Bình luận viên Việt Nam, tìm đâu điểm sáng?
Đời sống bóng đá gắn liền với những BLV, những con người tiếp thêm bầu không khí nhiệt huyết, và truyền đạt lại những thông điệp cần thiết trước, trong và sau mỗi trận đấu. Nhưng đã từ lâu tôi cảm thấy rất chán với những BLV của Việt Nam, sau thế hệ Quang Huy, Quang Minh hình như không có ai để lại những dấu ấn trong lòng khán giả. Phải chăng sự đãi ngộ dành cho những BLV còn quá ít, hay do lòng nhiệt thành với công việc còn kém và không chịu tôi rèn thêm bản lĩnh cầu trường của mình?!

Còn đâu những BLV chất lượng như thế này?
Mới đây nhất khán giả, đặc biệt là những cổ động viên Man Unite đã phải ngã ngửa khi BLV Mạnh Dũng của đài K+ thốt ra“Huấn luyện viên của M.U là một lão già có rất nhiều kinh nghiệm…" trong trận đấu giữa Man United và Tottenham. Tôi và nhiều người đã thực sự sốc toàn tập vì câu nói vô cùng thiếu tôn trọng, của một con người trẻ với tượng đài vĩ đại của làng HLV thế giới là Sir Alex Ferguson. Một câu nói lướt qua, có thể là vô tình chứ không cố ý nhưng nó lại thể hiện được rất nhiều vấn đề xung quanh.
Thứ nhất, khả năng kiểm soát lời nói của một BLV là yếu tố vô cùng quan trọng với những trận đấu được truyền hình trực tiếp. Trước đây ở các đài thể thao như Sky Sports, ESPN hay BBC cũng từng có nhiều trường hợp dại miệng bằng những bình luận rất thiếu suy nghĩ. Không ít trong số họ sau đó đã buộc phải nghỉ việc hoặc tự xin thôi việc vi sức ép của truyền thông, của dư luận. BLV Mạnh Dũng có lẽ cũng không lạ gì những trường hợp trên, thế tại sao anh ta vẫn dám phát ngôn một cách vô tâm đến thế? Tất cả chỉ có thể nói là do thiếu sự chín chắn, không đủ kinh nghiệm và lựa chọn ngôn ngữ. Một lần nữa văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức do những gì mình gây ra lại treo lủng lẳng, hình như BLV giờ thích nói gì thì nói, họ coi trời bằng vung và coi khán giả là những chú hề theo dõi trận đấu thì phải?!
Thứ hai, là một BLV sẽ là đại diện cho bộ mặt của cả nhà đài, chính vì thế những câu nói kiểu như của anh Mạnh Dũng là một cái tát đau vào chính nơi mình làm công ăn lương. Nếu đặt tôi vào trường hợp là chủ sở hữu của đài K+, thì chắc chắn sẽ phải có một hình phạt thích đáng. Đó không còn là chuyện tiền bạc mà nó là thể diện, là cái nhìn của người yêu thể thao vào chính nhà đài của mình. Ở đời mà đặc biệt ở thời điểm hiện nay, giữ được cái uy và tạo được chỗ đứng không phải cứ có tiền là làm được tất cả. Các nhà đài như K+ hãy nên nhớ rằng sự tồn tại của họ phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng, những người bỏ tiền ra mua đầu phát và các gói thuê bao. Tôi dám chắc nhiều người bị cảm giác “buộc phải xem Premier League trên K+”, còn thực tâm họ không ưa đài này chút nào, tôi cũng thế!
Thứ ba, xét về toàn cảnh ngoài những người xem bóng đá hiểu tiếng Việt là người Việt, thì còn rất nhiều những bè bạn quốc tế, rồi họ sẽ nghĩ gì và ấn tượng ra sao khi nghe những lời chối tai như trên. Họ đâu là người bản địa, họ cũng không có nhiều thời gian như các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Do đó những gì mắt thấy tai nghe là những thứ tác động sâu sắc, mạnh mẽ vào họ. Người ngoại quốc họ vốn rất dễ dãi, hòa đồng và đôi khi cũng cuồng ngôn. Nhưng cái gì ra cái đó, thế nên nước Anh ai gặp HLV của Man United đều tôn kính ông với tiền tố hô ngữ “Sir”. Còn nước ta thì sao, có mấy ai làm được thế và đã mấy ai hiểu được cái ý nghĩa sâu xa chức danh của Sir Alex Ferguson có được trên băng ghế huấn luyện. Rồi chính những cái dăm nhỏ này làm cho hình ảnh, thể diện đất nước bị bôi bẩn, sai lệch trong con mắt bè bạn quốc tế.
Tôi không hề muốn đặt nặng quan điểm, chê bai, đả kích lỗi lầm của người khác hay viết bài để bảo vệ thần tượng một cách thái quá. Song ở đời đã làm gì thì phải có lòng nhiệt thành, phải biết mình là ai, cương vị mình nắm giữ để có những hành động, lời nói chuẩn mực. Hãy đừng nói cho sướng cái miệng, cho hả hê cái tôi mà làm đau buốt bao nhiêu cái tai của khán giả chúng tôi nữa, hỡi các BLV Việt Nam!
Hải Đăng