Uchiha_Madara
Nghỉ hưu
Một bộ phim mới nữa của đạo diễn Victor Vũ, một thể loại ưa thích của đạo diễn này, một bộ phim kinh dị mang hơi hướng tâm linh. Quả tim máu là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sợ hãi, tình cảm, hài hước và thêm một vài thông điệp cần phải suy nghĩ. Tuy là kinh dị nhưng vẫn có nhiều yếu tố tình yêu trong phim, vậy nên nó rất thích hợp để chiếu trong mùa Valentine này.
Bài review có thể có spoil, cân nhắc trước khi đọc
Kịch bản của bộ phim được chuyển thể từ vở kịch Quả tim máu rất ăn khách của Thái Hòa. Câu chuyện kể về một cô gái được thay tim của cô gái khác bị chết do tai nạn, kể từ sau khi thay tim thì liên tiếp xảy ra những chuyện lạ với những giấc mơ ám ảnh, những hành động vô thức mà khi tỉnh lại không nhớ mình đã làm gì. Sau đó, cô tìm đến ngôi nhà của cô gái đã cho tim và hàng loạt những bí mật khác được phơi bày.
Có thể nói đây là một kịch bản rất hấp dẫn, thu hút. Những câu chuyện tình yêu với những hoàn cảnh khác nhau, những cảm xúc khác nhau của những người trong cuộc và suy cho cùng thì ta có thể nhận ra rằng, tội ác xảy ra nếu không vì tiền thì cũng vì tình. Ai cũng có bí mật nhưng không ai có thể giấu nó mãi được. Chuyện phim như muốn nhắc nhở rằng khi đối diện với lương tâm của chính mình thì nỗi sợ hãi là không thể tránh khỏi, càng cố xua đuổi thì nó càng hiện diện rõ ràng hơn.
Ở bộ phim này, đạo diễn đã rất xuất sắc khi xây dựng một cốt truyện rất hợp lý, nhiều bất ngờ nhưng vẫn đảm bảo tính logic trong những tình tiết chính của câu chuyện (một số tình tiết phụ khi nghĩ lại sẽ thấy không hợp lý lắm, như là cảnh người chồng mất vợ muốn hôn người được cho tim, hay là cảnh cô gái đến nằm ngủ bên mộ, ai xem phim rồi sẽ hiểu vì sao, giải thích e là spoil mất). Không như bộ phim trước, chiếu dịp tết vừa rồi là Cô Dâu Đại Chiến 2, xem kết cục xong rất nhiều người muốn chửi thề thì kết cục của phim này lại khiến khán giả thỏa mãn.
Một điều đáng khen nữa là đạo diễn đã giữ nhịp phim rất tốt, đoạn mở đầu khá hấp dẫn, sau đó hơi chùng xuống một chút nhưng vẫn giữ nhịp ổn định, rồi sau đó là những cao trào, những nút thắt liên tiếp mở ra khiến người xem phải nín thở theo dõi, dù là nếu ai hay xem phim kiểu twist chồng twist thì dễ dàng đoán được kết cục nhưng vẫn tập trung xem xem nó diễn ra thế nào. Cái hay là đạo diễn đã khiến cho khán giả phải chú ý đến diễn biến của phim.
Nói về các yếu tố hù dọa trong phim, thì thủ pháp mà Victor Vũ dùng trong phim này không có gì mới lạ, nếu không muốn nói là cũ rích lấy ra từ những phim kinh dị Hollywood. Tuy nhiên, nó vẫn khiến ta giật mình sợ hãi, không phải 1 – 2 lần mà khá nhiều lần. Những khuôn mặt gớm giếc bất ngờ xuất hiện, hay những bóng ma lang thang trong nhà luôn có thể khiến cho khán giả thét lên. Không nhiều máu me nhưng vẫn gây sợ.
Nhưng không chỉ có nỗi sợ những bóng ma trong phim, kết thúc câu chuyện người ta sẽ còn sợ hơn nữa bởi những con người, sợ những kẻ hèn nhát hay là sợ những người tay trót nhúng chàm nên phải trượt dài trên tội lỗi để tìm đường thoát cho mình. Có thể nói, đằng sau sự sợ hãi mà phim mang lại thì đây chính là thông điệp mà phim muốn nói tới. Một bộ phim kinh dị khiến ta phải suy ngẫm khi xem xong.
Nói về yếu tố hài trong phim, so với những phim kinh dị khác thì Quả tim máu còn cuốn hút ở những yếu tố hài, những câu nói, những hành động hài hước của Ku Hù khiến cho bộ phim trở nên hài hòa hơn, không chỉ toàn nỗi sợ mà xen lẫn đó là những nụ cười để người xem thư giản trước khi … đón nhận nỗi sợ mới. Những cảnh hài trong phim này không nhiều nhưng khá là chất.
Nói về tình yêu trong phim, dù là phim kinh dị nhưng tình yêu lại chính là cốt lõi câu chuyện. Trong phim có nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, tình mẫu tử của người mẹ thương nhớ con, tình đơn phương câm lặng suốt bao nhiêu năm, tình vợ chồng nhưng lại ẩn trong đó những rạn nứt, tình yêu toan tính nhưng lại không khống chế được những toan tính và bị cuốn vào tình yêu thực sự và những sai lầm trong cách giải quyết tình cảm của mình. Ta có thể nhận thấy bộ phim ngập tràn tình yêu trong đó.
Đối với diễn xuất của các diễn viên trong phim. Đầu tiên phải nhắc đến Thái Hòa, dù nhân vật của anh không phải là nhân vật chính (nhưng thực tế thì nó cũng gần như là chính), trong phim này anh vẫn thể hiện được cái duyên hài của mình, chính anh là nhân vật có nhiều điểm nhấn nhất trong phim và làm cho khán giả cười nghiêng ngã. Không chỉ có vậy, những đoạn bi anh diễn rất tốt và cả những cảnh bi hài nữa (những cảnh anh diễn bi mà khiến cho người xem phải bật cười, gọi là “cười ra nước mắt”).
Hai diễn viên chính trong phim là Nhã Phương và Quý Bình đã diễn khá tốt. Nhã Phương (được biết đến với vai cô gái bán bánh tráng trộn từng gây sốt) trong phim này đóng tạm được, cá nhân mình nhận xét là chỉ ở mức ổn chứ không quá xuất sắc, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất cũng như thể hiện cảm xúc nên có nhiều đoạn diễn chưa được thật lắm nhưng nhìn chung thì cũng không đến nỗi nào. Quý Bình thì diễn khá tốt, sự thay đổi tâm trạng, cảm xúc biến chuyển hay những nỗi niềm u uất đều được anh chuyển tải đến người xem, nhất là đoạn diễn bằng ánh mắt trong đoạn cuối của phim thực sự cuốn hút.
Hoàng Bách cũng có một vai nhiều đất diễn hơn, trong vai người chồng nhút nhát, yếu nhược nhưng đáng tiếc là anh diễn nhiều chỗ còn phô và không thể hiện hết cảm xúc mà nhân vật anh đang đóng. Một vai khác nữa là vai người vợ của Tú Vi, cảm giác chung là Tú Vi rất đẹp, đẹp kiểu mong manh dễ vỡ nhưng trong phim này lại diễn không mấy ấn tượng lắm, ngoài đẹp ra thì không có gì đọng lại trong tâm trí mình về diễn xuất của Tú Vi, không quá dỡ cũng không quá hay, cơ mà mình vẫn thích, đẹp là thích.
Hình ảnh trong phim này rất đẹp, những cảnh quay được thực hiện chủ yếu ở Đà Lạt nên ngoại cảnh rất nên thơ và ma mị, rất hợp với bối cảnh phim. Những cú long take dài đầu phim từ trên cao tiến thẳng vào ngôi nhà khiến người xem vừa choáng ngợp vừa phấn kích. Những góc quay độc đáo nhằm tạo hiệu ứng bất ngờ để dọa người xem. Ngoài ra thì ánh sáng trong phim cũng được thể hiện tốt, nhất là ở một bộ phim kinh dị Việt thì ánh sáng như vậy là quá đạt, tạo cảm giác âm u, đen tối và huyền hoặc.
Một yếu tố rất quan trọng khác trong phim kinh dị là âm thanh, chính âm thanh sẽ góp phần lớn trong việc hù dọa khán giả. Những đoạn nhạc tạo cảm giác hồi hộp, những âm thanh bất ngờ được bố trí rất hợp lý trong phim, giúp cho nỗi sợ được đẩy lên cao hơn và tăng thêm nữa sự kinh dị. Nhạc phim này cũng hay, có cảm giác là những phim của Victor Vũ thì phần nhạc phim được thực hiện rất tinh tế, cẩn thận.
Tóm lại, Quả Tim Máu là một bộ phim kinh dị xen lẫn một chút hài và kèm theo cả hương vị tình yêu nồng nàn. Một bộ phim chỉn chu, hợp lý với nhiều bất ngờ. Trong dịp Valentine này thì đây chính là bộ phim đáng xem, nó sẽ khiến những cặp đang yêu, sắp yêu, chưa yêu có cơ hội ôm nhau trong rạp và mỉm cười hạnh phúc khi bước ra khỏi rạp.