terabyte
Banned

Mặc dù vẫn là một trong những hãng chip di động lớn nhất hiện nay, vị thế của Qualcomm đang bị lung lay dữ dội. Vì đâu mà cái tên thống trị thị trường chip di động trong năm ngoái bất ngờ thất thế một cách nhanh chóng? Câu trả lời chính là 5 nguyên nhân sau đây:
Qualcomm đánh mất đi ưu thế về hiệu năng so với đối thủ
Thời kỳ hoàng kim của Qualcomm gắn liền với nhân Krait do chính hãng này thiết kế trong thời điểm mà tất cả các đối thủ vẫn hài lòng với nhân Cortex tiêu chuẩn từ ARM. Điều này đã giúp cho các chipset của Qualcomm tạo ra sự khác biệt về hiệu năng so với phần còn lại. Mặc dù sở hữu chỉ 4 nhân Krait, Qualcomm Snapdragon 800 được đánh giá là có phần nhỉnh hơn Exynos Octa 5420 8 nhân của Samsung, đó là chưa kể nhiệt độ hoạt động cũng có phần mát hơn. Thế nhưng chu kỳ ra mắt điện thoại hiện nay ngày càng ngắn hơn và điều đó cũng buộc các hãng sản xuất chip phải chạy đua với thời gian. Thay vì mỗi năm một dòng sản phẩm đầu bảng, hiện nay hầu hết các nhà sản xuất đều đi theo chu kỳ 6 tháng. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất chipset, đặc biệt là Qualcomm khi điểm nhấn của họ chính là việc sử dụng các nhân CPU được thiết kế riêng chứ không phụ thuộc vào nhân tiêu chuẩn của ARM.

Tất cả các dòng chipset đời mới của Qualcomm như Snapdragon 810 và Snapdragon 610 đều sử dụng kiến trúc cũng như nhân ARM tiêu chuẩn. Điều này trên thực tế đã khiến họ đánh mất lợi thế về kiến trúc so với các đối thủ. Thậm chí ở phân khúc tầm trung, hiệu năng của chipset 610 là tương đối kém so với các dòng chipset Atom từ Intel hay thậm chí là MediaTek. Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp sự tương đồng về kiến trúc khiến chipset Snapdragon thất thế so với Exynos 7420 của Samsung do đối thủ sở hữu dây chuyền chế tạo tiên tiến hơn.
Dây chuyền sản xuất chip của TSMC đã trở nên lạc hậu
TSMC là hãng gia công chip bán dẫn lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện nay với đối tác là những tên tuổi lớn như Nvidia, AMD và dĩ nhiên là Qualcomm. Tuy nhiên, nếu như các đối thủ như Samsung hay Intel đã nâng cấp lên dây chuyền sản xuất bán dẫn 14 nm thì TSMC vẫn còn loay hoay ở 20 nm, khiến các đối tác của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Qualcomm là một trong những cái tên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chipset Snapdragon 810 cao cấp nhất của hãng được sản xuất trên dây chuyền 20 nm nhưng phải đối đầu với Exynos 7420 của Samsung vống được sản xuất trên dây chuyền 14 nm. Mặc dù sử dụng cùng một kiến trúc, các bóng bán dẫn kích thước nhỏ cho phép chipset từ Samsung có thể đạt được hiệu năng cao hơn nhưng vẫn giữa nhiệt độ và điện năng tiêu thụ trong vòng kiểm soát. Trong khi đó, Snapdragon 810 liên tục gặp những vấn đề về nhiệt độ làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Qualcomm. Được biết sắp tới Qualcomm có khả năng sẽ hợp tác với Samsung để gia công chip, tuy nhiên mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn.
Samsung sử dụng chipset Exynos cho cả 2 phiên bản Galaxy S6
Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến vị thế của Qualcomm trên thị trường chipset di động chính là việc Samsung quyết định sử dụng chipset Exynos cho cả 2 dòng Galaxy S6. Dòng điện thoại đầu bảng của Samsung là một trong những dòng điện thoại bán chạy nhất trên thế giới và việc không được góp phần trong miếng bánh này đã khiến cho hình ảnh của Qualcomm bị suy giảm nghiêm trọng. Hãng thậm chí đã phải liên tục giảm dự kiến doanh số trong năm tài chính 2015 cũng chính bởi vì điều này.

Snapdragon 810 chính là sai lầm mang tính hệ quả của Qualcomm. Hãng đã thể hiện sự hụt hơi trong cuộc chạy đua về thiết kế và buộc phải sử dụng kiến trúc tiêu chuẩn từ ARM, đánh mất lợi thế về hiệu năng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định khiến dòng chipset này bị loại khỏi bộ đôi S6 chính là công nghệ sản xuất của chúng thấp hơn so với Exynos 7420. Rõ ràng Samsung hoàn toàn không có lý do gì để tích hợp chipset kém hơn vào sản phẩm của mình và đến thời điểm này, thực tế cho thấy hãng điện thoại Hàn Quốc đã chính xác khi Snapdragon 810 bị lỗi về nhiệt độ. Dù cho Qualcomm đã khắc phục được phần nào, rõ ràng dòng chipset mới không thể nào sánh được so với thời kỳ hoàng kim của Snapdragon 800/801.
Xu hướng tự thiết kế chipset đang dần trở nên phổ biến
Để thực sự trở thành thương hiệu mạnh, một hãng cần phải nắm phần lớn quyền kiểm soát sản phẩm của mình mà không phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác thứ 3. Đây là lý do mà cả Samsung và Apple tự thiết kế chipset cho riêng mình. Nếu như trường hợp của Apple là các nhân được thiết kế hoàn toàn mới thì Samsung tạm hài lòng với nhân Cortex tiêu chuẩn của ARM và tích hợp thêm một số thuật toán cải thiện hiệu năng cũng như tận dụng công nghệ chế tạo tiên tiến của mình. Thậm chí ngay cả thương hiệu Trung Quốc Huawei, vốn thường biết đến với việc mua lại chipset từ hãng khác gắn vào thiết bị, cũng tung ra dòng chipset Kirin của riêng mình. Sony, HTC hiện tại vẫn tạm hài lòng với chipset từ hãng thứ 3 nhưng theo một số tin đồn, LG cũng đang có kế hoạch tự phát triển chipset dành riêng cho các dòng điện thoại của họ.

Đối với xu hướng này, Qualcomm chính là một trong những cái tên bị thiệt hại năng nề. Sự từ bỏ cuộc chơi của một số thương hiệu như Nvidia (K1 chỉ xuất hiện trên các dòng máy chơi game cũng như tablet Nexus 9), Texas Instruments đã khiến thị trường chipset di động hiện nay trở nên nhàm chán. Sự độc tôn của Qualcomm tại phân khúc cao cấp là nguyên nhân khiến các dòng điện thoại cao cấp thiếu đi điểm nhấn trong mắt người tiêu dùng. Và nếu nhìn kỹ lại, bạn sẽ nhận ra rằng 2 dòng điện thoại đình đám và bán chạy nhất hiện nay là iPhone 6/6 Plus và Galaxy S6/S6 Edge đều sử dụng chipset do chính Apple và Samsung phát triển. Trong khi đó, HTC M9 có khởi đầu tương đối chông gai với vấn đề về nhiệt độ của chipset Snapdragon 810, dù đã được khắc phục phần nào nhưng rõ ràng việc phụ thuộc vào hãng thứ 3 có thể đem lại những vấn đề ngoài ý muốn. Điều thú vị là những lỗi xoay quanh Snapdragon 810 có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho LG G4 vừa ra mắt gần đây sử dụng chipset thấp hơn là Snapdragon 808. Có vẻ như hãng điện tử Hàn Quốc thà chấp nhận hiệu năng thấp hơn một chút còn hơn là phải đau đầu với những vấn đề rắc rối mà Snapdragon 810 mang đến.
Sự cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc tầm trung và phổ thông
Dù vào thời kỳ hoàng kim của mình, Qualcomm chưa bao giờ chiếm lĩnh được thị trường tầm trung và phổ thông như cái cách mà họ đã làm với phân khúc cao cấp. Nơi đây dù với sự rút lui của Texas Instruments và Nvidia, vẫn còn 2 đối thủ tên tuổi đáng nể khác là Intel và MediaTek. Trên thực tế, hiệu năng các dòng chipset ở thị trường này của Qualcomm như Snapdragon 410, 610 là tương đối đáng thất vọng. Bước qua năm 2015, mọi chuyện cũng không mấy sáng sủa đối với hãng chip nổi tiếng này.

Ở phân khúc bình dân, MediaTek được xem là sự lựa chọn hàng đầu nhờ những chipset giá rẻ nhưng hiệu năng tốt. Thậm chí dòng chipset 8 nhân của hãng này có hiệu năng hoàn toàn không hề kém cạnh những chipset cao cấp như Snapdragon 800 nhưng được tích hợp trong các dòng điện thoại tầm trung giá khá mềm. Trong khi đó, Intel đang lên như diều gặp gió nhờ sự thành công của Zenfone và sắp tới đây là Zenfone 2. Những vấn đề thường gặp trước đó như hiệu năng đồ họa kém cũng như nhiệt độ họat động cao đã được Intel khắc phục hoàn toàn và biến dòng chip Atom trở thành một trong những cái tên đáng tin cậy nhất ở phân khúc tầm trung hiện nay. Các dòng điện thoại mới ra mắt gần đây như Sony E4 hay HTC 626 và 826 đều sử dụng chip MediaTek, đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của các hãng sản xuất. Các dòng điện thoại tầm trung thuộc A-series và E-series của Samsung hiện tại vẫn còn sử dụng chip Qualcomm nhưng với việc tất cả các dòng Galaxy S6 cao cấp đều tích hợp chip Exynos, điều này liệu sẽ còn kéo dài được bao lâu?
Chỉnh sửa lần cuối: