lengockhanhi
Film critic

Có vẻ hơi kì cục khi Nhi so sánh giữa thú vui phim ảnh và các tôn giáo, như trong bài hôm nay, nhưng thực sự nếu bạn đam mê phim ảnh đến một mức độ cao, và đặt phim ảnh vào một vị trí quan trọng trong cuộc sống thì bạn sẽ thấy giữa hai khái niệm: Xem phim và tu hành 1 tôn giáo có nhiều điểm rất gần gũi. Cũng như tôn giáo, xem phim ảnh là một hình thức giao tiếp giữa tâm hồn con người và một thế giới khác, tiếp nhận những thông điệp và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chúng. Bạn có thể thấy hoan lạc, bình yên trong bộ phim, thư giãn đầu óc và sau khi xem xong bạn sẽ có sự thay đổi về quan niệm sống và hành vi. Cũng như tôn giáo, điện ảnh cho thế gian những thần tượng, những khuôn mặt và những nhân vật mà khán giả tôn thờ, hâm mộ. Cũng như các vị thánh, những thần tượng này bất tử và vượt ra khỏi thời gian. Và cũng như cách thờ phượng trong tôn giáo, điện ảnh cũng đến với mọi nhà, trong mỗi gia đình và mở rộng cửa với mọi người tại các thánh đường, là những rạp cinema. Nhi sẽ bàn về sự khác biệt giữa hai cách ‘tu hành’ của tín đồ cinephile, tu tại gia với dàn home cinema của mình, hay thăm viếng thánh đường theo định kì ?
Nếu đến thăm nhà ai đó có đạo, chúng ta sẽ thấy trong nhà có đầy đủ góc riêng để thờ phượng và sinh hoạt tâm linh, dù nhà nghèo hay nhà giàu, đạo Phật hay Thiên Chúa, họ cũng bày bàn thờ, kinh sách, ảnh tượng, nhang đèn, và họ cầu nguyện, tụng niệm trong không gian nhỏ bé đó. Đối với 1 tín đồ cinephile thì góc xem phim của họ cũng thực sự thiêng liêng, họ sẽ không tiếc công sức để khuân về nhà những thứ tốt nhất, độc đáo nhất, đẹp nhất trang bị cho phòng xem phim của mình, như màn hình, máy chiếu, ampli, loa, đầu dĩa, ghế ngồi, poster… Một dàn home cinema đối với dân cinephile cũng quan trọng như một bàn thờ vậy.
Khác với home cinema, rạp cinema thực sự lại là một chốn công cộng. Dân ghiền xem phim luôn đều đặn đến rạp cinema định kì hàng tuần hay hàng tháng không khác chi người có đạo đi lễ chùa hay nhà thờ. Nơi đó luôn mở rộng cửa cho mọi người, với khán phòng rộng lớn chứa rất đông người, trong đó một người không chỉ xem phim mà còn có sự giao tiếp với các tín đồ khác. Rạp cinema có tầm vóc lớn hơn, mọi thứ đều hoành tráng, vĩ đại, màn ảnh rộng, âm thanh lớn hơn và chiếu phim mới nhất. Cũng như tại thánh lễ, một buổi chiếu phim có những nghi thức, khán giả thụ động tiếp nhận, và có sự chia sẻ của cộng đồng.
Mỗi hình thức xem phim hay tu luyện tại hai nơi này có những ưu điểm và nhược điểm riêng, chúng không thể thay thế hoàn toàn cho nhau, nhưng hỗ trợ nhau trong con đường đi đến sự đam mê.
Xem phim tại nhà là hình thức tiếp cận phim ảnh chủ động, dễ chịu nhất, sâu nhất, gần gũi nhất, trước hết nó diễn ra trong tinh thần tự chủ, độc lập, của riêng cá nhân bạn. Bạn hoàn toàn chủ động về thời gian, và sở thích của mình. Bạn xem phim lúc nào bạn muốn, trong một góc riêng, không có ai nhìn ngó bạn cười sặc sụa hay rơi nước mắt trong bộ phim. Bạn có thể tạm dừng bộ phim và quay trở lại sau đó, bạn có thể xem đi xem lại nhiều lần 1 cảnh hay cho qua nhanh nếu phim hơi chậm và chán. Đó là tiếp cận theo chiều sâu, mà khi xem tại rạp bạn không làm được. Khác với xem phim tại rạp, bạn không cần phải vừa xem phim vừa câu nệ những qui tắc ứng xử cộng đồng, bạn có thể ăn, uống, mặc quần áo gì cũng được, làm bất cứ thứ gì bạn muốn, và bộ phim đó là của riêng bạn, phục vụ 1 mình bạn. Bạn tự phục vụ mình mọi thứ, từ chọn phim, đưa vào máy, và tự mình mở TV, tắt đèn, tự mình nhấn nút cho máy chiếu phim và cũng tự mình tắt máy. Nhi không bao giờ quên được kỉ niệm của tuổi thơ, mà mỗi bộ phim mình xem tại nhà đều gắn liền với một hoàn cảnh, một cảm xúc, một hình ảnh nào đó. Khi xem rạp, bạn sẽ không có nhiều kỉ niệm đến vậy đâu, vì rạp chiếu luôn là căn phòng tối đóng kín, còn ở nhà bạn thì khác. Nhi nhớ bộ phim Aliens mình xem trong một buổi chiều mưa rả rích ngoài song cửa, trong một ngày cuối hè khi mẹ vắng nhà, Nhi nhớ những bộ phim Nhi xem trong căn phòng nhỏ của mình, vào những đêm mát mẻ, những món ăn vặt dễ thương và bộ lông con mèo yêu quí của mình đang kêu gừ gừ trong lòng. Đó là cách bạn gắn bộ phim với cuộc đời của riêng mình.
Tuy nhiên, cũng như trong tôn giáo, việc tu tại gia không bao giờ thay thế được cho cách hành đạo tại giáo đường, vì chỉ ở thánh đường những thông điệp tôn giáo mới có đủ tất cả những vẻ đẹp của nó. Không phải đơn giản vì bức tượng Phật bà ở chùa hay chúa Jesus trên cung thánh to tát hơn, vĩ đại hơn bức tượng ở nhà bạn, mà vì không gian ở nhà thờ hay chùa có sự kết hợp tinh tế, hoàn hảo nhất về mỹ thuật, tâm linh và tinh thần của tôn giáo. Phim ở rạp chiếu có một vẻ đẹp không gì thay thế được. Hình ảnh trên màn hình LCD không bao giờ có một độ trong suốt, màu sắc không thể quyến rũ và sâu bằng hình ảnh chiếu lên màn chiếu trong rạp. Ánh đèn của máy chiếu màu trắng vàng, ấm, tự nhiên như sắc nắng, màu sắc của phim cellulose giống như bạn quan sát cảnh vật qua một ô cửa sổ, tự nhiên và có chiều sâu, bạn sẽ tưởng chừng hình ảnh đó có thật phía sau màn ảnh chỉ cách một lớp kính mà thôi. Màu đen hoàn toàn tự nhiên, sắc vàng của ngọn lửa ấm áp. Những vết xước trên phim và bóng mờ, nhòe ở góc màn hình cũng đẹp như lớp sơn trên một bức tranh cổ xưa, vẻ đẹp hoàn hảo của sự không hoàn hào. Vẻ đẹp đó không bao giờ bạn có thể xem được tại nhà.
Cũng như tại thánh lễ, phim chiếu rạp theo những nghi thức và bạn phải thụ động chờ đợi từng bước, từ khi vào chỗ ngồi, nhìn khán phòng tràn ngập ánh sáng trên đầu, đến khi ánh sáng ấy dịu đi dần dần và tàn lụi, cảm giác sung sướng hạnh phúc lúc đèn tắt trong rạp không thể có được ở nơi khác, vì nó là sự đáp ứng sự chờ đợi, tò mò bằng niềm vui thỏa mãn. Sẽ có trailer những phim sắp chiếu, rồi vào phim, và bạn bắt buộc phải ngồi xem hết phim mà không thể can thiệp cho phim đi nhanh hơn theo ý mình, bạn sẽ nhận được thông điệp trung thành với ý đồ của đạo diễn. Và phim hết, đèn sáng, mọi người kéo nhau ra về bàn tán xôn xao.
Đã nhiều lần Nhi thực sự thăng hoa cảm xúc cùng với hàng trăm người quanh mình khi bộ phim kết thúc, cảm giác đó thực sự phấn khích, không thua gì tiếng hò reo trên sân bóng đá hay trong nột phiên tòa. Nhi nhớ lúc xem phim The Hill have Eyes, cảnh anh chàng vai chính hạ gục tên quái nhân bằng chiếc búa, cả khán phòng rú lên như man dại, âm thanh cộng hưởng với tiếng kèn trong phim tạo ra cảm giác vô cùng kì lạ, Nhi nghĩ ngày xưa trò giác đấu cũng chỉ đến thế này là cùng. Tương tự, điệu nhạc kết thúc phim The Dark Knight được đệm bằng từng tràng pháo tay tán thưởng của tất cả khán giả, họ vỗ tay nhiệt liệt, reo hò, huýt sáo vô cùng hứng khởi. Những tràng pháo tay đó cũng đã vang lên trong phim Black Swan, Inception, khen ngợi bộ phim, và Nhi là một trong số khán giả đó. Hiệu ứng cộng đồng này chỉ có thể đến với bạn một lần trong đời, và tại rạp cinema.
Để kết luận, Nhi muốn nhắc lại là, hai cách thức tiếp cận phim ảnh, tu tại gia hay viếng thánh đường cinema đều có những lợi ích riêng, cả hai bổ sung cho nhau để đưa bạn đến với niềm đam mê. Nhi mong là các bạn có dàn homecinema dù hiện đại thoải mái đến đâu, cũng nên đến rạp xem phim khi có thời gian. Chúc các bạn xem phim thật vui.