3D đổ bộ vào gia đình [PC World Mỹ 03/2010]

sonitpro

Well-Known Member
Có phải những nỗ lực mang 3D vào gia đình chỉ là một trào lưu mang tính nhất thời hay đó là một công nghệ có thể làm thay đổi cách nhìn về loại hình giải trí trên TV hiện nay?

3D đang quay lại. Khái niệm về 3D không mới, bộ phim 3D đầu tiên đã xuất hiện từ hồi thế kỷ 20 vừa đi qua. Nhưng Hollywood gần đây vừa cho ra mắt một chuỗi phim 3D nối bước sự thành công của bộ phim Avatar đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của 3D, đem đến cho ta một cảm nhận, một cách thưởng thức nghệ thuật mới mẻ.

Và đây cũng là lần đầu tiên 3D được hướng đến phòng khách gia đình, trước nay nó chỉ xuất hiện ở các rạp chiếu phim hay những nơi trình chiếu chuyên nghiệp. Vài nhà quan sát công nghệ hy vọng 3D tiếp cận người dùng “chỉ qua một đêm” nói gì thì nói, 3D đang tiến vào phòng khách.

a1003-tt-12-1.jpg

Chiếc TV HD dòng Viera TC-P50VT25 có kèm cặp kính trập động và đầu Blu-ray DMP-BDT350 của Panasonic đều có hỗ trợ 3D sẽ ra mắt vào mùa hè này.

Ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng đã sắp đặt các yếu tố tạo nên cuộc cách mạng cho 3D theo trật tự một cách vô cùng nhanh chóng và đáng ngạc nhiên. Hiện thời, các hãng sản xuất lớn đã tiết lộ kế hoạch về 3D trong năm nay, trong đó hầu hết họ đều sẽ giới thiệu TV hỗ trợ 3D trong mùa hè này. Và dịp hè này, người tiêu dùng cũng có cơ hội thấy đầu đĩa Blu-ray hỗ trợ 3D (xem thêm ở trang 16). Còn đối với các nhà làm phim, một máy quay phim hỗ trợ 3D sẽ có mặt vào mùa thu năm nay: máy quay Full HD dành cho dân chuyên nghiệp, giá 21.000 USD của Panasonic, máy ghi hình song song qua 2 ống kính rời, lưu bằng thẻ nhớ SDHC.

Các nhà đài cũng vào cuộc. BSkyB là một trong số những hệ thống mạng đang vận hành các kênh 3D. Kênh truyền hình của ESPN sẽ chiếu 85 sự kiện thể thao có hỗ trợ 3D, dự kiến tung ra vào tháng sáu. Và Sony hợp tác với Discovery và Imax để cho ra mắt một kênh 3D vào năm 2011.

Nội dung của các phim 3D trong thời gian sắp tới cũng đã sẵn sàng và sẽ được tiếp tục phát triển, đó cũng nhờ vào hiệu ứng tốt từ bộ phim 3D Avatar. Hồi năm ngoái, 17 bộ phim 3D đã ra đời và hơn chục đầu đề phim đều được dự kiến ra mắt trong năm nay. Và năm 2011 có khả năng sẽ là một năm bùng nổ những bộ phim 3D, khi mà Hollywood đang chạy nước rút nhằm tái lập thành tích tương tự như bộ phim Avatar.

Nét cuốn hút của 3D

Kể từ khi rạp hát 3D xuất hiện, doanh thu từ 3D đã vượt nhiều hơn so với 2D. Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi cả Hollywood lẫn ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng đang háo hức muốn mang 3D vào gia đình. Và theo đó, công nghệ 3D không chỉ tập trung trên phim ảnh mà còn có khoảng 80% trò chơi (game) PC hiện có sẵn 3D.

"Người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để xem một bộ phim 3D thay vì xem phim với hình ảnh 2D", Jennifer Colegrove, Giám đốc Công nghệ màn hình của DisplaySearch, cho biết. Các nhà sản xuất cho rằng một khi 3D có mặt ở gia đình thì đương nhiên 3D cũng có thể xuất hiện trên máy tính, máy tính sổ tay (notebook), TV và điện thoại di động.

Quá trình nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng đã được xúc tiến cẩn trọng. Cụ thể, Sony đã cùng đối tác CBS nghiên cứu xem người tiêu dùng mong đợi gì khi xem TV 3D tại nhà. Năm ngoái, Hiệp hội Điện tử tiêu dùng (CEA) và Trung tâm Công nghệ giải trí (Entertainment Technology Center) đã đưa ra một kết quả nghiên cứu, trong đó 50% người được khảo sát nói rằng họ sẽ chi nhiều tiền hơn để có được TV 3D, còn 40% trả lời thích xem 3D hơn 2D.

a1003-tt-14.jpg

Vào mùa thu này, Panasonic sẽ tung ra máy quay phim Full HD hỗ trợ 3D; giá 21.000 USD, chỉ dành cho những nhà làm phim chuyên nghiệp.

Chúng ta vẫn chưa biết các công ty chi bao nhiêu tiền cho TV 3D (hoặc nội dung 3D) nhưng rõ ràng 3D mở ra một nguồn thu mới, và các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng chắc hẳn dành một vị trí quan trọng cho nó (cụ thể là họ sẽ đưa yếu tố 3D trên các dòng sản phẩm “đinh” của mình). Tuy nhiên, các “ông chủ” cũng nhận ra được rủi ro về tương lai 3D nếu như họ đẩy giá bán của TV 3D lên mức giá cao ngất ngưỡng.

Một yếu tố khác cũng có thể kìm hãm tiềm năng của 3D chính là hình ảnh “không trung thực” do kính 3D gây ra. Những kính 3D chuyên dụng đòi hỏi phải thích ứng với tất cả sự thay đổi dựa trên công nghệ trập động mà các nhà sản xuất TV đang đưa vào sử dụng. Hiện tại, một số nhà sản xuất TV đang sản xuất kính dùng công nghệ RealD, tuy nhiên việc thiết kế kính dành cho người bị cận, viễn hay loạn thị muốn xem 3D cũng có thể khác nhau. Hiện nay, không có gì bảo đảm các kính 3D của các hãng sản xuất có thể hoàn toàn tương thích với nhau (mặc dù các Hiệp hội Điện tử tiêu dùng đang cố gắng liên kết các công ty để đạt được chuẩn thống nhất về sự tương thích kính 3D). Giá bán kính 3D sẽ không hề rẻ, TV 3D sẽ không có kính kèm theo. Cho đến thời điểm này, chỉ có dòng TV Bravia LX900 của Sony độ phân giải HD có thể kèm theo hai cặp kính 3D.

Xét về mặt thị phần của TV 3D, cũng ít chuyên gia cho rằng 3D sẽ chiếm lĩnh thị trường. Theo DisplaySearch, chỉ hơn 1 triệu TV 3D sẽ có mặt trong năm nay (chiếm 0,1% tổng số lượng xuất xưởng). Vào năm 2018, con số TV 3D sẽ đạt 64 triệu chiếc (chiếm 20% số lượng tiêu thụ TV trên thị trường). Dự báo nói trên vẫn ít hơn mức ước tính của CEA là tiêu thụ khoảng 4,3 triệu chiếc TV 3D trong năm nay. DisplaySearch hy vọng màn hình 3D cũng tăng trưởng đạt đến 10 triệu vào năm 2018 (tức lượng tiêu thụ đạt 3,6%) và DisplaySearch cũng có dự báo tương tự cho các hệ thống máy tính xách tay có hỗ trợ 3D. Đối với điện thoại di động, DisplaySearch dự đoán màn hình 3D có lượng tiêu thụ lớn nhất với 71 triệu chiếc vào năm 2018.

Một thách thức nữa là cần có phần cứng phù hợp để xem 3D tại nhà. Ông Rick Dean, Chủ tịch Hiệp hội 3D@Home và Phát triển chiến lược về chuẩn âm thanh THX của VP, cho biết phần cứng sẽ trở thành đề tài hấp dẫn khi người dùng quyết định mua thiết bị mới. Như vậy, việc trang bị các đầu Blu-ray mới là sự bắt buộc, nhưng điều này không chỉ liên quan đến xem nội dung 3D như thế nào mà còn liên quan đến trải nghiệm của người dùng.

Không chỉ phim

Đĩa Blu-ray sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng 3D. Vào cuối năm ngoái, Hiệp hội Blu-ray đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chung cho phim 3D khi đưa ra đặc tính kỹ thuật của đĩa Blu-ray MVC. Đó là bổ sung một bộ mở rộng giải mã 3D (3D MultiView) vào chuẩn hiện tại AVC H.264. Mặc dù đầu Blu-ray đã được giảm giá xuống mức vừa đủ chấp nhận để người dùng có thể thay cho đầu DVD, nhưng trong lúc này vài đầu Blu-ray 3D xuất hiện có thể mở rộng hơn nữa định dạng đĩa Blu-ray 3D.

Các studio Hollywood khá im ắng về các kế hoạch đĩa Blu-ray 3D, mới chỉ có một vài thỏa thuận. Disney nói rằng phiên bản 3D của bộ phim A Christmas Carol sẽ được công chiếu vào quý 4 năm nay. Và DreamWorks cũng như Samsung đã thỏa thuận với Technicolor để tái tạo nội dung 3D.

Andy Parsons, Chủ tịch Hiệp hội Đầu đĩa Blu-ray, lưu ý không phải tất cả mọi thứ đều thay đổi để phù hợp với 3D. Ông nói rằng có thể 2D cùng tồn tại song song với 3D và vị trí 3D không có nghĩa là thay thế mà là bổ sung cho 2D. Parsons cũng hy vọng các hãng phim sẽ tìm ra cách lưu trữ những tác phẩm kinh điển và có thể chuyển mã chúng sang 3D.

3D không chỉ là trào lưu


Công nghệ 3D hiện nay hoàn toàn không giống như những gì bạn thấy khi đeo kính với bộ lọc 2 màu đỏ và xanh. Tương lai của 3D rất ấn tượng và sự xuất hiện của nó có thể thay đổi cách thức tái tạo hình ảnh.

Bộ phim hành động Avatar được quay theo công nghệ 3D đã đạt doanh thu toàn cầu trên 1 tỷ USD sau 17 ngày công chiếu (tính từ 18/12 – 3/1/2010), trong lúc đó ở Việt Nam doanh thu bán vé từ Avatar cũng đã cán mức đến 1 triệu USD. Với sự thành công của Avatar, cụm rạp Megastar ở TP.HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục đưa ra kế hoạch công chiếu phim 3D trong thời gian sắp tới như: Câu chuyện đồ chơi 1 và 2, Bí kíp luyện rồng, Alice ở xứ sở thần tiên… Ở thời điểm công chiếu bộ phim Avatar, đã có thêm 4.500 rạp chiếu phim trên 48 nước cài đặt công nghệ RealD – một kỹ thuật mới của ngành giải trí.

Tại cuộc Triển lãm Thiết bị điện tử tiêu dùng (CES 2010) hồi tháng giêng vừa rồi, các dòng TV 3D đã có dịp trình làng trước công chúng. Điển hình, chiếc TV plasma có kèm kính trập động của Panasonic và chiếc TV màn hình OLED 24,5” của Sony. Đây là 2 sản phẩm cho chất lượng hình ảnh thuyết phục nhất.

Nếu 3D chứng tỏ được sức hấp dẫn với người dùng thì công nghệ TV plasma có thể hy vọng “hồi sinh”. Sau một thời gian nhượng lại thị phần cho TV LCD vì gần đây TV LCD đã hạ giá thành và cải tiến chất lượng, thì TV plasma cũng đang có đối trọng trong mảng 3D. Màn hình TV plasma có thể cung cấp hình ảnh động nhanh hơn màn hình TV LCD. Dù đặc điểm này không có nhiều khác biệt khi hiển thị 2D nhưng với 3D lại là lợi thế rõ ràng.

Cũng ở triển lãm CES, Sony đã trình làng TV LCD 3D sử dụng công nghệ OLED (Organic Light Emitting Diode), có thể xem là một ví dụ điển hình về khả năng thể hiện độ sâu của hình ảnh 3D. OLED vẫn còn khá hiếm trên thị trường mặc dù công nghệ này đã xuất hiện phổ biến ở màn hình của ĐTDĐ nhưng panel khổ TV dùng OLED vẫn còn có giá khá cao nên vẫn chưa tới được số đông người dùng. Vì OLED có những cải tiến về tốc độ làm tươi hình ảnh còn nhanh hơn cả plasma nên không có gì đáng ngạc nhiên khi TV 3D OLED của Sony đã tạo ấn tượng tốt ở CES. Dù màn hình Sony cũng cần kính 3D nhưng TV của Sony đã cho màu sắc, tính trung thực, chi tiết và độ sâu của hình ảnh rất tốt. Hiện tại, Sony vẫn chưa có kế hoạch giới thiệu TV 3D ra thị trường nhưng có lẽ cũng không còn xa. Và nếu 3D thật sự cất cánh thì có lẽ công nghệ này sẽ là bàn đạp cho OLED đến với nhiều người.

Ai cần 3D?

Nhiều chuyên gia công nghệ băn khoăn về việc liệu có cần thiết đưa 3D vào các bản tin, phim truyền hình nhiều tập và các chương trình thông thường khác? Cách nay vài năm, nhiều người nghĩ sẽ chẳng cần dùng mạng xã hội nhưng nay lại khác. Có thể sắp đến 3D sẽ trở nên phổ biến giống như các loại video 2D và hình tĩnh hiện nay. Còn trong tương lai trước mắt, 3D sẽ chỉ dành cho những sự kiện giải trí với giá vé còn đắt đỏ. Theo thời gian, người tiêu dùng vẫn mong đợi công nghệ càng giống với hiện thực càng tốt, càng đặt người thưởng thức vào sâu bên trong môi trường ảo càng tốt và công nghệ rồi sẽ với tới được khát khao đó.

Một ví dụ về 3D, nhóm nhạc U2 của Iceland hồi năm ngoái đã phát hành bộ phim hòa nhạc dưới dạng 3D. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong sân vận động xem U2 biểu diễn, cách rất xa sân khấu chính. Và với công nghệ 3D, bạn có thể thưởng thức buổi hòa nhạc ấy như thật với các chiều không gian vây quanh bạn. Sony vừa làm mẫu về khả năng truyền hình trực tiếp một sự kiện 3D.

Tương lai của 3D không chỉ có vậy. Một thách thức của 3D là làm thế nào để người dùng không cần phải đeo kính chuyên dụng với một TV cụ thể. Đến lúc nào đó, 3D sẽ trở nên bình thường, và có thể mọi thứ khác sẽ giống như những bức ảnh trắng đen cũ kỹ đặt trong một chiếc hộp trên căn gác nhỏ của bạn ngày nay.

PC World Mỹ 03/2010
Nguồn :pC World Mỹ 03/2010
 
Bên trên