Theo trang Torrent Freak, báo cáo từ một cuộc nghiên cứu và thăm dò ý kiến do American Assembly thực hiện đã cho thấy những người dùng dịch vụ chia sẻ file P2P tại Mỹ thường mua nhạc nhiều hơn khoảng 30% so với người thường. Điều này cũng đồng nghĩa rằng những người đang sử dụng nhạc lậu lại là những người giúp doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc tăng lên nhiều nhất. "Những người thuộc cộng đồng P2P thường có bộ sưu tập âm nhạc lớn hơn những người không dùng P2P là khoảng 37%. Sự khác biệt này là do hành vi tải nhạc miễn phí và sao chép từ kho nhạc của người thân hoặc bạn bè", đại diện của Amerian Assebly cho biết. "Tuy nhiên, sự khác biệt còn nằm ở chỗ những người vi phạm bản quyền thường mua nhạc nhiều hơn đáng kể so với những người không vi phạm, số liệu ở Mỹ đã cho thấy người sử dụng P2P hiện sở hữu nhạc hợp pháp nhiều hơn 30% so với người không sử dụng P2P. Dữ liệu của chúng tôi kết hợp với những nghiên cứu khác đã cho thấy những 'kẻ vi phạm bản quyền' chính là những kẻ đã chi ra nhiều tiền nhất để mua các bản ghi âm." ![]() Đồ thị trên còn cho thấy kết quả rất rõ rệt tại Đức, người sử dụng P2P đã mua nhạc có bản quyền nhiều hơn 3 lần so với người không sử dụng P2P. Tuy nhiên, do số liệu thu thập được ở Đức hơi ít nên chưa đáng tin cậy lắm và kết quả này chỉ phản ánh đúng một phần nào thực trạng. Đây không phải là lần đầu tiên các con số đã chống lại ngành công nghiệp ghi âm của Mỹ - nơi có ngành công nghiệp âm nhạc phát triển nhất thế giới. Những con số trước đây cho thấy ở các nước có thị trường âm nhạc phát triển, các nghệ sĩ đã bán được số lượng album nhiều hơn rất nhiều so với những thiệt hại về tình trạng vi phạm bản quyền. Đặc biệt, trong một nghiên cứu gần đây còn cho thấy những người vi phạm bản quyền có xu hướng mua nhạc lớn hơn 10 lần so với người thường, và họ cũng sở hữu nhiều album ở định dạng vật lý hơn. Theo Torrent Freak |