Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

MyRom

Active Member
Câu chuyện những học sinh lớp 12 được cho là có học lực kém ở tỉnh Vĩnh Phúc không được đăng kí dự thi ĐH đặt ra nhiều vấn đề của giáo dục.
Chủ trương mới này của Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc nhận được khá nhiều sự đồng tình, cho rằng đây là ý tưởng hay, cần ủng hộ, tuy nhiên cần được luật hóa. Song cũng không ít người đánh giá quy định này là sai luật, áp đặt, bệnh thành tích…Một số ít ủng hộ nhưng lo lắng về những tiêu cực có thể xảy ra như xin xỏ, chạy điểm nếu công tác phân luồng không được quản lý chặt chẽ.


Theo hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn Phan Hữu Tươi: “Hiện trường chỉ còn 20-30 HS học kém những vẫn muốn đăng ký thi ĐH. Trường đang tích cực vận động để các em thay đổi quyết định cho hợp lý”.

Hay và cần luật hóa!

Độc giả Đỗ Văn Thắng cho rằng việc các trường tư vấn cho học sinh như vậy là điều tốt cho HS và gia đình, đồng thời giảm tốn kém cho xã hội… "vì các em có thi đại học cũng không thể đỗ được. Nhưng vấn đề là các trường vận động, tuyên truyền thôi chứ cấm hẳn thì lại vi phạm Luật".

Một độc giả khác đề nghị Bộ GD&ĐT nên xem Vĩnh Phúc là một trường hợp đột phá trong xây dựng xã hội tiến bộ và nên thể chế hóa chủ trương này. "Sở GD Vĩnh Phúc nên thông qua Quốc Hội để bổ sung, hoàn thiện cho Bộ Luật Giáo dục".

Gọi hiện tượng này là "khoán 10" trong giáo dục, độc giả Vũ Hoàng Cương cho rằng những trường THPT làm được như vậy là có trách nhiệm xã hội cao, đem lại nhiều lợi ích cho phụ huynh, học sinh và giáo dục nước nhà. "Thật khâm phục Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc! Kính mong các thầy cô lãnh đạo và giáo viên trường THPT dũng cảm vượt qua khó khăn để thực hiện chủ trương này!"

Độc giả Nguyễn Vạn khen ngợi cách làm "quá hay" của Sở GD Vĩnh Phúc. "Điều gì xảy ra khi những học sinh kém vẫn được nộp hồ sơ thi đại học, nếu không đậu được ĐH-CĐ công lập thì các trường tư thục là cái nia sẽ hứng các em, rồi cũng CĐ, rồi sẽ liên thông ĐH, ra trường gia đình có mối quan hệ xã hội lai được vào các cơ quan công quyền, có phải chết dân không!"

Phạm luật và áp đặt


Ngược lại với những ý kiến đồng tình, độc giả Đặng Hải Triều cho rằng cần cho các em cơ hội, "làm như vậy là ép buộc! Đã nói là "tư vấn" thì cái quyền quyết định cuối cùng là do người được tư vấn chứ! Nó sẽ làm cho học sinh lười biếng, mất tinh thần phấn đấu. Khi các em thi thử thì kết quả không cao có nhiều nguyên nhân. Biết đâu sau khi thi thử thấy kết quả không tốt thì sẽ ráng học để thi đậu đại học. Đừng nên làm thế!"

Một học sinh THPT phản đối kịch liệt và đưa ý kiến: "Học sinh chúng em ai mà chẳng muốn bằng bạn bằng bè. Vi phạm quyền được học tập một cách trắng trợn thế này còn đâu là công bằng ... Áp đặt quá mức!"

Độc giả Nguyễn Văn Tuấn nêu ra một trường hợp hi hữu, học kém nhưng vẫn đỗ ĐH và cho rằng cách làm trên là chưa hợp lý. "Tôi từng gặp trường hợp một bạn không học hành gì, thậm chí thi tốt nghiệp THPT chỉ vừa đạt. Vậy mà trong vòng 1 tháng, từ lúc thi xong tốt nghiệp đến lúc thi đại học, bạn ấy cố gắng học chăm chỉ. Kết quả là được 20 điểm và đậu vào đại học đấy thôi!"

Không đồng tình với cách làm này, độc giả linhhonnguoiviet cho rằng đây là sự áp đặt đối với học sinh. Độc giả này ví cách làm này giống như dùng HS làm chuột thí nghiệm cho quy định mới.

Một giảng viên ĐH tha thiết mong báo chí vào cuộc để chấm dứt những quy định này, tạo tâm lý thoải mái cho các em. "Việc chọn thi vào ngành nào, trường nào, bậc học nào là quyền của các em học sinh. Nhà trường, thầy cô giáo chỉ tư vấn, góp ý với các em, chứ không cấm đoán, gây khó dễ cho các em học sinh như vậy. Các em lớp 12 đã rất mệt mỏi về chuyện học rồi, đừng gây thêm áp lực với các em học sinh nữa!".

"Nghe qua mọi người đều tưởng trường này rất có trách nhiệm với học sinh, nhưng thực tế là các lãnh đạo đang muốn có thành tích đỗ đạt cao nên sẵn sàng tước đoạt quyền lợi của học sinh" - một độc giả nhận xét.

Lại thêm tiêu cực?


Dù ủng hộ nhưng một số độc giả vẫn lo ngại về những tiêu cực có thể xảy ra nếu quy định này được nhân rộng mà không được quản lý công khai, minh bạch và chặt chẽ.

Độc giả tên Biên thừa nhận đây là hướng đi mới, định hướng tốt nhưng lại lo ngại "các khoá sau lại nảy sinh tiêu cực ở các trường THPT". Độc giả Khanh cũng đồng tình với cách làm này, "tuy nhiên các trường cần làm chặt chẽ tránh tình trạng xin-cho".

Cũng với lo ngại nảy sinh chạy điểm, hối lộ như trên, độc giả Hoàng Hùng phản đối kịch liệt và cho rằng các trường không có căn cứ gì để quyết định như vậy.

‘Sở không chỉ đạo từ chối hồ sơ”

Trước tranh cãi và áp lực từ dư luận, một số trường THPT của Vĩnh Phúc đã chấp nhận hồ sơ đăng kí thi ĐH của các em này, song vẫn có trường vẫn kiên quyết không nhận. Có trường nói với phụ huynh rằng nếu các em quyết tâm thi ĐH thì trường vẫn tạo điều kiện, nhưng khi HS đến nộp hồ sơ thì “thầy cô phụ trách nói không thu”.

Ông Nguyễn Xuân Trường – phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc khẳng định Sở không hề chỉ đạo các trường từ chối thu hồ sơ dự thi ĐH của HS, mà chỉ đề nghị các trường tư vấn, phân tích để HS, phụ huynh cân nhắc. Nếu nhà trường áp đặt là sai. “Chúng tôi mong muốn việc phân luồng có sự chuyển biến rõ rệt, một phần vì chính quyền lợi của HS, gia đình HS, một phần để điều chỉnh nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc trong tương lai. Nhưng việc này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, dân chủ. Nếu thật sự có chuyện áp đặt, chứng tỏ vai trò tư vấn, hướng nghiệp cần phải chấn chỉnh, phải bồi dưỡng năng lực cho những giáo viên làm công tác này”.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Dương Thị Tuyến – phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói trong khi nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng thì nhiều SV tốt nghiệp ĐH ra không có việc làm. Vì thế, tỉnh này đã quyết định hỗ trợ người học CĐ nghề 400.000 đồng/tháng, trung cấp nghề 350.000 đồng/tháng, bổ túc văn hóa + nghề 450.000 đồng/tháng. Đây là kế hoạch được tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra trong đề án dài hơi với giai đoạn đầu được tính từ năm 2011-2015.

Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Link: VietNamNet - Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học | Tranh cai chuyen cam hoc kem thi dai hoc

Còn ý các bác hắc đê nhà mình thì sao nè?
 

siusiuenen

New Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Sao lâu lâu lại có những ý tưởng QUÁI GỞ như vậy nhỉ ?
 

hellomoto

Active Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

may mà giờ mới coó ý tưởng, chứ hồi trước mà áp dụng thì chắc em tiu rồi =))
pó chiếu với mấy cụ nhà mình thật
 

dungdt2

New Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Quan điểm em là xét học bạ từ cấp 2 đến hết cấp ba - chú ý từ năm lớp 9 đến lớp 12 ấy, k thi thố gì tốn tiền, mệt người.
Dựa trên kết quả đó mà xếp học ngành gì và trường nào, k có thi thố gì cả!
 

b0ngb0t

Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

ý tưởng nghe có vẻ hay, nhưng ở VN thì chuyện gv trù dập h/s là ko có hiếm (đang và đã từng là nạn nhân)
kém có thể ng ta vẫn cố học để thi đỗ
chứ còn ko cho thi thì nó đã kém nó ở ** nó nhà chứ cố vs gắng cái j nữa :|
 

dragonlee

Well-Known Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Lại thêm một ý tưởng trên cả tuyệt vời.
Số đông ủng hộ vội vàng này còn tuyệt vời hơn nữa :))
 

b0ngb0t

Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Quan điểm em là xét học bạ từ cấp 2 đến hết cấp ba - chú ý từ năm lớp 9 đến lớp 12 ấy, k thi thố gì tốn tiền, mệt người.
Dựa trên kết quả đó mà xếp học ngành gì và trường nào, k có thi thố gì cả!

ý kiến của bác hay, nhưng giáo dục VN thì bệnh thành tích kinh khủng, nếu làm thế thì k công bằng vs ng học bài :-"
 

HHN

Active Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

May là bây giờ mới có chứ có từ trước thì chắc em không được học đại học :)) không biết mấy bác nhà mềnh còn nghĩ ra cái gì nữa không nhể :-"
 

ktq

Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Mấy anh đó nhảm vãi, nếu học kém thì chưa chắc nó đã đậu tốt nghiệp, thi đại học cái gì. Hay là kỳ tốt nghiệp này mấy anh ý có kế hoạch 100% nhỉ.

Đi dụ tụi học yếu chuyển sang học nghề thì hay hơn là phát cái lệnh như thế này.
 

haipvg

Well-Known Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Mình có 1 cậu bạn học từ lớp 6 đến lớp 11 dốt cự kỳ, còn lưu ban nữa, nguyên nhân do cậu ta chỉ thich vẽ. Đến cuối lớp 12 cậu ta tập trung học và đỗ cao điểm ĐH kiến trúc, sau này ra trường rất thành đạt
 

hoasimtim

Well-Known Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Quan điểm em là xét học bạ từ cấp 2 đến hết cấp ba - chú ý từ năm lớp 9 đến lớp 12 ấy, k thi thố gì tốn tiền, mệt người.
Dựa trên kết quả đó mà xếp học ngành gì và trường nào, k có thi thố gì cả!

Cách của bác chẳng khác gì Utopia;))
 

hoasimtim

Well-Known Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Kiểu như hoasimtim á, 3 năm tham gia vẫn chỉ 720p. Năm nay Sì Pam ác liệt lên UltraHD ngay! :))

Bác Tú nhầm rồi, 3 năm em vẫn HD-Upscapsule thôi:)) Tại trước đó em chỉ down thôi chứ không tham gia chém:)
 

buihung

Administrator
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Mấy hôm trước thì dài cổ ra chê là thừa thầy thiếu thợ, không chịu hướng nghiệp cho học sinh. Đến lúc người ta hướng nghiệp cho học sinh thì lại ném đá tơi bời.
 

thanhtung90

Active Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Học sinh kém thì đổ lỗi giáo viên, giáo viên phải cứu mình bằng cách cứu học sinh, cứu học sinh thì lại bảo tiêu cựu. Thế ai là người thực sự chết. Cứ đòi phải học thế này thế kia, chương trình học như cứt thì ai muốn học.
 

hoasimtim

Well-Known Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Học sinh kém thì đổ lỗi giáo viên, giáo viên phải cứu mình bằng cách cứu học sinh, cứu học sinh thì lại bảo tiêu cựu. Thế ai là người thực sự chết. Cứ đòi phải học thế này thế kia, chương trình học như cứt thì ai muốn học.

Bác đừng nóng, cái này phải nói với mấy anh Táo giáo dục ấy chứ;))
 

MyRom

Active Member
Ðề: Tranh cãi chuyện cấm học kém thi đại học

Einstein học ở Vĩnh Phúc, cuộc đời ông sẽ ra sao?

Các nhà tâm lý giáo dục học nghĩ sao khi việc không cho học sinh kém thi ĐH là đòn đánh tàn nhẫn vào lòng tự trọng của con người? Đó là sự xúc phạm về nhân phẩm, có thể gây nên những hậu quả và hệ lụy khó lường.

Chủ trương mới đây của Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc không cho học sinh kém đăng ký thi đại học với lý do là bớt tốn kém cho gia đình học sinh, "định hướng" cuộc đời hộ cho các em khiến cho không ít người bất bình.

Vi phạm quyền được học?


Vì chủ trương này- vô tình đã "khai tử" niềm hy vọng của một bộ phận thế hệ trẻ. Hơn nữa, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào đi nữa thì "can thiệp" thô bạo đến cuộc đời các em, nhân danh khuyên nhủ của người thầy, cũng vẫn là vi phạm nhân phẩm, vi phạm quyền được học của học sinh, mà Luật Giáo dục không hề quy định, cũng là điều khó có thể chấp nhận!

Trước hết, người viết bài này xin được bật mí một "bí mật" đã từng công bố: Nếu không có sự cứu xét đầy trách nhiệm, và đầy tính nhân văn của Trưởng ty Giáo dục (cũ) của tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Tài Đại thì tôi đã kết thúc cái sự học của mình từ hồi lớp 7(!).

Số là thi chuyển cấp lên lớp 8, tôi được 8 điểm văn, 4 điểm toán = trượt. Thầy Nguyễn Tài Đại đã xem xét và kết luận rằng vì tôi đoạt giải nhất học sinh giỏi văn thành phố Vinh lớp 7, nên ưu tuyên tuyển thẳng cho dù theo nguyên tắc là trượt.

Nếu Einstein học ở Vĩnh Phúc bây giờ, cuộc đời ông sẽ ra sao?
Nói như thế để thấy rằng cái kém của môn học này, không kém ở môn học kia; thất thế lĩnh vực A về cơ hội nhưng lại tỏ ra vượt trội ở điều kiện B là điều không hề hiếm.

Mặt khác, sai lầm của nền giáo dục nước ta là đã tạo ra vô số học sinh "kém" không đúng như đòi hỏi của cuộc đời: Tôi không thích học toán, sao từ cấp trung học cơ sở, chẳng cho tôi học ban C? Cách làm này thật ra là cũ mòn vì hàng loạt nước trên thế giới đã áp dụng từ đời thuở đời thuở nào...

Còn nếu người thầy muốn tư vấn, hướng nghiệp cho các em, hãy tư vấn, hướng nghiệp từ lúc các em mới bước vào cấp THPT. Không thể đánh đùng một cái, không cho các em đăng ký thi ĐH, với lý do tốn kém cho... gia đình họ!

Người lớn chúng ta, nhất là ngành GD không có quyền "đóng sập" cánh cửa cuộc đời với bất kỳ ai, cho dù người đó kém cỏi cách mấy. Đây không chỉ là pháp lý, cái ứng xử tối thiểu về mặt văn hóa mà còn là nguyên tắc đạo đức tối thượng, theo cách nói của GS Michael Sandle - Đại học Harvard.

"Không có học sinh dốt, chỉ có người thầy dốt"


Tại sao không nghĩ rằng học sinh kém do rất nhiều nguyên nhân khác nhau (như trường hợp tương tự đã nêu), mà không ít em trong số đó, do người thầy, do nhà trường, do ngành GD?

Có một GS nổi tiếng đã nói: Không có học sinh dốt, chỉ có người thầy dốt! Để nhấn mạnh tới cái trách nhiệm tận cùng của người thầy, của nhà trường. Và cũng là của ngành GD. Tại sao, thầy kém, nhà trường kém, GD kém, người phải chịu lại chính là các em học sinh?

Có những nguyên nhân mà nếu điều kiện, hoàn cảnh GD thay đổi, chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để lấp đầy những thiếu hụt về kiến thức cho các em. Chẳng hạn thời trẻ, nếu tôi bỏ công sức để dùi mài kinh sử, học thật lực ba môn thi ĐH mà tôi đam mê, có cơ hội, thì hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi số phận của mình.

Biết bao học sinh giỏi toán nhưng dốt tệ hại môn lịch sử, môn kỹ thuật nông nghiệp, môn thể dục? Hàng chục môn học là hệ quy chiếu để phân loại dốt - khá - giỏi, có thật đúng hay chưa?

Trong cuộc đời, một người không thể làm nổi một câu thơ nhưng hoàn toàn đủ khả năng để làm ra một loại máy móc mới là bình thường. Ai cũng biết A. Einstein thi trượt phổ thông mặc dù rất giỏi toán và lý.


Điều rất cần phải nhấn mạnh là, không ít địa phương, cứ nhân danh "sáng tạo" rồi đưa ra hết thay đổi này đến thay đổi khác, làm dân khổ bởi những quy định... bất chấp luật pháp(!?) Làm sao có thể chấp nhận một cơ chế hành chính đứng trên luật?

Luật pháp không cho phép tồn tại cái gọi là "quyền" của cơ quan giáo dục cấp tỉnh muốn xoay vần, đảo lộn cuộc đời của lớp trẻ như thế nào tùy ý.

Chẳng lẽ người ta muốn thử nghiệm một cái gì đó có cái tên đẹp đẽ là "mới" bằng cách thí nghiệm ngay trên cuộc đời của ai đó - tức là dùng con người như là một công cụ để biện minh cho việc làm vô lý của mình?

Điều cuối cùng - cũng là điều quan trong nhất: Các nhà tâm lý giáo dục học nghĩ sao khi việc không cho học sinh kém thi ĐH là đòn đánh tàn nhẫn vào lòng tự trọng của con người? Đó là sự xúc phạm về nhân phẩm, gây nên những hậu quả và hệ lụy khó lường.

Những học sinh bị xã hội (Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phú) loại bỏ công khai, trực tiếp sẽ bị ám ảnh suốt đời về cái kiếp sống kém cỏi suốt đời. Đó là chưa nói đến cái shock của lứa tuổi trẻ chưa qua, nghĩ xa chưa đến, nếu quẫn trí, hành động bột phát..., thì sẽ ra sao?

Một nhà hiền triết đã nói rằng, mất tiền bạc có thể kiếm lại lúc khác, trong hoàn cảnh khác. Mất của cải có thể sắm lại, mất người yêu biết đâu là cơ hội để có hạnh phúc đáng trân trọng hơn.... Nhưng nếu để mất niềm tin thì sẽ mất tất cả!

Không một ai có quyền tước bỏ niềm tin của người khác, tước bỏ sự hy vọng chứng tỏ mình trước thử thách, về nỗ lực cố gắng trước sự ngặt nghèo, về ước mong thay đổi của một con người!

Link: VietNamNet - Einstein học ở Vĩnh Phúc, cuộc đời ông sẽ ra sao? | Einstein hoc o Vinh Phuc, cuoc doi ong se ra sao?
 
Bên trên