Công cụ tìm kiếm Google, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới vừa tiết lộ: việc "Google" mọi thứ có thể vừa là nguồn khơi dậy sáng tạo, vừa là yếu tố kìm hãm nó, tùy thuộc vào hoàn cảnh và cách chúng ta sử dụng.
Trong thế giới không ngừng thay đổi, khả năng đưa ra những ý tưởng mới mẻ và giải pháp đột phá cho các vấn đề là yếu tố then chốt giúp con người thích nghi và phát triển. Khả năng sáng tạo này thường gắn liền với một khái niệm tâm lý học gọi là "hiệu ứng cố định" (fixation effect), đây là hiện tượng khi con người bị mắc kẹt trong một lối tư duy nhất định do đã tiếp xúc với những ví dụ hoặc ý tưởng cụ thể trước đó.
Nghiên cứu mới của Đại học Carnegie Mellon (CMU) đã đi sâu vào tác động của việc truy cập internet, cụ thể là việc sử dụng Google, đến khả năng sáng tạo của con người. Liệu việc có thể "Google" mọi thứ có thực sự giúp ích hay lại cản trở khả năng nảy sinh những ý tưởng độc đáo?
Tiến sĩ Mark Patterson, phó giáo sư giảng dạy tại Khoa Khoa học Xã hội và Quyết định (SDS) của CMU, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này: "Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách nghiên cứu cách suy nghĩ của con người tương tác với việc sử dụng công nghệ, chúng ta có thể tìm ra cách để tận dụng tối đa Internet trong khi giảm thiểu những hậu quả tiêu cực".
Ông cũng cho rằng, đối với những thách thức lớn hơn ở cấp độ xã hội, việc tận dụng sự đa dạng trong tư duy và các giải pháp đòi hỏi các nhóm phải đưa ra nhiều chiến lược giải pháp khác nhau.

Thử nghiệm thực tế: Khiên, ô và những ý tưởng bất ngờ
Các nhà nghiên cứu tại CMU đã tiến hành một thí nghiệm trên 244 sinh viên đại học (từ 18 đến 22 tuổi), chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: một nhóm có quyền truy cập Google và một nhóm thì không.Nhiệm vụ của họ là đưa ra những cách sử dụng mới lạ cho một vật thể nhất định: một chiếc khiên hoặc một chiếc ô, trong vòng ba phút. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tỉ mỉ đánh giá số lượng và chất lượng ý tưởng của từng cá nhân (sáng tạo cá nhân), cũng như tổng hợp các ý tưởng của từng nhóm như thể họ đang động não cùng nhau.
Kết quả thu được rất thú vị và có phần trái ngược tùy vào ngữ cảnh: Đối với hiệu suất cá nhân, khi từ khóa tìm kiếm trên Google cung cấp nhiều gợi ý phong phú, như trường hợp của "ô" (người dùng có thể tìm thấy hàng loạt công dụng như che mưa, che nắng, làm gậy đi bộ, làm vật trang trí...) thì những người tham gia có quyền truy cập internet đã tạo ra nhiều ý tưởng hơn hẳn.
Tuy nhiên, khi từ khóa trên Google đưa ra ít gợi ý hơn, như trường hợp của "khiên" (có lẽ ít ý tưởng sáng tạo về công dụng thứ cấp hơn), việc có quyền truy cập internet lại không mang lại lợi thế đáng kể nào.
Trong khi đó, các nhóm không có quyền truy cập Google luôn tạo ra nhiều ý tưởng đa dạng và độc đáo hơn, đặc biệt là khi quy mô nhóm tăng lên. Ngược lại, các nhóm có quyền truy cập Google thường có xu hướng hội tụ vào cùng một ý tưởng chung, dẫn đến sự trùng lặp và giảm tính đa dạng của các giải pháp.
Các nhóm không sử dụng Google cũng đóng góp nhiều hơn vào các ý tưởng "đơn lẻ", tức là những ý tưởng chỉ xuất phát từ một thành viên duy nhất, điều này chính là yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo tập thể một cách mạnh mẽ.

Chất lượng ý tưởng: Google không phải lúc nào cũng vượt trội
Để đánh giá chất lượng của các ý tưởng, các nhà nghiên cứu đã phân loại phản hồi theo ba tiêu chí: tính hữu ích (hiệu quả), tính bất ngờ (mới lạ) và tính sáng tạo tổng thể. Kết quả cho thấy các nhóm không có quyền truy cập internet hoạt động tốt hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với các nhóm có Google ở hầu hết ba hạng mục này. Lợi thế của việc không sử dụng Google là rõ rệt nhất ở tiêu chí hiệu quả và tính sáng tạo, mặc dù kém nhất quán hơn ở tiêu chí mới lạ.Giáo sư Danny Oppenheimer, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: "Điều này có vẻ là do người dùng Google thường đưa ra cùng một câu trả lời chung, thường theo cùng một thứ tự, khi họ dựa vào Google, trong khi người dùng không sử dụng Google lại đưa ra những câu trả lời khác biệt hơn".
Ông cũng khẳng định đây là bằng chứng đầu tiên về hiệu ứng cố định được tạo ra bởi tìm kiếm trên internet. Oppenheimer minh họa bằng một ví dụ cụ thể: "Ví dụ, một người đang cố gắng động não về 'những thứ bạn có thể phết lên' khi thấy người khác hoặc Google đưa ra câu trả lời như 'bơ' hoặc 'mứt' thì có nhiều khả năng đưa ra các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như phô mai kem, và ít có khả năng đưa ra các câu trả lời không liên quan đến thực phẩm, như bệnh tật hoặc tin đồn".
Điều này cho thấy Google, bằng cách cung cấp những ý tưởng phổ biến, đã vô tình "neo" tư duy của người dùng vào một khuôn khổ nhất định, làm giảm khả năng thoát ly và suy nghĩ khác biệt.

Nghiên cứu cũng thừa nhận một số hạn chế: chỉ có hai vật phẩm (khiên và ô) được sử dụng, và chúng có thể khác nhau về mức độ quen thuộc và phức tạp, ảnh hưởng đến kết quả; Một buổi động não chỉ kéo dài ba phút cũng có thể hạn chế việc tạo ra ý tưởng sâu sắc hơn. Ngoài ra, những người tham gia đều là sinh viên đại học từ các tổ chức ưu tú, do đó kết quả có thể khác biệt ở những nhóm dân số rộng hơn.
Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Ở cấp độ cá nhân, trong khi công cụ trực tuyến có thể giúp một số người nảy sinh ý tưởng, thì các nhóm sử dụng cùng một công cụ lại dễ rơi vào bẫy sao chép ý tưởng và mất đi sự đa dạng sáng tạo.
Việc quá phụ thuộc vào tìm kiếm internet trong quá trình động não có thể dẫn đến sự tuân thủ và ít đổi mới hơn, đặc biệt trong các nhóm lớn. Ở cấp độ xã hội, nhiều vấn đề lớn đòi hỏi tư duy mới lạ, vượt ra khỏi khuôn khổ.
Nếu tất cả mọi người đều đổ xô vào cùng một nguồn trực tuyến, chúng ta có nguy cơ đồng nhất hóa đầu ra sáng tạo, điều này có thể cản trở việc giải quyết vấn đề ở quy mô lớn.