Ðề: Hỏi về VOB, MPE2, MKV khác với x264 thể nào?
Mấy bác ơi, trước giờ em toàn nghe nhạc audio, hôm nay dạo qua box SD video clips em thấy có 3 topic thế này:
Một cái của bác "cocongidau" up nhạc đuôi mkv DOLBY DIGITAL 5.1
[Fshare] Clip Nhạc Việt - Âm Thanh DOLBY DIGITAL 5.1
Một cái của bác "superHD" cũng up nhạc đuôi mkv nhưng là x264.
http://www.hdvietnam.com/diendan/showthread.php?t=93171
Một cái của bác "vitor77" nhạc đuôi VOB (Only Digital Audio & Video Display 16:9)
[MULTI] Tuyển tập nhạc Việt song ca nam nữ (Only Digital Audio & Video Display 16:9)
Các bác cho hỏi:
Giữa các File VOB, MKV...x264 và MKV...DOLBY DIGITAL 5.1 khác nhau như thế nào ? Khác nhau cả về âm thanh và hình ảnh hay chỉ khác nhau về âm thanh thôi?
Giữa 2 cái VOB và MKV DOLBY DIGITAL 5.1 thì cái nào hay hơn?
Không biết thật xin các bác thông cảm nhín ít thời gian giải thích dùm em phát, em là Bảy Cùi Bắp mà, hì hì. Cám ơn nhiều....
@baycuibap: Hôm nay dạo qua topic mới biết bạn cũng đang đau đầu về vụ thưởng thức âm nhạc. Xin trả lời một số thắc mắc của bạn theo những hiểu biết cá nhân mình.
Một digital video clip gồm có hai phần cơ bản (vì ngoài ra còn có thể là phụ đề, chapter, menu . . .):
+ Thứ nhất là phần hình ảnh:
Phần hình ảnh được số hóa theo các chuẩn nén (codec) khác nhau được các tổ chức quốc tế đưa ra và công nhận trên toàn cầu.
Ra đời đầu tiên là chuẩn nén MPEG1 chuẩn nén này lâu rồi, phổ biến trong các VCD, SVCD có độ phân giải thấp (hầu như ngày nay không còn ai sản xuất nữa trừ mấy cái VCD hài tết độn quảng cáo của VN ta).
Ra đời tiếp theo là chuẩn nén MPEG2 cải thiện rõ rệt chất lượng hình ảnh, phổ biến trong các DVD độ phân giải khá cao (cao nhất lên tới 720x576p PAL hoặc 720x480p NTSC trong các DVD9 gần đây của các trung tâm Thúy Nga, ASIA . . . Thực ra với độ phân giải này và bitrate khoảng 4000 trở lên thì xem trên TV 32" mình thấy "HD" lắm rồi).
Sau chuẩn nén MPEG2 là chuẩn nén MPEG3 dự kiến dùng cho truyền hình HDTV nhưng cái này tồn tại không lâu và bây giờ không còn tồn tại nữa.
Hiện đại và ngày càng phổ biến bây giờ là chuẩn nén MPEG4 cho hình ảnh có độ phân giải cực cao 1920x1080p (Full HD). Trong chuẩn MPEG4 có lớp H264 (AVC) được ưa chuộng nhất bởi ưu điểm tuyệt vời đó là dung lượng nén cực thấp mà chất lượng hình ảnh hầu như giữ nguyên so với gốc. Phổ biến trong các phim HDrip ngày nay.
Lưu ý bạn là không có chuẩn x264 mà x264 là tên thuật toán để mã hóa video thành H264
Ngày nay, khi những chiếc HDTV với độ phân giải cực cao Full HD (1920 x 1080 pxl) đã dần trở nên phổ biến với người dùng, thì NHK - hãng truyền thông Nhật Bản lại đem đến một khái niệm mới về chuẩn video siêu nét đó là Ultra HDTV:
Không chỉ dừng lại ở 1920 x 1080 pxl, Ultra HD video (hay còn gọi Super Hi-Vision) cho độ phân giải lên đến 7680 x 4320 pxl, tức là kích thước gấp 4 lần chiều ngang/dọc, và độ phân giải cao hơn 16 lần so với chuẩn Full HD. Chuẩn Ultra HD cũng nâng số lượng khung hình lên 60FPS và số kênh âm thanh lên đến 24 kênh - cho hiệu ứng âm thành surround trung thực, từ đó đem lại chất lượng hình ảnh cũng như âm thanh chi tiết và sống động hơn gấp nhiều lần các chuẩn HD hiện nay.
Hiện tại cơ sở hạ tầng cũng như máy móc thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của việc quay phim theo chuẩn Ultra HD (chỉ có 2 máy quay có thể quay được video Ultra HD, với thời lượng làm việc chỉ 20 phút/ngày). Ước tính 20 phút Video của chuẩn này chiếm dung lượng khoảng . . . 4TB#:-S
Do đó, ước đoán phải từ 10 đến 15 năm nữa chuẩn Ultra HDTV mới phổ biến đại trà như Full HD ngày nay.
+ Thứ hai là phần âm thanh:
Khi chuyển từ công nghệ thu thanh thường (Analog) sang kỹ thuật số (Digital) ở các phòng thu, âm thanh (LPCM) sau khi thu được chứa trong những file quá lớn (WAV), một đĩa CD chỉ cho 70 phút âm nhạc, chính vì vậy âm thanh cũng cần được nén lại (coding) theo các chuẩn khác nhau mục đích làm giảm dung lượng sao cho chất lượng giảm ít nhất so với âm thanh gốc được thu ở phòng thu. Vì vậy các chuẩn nén âm thanh ra đời từ các tổ chức hoặc công ty trên thế giới. Hiện nay có rất nhiều chuẩn nén song song tồn tại tùy thuộc vào nhu cầu, mục đích sử dụng, ví dụ: MP3, AAC, AC-3, VORBIS, WMA, FLAC, APE, DTS . . .
Nói riêng về AC-3, AC-3 là tên gọi của công nghệ nén âm thanh đời thứ ba do hãng Dolby Laboratories, USA (nổi tiếng trong lĩch vực xử lý âm thanh) phát triển. Công nghệ này cho phép số hóa (coding) âm thanh với tần số thấp hơn (lower sample rate) nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng âm thanh. Vì vậy dung lượng các file âm thanh AC-3 giảm thiểu đáng kể.
Cho đến ngày nay Dolby Digital (phát minh của Dolby Laboratories, USA) và công nghệ AC-3 mang đến cho bạn 6 kênh âm thanh: 2 kênh phải trái, một kênh center, hai kênh surround phải trái và một kênh cho âm thanh tần số thấp subwoofer. Vì vậy còn được gọi là
Dolby Digital 5.1
Lưu ý AC-3 mang đến lớn nhất tận 6 kênh âm thanh nên việc tồn tại âm thanh AC-3 2 kênh là dễ hiểu (phổ biến trong các DVD của TN, ASIA gần đây bao giờ cũng có 2 track âm thanh AC-3 2 kênh và AC-3 6 kênh )
Ngoài những chuẩn nén cơ bản trên, do nhu cầu ngày càng cao về thưởng thức âm thanh với chất lượng trung thực như bản gốc nên một số chuẩn nén âm thanh HD ra đời tiếp nhằm thỏa mãn nhu cầu đó ví dụ phổ biến như Dolby True HD, DTS-HD Master . . . chất lượng cao, hỗ trợ nhiều kênh âm thanh hơn nữa 7.1 , 9.1 . . .
+ Sau khi có hai phần cơ bản: hình ảnh và âm thanh người ta đóng gói chung chúng lại thành các định dạng (container) khác nhau như VOB(MPEG-PS), AVI, MP4, FLV, MPEG-TS . . . và hiện đại nhất là MKV tùy vào nhu cầu.
Có một lưu ý là MKV có thể đóng gói được (hỗ trợ) đa số các chuẩn âm thanh, hình ảnh hiện nay nhưng những container ra đời trước không thể đóng gói được nhiều như MKV. Ví dụ VOB, AVI,MP4 . . . không thể đóng gói được H264, DTS. Hoặc có đóng gói được nhưng chất lượng thấp hơn, ví dụ VOB đóng gói tối đa âm thanh AC-3 5.1 với bitrate max 448 kbps nhưng MKV thì max bitrate 640 kbps và số kênh 7.1, 9.1 . . . hoặc hơn
+ Đến phần play clip (bản chất là giải mã những nội dung hình ảnh, âm thanh đã được nén (mã hóa)) và xuất ra thiết bị thể hiện (Loa, màn hình, máy chiếu . . . ).
Cách 1 là dùng phần cứng ví dụ như đầu VCD, DVD, HDPlayer, Bluray Disc . . . trong các đầu này, nhà sản xuất đã sử dụng các chip giải mã tương ứng. Cho nên tại sao đầu DVD không thể play được các file MKV (đa số phần hình ảnh chứa trong đó là Mpeg4 (H264) ) bởi vì con chip giải mã trong đó không hỗ trợ (nôm na là đời thấp).
Cách 2 là dùng phần mềm cài trên máy tính. Khi đó để các phần mềm play được clip, máy tính phải có bộ giải mã, nổi tiếng nhất là bộ K-Lite Codec.
Trở lại câu hỏi "Giữa 2 cái VOB và MKV DOLBY DIGITAL 5.1 thì cái nào hay hơn?" của bạn thì theo mình, bạn phải xem được nội dung cụ thể của phần hình ảnh và âm thanh mà VOB và MKV chứa trong đó sau đó so sánh riêng từng phần. Lưu ý chất lượng hình ảnh của các video đã được nén (encode) còn phụ thuộc rất nhiều trình độ, kinh nghiệm (setting thông số) của người encode.
Trên đây là những hiểu biết của mình, hy vọng bạn giải tỏa được một phần thắc mắc.
P/S:
Các cụ có câu "Liệu cơm gắp mắm", công nghệ thì vô cùng, thiết bị cũng vô cùng cho nên để thưởng thức âm thanh, hình ảnh phải dựa vào túi tiền (thiết bị) mình có mà lựa chọn phù hợp sao cho mình cảm thấy hài lòng nhất, tránh lãng phí.
Cũng giống câu "hay, đẹp trong tầm tiền". Nhiều khi thấy thiên hạ xôn xao về HD, True HD . . . cũng đú down theo cho đầy ổ cứng mặc dù trong nhà chỉ có mỗi giàn loa vi tính với con laptop còi 14" thì làm sao mà phân biệt, cảm nhận hết được.
Rất mong sự góp ý của mọi người !