Trong những năm gần đây, với việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế, Việt Nam chúng ta đã nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, vẫn tồn tại một số vấn đề đã cản trở những nguồn vốn đầu tư trực tiếp quý giá đó, điển hình như lạm phát và chi phí lao động tăng. Trong bài viết được đăng tải trên trang Yomiuri, tác giả Tomoko Hatakeyama đã cho thấy những nhận định sắc sảo về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Ông đã từng đến tham quan khu công nghiệp Long Hậu, cách thành phố HCM 40 phút chạy xe. Với diện tích hơn 252 ha, đây là nơi tập trung của khoảng 70 công ty, bao gồm cả các công ty đến từ Nhật Bản. Tomoko Hatakeyama đã nhìn thấy các hoạt động kinh doanh vô cùng sôi động với các nhà máy, dây chuyền liên tục làm việc và đặc biệt là sự xuất hiện của lực lượng lao động trẻ tuổi của Việt Nam bên cạnh các nhân viên điều hành đang đôn đốc công việc. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng thấy được những bất cập khiến nhiều hãng sản xuất khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam phải đắn đo.
Lao động giá rẻ, có trình độ, tiềm năng Trong một nhà máy trực thuộc hãng gia công Kawachi Kinzoku Seisakusho, có trụ sở chính tại tỉnh Osaka, các công nhân chủ yếu là người Việt, hầu hết đều nằm trong độ tuổi 20 và họ đang bận rộn với các dây chuyền sản xuất. Điều ngạc nhiên là họ có thể trao đổi các thuật ngữ kỹ thuật bằng tiếng Nhật với phó chủ tịch của công ty. Xét về điều kiện đầu tư trực tiếp, Việt Nam rất hấp dẫn với Nhật Bản ở hai khía cạnh: sự gần gũi về mặt địa lý và sự phong phú của lực lượng lao động giá rẻ. Theo Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản, năm 2011, chính phủ Việt Nam đã ban hành 208 giấy phép cho vốn đầu tư trực tiếp của các công ty đến từ Nhật Bản, đây là con số cao kỷ lục và tăng 80% so với năm 2010. Động thái này chính là kết quả của việc đồng yên tăng giá kỷ lục, chi phí lao động tại Trung Quốc tăng và ảnh hưởng của lũ lụt tại Thái Lan. Những yếu tố này tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư tại nhiều nước của châu Á và buộc các hãng Nhật Bản phải mở rộng địa bàn hoạt động. Số lượng nhà máy vừa và nhỏ của các hãng Nhật Bản tại Việt Nam đang tăng lên hàng ngày. Hãng Sumitomo Corp vừa xây dựng một nhà xưởng rộng 500 mét vuông để cho thuê tại khu công nghiệp Thăng Long. Với danh tiếng về khả năng hỗ trợ các công ty Nhật Bản đầu tư vào nước ngoài với chi phí thấp, Sumitomo Corp đã xây dựng thêm nhiều nhà xưởng cho thuê dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty lớn khác của Nhật Bản đang coi Việt Nam như là thị trường tương lai đầy tiềm năng của họ. Ví dụ như Nippon Steel đã bắt đầu vận hành nhà máy sản xuất ống thép dùng trong các công trình xây dựng lớn tại Việt Nam vào tháng 5/2011. Điều này cũng phản ánh được kỳ vọng của Nippon Steel vào sự gia tăng về nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong tương lai. Thiếu ngành công nghiệp phụ trợ Một công ty lớn của Nhật, House Food Corp, đã thành lập chi nhánh ở Việt Nam vào tháng Giêng năm 2012 với hy vọng bắt đầu kinh doanh thực phẩm đóng gói từ năm 2013. Đại diện của hãng này cho biết, "Trong nhiều phương diện, Việt Nam hiện giống như Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mau lẹ. Chúng tôi tin tưởng rằng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm của House Food sẽ tăng trong thời gian sắp tới". Tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất đó là Việt Nam đang thiếu các hãng sản xuất phụ tùng và ngành công nghiệp phụ trợ khác để phục vụ cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp lớn, buộc các doanh nghiệp này phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Kết quả là nhiều hãng sản xuất Nhật Bản đã xây dựng nhà máy của họ tại Việt Nam, để rồi phải than thở rằng chi phí sản xuất tại đây vẫn cao hơn so với Trung Quốc. Ngoài ra, giá cả và tiền lương dành cho nhân viên đang tăng lên chóng mặt cũng đang góp phần cho những khó khăn của nhiều công ty nước ngoài. Một quan chức của Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản đã cảnh báo các công ty của họ rằng, "mặc dù Việt Nam là địa điểm thích hợp cho các công ty Nhật Bản nhằm phân tán rủi ro, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu đặt các cơ sở sản xuất chính tại đây". Trong hoàn cảnh như thế này, các nước láng giềng của chúng ta, chẳng hạn như Myanmar, đã trở nên ngày càng cạnh tranh hơn trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo Yomiuri |
Chỉnh sửa lần cuối: