chủ nhân.
Hơn thế nữa, không chỉ các nhà sản xuất điện thoại trong nước (Ấn Độ) mới bị ép buộc tích hợp thêm nút báo động tình huống chủ nhân gặp nguy hiểm, mà ngay cả các nhà sản xuất nước ngoài như Samsung và Apple cũng bị yêu cầu phải tuân thủ luật mới nói trên. Đây không phải lần đầu tiên các nhà sản xuất đến từ quốc gia khác phải nhượng bộ và thay đổi thiết kế để làm hài lòng chính quyền của quốc gia sở tại. Lấy ví dụ như Nga đã ra luật áp thuế nhập khẩu đến 25% lên tất cả điện thoại thông minh nào không hỗ trợ công nghệ định vị cây nhà lá vườn GLONASS của quốc gia này.
Sở dĩ chính phủ Ấn Độ phải ra đạo luật nói trên là thể theo đề nghị từ bộ trưởng truyền thông Ravi Shankar Prasad, người nói rằng ông đưa ra quyết định là nhằm "giúp đỡ phụ nữ Ấn đang gặp nhiều nguy hiểm." Chúng ta hẳn đều biết "nguy hiểm" mà phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt mỗi ngày chính là nạn cưỡng hiếp, mà như tờ Daily Beast mô tả thì đã trở thành khủng hoảng có tên gọi hãm hiếp. Theo thống kê những vụ hãm hiếp và tấn công tình dục được trình báo thì trong 5 năm qua đã xảy ra 13.000 vụ, còn các vụ việc không được trình báo hoặc không bị phát hiện là không thể kể xiết, mà theo một thống kê khác thì cứ mỗi 15 phút lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của nạn cưỡng hiếp trên toàn Ấn Độ.
Trước đó, công ty Wisewear cũng đang phát triển một thiết bị đeo thông minh nguy trang dưới dạng trang sức, và sẽ giúp chủ nhân mau chóng kết nối với các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp bị tấn công. Tuy công nghệ góp phần giúp phụ nữ Ấn Độ tạm yên tâm hơn phần nào, song giới chuyên môn nhận định mọi thiết bị chỉ là giải quyết vấn đề trên bề mặt, ở vào thế bị động thay vì mổ xẻ tìm nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng loạn cưỡng hiếp như hiện nay.
Nguồn Engadget